11
Giảng Dạy Kế Hoạch Cứu Rỗi (Phần 2)
Lời Giới Thiệu
Kế hoạch cứu rỗi đã mang đến một Đấng Cứu Rỗi nhằm khắc phục những hậu quả của Sự Sa Ngã của A Đam. Qua Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta có thể chiến thắng cái chết, tội lỗi, và nỗi đau khổ. Ngoài ra, chúng ta sẽ được phục sinh và những người ngay chính sẽ trở về nơi hiện diện của Thượng Đế và trở nên giống như Ngài. Những người truyền giáo tương lai cần hiểu rõ giáo lý về kế hoạch cứu rỗi và sẵn sàng để giải thích một cách đơn giản và làm chứng với quyền năng về giáo lý đó.
Chuẩn Bị Trước
-
Học Ê Sai 53:3–5; 1 Cô Rinh Tô 15:20–22; An Ma 7:11–13; An Ma 11:42–44; An Ma 34:8–9; và Giáo Lý và Giao Ước 19:15–19.
-
Học sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, các trang 56–59.
-
Chuẩn bị để cho xem video “For God So Loved the World (Vì Đức Chúa Trời Yêu Thương Thế Gian)” (4:48), có sẵn trên LDS.org.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô
Trước khi lớp học bắt đầu, hãy viết những điều sau đây lên trên bảng:
Khi lớp học bắt đầu, yêu cầu sinh viên đọc thầm Giăng 3:16 và cân nhắc cách câu này “tóm lược toàn bộ kế hoạch cứu rỗi.”
Sau khi các sinh viên đã có một giây lát để đọc và suy ngẫm, mời họ thảo luận cách thánh thư tóm lược kế hoạch cứu rỗi. Nếu cần, anh chị em có thể đọc lời phát biểu đầy đủ hơn về Giăng 3:16 do Anh Cả Bruce R. McConkie (1915–85) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đưa ra:
“Đây có lẽ là một câu thánh thư nổi tiếng nhất và quyền năng nhất đã từng được thốt ra. Câu này tóm lược toàn bộ kế hoạch cứu rỗi, ràng buộc Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, sự hy sinh chuộc tội của Ngài với sự tin tưởng nơi Ngài bao gồm những việc làm ngay chính, và cuối cùng là sự tôn cao vĩnh cửu cho những người trung tín” (Doctrinal New Testament Commentary, tập 3 [1965–73], 1:144).
Yêu cầu một sinh viên đọc to đoạn đầu tiên trong phần “Sự Chuộc Tội” ở trang 56 của Sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Rồi hỏi:
-
Các em sẽ phát biểu như thế nào, chỉ trong một câu, lý do tại sao sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô vô cùng quan trọng đối với mỗi người con của Thượng Đế như vậy? (Câu trả lời của sinh viên cần phải gồm có giáo lý rằng Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô làm cho mỗi chúng ta có thể khắc phục những hậu quả của Sự Sa Ngã.)
-
Những hậu quả của Sự Sa Ngã mà chúng ta đều trải qua là gì? (Các hậu quả chủ yếu là [1] cái chết thể xác, [2] tội lỗi và cái chết thuộc linh [sự xa rời Thượng Đế], và [3] nỗi đau khổ và buồn bã.)
Khi sinh viên trả lời, hãy cân nhắc việc liệt kê những câu trả lời của họ trong một cột trên bảng dưới tựa đề “Những Hậu Quả của Sự Sa Ngã.” Sau đó ghi vào một cột ở bên phải tựa đề “Làm thế nào Sự Chuộc Tội khắc phục những hậu quả của Sự Sa Ngã” (hoặc trưng ra bảng này bằng cách sử dụng phương pháp khác):
Những Hậu Quả của Sự Sa Ngã |
Làm thế nào Sự Chuộc Tội khắc phục những hậu quả của Sự Sa Ngã |
---|---|
Cái Chết Thể Xác |
Sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, trang 56, “Sự Chuộc Tội,” đoạn 2 |
Tội Lỗi và Cái Chết Thuộc Linh |
Sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, trang 56–57, “Sự Chuộc Tội,” các đoạn 3–5 |
Nỗi Đau Khổ và Buồn Bã |
Sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, trang 56–57, “Sự Chuộc Tội,” đoạn 6 |
Chia lớp học thành ba nhóm, và chỉ định cho mỗi nhóm học những đoạn tham khảo ở một trong số danh mục ở trên bảng này. Yêu cầu các sinh viên chuẩn bị để chia sẻ cách những tài liệu mà họ đã học được giúp giải thích làm thế nào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô khắc phục những hậu quả của Sự Sa Ngã. Nói cho sinh viên biết rằng thánh thư trong biểu đồ này tượng trưng cho nhiều đoạn mà có thể được sử dụng để minh họa giáo lý của Sự Chuộc Tội và rằng họ cần học hỏi thêm các đoạn khác để có sự hiểu biết rõ hơn về giáo lý này. Sau khi đã cho họ đủ thời gian để học, mời một vài sinh viên từ mỗi nhóm giải thích điều họ đã học được và cách điều đó giúp chúng ta hiểu Sự Chuộc Tội có thể ban phước cho chúng ta.
Cho sinh viên một vài phút để viết xuống vài câu tóm lược hoặc phác thảo điều họ muốn giảng dạy người tầm đạo về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Sau một vài phút, hãy cân nhắc việc gọi một vài sinh viên đọc cho cả lớp điều đã viết.
Mời Thánh Linh giúp đỡ các sinh viên cảm nhận được lẽ thật và tầm quan trọng của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách cho xem video “For God So Loved the World (Vì Đức Chúa Trời Yêu Thương Thế Gian)” (4:48). Yêu cầu các sinh viên tìm kiếm những cách thức Chúa Giê Su Ky Tô cho thấy tình yêu thương của Ngài dành cho thế gian.
Sau khi cho xem video, hãy hỏi:
-
Chúa Giê Su Ky Tô đã cho thấy tình yêu thương của Ngài dành cho những người khác bằng một số cách thức nào?
-
Làm thế nào video này giúp các em biết ơn về giáo vụ và sứ mệnh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi?
Mời các sinh viên nhìn lại xem họ đã viết về những điều gì mà họ muốn giảng dạy cho một người tầm đạo về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Cho sinh viên thêm một vài phút để viết thêm vài câu tóm lược điều họ tin tưởng và có thể làm chứng về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Sau một vài phút, chỉ định cho các sinh viên ghép đôi với một sinh viên khác trong lớp học và đóng diễn vai với nhau theo cách họ sẽ làm chứng với một người tầm đạo về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.
Sau khi mỗi sinh viên đều đã có cơ hội để đóng diễn, hãy kết thúc phần này của bài học bằng cách hỏi:
-
Tại sao là điều quan trọng để những người truyền giáo chia sẻ chứng ngôn của họ về Chúa Giê Su Ky Tô với những người họ giảng dạy? (Anh chị em có thể muốn nhấn mạnh rằng một trong các vai trò của Đức Thánh Linh là để làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô [xin xem Giăng 15:26; 3 Nê Phi 11:32]; vì vậy, khi chúng ta làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô với người khác, chúng ta mời Đức Thánh Linh xác nhận lời chứng của mình trong tấm lòng của những người chúng ta giảng dạy.)
Khuyến khích các sinh viên cân nhắc điều họ có thể làm để biết ơn sâu sắc hơn và gia tăng chứng ngôn của họ về Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài. Bảo đảm với các sinh viên rằng bằng cách gia tăng chứng ngôn của họ về Đấng Cứu Rỗi, họ sẽ trở nên sẵn sàng hơn để mời những người khác đến cùng Đấng Ky Tô.
Số Mệnh Vĩnh Cửu của Chúng Ta
Hướng sinh viên đến biểu đồ được tìm thấy trong ô “Kế Hoạch Cứu Rỗi” nằm ở trang 60 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Mời các sinh viên học biểu đồ này trước tiên, rồi sau đó vẽ biểu đồ theo cách riêng của họ mà không nhìn vào sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Biểu đồ mà họ tự vẽ có thể có bất cứ hình dạng nào, miễn là họ bao gồm các phần chính yếu của kế hoạch cứu rỗi. Nhắc các sinh viên nhớ rằng những người truyền giáo cần phải giải thích được các yếu tố chính của kế hoạch cứu rỗi bằng những từ ngữ đơn giản cho người tầm đạo.
Để giúp các sinh viên hiểu nội dung được tìm thấy trong ba phần còn lại của bài học 2 trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta (các trang 58–59), hãy yêu cầu sinh viên dành ra một vài phút để đọc các phần này và nhận ra các giáo lý, nguyên tắc, và ý kiến mà người tầm đạo cần biết. Khi sinh viên đọc, hãy trưng bày các tựa đề của phần đó trong một biểu đồ ở trên bảng:
Một người tầm đạo cần biết điều gì? | ||
---|---|---|
Thế giới linh hồn |
Sự Phục Sinh, Sự Phán Xét, và sự bất diệt |
Đẳng cấp vinh quang |
Có thể hữu ích để cho các sinh viên học từng phần một và chia sẻ các giáo lý, nguyên tắc, hoặc ý nghĩ mà họ đã nhận ra trước khi tiếp tục đọc phần kế tiếp. Anh chị em có thể mời một sinh viên ghi xuống những câu trả lời của lớp học dưới đề mục thích hợp ở trên bảng. Hãy cân nhắc việc yêu cầu các sinh viên chép biểu đồ này vào nhật ký ghi chép việc học tập của mình và điền vào đó khi lớp học thảo luận mỗi phần.
Những câu hỏi giống như sau đây có thể giúp sinh viên phân tích điều họ đọc được:
-
Những quyết định của chúng ta ở nơi đây trên thế gian sẽ có tác động gì đến chúng ta sau khi chết?
-
Làm thế nào sự hiểu biết của chúng ta về Sự Phán Xét có thể ảnh hưởng đến những quyết định của chúng ta bây giờ?
-
Làm thế nào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô ảnh hưởng đến mỗi giai đoạn của sự sống của chúng ta (tiền dương thế, trần thế, và sau khi chết)?
-
Tại sao là điều quan trọng để trở nên rõ ràng và mạch lạc khi giới thiệu các lẽ thật này với người khác?
Giải thích cho sinh viên biết rằng một trong các giáo lý quan trọng của Sự Phục Hồi là con cái của Thượng Đế có tiềm năng để trở nên giống như Ngài. Sự hiểu biết của chúng ta về Cha Thiên Thượng mang đến cho chúng ta niềm hy vọng mà qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể tiến triển và nhận được phước lành của sự tôn cao (xin xem “Tôn Cao, Sự,” trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, trang 66). Mặc dù một ngày nào đó chúng ta có thể trở nên giống như Thượng Đế, nhưng chúng ta sẽ luôn luôn thờ phượng Ngài. Sự tiến triển của chúng ta sẽ không bao giờ thay đổi thiên tính của Ngài với tư cách là Đức Chúa Cha và Thượng Đế của chúng ta. (Để có thêm thông tin về đề tài này, xin xem bài viết trong phần Gospel Topics (Các Đề Tài Phúc Âm) có tựa đề “Becoming Like God (Trở Nên Giống Thượng Đế)” trên lds.org/topics.)
Chia lớp ra thành các cặp, và mời mỗi cặp chuẩn bị giảng dạy cho một người nào đó về mục đích của cuộc sống và điều gì sẽ xảy ra cho chúng ta sau khi chúng ta qua đời. Trong khi họ chuẩn bị, các sinh viên cần tham khảo các trang 56–60 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta hoặc các trang 10–15 trong sổ tay người truyền giáo Kế Hoạch Cứu Rỗi, nếu có. Khuyến khích sinh viên sử dụng ít nhất một câu thánh thư khi họ giảng dạy. Cũng hãy khuyến khích họ sử dụng các biểu đồ về kế hoạch cứu rỗi mà họ đã vẽ hoặc biểu đồ ở trang 60 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Giải thích rằng sự giảng dạy của họ cần phải đơn giản và rõ ràng và cần kết thúc với chứng ngôn của họ. Cho các cặp đủ thời gian để chuẩn bị giảng dạy, rồi sau đó mời mỗi cặp hợp tác với một cặp khác. Chỉ định cho một cặp sinh viên giảng dạy cho hai sinh viên kia.
Khi các cặp sinh viên kết thúc kinh nghiệm giảng dạy của họ, hãy cho mỗi nhóm cùng nhau thảo luận câu hỏi sau đây: Điều gì đã diễn ra tốt đẹp trong khi giảng dạy? Các sinh viên giảng dạy đã tiến bộ hơn như thế nào?
Sau đó đổi vai và cho các sinh viên đã được dạy giảng dạy cho cặp kia. Hãy chắc chắn có đủ thời gian để họ nhận được ý kiến phản hồi. Sau khi mỗi cặp đều đã được giảng dạy, hãy mời các sinh viên trong lớp chia sẻ những hiểu biết sâu sắc từ kinh nghiệm của họ với cả lớp.
Nếu có thời gian, hãy kết thúc bài học bằng cách chia sẻ chứng ngôn của anh chị em về kế hoạch cứu rỗi, hoặc mời các sinh viên trong lớp cũng làm như vậy.
Lời Mời để Hành Động
Mời các sinh viên chọn một hoặc nhiều hơn các sinh hoạt sau đây để làm ngoài giờ học nhằm giúp họ hiểu sâu hơn về kế hoạch cứu rỗi:
-
Tập vẽ biểu đồ ở trang 60 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta rồi giải thích các yếu tố chính yếu của kế hoạch cứu rỗi, bằng cách sử dụng một đoạn thánh thư hỗ trợ cho mỗi yếu tố.
-
Cân nhắc cách các em có thể giảng dạy kế hoạch cứu rỗi để giúp một người nào đó vừa mới mất một người thân. Viết một đoạn tóm lược ngắn hoặc phác thảo những ý nghĩ trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em.
-
Học bài nói chuyện về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô từ một bài nói chuyện tại Đại Hội Trung Ương mới gần đây. Nhận ra các nguyên tắc từ bài nói chuyện mà sẽ giúp các em hiểu rõ hơn Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Lập một bản liệt kê những cách Sự Chuộc Tội ban phước cho các em hàng ngày.
-
Cầu nguyện để có kinh nghiệm nhằm chia sẻ kế hoạch cứu rỗi với một người nào đó cần được ban phước bằng cách hiểu rõ hơn kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Rồi sau đó hành động trong đức tin và giảng dạy giáo lý này để ban phước cho cuộc sống của người đó.