Lớp Giáo Lý
Bài Học 191—Tầm Quan Trọng của Học Vấn: Học Vấn Là Thiết Yếu cho Sự Tiến Triển của Chúng Ta


“Bài Học 191—Tầm Quan Trọng của Học Vấn: Học Vấn Là Thiết Yếu cho Sự Tiến Triển của Chúng Ta”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Tầm Quan Trọng của Học Vấn” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 191: Chuẩn Bị cho Học Vấn và Công Việc trong Tương Lai

Tầm Quan Trọng của Học Vấn

Học Vấn Là Thiết Yếu cho Sự Tiến Triển của Chúng Ta

Hình Ảnh
các thanh thiếu niên đang thực hiện một dự án

Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô muốn chúng ta học hỏi và phát triển học vấn trong suốt cuộc đời mình. Điều đó là thiết yếu cho sự tiến triển của chúng ta trên trần thế và trong suốt thời vĩnh cửu. Bài học này có thể giúp học viên hiểu được tầm quan trọng của học vấn.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Tại sao học vấn lại quan trọng?

Để giúp học viên bắt đầu suy nghĩ về tầm quan trọng của học vấn, có thể chia sẻ tình huống sau đây:

Hãy tưởng tượng có một học viên tên là Sara không thích đi học. Sara nghĩ điều đó thật lãng phí thời gian và khiến cho em ấy căng thẳng quá mức. Thêm vào đó, em ấy không có nhiều động lực học tập vì em ấy chưa bao giờ học tốt ở trường. Sara thà đi chơi với bạn bè, thư giãn ở nhà, hoặc đi làm còn hơn.

Mời học viên suy nghĩ xem các em đã bao giờ có những vấn đề giống như Sara chưa. Giải thích rằng bài học này sẽ giúp các em học về lý do tại sao Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô muốn chúng ta phát triển học vấn.

Có thể sẽ hữu ích khi nhắc nhở học viên rằng học vấn có thể bao gồm việc học tập diễn ra ở những nơi chính quy, như trường học. Học vấn cũng có thể đến từ việc học hỏi diễn ra ở những nơi khác, như ở nhà hay trong các sinh hoạt hằng ngày.

Ở đầu một trang trong nhật ký học tập, hãy viết tiêu đề “Tại sao học vấn quan trọng?” Khi các em học tập hôm nay, hãy tìm kiếm sự mặc khải từ Cha Thiên Thượng qua Đức Thánh Linh để thấy được giá trị của học vấn trong cuộc đời các em. Ghi lại những hiểu biết sâu sắc và ấn tượng thuộc linh của các em vào danh sách trong nhật ký.

Tìm hiểu tầm quan trọng của học vấn

Cho học viên thời gian tìm hiểu thánh thư và những lời phát biểu từ các vị lãnh đạo Giáo Hội dạy về tầm quan trọng của việc học hỏi và học vấn. Học viên có thể tìm hiểu một số hoặc tất cả các nguồn tài liệu trong tài liệu phát tay có tựa đề “Tầm Quan Trọng của Học Vấn.” Khuyến khích các em ghi vào danh sách trong nhật ký học tập bất cứ hiểu biết sâu sắc nào các em khám phá được.

Có thể chia học viên thành các nhóm nhỏ và giao cho mỗi thành viên trong nhóm một câu thánh thư và một lời phát biểu để nghiên cứu. Yêu cầu học viên giải thích cho những người còn lại trong nhóm điều các em học được trong các phần đọc được giao.

Tầm Quan Trọng của Học Vấn

Những câu thánh thư và lời phát biểu sau đây từ các vị lãnh đạo Giáo Hội có thể giúp các em hiểu thêm về việc Chúa kỳ vọng và mong muốn các em có được học vấn. Trong khi học, các em hãy tìm kiếm các lẽ thật về tầm quan trọng của học vấn.

Những câu thánh thư để nghiên cứu:

Giáo Lý và Giao Ước 88:77–80, 118; 130:18–19

Những lời dạy của các vị lãnh đạo Giáo Hội:

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell M. Nelson

Học vấn là điều các em phải có được. Không ai khác có thể làm thay cho các em. Dù các em đang ở đâu, hãy phát triển một ước muốn mãnh liệt để học hỏi. Đối với các Thánh Hữu Ngày Sau chúng ta, việc phát triển học vấn không chỉ là một đặc quyền; mà nó còn là một trách nhiệm tôn giáo. “Vinh quang của Thượng Đế là tri thức” (Giáo Lý và Giao Ước 93:36). Thật vậy, kiến thức mà chúng ta có được sẽ tồn tại vĩnh cửu. …

Một viễn cảnh xa hơn như vậy sẽ giúp các em đưa ra những lựa chọn tốt trong sự học hỏi.

Đừng ngại theo đuổi mục tiêu của mình—kể cả ước mơ của các em! Nhưng hãy biết rằng không có con đường tắt nào giúp các em trở nên xuất sắc và có được năng lực. Học vấn là sự khác biệt giữa việc ước rằng các em có thể giúp đỡ người khác với việc các em có khả năng để giúp đỡ họ. (Russell M. Nelson, “What Will You Choose?Ensign, tháng Giêng năm 2015, trang 32)

Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói:

Hình Ảnh
Anh Cả David A. Bednar

Các em và tôi ở đây trên thế gian để chuẩn bị cho thời vĩnh cửu, để học cách học hỏi, để học hỏi những điều quan trọng cho thế tục và những điều thiết yếu cho vĩnh cửu, và để trợ giúp người khác học hỏi sự thông sáng và lẽ thật (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 97:1). Việc hiểu được chúng ta là ai, chúng ta đến từ đâu, và tại sao chúng ta sống trên thế gian sẽ trao cho mỗi người chúng ta một trách nhiệm lớn lao, trong việc học cách thức để học hỏi lẫn học cách yêu thích sự học hỏi. (David A. Bednar, “Learning to Love Learning”, Ensign, tháng Hai năm 2010, trang 27)

Chủ Tịch Camille N. Johnson, Chủ Tịch Trung Ương Hội Phụ Nữ, đã chia sẻ:

Hình Ảnh
Chị Camille N. Johnson

Chúng ta nên tiếp thu mọi sự giáo dục và đào tạo mà mình có thể có được để trở nên sẵn sàng. Sẵn sàng để phục vụ trên thế gian và cho Giáo Hội. Sẵn sàng để trở thành cố vấn và người đồng hành khôn ngoan cho người phối ngẫu của chúng ta. Sẵn sàng để trở thành những giảng viên hiệu quả cho con cái chúng ta và những người trẻ tuổi chịu sự ảnh hưởng của chúng ta. Chúng ta càng học hỏi, thì chúng ta càng có thể tự tin để mang lại ảnh hưởng lâu dài hơn.” (Camille N. Johnson, “Seek Learning by Study and by Faith” [buổi họp đặc biệt devotional trong chương trình BYU–Pathway Worldwide, ngày 19 tháng Mười năm 2021], byupathway.org).

Từ Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ: Sách Hướng Dẫn để Lựa Chọn:

Cha Thiên Thượng muốn các con trai và con gái của Ngài luôn học hỏi. Em có cả lý do thế tục lẫn thuộc linh để tìm kiếm và yêu thích việc học hỏi. Học vấn không chỉ đơn thuần là để kiếm tiền. Nó là một phần của mục tiêu vĩnh cửu của em để trở nên giống như Cha Thiên Thượng hơn. …

Tìm kiếm cơ hội để mở rộng tâm trí và kỹ năng của em. Những cơ hội này có thể bao gồm học vấn [chính quy] tại trường [học] hoặc [trường đào tạo nghề], cũng như việc [học hỏi ngoài chính quy] từ những nguồn mà em tin cậy. Liên kết với Chúa trong những nỗ lực của em, và Ngài sẽ hướng dẫn em. Khi em học hỏi về thế giới xung quanh em, hãy cũng học hỏi về Đấng Cứu Rỗi là Đấng đã tạo ra thế gian. Học hỏi về cuộc sống và những điều giảng dạy của Ngài. Đặt lớp giáo lý, viện giáo lý, và việc học hỏi thánh thư cá nhân là một phần của việc học hỏi suốt cuộc đời của em. (Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ: Sách Hướng Dẫn để Lựa Chọn [năm 2022], trang 31)

Nếu anh chị em chia học viên ra thành nhóm, thì hãy mời các em chia sẻ những khám phá của mình với các thành viên trong nhóm. Trước khi học viên chia sẻ, hãy giải thích rằng một kỹ năng quan trọng sẽ giúp đỡ các em trong suốt cuộc đời chính là tư duy phản biện. Tư duy phản biện là khả năng tạo ra sự kết nối giữa các ý tưởng và đánh giá chúng. Hãy trình bày những chỉ dẫn sau để giúp học viên rèn luyện tư duy phản biện trong khi thảo luận nhóm:

  1. Hãy tóm lược điều các em đã học được từ câu thánh thư và lời phát biểu mà các em tìm hiểu.

  2. Sau khi học viên đã chia sẻ hết các phần tóm lược, hãy thảo luận những câu hỏi sau:

  3. Các em tìm thấy điểm tương đồng nào trong những lời phát biểu và thánh thư mà các em học?

  4. Những câu thánh thư hoặc lời phát biểu mà các em học có điểm gì khác biệt so với nhau?

  5. Có điều gì trong một câu trích dẫn hoặc thánh thư nào mang đến cho các em hiểu biết sâu sắc về điều gì đó trong một đoạn trích dẫn hoặc thánh thư khác không?

Những lẽ thật về tầm quan trọng của học vấn

Hãy cho học viên cơ hội để chia sẻ các lẽ thật các em tìm thấy từ việc học tập và thảo luận của mình. Anh chị em có thể viết lên trên bảng câu hỏi lúc bắt đầu buổi học: “Tại sao học vấn lại quan trọng?”, và yêu cầu học viên viết các lẽ thật các em đã học được xung quanh câu hỏi này. Học viên có thể chia sẻ những lẽ thật tương tự như sau:

  • Học vấn giúp chúng ta chuẩn bị cho sự phục vụ trong vương quốc của Thượng Đế (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 88:77–80).

  • Chúa truyền lệnh cho chúng ta phải tìm kiếm sự hiểu biết (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 88:118).

  • Sự hiểu biết và tri thức chúng ta đạt được trong cuộc sống này sẽ tồn tại với chúng ta khi chúng ta phục sinh (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 130:18–19).

  • Học vấn có thể chuẩn bị cho chúng ta để trở thành những ảnh hưởng tốt lành lâu dài trên thế gian (xin xem Camille N. Johnson, “Seek Learning by Study and by Faith”, [buổi họp đặc biệt devotional trong chương trình BYU–Pathway Worldwide ngày 19 tháng Mười năm 2021], byupathway.org).

Có thể thảo luận về những hiểu biết sâu sắc của học viên về các lẽ thật mà các em đã xác định bằng cách đặt ra những câu hỏi sau:

  • Điều gì trong số những lẽ thật mà các em nhận ra có ý nghĩa nhất đối với các em? Tại sao?

  • Các em nghĩ học vấn có thể ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ của các em với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô?

  • Các em đã thấy các phước lành của việc đạt được học vấn trong cuộc sống của mình hoặc cuộc sống của người khác như thế nào?

Giải thích bằng lời riêng của em

Nhắc học viên nhớ trường hợp của Sara lúc bắt đầu bài học. Sau khi chia sẻ những chỉ dẫn sau đây, hãy cho học viên thời gian để ghi lại câu trả lời vào nhật ký học tập của các em.

Bằng cách sử dụng những gì các em đã học và cảm nhận được hôm nay, hãy viết ra một câu trả lời để có thể chia sẻ với Sara nhằm giúp bạn ấy hiểu rõ hơn tầm quan trọng của học vấn. Trong câu trả lời của các em, hãy đưa vào ít nhất một phần tham khảo thánh thư hoặc lời phát biểu của một vị lãnh đạo Giáo Hội. Các em cũng có thể đưa ra chứng ngôn của mình hoặc mô tả những kinh nghiệm mà các em đã có.

Có thể cho học viên cơ hội để chia sẻ câu trả lời của các em theo cặp. Cũng có thể mời một vài học viên tình nguyện chia sẻ câu trả lời của các em với cả lớp.

Hãy kết thúc bài học bằng cách mời học viên chia sẻ những gì các em đã học được và cảm thấy muốn ghi nhớ. Học viên có thể ghi lại suy nghĩ hay ấn tượng của mình vào nhật ký học tập. Cân nhắc chia sẻ chứng ngôn của anh chị em về tầm quan trọng của học vấn.

In