Huấn Luyện Chương Trình Giảng Dạy
Huấn Luyện về Phần Đánh Giá


“Huấn Luyện về Phần Đánh Giá,” Huấn Luyện về Chương Trình Giảng Dạy Lớp Giáo Lý (năm 2025)

Hình Ảnh
lớp giáo lý

Huấn Luyện về Phần Đánh Giá

Lời Giới Thiệu

Đánh giá là một phần quan trọng của việc học. Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc đánh giá, khi ông mô tả vai trò của các bài kiểm tra trong việc học tập.

Hình Ảnh
Anh Cả David A. Bednar

Những bài thi định kỳ là hoàn toàn thiết yếu đối với việc học tập. Một bài thi hữu hiệu giúp chúng ta so sánh những gì chúng ta cần biết với những gì chúng ta thực sự biết về một đề tài cụ thể; nó cũng cung cấp một tiêu chuẩn mà chúng ta có thể dựa vào đó để đánh giá việc học hỏi và phát triển của mình (David A. Bednar, “Chúng Ta Sẽ Thử Thách Họ Bằng Phương Tiện Này,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 8).

Việc đánh giá trong lớp giáo lý có mục đích tương tự như những bài kiểm tra trong việc học. Việc đánh giá có thể giúp học viên thể hiện kiến thức, sự hiểu biết thuộc linh, sự tận tụy với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Những cách đánh giá nghiêm túc này có thể giúp học viên trở nên ý thức hơn về những điều các em đang học và các em đã tăng trưởng ra sao.

Hình Ảnh
Ảnh meme Nhận biết Việc Học Tập và Phát Triển

Việc nhận biết sự học hỏi và phát triển của các em có thể là một kinh nghiệm bổ ích và thúc đẩy học viên. Điều này tương tự như khi một vận động viên chạy đua xem thời gian của mình trên đồng hồ bấm giờ hoặc khi một đứa trẻ nhìn thấy sự trưởng thành của mình trên biểu đồ chiều cao. Học viên thường không nhận ra mình đang phát triển như thế nào nếu không có cơ hội thường xuyên để Đánh Giá Việc Học Tập của Em. Ngay cả những cơ hội để thấy rằng các em đã không tiến bộ hoặc thậm chí có thể là các em đã thụt lùi trong sự tăng trưởng của mình cũng có thể là những kinh nghiệm học hỏi quý giá. Việc đánh giá thường xuyên có thể mời thêm nhiều sự mặc khải cá nhân vào cuộc sống của các em và giúp học viên tạo ra các kế hoạch cho sự phát triển và học tập trong tương lai. Một số ví dụ về các sinh hoạt đánh giá trong chương trình giảng dạy lớp giáo lý bao gồm các bài học Đánh Giá Việc Học Tập của Em và các phương pháp thực hành thông thạo giáo lý. Buổi huấn luyện này sẽ tập trung vào các sinh hoạt đánh giá được tìm thấy trong các bài học Đánh Giá Việc Học Tập của Em.

Các Bài Học Đánh Giá Việc Học Tập của Em

Trong suốt chương trình giảng dạy lớp giáo lý, anh chị em sẽ thấy có bài học Đánh Giá Việc Học Tập của Em. Các bài học này được sắp xếp bốn đến sáu tuần một lần và mang đến cho học viên cơ hội tự đánh giá kết quả học tập ở cấp độ khóa học. Những kết quả học tập ở cấp độ khóa học này giúp học viên:

  • Giải thích giáo lý mà họ đã học được.

  • Suy ngẫm về những cảm nghĩ, thái độ và mong muốn của các em liên quan đến kế hoạch của Cha Thiên Thượng và phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Xem lại các kế hoạch hoặc mục tiêu mà các em đang thực hiện để áp dụng những điều các em đang học và làm sâu sắc thêm vai trò môn đồ của các em theo Chúa Giê Su Ky Tô.

Có thể là hữu ích khi dành thời gian xem qua một hoặc nhiều bài học Đánh Giá Việc Học Tập của Em để làm quen với các bài học đó. Khi anh chị em xem qua một hoặc hai bài học, hãy lưu ý rằng mỗi bài học bắt đầu theo một cách tổng quát, mang đến cho học viên cơ hội để chia sẻ bất cứ điều gì họ học được gần đây từ việc học thánh thư riêng cá nhân, với gia đình, trong các buổi họp Giáo Hội, hoặc trong lớp giáo lý. Sau đó, hãy xem từng sinh hoạt đánh giá trong bài học Đánh Giá Việc Học Tập của Em. Đặc biệt chú ý đến cách mỗi sinh hoạt đánh giá:

  • Bắt đầu bằng một tiêu đề cho biết kết quả học tập ở cấp độ khóa học.

  • Đề cập đến những kinh nghiệm học tập từ các bài học trước trong chương trình giảng dạy.

  • Cung cấp cho học viên một cơ hội để làm điều gì đó để thể hiện việc học hỏi của họ.

Hình Ảnh
Ảnh meme Biết Rõ Kết quả Học tập

Điều quan trọng cần nhớ là việc học tập của học viên có thể được đẩy nhanh khi học viên hiểu rõ kết quả của một sinh hoạt học tập và được trao cơ hội để thể hiện việc học tập của mình. Một phép so sánh có thể giúp minh họa điều này. Nếu một người trẻ tuổi đang học bắn cung tên, thì người ấy cần một mục tiêu rõ ràng để nhắm đến, cũng như được huấn luyện về cách lắp mũi tên, giữ cung, nhắm và nhả tay. Nếu anh ta không bao giờ có cơ hội để thử bắn tên, anh ta sẽ không bao giờ biết liệu mình có học được hay không. Chỉ khi thả mũi tên, anh ta mới nhìn rõ liệu mình có bắn trúng mục tiêu hay không. Điều này cũng đúng như vậy trong một kinh nghiệm học tập phúc âm. Học viên cần được chỉ dẫn và giúp đỡ, nhưng các em cũng cần cơ hội để thể hiện việc học hỏi của mình. Cách học viên thể hiện việc học của họ cần phải được kết nối rõ ràng với kết quả. Mỗi kinh nghiệm học tập trong chương trình giảng dạy được thiết kế với ý tưởng này; tuy nhiên, nó thậm chí còn được thể hiện nổi bật hơn trong các bài học Đánh Giá Việc Học Tập của Em. Cân nhắc chia sẻ với học viên kết quả học tập trong mỗi bài học này.

Các giảng viên và bạn cùng lớp có thể là một nguồn tài liệu để giúp học viên nhận ra việc học của mình rõ ràng hơn. Anh chị em với tư cách là một giảng viên có thể phản hồi về sự tiến triển mà các em đang đạt được hoặc gặp khó khăn. Anh chị em có thể suy nghĩ ý tưởng hoặc chia sẻ kinh nghiệm từ cuộc sống của chính mình. Hãy nhớ rằng không nên kỳ vọng học viên báo cáo những mục tiêu và kế hoạch với anh chị em hoặc cả lớp học. Một vài những mục tiêu và kế hoạch này có thể rất riêng tư. Tuy nhiên, có thể có những lúc một học viên cảm thấy thoải mái khi chia sẻ những kế hoạch hoặc mục tiêu của mình với anh chị em. Hội ý cùng với học viên khi thích hợp. Có thể có những lúc khác khi một học viên nên được chuyển hướng đến gặp cha mẹ, giám trợ hoặc chủ tịch chi nhánh.

Một số sinh hoạt trong bài học Đánh Giá Việc Học Tập của Em được thiết kế để học viên chia sẻ suy nghĩ và kinh nghiệm của mình với các bạn cùng lớp, trong khi các sinh hoạt khác mang tính cá nhân hơn. Ví dụ, khi học viên giải thích giáo lý, thì đây có thể là thời điểm tốt để cho các em làm việc cùng với nhau để thực hành giải thích hoặc đóng diễn. Khi học viên đánh giá những cảm nhận, thái độ và ước muốn của các em, thì đó có thể là một sinh hoạt thích hợp hơn để suy ngẫm cá nhân.

Hình Ảnh
Ảnh meme Đức Thánh Linh Đồng Hành

Quan trọng hơn hết, trong khi anh chị em giảng dạy những bài học này, hãy mời học viên tìm kiếm sự giúp đỡ và hướng dẫn từ Cha Thiên Thượng qua Đức Thánh Linh. Không có người bạn đồng hành nào tốt hơn Đức Thánh Linh để giúp học viên thấy rõ cách các em đang học hỏi và tiến triển như thế nào trên con đường trở về với Cha Thiên Thượng. Hãy thường xuyên cung cấp cho học viên các cơ hội để tìm kiếm sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh trong việc đánh giá việc học tập và phát triển của các em với tư cách là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.

Tín Chỉ Khóa Học cho Việc Đánh Giá

Học viên cần tham gia vào ít nhất một bài học Đánh Giá Việc Học Tập của Em trong mỗi nửa khóa học để nhận được tín chỉ tốt nghiệp lớp giáo lý.

Nếu học viên không tham dự bất kỳ bài học Đánh Giá Việc Học Tập của Em nào trong học kỳ, anh chị em sẽ cần cung cấp cho các học viên bài học Đánh Giá Việc Học Tập của Em phù hợp nằm trong phần phụ lục của sách hướng dẫn dành cho giảng viên lớp giáo lý. “Đánh Giá Việc Học Tập của Em, Phần 1” có thể được giao cho học viên để bù bài đánh giá cho nửa đầu của khóa học. “Đánh Giá Việc Học Tập của Em, Phần 2” có thể được giao cho học viên để bù bài đánh giá cho nửa sau của khóa học. Mời học viên ghi lại câu trả lời của các em cho mỗi sinh hoạt đánh giá. Khuyến khích các em cũng chia sẻ những câu trả lời không quá riêng tư với cha mẹ, anh chị em ruột, hoặc vị lãnh đạo Giáo Hội. Cơ hội này để học viên chia sẻ có thể cho phép Đức Thánh Linh giảng dạy và làm chứng cho các em về các lẽ thật của phúc âm và mời các em thực hiện thêm các bước trong vai trò môn đồ tập trung vào Đấng Ky Tô. Khi các học viên trả lại bản đánh giá cho anh chị em, anh chị em cũng có thể mời các em chia sẻ một hoặc hai câu trả lời của họ nếu chúng không quá riêng tư.

Điều Chỉnh Các Bài Học Đánh Giá Việc Học Tập của Em

Đôi khi, anh chị em có thể cần phải điều chỉnh các bài học Đánh Giá Việc Học Tập của Em. Do thời khóa biểu của trường, học viên có thể chưa học bài mà bài học Đánh Giá Việc Học Tập của Em đề cập đến. Cũng có thể có những lúc một lẽ thật đặc biệt có ý nghĩa đối với học viên nhưng không được đề cập đến trong bài học Đánh Giá Việc Học Tập của Em. Trong những trường hợp này, anh chị em có thể quyết định thay thế một trong những sinh hoạt này trong bài học Đánh Giá Việc Học Tập của Em với một sinh hoạt anh chị em tạo ra để giúp đỡ học viên đánh giá việc hiểu hay tiến triển trong chủ đề đó.

Những bước sau đây có thể giúp anh chị em để điều chỉnh hoặc tạo ra một sinh hoạt đánh giá hiệu quả.

  • Bước 1: Bắt đầu bằng cách xác định mục đích của bài học mà anh chị em muốn đánh giá.

    Mỗi mục đích của bài học được liệt kê trong câu cuối cùng của đoạn giới thiệu cho bài học đó và trong tài liệu khái quát của tuần.

  • Bước 2: Hãy cân nhắc những điều học viên có thể làm để đánh giá sự phát triển và học tập của các em cho mục đích của bài học đó. Các ví dụ gồm có như sau:

    • Sự hiểu biết: Học viên có thể giảng dạy hoặc giải thích một khái niệm giáo lý bằng lời hoặc viết ra. Điều này có thể được thực hiện theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như để đáp ứng với một tình huống hoặc một gợi ý trong nhật ký.

    • Những cảm nghĩ, thái độ, hoặc ước muốn: Trong bài học trước, học viên có thể đã được mời đánh giá những cảm nghĩ, thái độ hoặc mong muốn của các em qua một mục nhật ký, bản khảo sát hoặc phương pháp khác. Nếu vậy, có thể mời học viên hoàn thành lại sinh hoạt đó. Sau đó, các em có thể so sánh câu trả lời của mình từ bài học trước với câu trả lời của các em trong bài học Đánh Giá Việc Học Tập của Em.

    • Áp dụng: Học viên có thể ôn lại những điều các em cảm thấy ấn tượng để thực hiện hoặc kế hoạch các em tạo ra như là một phần của bài học. Các em có thể suy ngẫm về cách các em đã hành động theo kế hoạch. Một vài học viên tình nguyện có thể chia sẻ kinh nghiệm của các em nếu những kinh nghiệm đó không quá riêng tư. Các em thậm chí có thể minh họa một số việc đã làm, chẳng hạn như việc sử dụng ứng dụng Cây Gia Phả của FamilySearch hoặc sử dụng một kỹ năng học hỏi thánh thư.

Hãy cố gắng tìm ra những cách thức để làm cho các sinh hoạt có ý nghĩa và thú vị. Ngoài ra, hãy dành nhiều thời gian để học viên suy ngẫm và đánh giá sự phát triển của các em. Các sinh hoạt không nên khiến học viên so sánh sự tăng trưởng của các em với những người khác mà giúp các em đánh giá kinh nghiệm của chính mình . Một vài học viên có thể thất vọng với sự tăng trưởng hiện tại của mình. Giúp các em hiểu rằng những bài đánh giá này không bao giờ được xem là kết quả cuối cùng. Thay vì thế, học viên nên luôn luôn được khuyến khích cân nhắc bước tiếp theo trong việc học tập hoặc phát triển của các em có thể là gì và làm thế nào các em có thể tìm đến Chúa để được giúp đỡ.

Lưu ý: Giảng viên lớp giáo lý có thể cải thiện các bài học Đánh Giá Việc Học Tập của Em sắp tới bằng cách bao gồm vào các sinh hoạt đánh giá liên quan đến các hạng mục Chuẩn Bị cho Cuộc Sống mà học viên đã học gần đây trong lớp giáo lý. Họ có thể thêm các sinh hoạt này vào các bài học Đánh Giá Việc Học Tập của Em hoặc thay thế các bài đánh giá hiện tại. Anh chị em có thể tìm thấy các bài đánh giá được đề nghị cho từng loại bài học Chuẩn Bị cho Cuộc Sống trong phần phụ lục của sách học dành cho giảng viên lớp giáo lý.

Kết Luận

Hình Ảnh
Ảnh meme Container so với Lửa

Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã khích lệ các giảng viên để “nhớ rằng học viên không phải là một bình chứa để đổ đầy vào; học viên là một ngọn lửa để được đốt cháy” (“Angels and Astonishment,” [Buổi phát sóng chương trình huấn luyện của Hệ Thống Giáo Dục Giáo Hội], ngày 12 tháng Sáu năm 2019, broadcasts.ChurchofJesusChrist.org). Các cơ hội mà học viên có được trong các sinh hoạt đánh giá trong lớp giáo lý là một cách quan trọng để thúc đẩy học viên trong việc học tập của họ. Các câu hỏi này có thể giúp khơi dậy ước muốn để gia tăng sự cải đạo của học viên theo Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài. Việc cho học viên một cơ hội để giải thích giáo lý, suy ngẫm về những cảm nhận, thái độ, cùng ước muốn, và ôn lại kế hoạch hoặc mục tiêu các em đang thực hiện sẽ giúp các em thận trọng hơn trong nỗ lực của mình để trở nên giống Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hơn.

In