2
Nhu Cầu của Chúng Ta đối với Sự Chuộc Tội
Lời Giới Thiệu
Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô là trọng tâm trong kế hoạch của Đấng Cứu Rỗi. Qua Sự Chuộc Tội của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô làm tròn các mục đích của Cha Ngài bằng cách cứu rỗi chúng ta khỏi cái chết thuộc linh và cái chết thể xác, làm thỏa mãn sự đòi hỏi của công lý, và tẩy sạch chúng ta khỏi những tội lỗi cá nhân với điều kiện là phải hối cải. Đấng Cứu Rỗi cũng an ủi chúng ta trong những yếu kém của chúng ta, ban cho chúng ta sức mạnh để đạt được những điều chúng ta không thể tự mình làm được, và ban cho chúng ta hy vọng rằng chúng ta có thể trở về sống với Ngài và Cha Thiên Thượng. Những người truyền giáo toàn thời gian tham gia vào công việc cứu rỗi bằng cách giúp người khác học cách nhận được các phước lành của Sự Chuộc Tội qua đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, sự hối cải, phép báp têm, lễ xác nhận, và kiên trì đến cùng.
Chuẩn Bị Trước
-
Học các câu thánh thư sau đây để hiểu rõ hơn lý do tại sao chúng ta cần Sự Chuộc Tội: Rô Ma 3:23; 2 Nê Phi 9:6–10; và An Ma 42:9–14.
-
Học các câu thánh thư sau đây để thấy một số các phước lành có sẵn qua Sự Chuộc Tội: Mô Si A 3:19; 4:3; 24:12–15; và An Ma 5:12–13; 7:11–13.
-
Học bài của Anh Cả Jeffrey R. Holland, “Missionary Work and the Atonement,” Ensign, tháng Ba năm 2001, 8–15.
-
Học sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, các trang 56–58 và 65–67.
-
Chuẩn bị để cho xem video “Ngài Hằng Sống! Tất Cả Vinh Quang cho Danh Ngài!” (2:51; trích từ bài nói chuyện của Anh Cả Richard G. Scott, Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2010, trang 75–78), có sẵn trên lds.org/media-library.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
Tại Sao Chúng Ta Cần Sự Chuộc Tội
Bắt đầu lớp học bằng cách hỏi sinh viên câu hỏi sau đây:
-
Làm thế nào con người tiến đến việc hiểu rằng họ cần đến Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô trong cuộc sống của họ?
Tiếp đó, trưng bày lời phát biểu sau đây:
“Giống như một người không thực sự muốn ăn cho đến khi đói, thì cũng vậy, người ấy cũng không muốn có được sự cứu rỗi của Đấng Ky Tô cho đến khi người ấy biết lý do tại sao phải cần Đấng Ky Tô.
“Không một người nào biết một cách thích đáng và đúng đắn lý do tại sao mình cần Đấng Ky Tô cho đến khi hiểu được và chấp nhận giáo lý về Sự Sa Ngã và ảnh hưởng của Sự Sa Ngã đối với tất cả nhân loại” (Chủ Tịch Ezra Taft Benson, A Witness and a Warning [1988], trang 33).
Rồi hỏi:
-
Chúng ta đang ám chỉ điều gì khi chúng ta nói về Sự Sa Ngã của A Đam?
Trưng bày đoạn trích dẫn sau đây, và yêu cầu một sinh viên đọc to câu đó cho cả lớp nghe:
“Vì A Đam và Ê Va … ăn trái của cây hiểu biết điều tốt và điều xấu nên họ bị đuổi ra khỏi nơi hiện diện của Chúa (xin xem GLGƯ 29:40–41). Nói một cách khác, họ đã trải qua cái chết thuộc linh. Họ cũng trở thành hữu diệt—chịu cái chết thể xác. Cái chết thuộc linh và cái chết thể xác được gọi là Sự Sa Ngã. …
“Là con cháu của A Đam và Ê Va, chúng ta thừa hưởng một tình trạng sa ngã trong cuộc sống hữu diệt (xin xem An Ma 42:5–9, 14). Chúng ta bị tách rời khỏi nơi hiện diện của Chúa và lệ thuộc vào cái chết thể xác. Chúng ta cũng được đặt vào một trạng thái tương phản, mà trong đó chúng ta được thử thách bởi những khó khăn của cuộc sống và sự cám dỗ của kẻ nghịch thù (xin xem 2 Nê Phi 2:11–14; GLGƯ 29:39; Môi Se 6:48–49)” (Trung Thành cùng Đức Tin [2004], 56).
Giúp sinh viên nhận ra các giáo lý được giảng dạy trong đoạn trích này bằng cách hỏi:
-
Làm thế nào Sự Sa Ngã của A Đam ảnh hưởng đến mỗi người chúng ta với tư cách là con cháu của A Đam và Ê Va? (Giống như A Đam và Ê Va, chúng ta cũng phải chịu cả cái chết thuộc linh lẫn cái chết thể xác. Chúng ta sống trong một thế giới sa ngã và chịu những khó khăn của cuộc sống và sự cám dỗ của kẻ nghịch thù. Chúng ta đã bị loại trừ khỏi sự hiện diện của Đức Chúa Cha và cần sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi để trở về với Ngài.)
Viết những đoạn tham khảo thánh thư sau đây lên trên bảng, và cho sinh viên một vài phút để học các đoạn đó:
Trong khi sinh viên đang học, hãy khuyến khích họ tìm xem cách thức mà mỗi người chúng ta bị ảnh hưởng bởi Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va.
-
Các câu thánh thư này giải thích cách mỗi người chúng ta bị ảnh hưởng bởi Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va như thế nào? (Khi sinh viên trả lời, hãy viết những câu trả lời của họ lên trên bảng. Mặc dù câu trả lời của sinh viên có thể khác nhau, nhưng chúng có thể tương tự như sau: Tất cả chúng ta đều phạm tội và trở nên dơ bẩn trong mắt của Thượng Đế; bởi vì chúng ta phạm tội, nên chúng ta bị loại trừ khỏi sự hiện diện của Thượng Đế; chúng ta sẽ trải qua cái chết thể xác; chúng ta sống trong một thế giới sa ngã và cần phải khắc phục “con người thiên nhiên” [Mô Si A 3:19].)
Hỏi sinh viên xem họ có câu hỏi gì về các giáo lý và từ ngữ mà họ đã nhận ra không. Cho phép lớp học thảo luận để khảo sát tỉ mỉ những câu hỏi này. Rồi hỏi:
-
Làm thế nào các câu thánh thư này giúp giải thích tại sao chúng ta đều cần đến Chúa Giê Su Ky Tô? (Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô cứu chuộc chúng ta khỏi Sự Sa Ngã của A Đam và khỏi những hành động không vâng lời của riêng chúng ta.)
Giải thích rằng: là một phần của kế hoạch thương xót của Thượng Đế, Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô cho phép chúng ta thoát khỏi “con yêu quỷ” của sự chết và ngục giới (xin xem 2 Nê Phi 9:10), tức là cái chết thể xác và cái chết thuộc linh. Tất cả chúng ta đều sẽ được phục sinh. Thông qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể được tẩy sạch tội lỗi khi chúng ta hối cải. Nếu không có Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta không những sẽ bị hủy diệt, mà còn sẽ bị lệ thuộc vào quỷ dữ cho suốt thời vĩnh cửu.
Chia sẻ một chứng ngôn ngắn gọn về sự thông sáng và thương xót của kế hoạch của Thượng Đế. Bảo đảm rằng tất cả mọi hậu quả của Sự Sa Ngã đều có thể được khắc phục qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.
Tầm Quan Trọng của Việc Giảng Dạy về Sự Chuộc Tội
Hãy cân nhắc việc đọc hoặc cho xem đoạn video về lời phát biểu sau đây của Anh Cả Richard G. Scott thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Yêu cầu sinh viên tìm kiếm lý do tại sao là điều quan trọng đối với chúng ta để gia tăng sự hiểu biết của mình về Sự Chuộc Tội.
“Vào mùa lễ Phục Sinh này, khi các anh chị em nhớ đến Sự Phục Sinh và cái giá phải trả cùng ân tứ được ban cho nhờ vào Sự Chuộc Tội, hãy suy ngẫm điều thánh thư giảng dạy về các sự kiện thiêng liêng đó. Chứng ngôn riêng của các anh chị em về tính xác thật của các sự kiện đó sẽ được củng cố. Các sự kiện đó phải hơn hẳn các nguyên tắc đã được các anh chị em thuộc lòng. Các sự kiện đó cần phải được trở thành một phần con người của các anh chị em như là bức tường thành chống lại cơn thủy triều khả ố đang dâng lên và lan rộng trên thế gian của chúng ta. …
‘Nếu không có Sự Chuộc Tội, kế hoạch hạnh phúc của Cha Thiên Thượng có thể đã không có được hiệu quả trọn vẹn. Sự Chuộc Tội mang đến cho mọi người cơ hội khắc phục những hậu quả của lỗi lầm đã làm trong cuộc sống. Khi tuân theo một luật pháp, chúng ta nhận được một phước lành. Khi chúng ta vi phạm một luật pháp, thì không còn có điều gì từ sự vâng lời trước đó nhằm thỏa mãn đòi hỏi của công lý cho luật pháp đã bị vi phạm đó. Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi cho phép chúng ta hối cải bất cứ điều bất tuân nào và do đó tránh được hình phạt mà công lý có lẽ sẽ bắt gánh chịu.
“Lòng kính trọng và biết ơn Sự Chuộc Tội của Đấng Chí Thánh Y Sơ Ra Ên, Hoàng Tử Bình An, và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta tiếp tục phát triển khi tôi cố gắng hiểu rõ điều đó hơn. Tôi nhận biết rằng không có trí óc nào của người trần thế có thể hiểu được một cách thích đáng, cũng như không có cái lưỡi nào của con người có thể bày tỏ một cách thích hợp ý nghĩa trọn vẹn của tất cả những gì Chúa Giê Su Ky Tô đã làm cho con cái của Cha Thiên Thượng nhờ vào Sự Chuộc Tội của Ngài. Tuy nhiên, thật là thiết yếu để mỗi chúng ta học được điều mình có thể học được. Sự Chuộc Tội là thành phần thiết yếu trong kế hoạch hạnh phúc của Cha Thiên Thượng mà nếu không có Sự Chuộc Tội thì kế hoạch đó không thể được hữu hiệu. Điều các anh chị em hiểu về Sự Chuộc Tội và do Sự Chuộc Tội cung ứng cho cuộc sống của các anh chị em sẽ làm gia tăng mãnh liệt việc các anh chị em sử dụng hữu ích tất cả kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng đạt được trong cuộc sống hữu diệt. …
“Có một nhu cầu cấp bách cho mỗi chúng ta để củng cố sự hiểu biết của mình về ý nghĩa Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô để điều đó sẽ trở thành một nền tảng không thể lay chuyển, là nơi chúng ta xây đắp cuộc sống của mình. …
Việc suy ngẫm thánh thư một cách sâu sắc kèm theo việc tra cứu và cầu nguyện chân thành sẽ củng cố sự hiểu biết cũng như lòng cảm kích của các anh chị em về Sự Chuộc Tội vô giá của Ngài” (“Ngài Hằng Sống! Tất Cả Vinh Quang cho Danh Ngài!” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2010, 75–76).
Giúp sinh viên phân tích lời phát biểu của Anh Cả Scott bằng cách hỏi những câu hỏi như sau:
-
Phần nào của bài nói chuyện của Anh Cả Scott nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc hiểu Sự Chuộc Tội? (Chắc chắn rằng sinh viên nhận ra những lời phát biểu giống như câu sau đây: nỗi thống khổ của Đấng Cứu Rỗi “sẽ không chỉ ảnh hưởng đến chúng ta trong cuộc sống này mà trong suốt thời vĩnh cửu”; “Sự Chuộc Tội của Ngài làm cho kế hoạch hạnh phúc của Đức Chúa Cha của Ngài trên thiên thượng có được hiệu quả trọn vẹn”; “Chúa Giê Su thực hiện sự cân bằng giữa công lý và lòng thương xót với điều kiện được đặt trên sự vâng lời của chúng ta”; “Sự Chuộc Tội cho tất cả mọi người cơ hội khắc phục những hậu quả của lỗi lầm đã phạm phải trong cuộc sống”; và “điều các em hiểu về Sự Chuộc Tội và do Sự Chuộc Tội cung ứng cho cuộc sống của các em sẽ làm gia tăng mãnh liệt việc các em sử dụng hữu ích tất cả kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng đạt được trong cuộc sống hữu diệt.”)
-
Anh Cả Scott tuyên bố rằng các nguyên tắc của Sự Chuộc Tội “phải hơn hẳn các nguyên tắc đã được các anh chị em thuộc lòng. Các sự kiện đó cần phải được trở thành một phần con người của các anh chị em.” Làm thế nào một người truyền giáo tương lai có thể làm cho điều này thực hiện được?
Nhiều người trẻ tuổi không hiểu các phước lành, ngoại trừ sự tha thứ tội lỗi, mà đến với cuộc sống của chúng thông qua Sự Chuộc Tội. Nhằm giúp các sinh viên hiểu sâu hơn về các phước lành khác này, hãy cho lớp học một vài phút để học các đoạn thánh thư sau đây, tìm kiếm các phước lành đến qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô: Mô Si A 3:19; 4:3; 24:12–15; An Ma 5:12–13; 7:11–13. Sau khi đã có đủ thời gian, mời sinh viên giải thích một số phước lành trong số nhiều phước lành của Sự Chuộc Tội. Tóm tắt những câu trả lời của họ ở trên bảng.
Trưng bày đoạn trích dẫn sau đây và cho một sinh viên đọc to:
“Khi sự hiểu biết của các anh chị em về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô tăng trưởng, thì ước muốn của các anh chị em để chia sẻ phúc âm sẽ gia tăng” (Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, trang 2).
Giúp sinh viên hiểu rõ hơn nguyên tắc này bằng cách hỏi:
-
Tại sao mong muốn của một người để chia sẻ phúc âm gia tăng khi người ấy hiểu Sự Chuộc Tội?
Chỉ định sinh viên làm việc với một sinh viên khác để thay phiên nhau đọc to 1 Nê Phi 8:10–12; Ê Nót 1:5–9; và Mô Si A 27:34–36 và 28:1–4. Cho sinh viên tìm kiếm một khuôn mẫu nằm trong các đoạn này. Sau khi đã đủ thời gian rồi, hãy mời một vài sinh viên giải thích khuôn mẫu mà họ đã tìm được. (Sau khi Lê Hi, Ê Nót, và những người con của Mô Si A đã nhận được các phước lành của Sự Chuộc Tội, họ cảm thấy có ước muốn chia sẻ phúc âm và giúp người khác nhận được cùng các phước lành đó.)
Để giúp sinh viên cảm thấy lẽ thật và tầm quan trọng của nguyên tắc mà anh chị em đã viết trên bảng, hãy hỏi các câu hỏi sau đây:
-
Nếu không phải là quá riêng tư, những kinh nghiệm nào các em đã có với Sự Chuộc Tội mà đã thúc đẩy các em chia sẻ phúc âm với người khác?
-
Làm thế nào sự hiểu biết và cảm giác của các em về Sự Chuộc Tội thúc đẩy các em mang những người khác đến gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn?
Cho sinh viên một giây lát để suy ngẫm xem sự hiểu biết của họ về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô có phải là một phần của động cơ thúc đẩy để phục vụ truyền giáo không và họ có thể làm gì để gia tăng mức độ biết ơn về điều Chúa Giê Su Ky Tô đã làm cho họ.
Giúp Những Người Tầm Đạo Nhận Được Các Phước Lành của Sự Chuộc Tội
Nói cho sinh viên biết rằng không có giáo lý nào mà họ sẽ giảng dạy với tư cách là người truyền giáo lại quan trọng đối với cả người tầm đạo lẫn người truyền giáo để hiểu và chấp nhận hơn là Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.
Cho sinh viên học 2 Nê Phi 2:6–8 và tìm kiếm điều Lê Hi đã dạy chúng ta phải làm với sự hiểu biết của chúng ta về Sự Chuộc Tội. Sau khi một vài sinh viên đã trả lời, giúp họ hiểu sự cần thiết để những người tầm đạo hiểu và chấp nhận Sự Chuộc Tội bằng cách trưng bày và đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:
“Trong các buổi đại hội khu bộ truyền giáo, nơi mà giới Thẩm Quyền Trung Ương chúng tôi đã có một số những khoảnh khắc giảng dạy hữu hiệu nhất với các anh cả và chị truyền giáo trẻ tuổi này, tôi đã hỏi những người truyền giáo xem điều gì họ muốn người cải đạo làm sau các buổi thảo luận với họ.
Họ đồng thanh hô lên “‘Chịu phép báp têm!’
Tôi nói: “‘Đúng, chúng ta muốn họ chịu phép báp têm, nhưng điều gì cần phải xảy ra trước đó?’ …
“… Gần như không bao giờ những người truyền giáo nhớ nêu ra hai điều cơ bản nhất mà chúng ta muốn những người tầm đạo phải làm trước khi chịu phép báp têm: có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và hối cải tội lỗi của họ. Dù thế nào đi chúng ta cũng ‘tin rằng những nguyên tắc và giáo lễ đầu tiên của Phúc Âm là: thứ nhất, Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô; thứ nhì, Sự Hối Cải; [rồi] thứ ba, Phép Báp Têm bằng cách được dìm mình xuống nước để được xá miễn tội lỗi; thứ tư, Phép Đặt Tay để tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh’ (Những Tín Điều 1:4; sự nhấn mạnh được thêm vào).
“Cuộc sống mới của một người cải đạo cần phải được đặt trên đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và sự hy sinh chuộc tội của Ngài—một niềm tin chắc rằng Ngài thật sự là Vị Nam Tử của Thượng Đế, rằng Ngài hằng sống vào đúng khoảnh khắc này, rằng Ngài thật sự là cánh cửa của đàn chiên, rằng một mình Ngài nắm giữ chìa khóa dẫn tới sự cứu rỗi và sự tôn cao của chúng ta. Niềm tin đó cần phải được theo sau bằng sự hối cải thực sự, sự hối cải mà cho thấy mong muốn của chúng ta để được trở nên thanh sạch và đổi mới và trở nên trọn vẹn, sự hối cải mà cho phép chúng ta thỉnh cầu các phước lành trọn vẹn của Sự Chuộc Tội” (“Missionary Work and the Atonement,” Ensign, tháng Ba năm 2001, trang 10–11).
Rồi hỏi:
-
Một người tầm đạo cần phải làm gì để thỉnh cầu các phước lành trọn vẹn của Sự Chuộc Tội? (Có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, hối cải, và chịu phép báp têm.)
Giải thích cho sinh viên biết rằng Giáo Lý và Giao Ước 20:37 miêu tả những điều kiện đòi hỏi cho phép báp têm. Cho sinh viên đọc câu đó và tìm kiếm điều người tầm đạo cần làm trước khi chịu phép báp têm. Hãy hỏi:
-
Một số điều những người tầm đạo cần làm mà cho thấy rằng chúng ta đang phát triển đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô là gì? (Họ sẽ khiêm nhường, hối cải tội lỗi của họ, cho thấy các việc làm tốt, và vân vân.)
-
Người truyền giáo đóng vai trò nào trong việc giúp người tầm đạo hội đủ điều kiện cho phép báp têm? Vai trò này liên quan như thế nào với mục đích của các em với tư cách là một người truyền giáo? (Nếu cần, nhắc sinh viên về các nguyên tắc từ bài học trước.)
Người Truyền Giáo được Truyền Lệnh Phải Giảng Dạy Sự Hối Cải
Viết lên trên bảng câu hỏi sau đây:
Cho sinh viên đọc Giáo Lý và Giao Ước 18:11–14 và tìm câu trả lời cho câu hỏi trên bảng. Thảo luận những câu trả lời với sinh viên, rồi hỏi:
-
Tại sao sự hối cải là cách thức duy nhất mà con cái của Thượng Đế có thể tiếp cận được với các phước lành trọn vẹn của Sự Chuộc Tội? (Xin xem Mô Si A 16:13; An Ma 11:37; và Hê La Man 14:13.)
Viết lên trên bảng câu trả lời sau đây cho câu hỏi đó:
Chia lớp ra làm hai. Cho một nửa lớp học phần có tựa đề “Sự Chuộc Tội” ở trang 56 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Cho nửa kia của lớp học phần có tựa đề “Qua Đấng Ky Tô, Chúng Ta Có Thể Được Thanh Tẩy khỏi Tội Lỗi” ở trang 67–68 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Cho sinh viên một vài phút để đọc và chuẩn bị giảng dạy phần khái quát của tài liệu họ vừa đọc trong 2 phút. Là một phần của phần khái quát, khuyến khích sinh viên (1) nhận ra và giải thích những điểm thiết yếu của giáo lý, (2) chia sẻ một kinh nghiệm riêng tư hoặc một câu thánh thư hỗ trợ giáo lý này, và (3) chia sẻ chứng ngôn về điều họ giảng dạy. Tóm tắt ba bước này lên trên bảng.
Sau khi sinh viên đã có đủ thời gian để chuẩn bị rồi, anh chị em có thể cho các sinh viên trong nhóm thứ nhất hợp thành cặp với một sinh viên khác trong nhóm kia và thay phiên giảng dạy lẫn nhau. Sau khi mỗi sinh viên đã có cơ hội giảng dạy sinh viên khác, anh chị em có thể mời một sinh viên tình nguyện đi ra trước lớp và giảng dạy phần khái quát của mình cho lớp học. Sau khi trình bày xong, hãy khen ngợi em sinh viên đã trình bày và hỏi lớp học xem có ai có ý kiến phản hồi gì về kinh nghiệm đó không. Hỏi xem họ có bất cứ câu hỏi nào không, rồi hỏi:
-
Các em cảm thấy như thế nào để giảng dạy và chia sẻ chứng ngôn về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô?
-
Các em đã khám phá ra một số điều gì mà có thể giúp các em khi các em giảng dạy những người tầm đạo về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô?
-
Tại sao các em trông mong được giảng dạy Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô cho những người khác?
Sử Dụng Thánh Thư
Giải thích cho sinh viên rằng với tư cách là người truyền giáo, họ có thể giảng dạy với quyền năng lớn lao hơn khi họ sử dụng thánh thư. Cho nửa lớp học tìm kiếm các đoạn thánh thư trong phần “Sự Chuộc Tội” của ô Học Tập Thánh Thư trên trang 58 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Yêu cầu nửa còn lại của lớp học tìm kiếm các đoạn thánh thư trong ô Học Tập Thánh Thư trên trang 68 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Khuyến khích sinh viên chọn ra một đoạn nói về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô mà họ hiểu và sẽ làm cho sinh viên cảm thấy thoải mái để chia sẻ chứng ngôn. Sau khi đã cho sinh viên đủ thời giờ để chia sẻ, hãy hỏi:
-
Làm thế nào các em có thể sử dụng các đoạn thánh thư mà các em đã chọn ra để giúp một người nào đó hiểu Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô? (Khuyến khích một vài sinh viên trả lời.)
-
Các em nghĩ tại sao là điều quan trọng để những người truyền giáo sử dụng thánh thư khi họ giảng dạy?
Yêu cầu sinh viên giở đến phần có tựa đề “Sử Dụng Thánh Thư” ở trang 207 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Yêu cầu một sinh viên đọc đoạn đầu tiên, kể cả bốn phần dấu chấm tròn, rồi yêu cầu các sinh viên cân nhắc xem ý kiến của họ về tầm quan trọng của việc sử dụng thánh thư có phù hợp với lời phát biểu trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta không.
Bảo cả lớp rằng trong một vài phút nữa, họ sẽ giảng dạy cho một sinh viên khác, bằng cách sử dụng đoạn thánh thư về Sự Chuộc Tội mà họ đã chọn ra lúc nãy. Giải thích rằng có các nguyên tắc trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta mà sẽ giúp họ trong khi họ giảng dạy. Yêu cầu một sinh viên đọc to mục nhỏ có tựa đề “Giới thiệu thánh thư” ở trang 208 của Sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Hỏi sinh viên xem họ có câu hỏi nào về bước này không, và cho họ một giây lát để cân nhắc cách họ sẽ giới thiệu đoạn thánh thư mà họ đã chọn ra.
Sau đó, cho một sinh viên khác đọc to mục nhỏ có tựa đề “Đọc đoạn thánh thư” ở trang 208 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Cho sinh viên một giây lát để đọc thầm đoạn thánh thư mà họ đã chọn ra và nhận ra bất cứ từ hoặc cụm từ nào họ có thể cần để giải thích cho người tầm đạo. Sau đó yêu cầu sinh viên thứ ba đọc to mục nhỏ có tựa đề “Áp dụng thánh thư” ở trang 208. Một lần nữa, hỏi xem sinh viên có bất cứ câu hỏi gì không.
Để giúp sinh viên thành công trong việc giảng dạy từ thánh thư, anh chị em cần trình bày kỹ năng đó cho họ thấy. Hãy cân nhắc việc chọn ra một hoặc hai câu từ Mô Si A 3:7–11 và 16–19 để giảng dạy để anh chị em không sử dụng một trong các đoạn thánh thư mà sinh viên đã chọn ra. Hãy làm cho dễ hiểu và ngắn gọn khi anh chị em trình bày ba bước này: giới thiệu, đọc, và áp dụng đoạn thánh thư. Việc trình bày này sẽ giúp sinh viên không cảm thấy choáng ngợp về điều được kỳ vọng ở họ. Khi anh chị em trình bày xong, hỏi sinh viên xem họ có câu hỏi gì không.
Cho sinh viên một vài phút để chuẩn bị giảng dạy đoạn thánh thư họ đã chọn ra bằng cách sử dụng ba bước được tìm thấy trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Sau đó sắp xếp các sinh viên trong lớp thành từng cặp, rồi cho các sinh viên trong cặp giảng dạy lẫn nhau. Khi sinh viên đã giảng dạy xong, bảo đảm với họ rằng khi học thánh thư và sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, khả năng và sự tự tin của họ trong việc giảng dạy phúc âm sẽ gia tăng.
Để kết thúc bài học hôm nay, hỏi sinh viên của anh chị em xem có ai trong số họ muốn chia sẻ cảm nghĩ của họ về Chúa Giê Su Ky Tô, đặc biệt là về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô không.
Lời Mời để Hành Động
Mời sinh viên của anh chị em làm một hoặc vài điều sau đây để giúp họ hiểu rõ hơn Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô:
-
Trong khi học thánh thư riêng cá nhân, hãy đánh dấu hoặc tô đậm các đoạn mà giúp các em hiểu về Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài.
-
Chia sẻ chứng ngôn của các em về Sự Chuộc Tội với một người nào đó ở nhà, ở nhà thờ, hoặc trên mạng.
-
Khi hoàn cảnh cho phép, hãy chia sẻ chứng ngôn về Sự Chuộc Tội trong một buổi hẹn giảng dạy cùng với những người truyền giáo toàn thời gian.
-
Dành thời gian ra mỗi ngày để học trong thánh thư về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.