Lớp Giáo Lý
Bài Học 193—Khám Phá Các Ưu Điểm và Khả Năng của Các Em: Chuẩn Bị cho Sự Nghiệp và Các Vai Trò Khác trong Tương Lai


“Bài Học 193—Khám Phá Các Ưu Điểm và Khả Năng của Các Em: Chuẩn Bị cho Sự Nghiệp và Các Vai Trò Khác trong Tương Lai”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Khám Phá Các Ưu Điểm và Khả Năng của Các Em”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 193: Chuẩn Bị cho Sự Nghiệp và Các Vai Trò Khác trong Tương Lai

Khám Phá Các Ưu Điểm và Khả Năng của Các Em

Chuẩn Bị cho Sự Nghiệp và Các Vai Trò Khác trong Tương Lai

Hình Ảnh
giới trẻ đang thực hiện một dự án

Khi giới trẻ chuẩn bị cho các trách nhiệm và cơ hội việc làm trong tương lai, có thể hữu ích nếu họ nhận ra được những ưu điểm và khả năng mà họ đang thiếu hoặc cần phát triển. Cha Thiên Thượng có thể hướng dẫn họ khám phá ra những ưu điểm và khuyết điểm khi họ tìm kiếm sự giúp đỡ của Ngài. Bài học này sẽ giúp học viên chuẩn bị cho các trách nhiệm và cơ hội việc làm trong tương lai bằng cách nhận ra những ưu điểm và khả năng trong hiện tại mà các em cần phát triển.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Xin lưu ý: Một bài học trong tương lai có tựa đề “Phát Triển Các Kỹ Năng và Khả Năng” sẽ tập trung vào việc giúp học viên phát triển những kỹ năng và khả năng mà các em nhận ra trong bài này. Nếu lịch trình giảng dạy của anh chị em đòi hỏi phải kết hợp các bài học, thì có thể nên dạy hai bài học này cùng nhau.

Những ưu điểm và khả năng cần thiết để thành công

Có thể viết lên bảng những vai trò khác nhau mà học viên có thể có trong tương lai, chẳng hạn như sau.

  • Sinh Viên

  • Người Học Nghề

  • Cha Mẹ

  • Người Phối Ngẫu

  • Nhân Viên

Thay vì chung chung nhân viên là một trong các vai trò, anh chị em có thể cụ thể hơn bằng cách mời một vài học viên chia sẻ một số nghề nghiệp tương lai mà các em thích và viết những nghề nghiệp đó lên bảng.

Học viên có thể thảo luận câu hỏi sau theo nhóm nhỏ. Có thể giao cho mỗi nhóm thảo luận về một trách nhiệm, hoặc anh chị em có thể yêu cầu các em cùng nhau thảo luận về tất cả các vai trò.

  • Những kỹ năng hoặc khả năng nào có thể giúp ai đó thành công trong các vai trò này?

Mời mỗi nhóm chia sẻ những điều các em đã thảo luận. Anh chị em có thể mời các nhóm lên bảng và viết bên cạnh vai trò tương ứng những kỹ năng hoặc khả năng mà các em đã xác định. Nếu học viên cần giúp đỡ, có thể đề xuất một số kỹ năng được liệt kê trong tài liệu phát tay được cung cấp sau trong buổi học.

Sau khi thảo luận, hãy chia sẻ những điều sau để giúp học viên sẵn sàng cho phần còn lại của bài học:

Hãy nghĩ về những trách nhiệm hoặc cơ hội việc làm mà các em muốn theo đuổi trong tương lai. Khi các em học tập hôm nay, hãy tìm kiếm sự hướng dẫn của Cha Thiên Thượng qua Đức Thánh Linh để giúp các em nhận ra những ưu điểm và kỹ năng có thể giúp các em sẵn sàng cho các trách nhiệm này. Đồng thời, hãy cố gắng nhận ra các kỹ năng và khả năng mà các em vẫn cần phải phát triển để giúp các em được chuẩn bị tốt hơn cho tương lai.

Tiềm năng của chúng ta qua Chúa Giê Su Ky Tô

Giải thích rằng một số học viên có thể cảm thấy chán nản khi được yêu cầu suy nghĩ về các kỹ năng và khả năng của mình, vì các em cảm thấy mình không có tài năng hay khéo léo như những người khác. Một số lẽ thật vĩnh cửu được giảng dạy trong thánh thư có thể giúp ích khi chúng ta cảm thấy như vậy.

Nghiên cứu một vài đoạn sau đây, tìm kiếm các lẽ thật vĩnh cửu có thể giúp chúng ta nhận ra khả năng để đạt được tiềm năng của mình qua Chúa Giê Su Ky Tô.

1 Sa Mu Ên 16:7; Phi Líp 4:13; Gia Cốp 4:7; An Ma 26:12; Giáo Lý và Giao Ước 18:10.

  • Các em đã tìm thấy những lẽ thật nào có thể giúp ai đó đang cảm thấy mình thiếu kỹ năng hoặc khả năng để thành công trong cuộc sống?

Học viên có thể nêu ra các lẽ thật tương tự như sau: Chúa không nhìn bề ngoài, mà nhìn vào tấm lòng (xin xem 1 Sa Mu Ên 16:7); Chúng ta có thể làm được mọi sự nhờ Chúa Giê Su Ky Tô, Ngài có thể ban sức mạnh cho chúng ta (xin xem Phi Líp 4:13; An Ma 26:12); Dưới mắt của Thượng Đế thì giá trị của con người chúng ta rất lớn lao (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 18:10).

  • Những lẽ thật này giúp được gì cho chúng ta khi chúng ta cảm thấy chán nản về khả năng của mình?

Khám phá các ưu điểm và khả năng của các em

Nhắc học viên nhớ rằng với tư cách là con cái của Thượng Đế, những người được sáng tạo theo hình ảnh của Ngài, mỗi người chúng ta đều được ban phước với những ưu điểm và khả năng khác nhau. Có thể một số học viên đang gặp khó khăn trong việc nhận ra những ưu điểm và khả năng mà Thượng Đế đã ban phước cho các em.

Anh Cả Ronald A. Rasband thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã chia sẻ một số cách để chúng ta có thể nhận ra tài năng, sức mạnh và khả năng mà Cha Thiên Thượng đã ban cho mình:

Hình Ảnh
Anh Cả Ronald A. Rasband

Những tài năng mà Thượng Đế đã ban cho chúng ta trước hết sẽ được thể hiện rõ ràng qua những sở thích mà chúng ta theo đuổi. Nếu các em đang tự hỏi mình có tài năng gì thì hãy liệt kê những điều các em thích làm. Hãy viết ra tất cả các hoạt động mà các em thấy thích từ những khía cạnh khác nhau trong cuộc sống—phần thuộc linh, âm nhạc, kịch nghệ, học tập, thể thao, v.v. Hãy tìm hiểu và suy ngẫm về phước lành tộc trưởng của các em để có được sự hiểu biết sâu sắc và sự soi dẫn. Hãy tham khảo ý kiến người thân trong gia đình, những người bạn đáng tin cậy, các giảng viên, và các vị lãnh đạo; người khác thường có thể thấy được ở chúng ta những điều chúng ta khó thấy nơi bản thân mình. (Ronald A. Rasband, “Parables of Jesus: The Parable of the Talents”, Ensign, tháng Tám năm 2003, trang 34)

  • Việc biết được các tài năng, ưu điểm hoặc khả năng hiện tại có thể giúp đỡ các em như thế nào khi nghĩ về các trách nhiệm hoặc cơ hội việc làm trong tương lai?

Cho học viên thời gian trong lớp để khám phá những ưu điểm và khả năng mà các em có hiện tại và cần phát triển để được chuẩn bị tốt hơn cho các trách nhiệm hoặc cơ hội việc làm trong tương lai. Sau đây là một số ý tưởng để anh chị em có thể giúp học viên làm điều này. Khi học viên thực hiện các sinh hoạt này, hãy mời các em tìm kiếm sự soi dẫn từ Cha Thiên Thượng để có thể tự nhìn bản thân như Ngài nhìn mình.

  • Mời học viên viết ra những sở thích hiện tại của các em. Mời các em suy nghĩ về các cơ hội việc làm tiềm năng mà các em có thể theo đuổi liên quan đến những sở thích đó. Có thể giúp bằng cách đề xuất một số cơ hội việc làm khả thi, phù hợp với sở thích của học viên.

  • Mời các học viên đã nhận được phước lành tộc trưởng của các em đọc lại nó, tìm kiếm điều mà nó giúp các em hiểu về bản thân mình.

  • Mời các nhóm nhỏ học viên thảo luận về những ưu điểm và khả năng mà các em đã nhận thấy ở nhau. Anh chị em cũng có thể liên lạc với cha mẹ hoặc các vị lãnh đạo chức tư tế trước khi lớp học bắt đầu, đề nghị họ viết một ghi chú mô tả những khả năng mà họ nhìn thấy ở em học viên ấy.

  • Hãy phát ra tài liệu có tựa đề “Tự Đánh Giá Các Kỹ Năng và Khả Năng” và cho học viên thời gian để hoàn thành. Giải thích rằng phần đánh giá này gồm có một danh sách những kỹ năng mà các nhà tuyển dụng thường tìm kiếm ở nhân viên của họ.

Tự Đánh Giá Các Kỹ Năng và Khả Năng

Với mỗi câu sau đây, hãy đánh giá mức độ tin tưởng của các em theo thang điểm từ 1 (không tự tin) đến 5 (rất tự tin).

  1. Tôi có thể giao tiếp hiệu quả với người khác.

  2. Tội tự thúc đẩy bản thân mình.

  3. Tôi là một người làm việc chăm chỉ.

  4. Tôi có thể suy nghĩ thông suốt trong những tình huống khó khăn và tìm ra giải pháp.

  5. Tôi sẵn lòng học hỏi và thử những điều mới.

  6. Tôi trung thực và đáng tin cậy.

  7. Tôi hợp tác tốt với người khác.

  8. Mọi người có thể tin cậy tôi sẽ làm một nhiệm vụ được giao.

  9. Tôi có thể sắp xếp và sử dụng thời gian của mình một cách hiệu quả.

  10. Tôi có thể đến đúng giờ.

Sau khi học viên đã có đủ thời gian thực hiện các sinh hoạt suy ngẫm lúc trước, hãy mời các em chia sẻ một số hiểu biết sâu sắc bằng cách đặt ra những câu hỏi như sau.

  • Các em đã có được những hiểu biết sâu sắc nào về bản thân?

  • Điều các em đã học được có thể giúp các em chuẩn bị kỹ hơn cho tương lai như thế nào?

Để giúp học viên tóm lược và ghi nhớ điều các em đã học được về bản thân ngày hôm nay, có thể đưa ra những gợi ý sau và mời học viên ghi lại câu trả lời vào nhật ký của các em:

  • Một ưu điểm hoặc khả năng của tôi có thể giúp tôi trong các trách nhiệm tương lai là …

  • Một kỹ năng hoặc khả năng mà tôi muốn phát triển để giúp tôi chuẩn bị tốt hơn cho các trách nhiệm tương lai là …

Giải thích rằng trong bài học sắp tới (“Phát Triển Các Kỹ Năng và Khả Năng”), học viên sẽ có cơ hội suy nghĩ về việc làm thế nào để phát triển các kỹ năng và khả năng mà các em đã nhận ra trong gợi ý thứ hai. Anh chị em có thể mời các em bắt đầu suy nghĩ về những cách các em có thể phát triển các kỹ năng hoặc khả năng này ngay bây giờ. Hãy làm chứng về khả năng và sự sẵn lòng của Chúa để giúp các em phát triển và tiến bộ.

In