Huấn Luyện Chương Trình Giảng Dạy
Huấn Luyện Các Bài Học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống


“Huấn Luyện Các Bài Học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống,” Huấn Luyện về Chương Trình Giảng Dạy Lớp Giáo Lý (năm 2025)

các thiếu nữ đang học thánh thư

Huấn Luyện Các Bài Học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống

Khái Quát

Sau khi khen ngợi các giảng viên về những nỗ lực của họ để ban phước cho giới trẻ, Chủ Tịch Henry B. Eyring thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn nói: “Nhưng [học viên của chúng ta] cần nhiều hơn nữa. Có quá nhiều học viên tốt nghiệp lớp giáo lý không hội đủ điều kiện để đi truyền giáo. Có quá nhiều học viên trung tín của chúng ta không bao giờ nhận được phước lành của các giáo lễ đền thờ. Tỷ lệ những thảm kịch đó sẽ gia tăng nếu chúng ta không thay đổi” (“We Must Raise Our Sights” [Đại Hội CES, ngày 14 tháng Tám năm 2001], Gospel Library).

Đã hơn 20 năm kể từ khi Chủ Tịch Eyring đưa ra lời phát biểu đó. Giới trẻ của chúng ta thậm chí còn phải đối mặt với những thử thách và sự chống đối lớn hơn—không chỉ về đức tin mà còn trong các khía cạnh khác của cuộc sống. Những bài học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống được thiết kế để giải quyết các nhu cầu của giới trẻ thuộc thế hệ này. Những bài học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống này mang đến cho học viên cơ hội áp dụng những lời dạy của Đấng Cứu Rỗi để:

  • Giải quyết những câu hỏi khó và những hoàn cảnh đầy thử thách trong cuộc sống.

  • Xây dựng sự tự lực để chu cấp cho bản thân và gia đình.

  • Trở nên khỏe mạnh hơn về mặt thể chất và cảm xúc.

  • Phát triển những kỹ năng để thành công trong trường học.

  • Lập kế hoạch để chuẩn bị cho học vấn và việc làm trong tương lai.

  • Chuẩn bị cho công việc truyền giáo và phục vụ Giáo Hội.

  • Chuẩn bị lập và tuân giữ các giao ước trong đền thờ.

Những bài học này sẽ giúp giải quyết các thử thách mà giới trẻ gặp phải theo cách thức tập trung vào Đấng Ky Tô, dựa trên thánh thư, và tập trung vào học viên, đó là cách thức mà Thánh Linh hướng dẫn. Cùng với các bài học trong Khóa Học Thánh Thư, các bài học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống có thể giúp gia tăng sự cải đạo của học viên theo Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm phục hồi của Ngài.

Các Bài Học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống và Mục Tiêu

Trong khóa huấn luyện này, anh chị em sẽ có cơ hội khám phá cách các bài học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống được thiết kế để hoàn thành mục tiêu S&I, giống như các bài học trong Khóa Học Thánh Thư. Mỗi bài học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống được viết theo các tiêu chuẩn sau đây trong đoạn “Giảng Dạy” của mục tiêu S&I:

Chúng ta đặt trọng tâm của mỗi kinh nghiệm học tập nơi Chúa Giê Su Ky Tô cùng tấm gương, các thuộc tính, và quyền năng cứu chuộc của Ngài. Chúng ta giúp học viên học hỏi phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô như được ghi chép trong thánh thư và lời của các vị tiên tri. Chúng ta giúp học viên tự làm tròn bổn phận học hỏi của họ. Chúng ta cố gắng mời Đức Thánh Linh làm tròn vai trò của Ngài trong mỗi kinh nghiệm học tập.

Các Bài Học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống Giúp Hoàn Thành Mục Tiêu S&I

Định nghĩa

Khi anh chị em chuẩn bị bài học, bao gồm cả các bài học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống, có thể hữu ích khi tìm cách thức bài học hoàn thành từng câu trong đoạn “Giảng Dạy” của mục tiêu.

Mẫu Mực

Dưới đây là hai tuyển tập từ các bài học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống cho năm 2025. Đầu tiên là bài học về Sức Khỏe Thể Chất và Cảm Xúc có tiêu đề “Phát Triển Các Lối Suy Nghĩ Lành Mạnh.” Thứ hai là bài học Thành Công ở Trường Học có tiêu đề “Khám Phá Các Ưu Điểm và Khả Năng của Mình.” Tìm kiếm cách thức các sinh hoạt học tập này, tập trung vào các chủ đề rất khác nhau, được thiết kế để hoàn thành mục tiêu S&I.

Bài Học 186: Phát Triển Các Lối Suy Nghĩ Lành Mạnh

Đặt Đấng Ky Tô làm trọng tâm: Sau đây là một số ví dụ từ bài học này mà giúp tập trung vào kinh nghiệm học tập về Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy chú ý cách mà trong những trường hợp này, học viên được yêu cầu tìm kiếm sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi và học hỏi từ tấm gương và những lời giảng dạy của Ngài.

  • Anh chị em có thể chia sẻ với học viên rằng các em sẽ thực tập mời sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi để sửa đổi những suy nghĩ sai lạc hoặc không lành mạnh.

  • An chị em nghĩ việc hướng đến Đấng Cứu Rỗi trong suy nghĩ của mình có ý nghĩa gì? (Một số ví dụ bao gồm những điều sau đây: suy ngẫm cách Đấng Cứu Rỗi có thể hành động trong những tình huống mà chúng ta đối mặt, tìm kiếm cách thức mà những lời giảng dạy của Ngài có thể áp dụng vào tình huống đó, và ghi nhớ tình yêu thương của Ngài.)

Dựa trên thánh thư: Sau đây là một số ví dụ từ bài học này mà giúp học viên học hỏi từ thánh thư và những lời của các vị tiên tri. Hãy lưu ý rằng học viên được cho cơ hội để nghiên cứu thánh thư và những lời của Chủ Tịch Russell M. Nelson có thể giúp học viên hiểu câu thánh thư này.

  • Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 6:36, và tìm kiếm những điều mà Chúa Giê Su Ky Tô mời chúng ta làm.

  • Khi nói về câu thánh thư này, Chủ Tịch Nelson đã dạy: “Sự chú trọng của chúng ta cần phải được dựa vào Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài. Điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực tinh thần để cố gắng hướng về Ngài trong mọi ý nghĩ. Nhưng khi làm như vậy, những nỗi nghi ngờ và sợ hãi của chúng ta biến mất” (Russell M. Nelson, “Nhận Được Quyền Năng của Chúa Giê Su Ky Tô trong Cuộc Sống của Chúng Ta”, Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 41).

Tập trung vào người học: Sau đây là một số ví dụ từ bài học này mà giúp học viên làm tròn vai trò của họ trong việc tự học hỏi. Hãy lưu ý rằng học viên được mời để nhận biết nhu cầu của bản thân để thúc đẩy họ tham gia vào kinh nghiệm học tập. Học viên cũng được mời chia sẻ những suy nghĩ và ý tưởng độc đáo của riêng mình.

  • Mời học viên suy ngẫm về mức độ thường xuyên mà các em chú ý đến các lối suy nghĩ của chính mình và liệu những mẫu mực đó có xu hướng hữu ích hoặc đúng đắn hay không.

  • Điều gì gây ấn tượng cho anh chị em từ lời phát biểu của Chủ Tịch Nelson?

Được Thánh Linh hướng dẫn: Đây là ví dụ về một cách mà bài học có thể mời Đức Thánh Linh làm tròn vai trò của Ngài trong kinh nghiệm học tập. Các giảng viên được khuyến khích nên cân nhắc kỹ về việc mời các học viên tìm kiếm sự hướng dẫn từ Đức Thánh Linh. Những lời mời như thế này có thể giúp học viên trong nỗ lực nhận được sự soi dẫn từ Đức Thánh Linh trong việc học tập.

  • Mời học viên tìm kiếm sự hướng dẫn qua Đức Thánh Linh để hiểu rõ hơn những lối suy nghĩ của riêng các em, đặc biệt là khi ứng phó với những tình huống khó khăn.

Bài Học 193: Khám Phá Các Ưu Điểm và Khả Năng của Mình

Đặt Đấng Ky Tô làm trọng tâm: Sau đây là một số ví dụ từ bài học này mà giúp tập trung vào kinh nghiệm học tập về Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy chú ý xem những lẽ thật được in đậm trong bài học này có liên quan như thế nào đến Đấng Ky Tô và mời học viên tìm đến Ngài để được giúp đỡ. Các học viên cũng được nhắc nhở về nguồn gốc thiêng liêng của họ và rằng sức mạnh và khả năng mà họ có được là những biểu hiện về tình yêu thương và lòng thương xót của Thượng Đế.

  • Học viên có thể chỉ ra các lẽ thật tương tự như sau: Chúa không nhìn bề ngoài mà nhìn thấy trong lòng (xin xem 1 Sa Mu Ên 16:7). Chúng ta có thể làm tất cả mọi điều nhờ Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng có thể củng cố chúng ta (xin xem Phi Líp 4:13; An Ma 26:12). Dưới mắt của Thượng Đế thì giá trị của chúng ta rất lớn lao (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 18:10).

  • Nhắc nhở học viên rằng với tư cách là con cái của Thượng Đế được tạo ra theo hình ảnh của Ngài, mỗi chúng ta được ban phước với những sức mạnh và khả năng khác nhau. Có thể có những học viên gặp khó khăn trong việc nhận ra những ưu điểm và khả năng mà Thượng Đế đã ban phước cho các em.

Dựa trên thánh thư: Sau đây là một số ví dụ từ bài học này mà giúp học viên học hỏi từ thánh thư và những lời của các vị tiên tri. Hãy lưu ý rằng thánh thư mà học viên sẽ nghiên cứu được chọn có chủ đích để hướng học viên đến với Chúa Giê Su Ky Tô để được Ngài giúp đỡ. Sau đó, học viên có cơ hội nghiên cứu lời khuyên bảo từ một Vị Sứ Đồ về cách khám phá một số ân tứ do Thượng Đế ban cho các em.

  • Hãy nghiên cứu một vài đoạn sau đây, tìm kiếm những lẽ thật vĩnh cửu có thể giúp chúng ta nhận ra khả năng đạt được tiềm năng của mình qua Chúa Giê Su Ky Tô. 1 Sa Mu Ên 16:7; Phi Líp 4:13; Gia Cốp 4:7; An Ma 26:12; Giáo Lý và Giao Ước 18:10.

  • Anh Cả Ronald A. Rasband thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã chia sẻ một số cách chúng ta có thể nhận ra ân tứ, sức mạnh và khả năng mà Cha Thiên Thượng đã ban phước cho chúng ta: “Các ân tứ mà Thượng Đế đã ban cho chúng ta trước hết trở nên rõ ràng trong những mối quan tâm mà chúng ta theo đuổi. Nếu các em đang tự hỏi về ân tứ của mình, thì hãy lập một bản liệt kê những điều các em thích làm. Bao gồm tất cả các sinh hoạt mà em yêu thích từ những khía cạnh khác nhau của cuộc sống—thuộc linh, âm nhạc, kịch nghệ, học thuật, thể thao, v.v. Nghiên cứu và suy ngẫm phước lành tộc trưởng của anh chị em để có những hiểu biết sâu sắc và sự soi dẫn. Tham khảo ý kiến những người trong gia đình, những người bạn đáng tin cậy, các giảng viên và các vị lãnh đạo; những người khác thường có thể thấy ở chúng ta điều chúng ta cảm thấy khó nhận thấy ở bản thân mình” (Ronald A. Rasband, “Parables of Jesus: The Parable of the Talents,” Ensign, tháng Tám năm 2003, 34).

Tập trung vào người học: Sau đây là một số ví dụ từ bài học này mà giúp học viên làm tròn vai trò của họ trong việc tự học hỏi. Hãy lưu ý cách các sinh hoạt này giúp các học viên suy nghĩ về những kinh nghiệm và hoàn cảnh của chính họ. Chúng nhằm giúp học viên cảm thấy có động lực để đầu tư tấm lòng và tâm trí của họ vào kinh nghiệm học tập để giải quyết các nhu cầu hiện tại của họ. Các học viên cũng có cơ hội suy ngẫm về những thử thách thực sự mà họ gặp phải và cách thức mà các lẽ thật được tìm thấy trong thánh thư có thể giúp họ.

  • Hãy suy nghĩ về những trách nhiệm hoặc cơ hội việc làm mà anh chị em thích theo đuổi trong tương lai. Cũng hãy cố gắng nhận ra các kỹ năng và khả năng mà anh chị em vẫn cần phát triển mà sẽ giúp mình chuẩn bị tốt hơn cho tương lai.

  • Những lẽ thật này có thể giúp chúng ta như thế nào khi chúng ta cảm thấy chán nản về khả năng của mình?

Được Thánh Linh hướng dẫn: Đây là ví dụ về một cách mà bài học có thể mời Đức Thánh Linh làm tròn vai trò của Ngài trong kinh nghiệm học tập. Lưu ý rằng học viên được mời tìm kiếm sự soi dẫn từ Đức Thánh Linh để thấy rõ hơn nhu cầu hiện tại của các em và các bước tiếp theo để chuẩn bị tốt hơn cho cuộc sống.

  • Khi anh chị em học tập hôm nay, hãy tìm kiếm sự hướng dẫn của Cha Thiên Thượng qua Đức Thánh Linh để giúp anh chị em nhận ra những điểm mạnh và kỹ năng mà mình đã có để có thể chuẩn bị cho những trách nhiệm này.

Thực Hành

Xác định một bài học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống mà anh chị em sẽ sớm dạy, dựa trên bản hướng dẫn về tiến độ giảng dạy ở địa phương của anh chị em. Xem lại bài học này để tìm câu trả lời cho các câu hỏi sau:

  • Kinh nghiệm học tập tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào?

  • Làm thế nào bài học này giúp các học viên học hỏi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô như được tìm thấy trong thánh thư và những lời của các vị tiên tri?

  • Bài học giúp học viên tự làm tròn bổn phận học hỏi của họ như thế nào.?

  • Làm thế nào bài học giúp mời Đức Thánh Linh làm tròn vai trò của Ngài trong kinh nghiệm học tập?

Truyền Đạt Rõ Ràng Lịch Trình Bài Học

Học viên có thể bị khó hiểu khi học một bài học trong Khóa Học Thánh Thư vào ngày hôm nay và sau đó là một bài học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống ngay ngày hôm sau. Khi học viên được cung cấp một tầm nhìn rộng hơn về những điều các em sẽ học trong tuần, thì điều đó có thể giúp các em chuẩn bị tốt hơn để học hỏi. Các kỹ năng sau đây là một vài cách anh chị em có thể thực hiện điều này. Nếu anh chị em nhận thấy rằng học viên của mình bối rối khi anh chị em chuyển đổi giữa các loại bài học khác nhau, thì anh chị em có thể thử một hoặc nhiều gợi ý này hoặc một điều gì đó mà anh chị em tự nghĩ ra. Khóa huấn luyện này sẽ giúp anh chị em:

  • Truyền đạt rõ ràng điều sẽ được giảng dạy trong tuần và lý do tại sao.

  • Giao tiếp rõ ràng trong tuần khi bài học hoặc đề tài chuyển từ bài học Khóa Học Thánh Thư sang bài học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống.

Truyền Đạt Rõ Ràng Điều Sẽ Được Giảng Dạy trong Tuần và Lý Do Tại Sao

Định nghĩa

Vào đầu mỗi tuần, anh chị em có thể giới thiệu với học viên về các bài học và đề tài được hoạch định cho từng ngày trong tuần. Khi học viên hiểu được sự chỉ dẫn trong tuần và mục đích của bài học, các em có thể sẵn sàng hơn để tham gia vào kinh nghiệm học tập. Một cách anh chị em có thể truyền đạt những điều sẽ được giảng dạy trong tuần là trưng ra tiêu đề của mỗi bài học của tuần đó, cùng với một bản tóm tắt ngắn gọn về những điều học viên có thể mong đợi được học trong các bài học đó.

Mẫu Mực

Cả lớp, tôi rất phấn khởi cho các bài học sắp tới của chúng ta trong tuần này. [Giảng viên trưng ra một hình ảnh kèm theo biểu đồ sau đây]

Thứ Hai

Giáo Lý và Giao Ước 3

Thứ Ba

Giáo Lý và Giao Ước 4

Thứ Tư

Giáo Lý và Giao Ước 5

Thứ Năm

Đánh Giá Việc Học Tập của Em

Thứ Sáu

Quản Lý Căng Thẳng và Lo Âu

Tuần này, từ thứ Hai đến thứ Tư, chúng ta sẽ học các tiết 3–5 của sách Giáo Lý và Giao Ước. Đây là những thời điểm căng thẳng đối với Vị Tiên Tri Joseph Smith khi ông trải qua những thử thách rất khó khăn. Từ những chương này, chúng ta sẽ học được những lẽ thật quan trọng mà Thượng Đế đã mặc khải mà có thể giúp chúng ta hướng đến Chúa Giê Su Ky Tô và đứng vững trong những lúc căng thẳng. Vào thứ Năm, các em sẽ có cơ hội suy ngẫm về những điều mình đang học trong bài học Đánh Giá Việc Học Tập của Em. Vào ngày Thứ Sáu, chúng ta sẽ thảo luận cách vượt qua căng thẳng và lo lắng với sự giúp đỡ và sức mạnh của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.

Thực Hành

Xem hướng dẫn và khái quát về nhịp độ giảng dạy của tuần tới. Viết xuống điều anh chị em có thể làm để truyền đạt rõ ràng những điều sẽ được giảng dạy trong tuần.

Giao Tiếp Rõ Ràng trong Tuần Khi Bài Học hoặc Đề Tài Chuyển Tiếp từ Các Bài Học trong Khóa Học Thánh Thư sang Các Bài Học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống

Định nghĩa

Khi chuyển từ các bài học trong Khóa Học Thánh Thư sang các bài học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống, anh chị em có thể cho học viên biết chủ đề và mục đích của bài học ngày hôm đó. Việc chia sẻ sự khác biệt hoặc những điểm tương đồng trong nội dung của bài học này với các bài học trước đây là một điều hữu ích. Không nhất thiết phải luôn luôn làm điều này, nhưng đôi khi có thể hữu ích cho học viên để hiểu mục đích và phương hướng.

Mẫu Mực

Dưới đây anh chị em sẽ thấy một ví dụ trong đó các mục đích của Khóa Học Thánh Thư và Bài Học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống phù hợp chặt chẽ hơn và một ví dụ thì không.

  1. Tuần này, chúng ta đã học về một số tình huống rất căng thẳng mà Tiên Tri Joseph đã gặp phải. Các em có nhớ một số trong số chúng là gì không? [Câu trả lời của học viên] Bây giờ chúng ta sẽ chuyển từ việc nghiên cứu về những câu chuyện này trong Giáo Lý và Giao Ước sang nghiên cứu thánh thư và lời của các vị lãnh đạo Giáo Hội để giúp các em tìm thấy sức mạnh từ Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô khi đối mặt với những tình huống căng thẳng của riêng các em.

  2. Khi nghiên cứu những câu chuyện này trong Giáo Lý và Giao Ước, chúng ta đã học được cách có thể nhận được sức mạnh từ Chúa để đối phó với những tình huống căng thẳng. Bây giờ chúng ta sẽ chuyển tiếp sang việc học hỏi cách chúng ta có thể nhận được sức mạnh từ Chúa để trở nên và luôn xứng đáng để bước vào và thờ phượng Ngài trong đền thờ của Ngài.

Thực Hành

Xem chương trình giảng dạy để biết nhịp độ tuần này. Viết ra cách để truyền đạt rõ ràng điều lớp học sẽ tập trung vào mỗi ngày.

Lưu Ý

Các bài học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống tạo cơ hội cho học viên trong lớp giáo lý tìm hiểu cách Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp các em vượt qua những thử thách của cuộc sống trần thế. Khi anh chị em giảng dạy những bài học này, hãy lưu ý những điều sau đây:

Mỗi kinh nghiệm học tập cần phải tập trung vào Đấng Ky Tô, dựa trên thánh thư, và tập trung vào học viên

Mỗi kinh nghiệm học tập trong lớp giáo lý nên giúp hoàn thành Mục Tiêu của Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý Tôn Giáo. Điều này có nghĩa là chúng sẽ luôn luôn tập trung vào Đấng Ky Tô, tập trung vào học viên, dựa trên thánh thư, và được Thánh Linh hướng dẫn. Các bài học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống có thể dễ dàng trở nên mất cân bằng. Ví dụ, một giảng viên có thể có nhiều kinh nghiệm về một trong các đề tài và có thể quyết định tập trung nhiều vào việc làm cho kinh nghiệm tập trung vào học viên, nhấn mạnh nhiều kỹ năng và chiến lược về cách giải quyết nhu cầu của học viên. Tuy nhiên, trong tiến trình này, giảng viên có thể dễ dàng bỏ qua sự cần thiết phải kết nối các học viên với Đấng Ky Tô và giảng dạy họ từ những lời trong thánh thư và từ các vị tiên tri.

Ví Dụ Điển Hình: Chị Jones có nhiều kinh nghiệm với việc lập kế hoạch tài chính. Chị Jones quyết định dạy cho học viên của mình nhiều kỹ năng về lập kế hoạch tài chính theo một cách rất tập trung vào học viên.

Một số hậu quả có thể xảy ra khi Chị Jones tiếp cận bài học theo cách này là gì?

Cân bằng Số Lượng Các Bài Học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống như đã được nêu ra trong chương trình giảng dạy

Có thể có một số loại bài học hoặc chủ đề mà một số giảng viên muốn dành nhiều thời gian trên lớp hơn hoặc ít hơn những người khác. Hãy nhớ rằng nhiều người, kể cả những người từ các sở khác của Giáo Hội, đã hội ý với nhau để xác định số lượng bài học trong mỗi hạng mục. Ngay cả một đề tài mà có thể dường như ít thú vị hơn đối với một giảng viên cũng có thể rất có giá trị đối với một số học viên nào đó. Việc dành ra nhiều thời gian trên lớp cho một số bài học hơn mức được nêu trong chương trình giảng dạy có thể dẫn đến việc coi nhẹ các kết quả học tập quan trọng khác. Phần “Huấn Luyện Lập Bản Hướng Dẫn về Tiến Độ Giảng Dạy” đề nghị rằng thông thường nên có nhiều bài học Khóa Học Thánh Thư hơn bài học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống trong bản hướng dẫn về tiến độ giảng dạy của anh chị em. Số lượng bài học cho mỗi hạng mục Chuẩn Bị cho Cuộc Sống cũng cho thấy một sự cân bằng được đề nghị. Hãy tuân theo những chỉ dẫn này với rất ít ngoại lệ.

Ví Dụ Điển Hình: Anh Hendricks vui mừng vì cuối cùng cũng có những nỗ lực thận trọng trong lớp giáo lý để chuẩn bị giới trẻ cho công việc truyền giáo. Thay vì chỉ dạy năm bài học về việc chuẩn bị truyền giáo, ông dành ra hai tuần để giảng dạy những bài học này cũng như một số bài học do ông tự mình tạo ra.

Một số hệ quả có thể xảy ra trong cách tiếp cận của Anh Hendricks trong việc giảng dạy các bài học chuẩn bị cho người truyền giáo là gì?

Sử Dụng Chương Trình Giảng Dạy Bất Kể Mức Độ Kinh Nghiệm của Anh Chị Em

Tương tự như số lượng bài học, mục đích của mỗi bài học cũng đã được quyết định qua sự cộng tác với nhiều người, bao gồm thành viên thuộc các sở khác của Giáo Hội. Các sở này thường dựa vào cuộc nghiên cứu đã được Bộ Phận Nghiên Cứu Tương Quan của Giáo Hội hoàn tất cho ý kiến đóng góp mà họ cung cấp. Như với tất cả các bài học trong chương trình giảng dạy S&I, Bộ Phận Nghiên Cứu Tương Quan của Giáo Hội đã duyệt xét kỹ các bài học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống để đảm bảo tính chính xác và thích hợp của giáo lý. Các bài học được thiết kế để trở thành một cách tiếp cận đơn giản cho chủ đề mà họ đề cập, không phải là một khóa học toàn diện về chủ đề này. Nếu có kinh nghiệm trong đề tài này, anh chị em có thể cảm thấy rằng những ý tưởng quan trọng đã bị bỏ qua. Hãy hết sức thận trọng khi thêm một cái gì đó chưa được đưa vào. Bất kể anh chị em có nhiều hay ít kinh nghiệm với một đề tài nào đó, hãy sử dụng chương trình giảng dạy làm nền tảng cho kinh nghiệm học tập mà các anh chị em sẽ mang lại. Bắt đầu bằng cách áp dụng bài học trước khi đưa ra quyết định về điều cần điều chỉnh. Để tìm hiểu thêm về điều này, xin xem “Áp Dụng/Tiếp Nhận và Điều Chỉnh Phần Huấn Luyện về Chương Trình Giảng Dạy Lớp Giáo Lý” có trong Huấn Luyện về Chương Trình Giảng Dạy Lớp Giáo Lý.

Ví Dụ Điển Hình: Chị Benson là một nhân viên xã hội lâm sàng được cấp phép. Chị ấy hiện đang đạt được nhiều thành công với cách tiếp cận mới để giúp đỡ khách hàng của mình cai nghiện. Chị quyết định dạy cho học viên của mình các kỹ năng liên quan đến phương pháp mới này thay vì một trong những bài học về sức khỏe cảm xúc.

Một số hệ quả có thể xảy ra trong cách tiếp cận của Chị Benson đối với các bài học về sức khỏe cảm xúc là gì?

Hãy Nhớ Vai Trò của Anh Chị Em với tư cách là một Giảng Viên

Khi anh chị em dạy các bài học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống, hãy ghi nhớ vai trò của mình với tư cách là một giảng viên lớp giáo lý. Học viên có chia sẻ với các anh chị em những tình huống khó khăn mà họ gặp phải. Vai trò của anh chị em là hướng dẫn họ tìm đến cha mẹ và các vị lãnh đạo chức tư tế, là những người có thể hướng dẫn họ đến sự giúp đỡ mà họ cần. Để được giúp đỡ trong các tình huống có thể liên quan đến lạm dụng, vui lòng xem “Lạm dụng” trong Hướng Dẫn Ứng Phó Khẩn Cấp của Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý.

Ví Dụ Điển Hình: Chị Benson đã thấy rằng sau khi dạy các bài học của mình, nhiều học viên đang ở lại sau giờ học. Họ muốn chia sẻ với chị ấy một số chi tiết rất riêng tư về cuộc sống của họ. Chị ấy gặp riêng họ trong văn phòng của mình sau giờ học.

Một số hậu quả có thể xảy ra trong những sự tương tác của Chị Benson với học viên là gì?

Kết Luận

Trong suốt bốn năm theo học lớp giáo lý, học viên sẽ có nhiều cơ hội học cách áp dụng những lời dạy của Đấng Cứu Rỗi vào nhiều hoàn cảnh và tình huống khác nhau. Các kinh nghiệm học tập mà các bài học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống thêm vào các bài học Khóa Học Thánh Thư sẽ chuẩn bị tốt hơn cho cả một thế hệ để đối phó với những thử thách của cuộc sống bằng cách sử dụng sức mạnh, những lời giảng dạy và phúc âm của Đấng Cứu Rỗi. Các em sẽ được trang bị tốt hơn để chuẩn bị cho bản thân, gia đình và những người khác cũng như cho cuộc sống vĩnh cửu với Cha Thiên Thượng.