Huấn Luyện Chương Trình Giảng Dạy
Áp Dụng và Điều Chỉnh Phần Huấn Luyện về Chương Trình Giảng Dạy Lớp Giáo Lý


“Áp Dụng và Điều Chỉnh Phần Huấn Luyện về Chương Trình Giảng Dạy Lớp Giáo Lý,” Huấn Luyện về Chương Trình Giảng Dạy Lớp Giáo Lý (năm 2025)

Hình Ảnh
người phụ nữ đang học

Áp Dụng và Điều Chỉnh Phần Huấn Luyện về Chương Trình Giảng Dạy Lớp Giáo Lý

Có nhiều cách hiệu quả để chuẩn bị giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Phần chuẩn bị này luôn bao gồm việc thành tâm học hỏi lời của Chúa và tìm kiếm sự hướng dẫn từ Đức Thánh Linh để biết cách tốt nhất giúp những người anh chị em giảng dạy được cải đạo sâu sắc hơn theo Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm phục hồi của Ngài.

Chương trình giảng dạy lớp giáo lý là một nguồn tài liệu đáng tin cậy để hướng dẫn anh chị em trong việc chuẩn bị bài học và giúp anh chị em giảng dạy giáo lý chân chính. Khi anh chị em sử dụng nguồn tài liệu này, trước hết hãy tìm cách áp dụng những điều trong chương trình giảng dạy, sau đó cân nhắc nhu cầu của học viên và sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh để hiểu chỗ nào anh chị em có thể cần phải điều chỉnh so với một số ý kiến trong chương trình giảng dạy.

Hãy suy ngẫm về lời khuyên dạy sau đây từ Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn về việc sử dụng chương trình giảng dạy để chuẩn bị cho các bài học của lớp giáo lý:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Dallin H. Oaks

Trước hết chúng ta áp dụng, rồi sau đó điều chỉnh. Nếu đã hoàn toàn quen thuộc với bài học mà mình chuẩn bị dạy thì chúng ta có thể tuân theo hướng dẫn củaThánh Linh để điều chỉnh bài học đó. Nhưng khi nói về sự linh động này, chúng ta cũng có cám dỗ để thay đổi bài học thay vì dạy theo bài học. Đó là một sự cân bằng. Đó luôn là một thử thách. Nhưng phương pháp dạy theo bài học trước rồi mới thích nghi là một cách tốt để có thể có sự chắc chắn khi giảng dạy. (“A Panel Discussion with Elder Dallin H. Oaks” [Buổi phát sóng qua hệ thống vệ tinh của Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý Tôn Giáo, ngày 7 tháng Tám năm 2012], broadcasts.ChurchofJesusChrist.org)

  • Anh chị em nghĩ tại sao việc áp dụng những gì có trong chương trình giảng dạy trước khi điều chỉnh chúng là quan trọng?

Áp Dụng Chương Trình Giảng Dạy

Mục Tiêu của Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý Tôn Giáo nêu rõ rằng chúng ta “giúp giới trẻ và những người thành niên trẻ tuổi gia tăng sự cải đạo của họ theo Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm phục hồi của Ngài.” Mục tiêu tiếp tục nêu ra những điều sau đây về việc giúp học viên gia tăng sự cải đạo:

Chúng ta đặt trọng tâm của mỗi kinh nghiệm học tập nơi Chúa Giê Su Ky Tô cùng tấm gương, các thuộc tính, và quyền năng cứu chuộc của Ngài. Chúng ta giúp học viên học hỏi phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô như được ghi chép trong thánh thư và lời của các vị tiên tri. Chúng ta giúp học viên tự làm tròn bổn phận học hỏi của họ. Chúng ta cố gắng mời Đức Thánh Linh làm tròn vai trò của Ngài trong mỗi kinh nghiệm học tập.

Chương trình giảng dạy lớp giáo lý được thiết kế cẩn thận để giúp anh chị em mang đến loại kinh nghiệm học tập này. Mỗi bài học tập trung kinh nghiệm học tập vào Chúa Giê Su Ky Tô (đặt Đấng Ky Tô làm trọng tâm), giúp học viên học phúc âm từ thánh thư và những lời của các vị tiên tri (dựa trên thánh thư), và tạo cơ hội cho học viên làm tròn vai trò của họ trong kinh nghiệm học hỏi (tập trung vào học viên). Bằng cách kết hợp ba yếu tố quan trọng này của mục tiêu, chúng ta mời Đức Thánh Linh làm tròn vai trò của Ngài trong kinh nghiệm học hỏi. Tài liệu Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi nêu ra rằng “Thánh Linh mới là người thực sự giảng dạy và là nguồn gốc thật sự của sự cải đạo.” Chỉ khi Thánh Linh hiện diện thì sự cải đạo theo Đấng Cứu Rỗi mới có thể thực sự xảy ra một cách sâu sắc.

Hình Ảnh
Biểu đồ Kinh Nghiệm Học Tập do Thánh Linh Hướng Dẫn

Biểu đồ này minh họa kinh nghiệm tập trung vào Đấng Ky Tô, dựa trên thánh thư, và tập trung vào học viên, mời Đức Thánh Linh thực hiện vai trò của Ngài. Màu vàng chỉ mức độ mà kinh nghiệm học tập giúp mời Đức Thánh Linh hiệu quả hơn. Trọng tâm của biểu đồ này minh họa khi Thánh Linh hướng dẫn kinh nghiệm học tập và học viên gia tăng sự cải đạo theo Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm phục hồi của Ngài. Bằng cách áp dụng chương trình giảng dạy lớp giáo lý, chúng ta gia tăng khả năng học viên sẽ có được kinh nghiệm học tập do Thánh Linh hướng dẫn trong lớp giáo lý. Chương trình giảng dạy lớp giáo lý cũng đã được xem xét kỹ và tương quan để giúp anh chị em:

  • Đảm bảo tính chính xác của giáo lý.

  • Phản ánh chủ ý của tác giả đã được soi dẫn.

  • Duy trì một phương pháp cân bằng để làm mẫu các nguyên tắc giảng dạy giống như Đấng Ky Tô được tìm thấy trong tài liệu Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi.

  • Cung cấp kinh nghiệm học tập để học viên chia sẻ và trình bày những điều họ đang học.

  • Hãy sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau.

Có rất nhiều điều quan trọng cần cân nhắc khi chuẩn bị một bài học. Việc áp dụng chương trình giảng dạy có thể giúp hướng dẫn anh chị em về nội dung và cách thức giảng dạy. Điều đó cũng có thể giúp anh chị em luôn ở trên một nền tảng giáo lý vững chắc.

Sau đây là một số cách mà anh chị em có thể áp dụng chương trình giảng dạy:

  • Đọc kỹ mục đích của bài học. Điều này có trong tài liệu khái quát và câu cuối cùng trong lời giới thiệu cho mỗi bài học. Tất cả nội dung và sinh hoạt đều phù hợp với mục đích hoặc kết quả học tập này.

  • Đọc hết bài học. Hãy suy ngẫm cách học viên sẽ đọc các câu thánh thư được chọn, các lẽ thật được in đậm, các câu trích dẫn và các sinh hoạt để phù hợp với mục đích của bài học và mang lại kinh nghiệm tập trung vào Đấng Ky Tô, dựa trên thánh thư, và tập trung vào học viên. Hãy chú ý kỹ đến sinh hoạt học tập gần cuối bài học, mà mang đến cho học viên cơ hội để cho thấy mục đích của bài học.

  • Cân nhắc việc trả lời các câu hỏi và thực hiện các sinh hoạt như thể anh chị em là một học viên. Điều này có thể giúp anh chị em học hỏi bằng Thánh Linh và được gây dựng, nâng cao và chuẩn bị kỹ hơn để mang đến một kinh nghiệm tương tự cho học viên của mình trước khi bước vào lớp học.

  • Hãy cố gắng hiểu và dạy tất cả các loại bài học có trong chương trình giảng dạy, ngay cả khi những bài học đó mới đối với anh chị em. (Loại bài học bao gồm các bài học trong Khóa Học Thánh Thư, các bài Thực Hành Thông Thạo Giáo Lý, các bài học Đánh Giá Việc Học Tập của Em, và các bài học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống.) Mỗi kinh nghiệm học tập này góp phần theo những cách riêng biệt để làm gia tăng sự cải đạo của học viên theo Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài.

Việc chọn áp dụng những điều trong chương trình giảng dạy có thể đặc biệt quan trọng với các bài học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống. Các bài học này tập trung vào nhiều đề tài quan trọng khác nhau cho cuộc sống của học viên. Các tài liệu này đã được phát triển với sự giúp đỡ của các sở khác nhau của Giáo Hội và các chuyên viên khác khác trong nhiều lĩnh vực. Một số giảng viên có thể cảm thấy không đủ khả năng để dạy một số môn học về Chuẩn Bị cho Cuộc Sống nhưng lại cảm thấy có chuyên môn sâu rộng trong các môn học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống khác. Trong cả hai trường hợp, các giảng viên nên sáng suốt áp dụng chương trình giảng dạy trước khi điều chỉnh thích nghi chương trình giảng dạy đó. (Xin xem các ví dụ điển hình về Anh AlvarezChị Sato.)

Ví dụ điển hình cho việc áp dụng chương trình giảng dạy

Anh Alvarez—Một giảng viên cảm thấy không đủ khả năng để dạy một bài học nào đó về Chuẩn Bị cho Cuộc Sống

Anh Alvarez là một người cải đạo vào Giáo Hội và không phục vụ truyền giáo toàn thời gian. Anh ấy cảm thấy không đủ khả năng để giảng dạy về việc chuẩn bị cho công việc truyền giáo, bởi vì anh ấy chưa bao giờ phục vụ truyền giáo và cân nhắc về việc bỏ qua phần Chuẩn Bị Truyền Giáo của các bài học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống. Tuy nhiên, khi bắt đầu xem xét các bài học, anh nhận thấy rằng các bài học này tập trung vào Đấng Ky Tô như một tấm gương hoàn hảo về việc chia sẻ phúc âm của Ngài và không trông cậy vào những kinh nghiệm của chính mình. Chúng bao gồm các câu thánh thư sâu sắc và các sinh hoạt hấp dẫn để giúp các học viên của anh chuẩn bị để phục vụ với tư cách là những người truyền giáo cho Chúa. Anh nhận ra rằng các bài học trong chương trình giảng dạy có thể giúp các học viên của mình có được kinh nghiệm tuyệt vời mặc dù bản thân anh thiếu kinh nghiệm với việc chuẩn bị truyền giáo.

Chị Sato—Một giảng viên có nhiều kinh nghiệm chuyên môn trong một chủ đề nào đó về Chuẩn Bị cho Cuộc Sống

Chị Sato đang chuẩn bị giảng dạy một bài học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống về cách quản lý tài chính. Chị ấy là một nhà hoạch định tài chính chuyên nghiệp và rất hào hứng được chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình với lớp giáo lý. Khi thành tâm nghiên cứu chương trình giảng dạy, chị nhận ra tính giản dị của tài liệu và sự nhấn mạnh vào Chúa Giê Su Ky Tô và thánh thư. Chị xác định rằng việc giảng dạy bài học như đã được nêu trong chương trình giảng dạy sẽ giúp học viên củng cố đức tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô và cung cấp cho họ các nguyên tắc tài chính cơ bản phù hợp với từng giai đoạn của cuộc sống. Thay vì chuẩn bị giảng dạy các nguyên tắc tài chính nâng cao, Chị Sato quyết định bám sát bài học trong chương trình giảng dạy.

Điều Chỉnh Chương Trình Giảng Dạy

Với tư cách là giảng viên lớp giáo lý, anh chị em đang ở một vị trí đặc biệt để giúp học viên của mình đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô. Qua những mối tương tác thường xuyên với học viên của mình, anh chị em sẽ tiến đến việc biết rõ và yêu thương họ. Việc biết và yêu thương học viên của anh chị em sẽ gia tăng khả năng để nhận được sự soi dẫn từ Đức Thánh Linh về thời điểm và cách điều chỉnh với chương trình giảng dạy. Khi anh chị em chuẩn bị bài học bằng cách sử dụng chương trình giảng dạy, hãy bắt đầu chuẩn bị bằng lời cầu nguyện. Cha Thiên Thượng sẽ soi dẫn anh chị em qua Đức Thánh Linh về những sự điều chỉnh mà anh chị em có thể thực hiện đối với nội dung bài học để đáp ứng tốt hơn nhu cầu và khả năng của học viên.

Các lý do anh chị em có thể điều chỉnh một bài học gồm có:

  • Để giúp học viên với các vấn đề và thắc mắc hiện tại. (Xin xem ví dụ điển hình về Anh Jones.)

  • Để làm cho một phần của bài học phù hợp hơn dựa trên nhu cầu, khả năng, văn hóa, hoặc nguồn tài liệu sẵn có của học viên. (Xin xem ví dụ điển hình về Chị Dube, Anh ReyesChị Rodriguez.)

  • Để sử dụng những lời phát biểu, hướng dẫn hoặc nguồn tài liệu gần đây hơn do các vị lãnh đạo của Giáo Hội cung cấp. (Xin xem ví dụ điển hình về Chị Schmidt.)

  • Để tìm ra cách tốt hơn để hoàn thành một phần nhất định của bài học. Các ví dụ có thể bao gồm điều chỉnh một bài học cụ thể theo cách mà vẫn chuẩn bị tâm trí và tấm lòng của học viên để được dạy hoặc mời học viên đóng diễn một câu chuyện từ thánh thư thay vì xem video mô tả cùng một sự kiện. (Xin xem ví dụ điển hình về Anh Li.)

Trước khi điều chỉnh chương trình giảng dạy, hãy cân nhắc việc tự hỏi bản thân những câu hỏi như sau:

  • Sự điều chỉnh của tôi có còn cung cấp một kinh nghiệm học tập mà tập trung vào Đấng Ky Tô, dựa trên thánh thư, và tập trung vào học viên không?

  • Sự điều chỉnh của tôi có hòa hợp với những thúc giục của Đức Thánh Linh và các nguyên tắc giảng dạy giống như Đấng Ky Tô trong tài liệu Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi không?

  • Sự điều chỉnh có phản ánh chủ ý của tác giả được soi dẫn không?

  • Sự điều chỉnh có tập trung vào các nguyên tắc cải đạo không?

  • Tôi có hiểu sự điều chỉnh có thể ảnh hưởng như thế nào đến các bài học và kinh nghiệm đánh giá trong tương lai của học viên không?

Ví dụ điển hình về việc điều chỉnh chương trình giảng dạy

Anh Jones—Điều chỉnh một bài học dựa trên các vấn đề hiện tại và nhạy cảm về thời gian

Anh Jones siêng năng chuẩn bị vào ngày thứ Sáu trước ngày cuối tuần của đại hội trung ương để giảng dạy một bài học về Khóa Học Thánh Thư cho ngày thứ Hai sắp tới. Anh ấy ngạc nhiên khi nghe vị tiên tri loan báo rằng một ngôi đền thờ mới sẽ được xây cất trong khu vực mà anh ấy giảng dạy. Anh biết rằng các học viên đến lớp sẽ háo hức trao đổi về đề thờ và nhiều em sẽ có câu hỏi về đền thờ.

Anh Jones cảm thấy được Đức Thánh Linh thúc giục để điều chỉnh hướng dẫn về tiến độ giảng dạy để giảng dạy một trong những bài học Chuẩn Bị Vào Đền Thờ từ phần Chuẩn Bị cho Cuộc Sống của chương trình giảng dạy vào ngày Thứ Hai thay vì bài học trong Khóa Học Thánh Thư.

Anh Reyes —Điều chỉnh một sinh hoạt dựa trên khả năng của học viên

Trong khi nghiên cứu một bài học, Anh Reyes nhận thấy rằng bài học chủ yếu dựa vào hình thức thảo luận dành cho học viên. Anh Reyes đã thấy rằng các học viên của mình thường rất im lặng và không đáp ứng tốt với các cuộc thảo luận. Tuy nhiên, họ thực sự thích viết nhật ký. Thay vì tạo điều kiện cho một cuộc thảo luận, anh quyết định viết lên trên bảng hai câu hỏi từ chương trình giảng dạy và mời học viên viết câu trả lời của họ. Anh có kế hoạch để cho học viên sẵn lòng chia sẻ điều họ đã viết.

Chị Rodriguez—Điều chỉnh một bài học dựa trên văn hóa địa phương

Chị Rodriguez đang chuẩn bị giảng dạy một bài học gồm có những đoạn thánh thư tham khảo về Ma Ri, Mẹ của Chúa Giê Su. Có một nền văn hóa với những cảm nghĩ sâu sắc và tín ngưỡng khác biệt về Ma Ri nơi Chị Rodriguez sống. Nhiều người thậm chí còn thờ phượng Ma Ri bởi vì vai trò của bà là mẹ của Chúa Giê Su Ky Tô. Khi nghiên cứu bài học từ chương trình giảng dạy, Chị Rodriguez tìm kiếm một điểm phù hợp để giúp các học viên hiểu về những điều mà thánh thư và các vị lãnh đạo Giáo Hội đã giảng dạy về Ma Ri. Chị quyết định điều chỉnh bài học bằng cách thêm hai câu hỏi sau đây vào với những gì đã được bao gồm trong chương trình giảng dạy:

An Ma 7:10 đã giúp chúng ta hiểu gì về Ma Ri? Mặc dù chúng ta tôn kính và yêu thương Ma Ri cùng các môn đồ trung tín khác trong thánh thư, làm thế nào An Ma 7:11–13 giúp chúng ta hiểu tại sao chúng ta chỉ thờ phượng Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô thôi?”

Chị Dube—Điều chỉnh một bài học dựa trên các nguồn tài liệu sẵn có

Khi Chị Dube chuẩn bị một bài học, chị nhận thấy một trong những lời mời là để học viên tìm kiếm tổ tiên của họ trên FamilySearch.org. Chị biết rằng hầu hết các học viên của chị không thể truy cập internet. Chị đã sáng suốt điều chỉnh lời mời để cho học viên bắt đầu điền vào tờ giấy thông tin nhóm gia đình và nói chuyện với chuyên viên tư vấn về đền thờ và lịch sử gia đình của tiểu giáo khu để tìm hiểu cách các em có thể tra cứu các tên khác trong gia đình.

Chị Schmidt—Điều chỉnh một bài học để sử dụng những lời phát biểu gần đây hơn từ các vị lãnh đạo Giáo Hội

Trong lúc chuẩn bị bài học, Chị Schmidt đang đọc qua một bài giảng mà chị sẽ dạy vào ngày hôm sau. Trong khi đọc một lời phát biểu từ một vị lãnh đạo Giáo Hội trong bài học, chị nhớ lại một lời phát biểu gần đây hơn mà có thể đạt được mục đích tương tự. Gần đây, chị ấy đã nghiên cứu bài nói chuyện này trong việc học tập riêng cá nhân của mình, và nó vẫn còn y nguyên trong tâm trí chị. Chị quyết định sử dụng lời phát biểu gần đây hơn trong bài học của mình thay vì lời phát biểu trong chương trình giảng dạy.

Anh Li—Điều chỉnh một sinh hoạt học tập để đạt được mục đích tốt hơn

Khi Anh Li đang chuẩn bị giảng dạy một bài học từ chương trình giảng dạy, anh đọc một lời đề nghị mang một quả bóng đá đến lớp. Anh ấy nhận thấy rằng mục đích của bài học trực quan là giúp học viên thấy rằng giá trị của một quả bóng đá có thể bị ảnh hưởng bởi việc biết nhiều hơn về lịch sử của nó.

Với ước muốn để đạt được mục đích này một cách hiệu quả nhất cho học viên của mình, anh ấy suy ngẫm xem mình có thể mang đến lớp món đồ gì mà học viên có thể liên hệ tốt nhất. Anh quyết định điều chỉnh bài học bằng cách mang một sợi dây chuyền đơn giản đến lớp. Sau khi để các học viên chia sẻ sợi dây chuyền đáng giá bao nhiêu đối với các em, anh ấy sẽ chia sẻ về người làm ra sợi dây chuyền đó và tại sao việc biết được lịch sử của sợi dây chuyền khiến nó đáng giá hơn nhiều so với khi không biết.

Những Đề Nghị để Áp Dụng và Điều Chỉnh

Mặc dù bất kỳ tài liệu nào trong chương trình giảng dạy đều có thể được điều chỉnh, sơ đồ sau đây minh họa một loạt cách thức mà các phần khác nhau của một bài học có thể phù hợp để điều chỉnh hơn những phần khác.

Ví dụ, mục đích của bài học, bối cảnh của một đoạn, hoặc lẽ thật được in đậm có thể ít thích hợp hơn để điều chỉnh so với cách một bài học bắt đầu hoặc những ví dụ mà một giảng viên có thể chia sẻ về một lẽ thật được in đậm. Những mục ở gần phía bên trái hơn có thể áp dụng thường xuyên hơn, trong khi các mục ở phía bên phải có thể điều chỉnh thường xuyên hơn. Hãy nhớ rằng đây là những gợi ý. Giảng viên không được kỳ vọng phải điều chỉnh mọi thứ ở phía bên phải, cũng như họ không được kỳ vọng áp dụng mọi thứ ở phía bên trái.

Hình Ảnh
Làm Thế Nào một Giảng Viên Có Thể Điều Chỉnh biểu đồ Chương Trình Giảng Dạy

Kết Luận

Cha Thiên Thượng sẽ hướng dẫn anh chị em qua Đức Thánh Linh khi anh chị em thành tâm học hỏi lời Ngài và chuẩn bị các bài học để ban phước cho các con trai và con gái của Ngài. Ngài có thể giúp anh chị em hiểu cách áp dụng những gì đã được cung cấp trong chương trình giảng dạy và khi nào cần điều chỉnh để giúp học viên của anh chị em tốt hơn.

In