Lớp Giáo Lý
Bài Học 194—Phát Triển Các Kỹ Năng và Khả Năng: Tiến Bộ với Sự Giúp Đỡ của Chúa


“Bài Học 194—Phát Triển Các Kỹ Năng và Khả Năng: Tiến Bộ với Sự Giúp Đỡ của Chúa”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Phát Triển Các Kỹ Năng và Khả Năng”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 194: Sửa Soạn cho Học Vấn và Công Việc Trong Tương Lai

Phát Triển Các Kỹ Năng và Khả Năng

Tiến Bộ với Sự Giúp Đỡ của Chúa

Hình Ảnh
giới trẻ đang phát triển một kỹ năng

Khi chúng ta làm phần vụ của mình, Đấng Cứu Rỗi có thể giúp chúng ta phát triển các kỹ năng và khả năng để chuẩn bị cho chúng ta thực hiện các trách nhiệm trong tương lai, và đạt được tiềm năng của mình với tư cách là con cái của Thượng Đế. Bài học này có thể giúp học viên lập kế hoạch phát triển các kỹ năng và khả năng để sẵn sàng cho công việc trong tương lai và các vai trò khác.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Tốt nhất nên dạy bài này sau khi giảng dạy bài có tựa đề “Khám Phá Các Ưu Điểm và Khả Năng của Các Em.” Nếu anh chị em không thể giảng dạy bài đó thì vẫn có thể vận dụng một số sinh hoạt từ bài học đó cho bài học này.

Tập trung vào nơi các em đang hướng đến

Có thể bắt đầu bài học bằng cách chiếu những hình ảnh sau hoặc vẽ những hình ảnh tương tự lên trên bảng. Anh chị em có thể chỉ vào hình ảnh đầu tiên khi mô tả thiếu nữ đầu tiên trong tình huống dưới đây, rồi chỉ vào hình ảnh thứ hai khi mô tả thiếu nữ thứ hai.

Hình Ảnh
hai người nữ

Hãy tưởng tượng các em biết hai người trẻ tuổi có những cảm nhận rất khác nhau về kỹ năng và khả năng của mình. Người thứ nhất có nhiều tài năng nổi trội, trong khi người thứ hai đôi khi cảm thấy như mình không có các tài năng cần thiết để thành công trong cuộc sống.

  • Các em sẽ đưa ra lời khuyên hoặc lời cảnh tỉnh nào cho hai người này về tài năng, kỹ năng hoặc khả năng của họ? Tại sao?

Hãy đưa ra hình ảnh sau đây và mời học viên mô tả điều các em thấy. Các em có thể chia sẻ những bài học thuộc linh mà các em học được từ biểu đồ trong hình ảnh đó.

Hình Ảnh
những con đường cho thấy sự phát triển và kỹ năng

Trước khi chia sẻ lời phát biểu của Anh Cả Clark G. Gilbert thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, có thể anh chị em nên giải thích rằng độ dốc của con đường cho thấy sự tiến triển lên hoặc xuống của nó.

Anh Cả Clark G. Gilbert thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã dạy về tầm quan trọng của việc tập trung vào điểm đến trong cuộc sống thay vì điểm khởi đầu:

Hình Ảnh
Anh Cả Clark G. Gilbert

Tương lai của chúng ta sẽ được xác định rất ít bởi điểm bắt đầu của chúng ta và nhiều hơn bởi mức độ tiến triển của chúng ta. Chúa Giê Su Ky Tô nhìn thấy tiềm năng thiêng liêng bất kể chúng ta bắt đầu ở đâu. … Đấng Ky Tô xem xét những gì chúng ta làm với những gì chúng ta được ban cho. Trong khi thế gian tập trung vào lợi thế khi bắt đầu, Thượng Đế tập trung vào mức độ tiến triển của chúng ta trong cuộc sống. Theo cách tính toán của Chúa, Ngài sẽ làm mọi việc Ngài có thể để giúp chúng ta tiến triển theo mức độ tích cực hướng đến thiên thượng. (Clark G. Gilbert, “Trở Nên Tốt Hơn trong Đấng Ky Tô: Truyện Ngụ Ngôn về Đường Dốc”, Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 20)

  • Các em đã học hỏi được điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô từ lời dạy của Anh Cả Elder Gilbert?

  • Các em tìm thấy điều gì trong lời phát biểu này mà mang đến cho các em niềm hy vọng và sự khích lệ khi nói đến việc phát triển tài năng, kỹ năng và khả năng?

Hãy giải thích rằng bài học này đặt trọng tâm vào việc phát triển kỹ năng và khả năng để giúp chúng ta chuẩn bị cho công việc tương lai và các vai trò khác.

Mời học viên suy nghĩ về những kỹ năng hoặc khả năng mà các em muốn phát triển để được chuẩn bị tốt hơn cho vai trò hoặc cơ hội việc làm trong tương lai. Các em có thể kể ra những điều này trong nhật ký của mình. Anh chị em nên yêu cầu học viên tham khảo những ghi chú các em đã viết trong bài học “Khám Phá Các Ưu Điểm và Khả Năng của Các Em.”

Trong quá trình học hôm nay, hãy khuyến khích học viên chú ý đến sự soi dẫn từ Đức Thánh Linh có thể giúp các em hiểu rõ hơn cách thức để phát triển các tài năng, kỹ năng hoặc khả năng của các em với sự giúp đỡ của Chúa.

Phát triển các kỹ năng và khả năng

Trước khi mời học viên tham gia vào sinh hoạt học tập sau, có thể mời các em suy ngẫm về những cách thức mà Chúa có thể giúp các em phát triển các kỹ năng và khả năng.

Sau đó, chia học viên thành các nhóm nhỏ để các em có thể khám phá các lẽ thật từ thánh thư. Anh chị em có thể giao cho mỗi nhóm một câu khác nhau và yêu cầu các em đọc, thảo luận, viết lên bảng một lẽ thật hoặc nguyên tắc dựa trên câu thánh thư đã được giao.

Đọc các câu sau đây và tìm kiếm các lẽ thật. Hãy cân nhắc xem những lẽ thật này có thể giúp gì cho các em khi nỗ lực phát triển các kỹ năng và khả năng.

Giáo Lý và Giao Ước 4:7; 46:8–9; 75:3, 29; 1 Nê Phi 7:12

Mời học viên chia sẻ những lẽ thật các em khám phá được. Các em có thể chia sẻ những lẽ thật tương tự như sau:

  • Nếu chúng ta cầu xin sự giúp đỡ từ Thượng Đế, thì Ngài sẽ đáp lại lời cầu nguyện của chúng ta (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 4:7).

  • Chúa truyền lệnh cho chúng ta phải tìm kiếm các ân tứ thuộc linh để chúng ta và những người khác có thể có được lợi ích từ các ân tứ đó (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 46:8–9).

  • Chúa truyền lệnh cho chúng ta phải tránh biếng nhác và phải siêng năng làm việc (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 75:3, 29).

  • Chúa có thể làm tất cả mọi điều cho chúng ta theo ý muốn của Ngài, nếu chúng ta thực hành đức tin của mình nơi Ngài (xin xem 1 Nê Phi 7:12).

  • Các em nghĩ những lẽ thật này liên quan thế nào đến việc phát triển các tài năng, kỹ năng hoặc khả năng?

  • Đã bao giờ các em hay những người các em biết phát triển được các kỹ năng hoặc khả năng bằng cách áp dụng ít nhất một lẽ thật trong số này chưa?

Sau khi học viên trả lời câu hỏi trước, có thể chia sẻ “Faith and the Goal” (4:40), có trên ChurchofJesusChrist.org. Mời học viên tìm kiếm ví dụ về các lẽ thật mà các em đã nhận ra.

Phát triển và sử dụng tài năng của các em

Phần này của bài học được thiết kế nhằm mang đến cho học viên một cơ hội thực hiện kế hoạch cá nhân để phát triển một tài năng, kỹ năng hoặc khả năng mà các em đã nhận ra, mà có thể giúp các em chuẩn bị cho các vai trò hoặc cơ hội việc làm trong tương lai. Khuyến khích học viên dựa vào Thánh Linh khi tìm kiếm những cách thức để phát triển và học hỏi. Anh chị em có thể nhắc nhở học viên rằng một số tài năng tự nhiên mà có, còn những tài năng khác lại đòi hỏi công sức và nỗ lực cá nhân.

Trước khi cho học viên thời gian để thực hiện kế hoạch của mình, có thể cho các em xem “Small and Simple” (3:31), có sẵn trên ChurchofJesusChrist.org. Anh chị em có thể dùng video này cho học viên thấy các ví dụ về những bước đơn giản mà các em có thể làm theo để hoàn thành các mục tiêu.

Phát tài liệu “Phát Triển Các Kỹ Năng và Khả Năng.” Trước khi cho học viên thời gian để làm sinh hoạt này, có thể cho cả lớp cùng hoàn thành một ví dụ. Yêu cầu các thành viên trong lớp nghĩ về một kỹ năng hoặc khả năng cần được tập trung, sau đó mời các em suy nghĩ về cách thức để hoàn thành từng bước nhằm phát triển kỹ năng hoặc khả năng đó.

Khi học viên tự mình thực hiện kế hoạch này, có thể nên nhắc nhở các em về kỹ năng hoặc khả năng mà các em đã xác định là muốn phát triển trong bài “Khám Phá Các Tài Năng và Khả Năng của Các Em.”

Phát Triển Các Kỹ Năng và Khả Năng

Hãy sử dụng các bước sau đây để lập kế hoạch phát triển các kỹ năng và khả năng nhằm giúp các em sẵn sàng cho các vai trò và cơ hội việc làm trong tương lai:

  1. Liệt kê một kỹ năng hoặc khả năng mà các em muốn phát triển để có thể sẵn sàng cho công việc hoặc các vai trò khác sẽ có trong tương lai.

  2. Làm thế nào kỹ năng hoặc khả năng này sẽ giúp các em trở nên giống như Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hơn?

  3. Đặt ra một mục tiêu cụ thể để giúp các em phát triển kỹ năng hoặc khả năng này. Liệt kê hai hoặc ba bước đi hay hành động cụ thể mà các em sẽ làm để đạt được mục tiêu này.

  4. Các em sẽ thay đổi thói quen hay những thói quen nào để đạt được mục tiêu của mình? Khởi đầu nhỏ. Liệt kê một hoặc hai thói quen mà các em có thể thay đổi hoặc xây dựng mỗi ngày. Chúng ta không cần phải làm điều gì to tát.

  5. Các em sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ của Thượng Đế cho kế hoạch của mình như thế nào? Các em có thể tìm một câu thánh thư mô tả những cách các em có thể làm điều này. Các ví dụ bao gồm Châm Ngôn 3:5–6; 2 Nê Phi 32:3; Ê The 12:27; và Giáo Lý và Giao Ước 4:7.

Mời các học viên sẵn lòng chia sẻ các phần trong kế hoạch của các em với nhau, theo cặp hoặc theo nhóm nhỏ. Chia học viên theo cặp và cho các em cơ hội để chia sẻ ý kiến phản hồi. Anh chị em có thể đưa ra những gợi ý như sau để giúp định hướng những ý kiến phản hồi mà học viên có thể đưa ra:

  • Một điều tôi thích về kế hoạch của bạn là …

  • Một điều đã giúp tôi hoàn thành các mục tiêu của mình là …

  • Một ý kiến khác mà bạn có thể thử để giúp bản thân thành công là …

Hãy khuyến khích học viên thực hiện những kế hoạch mà các em đã đặt ra cho bản thân. Làm chứng về khả năng và sự sẵn lòng của Chúa để giúp đỡ khi các em nỗ lực phát triển các kỹ năng và khả năng của mình để chuẩn bị cho tương lai.

In