7
Giảng Dạy Sứ Điệp của Sự Phục Hồi (Phần 1)
Lời Giới Thiệu
Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đã được các vị tiên tri giảng dạy trong tất cả mọi gian kỳ, cho phép con cái của Thượng Đế hiểu các lẽ thật vĩnh cửu và đạt được cuộc sống vĩnh cửu. Sau cái chết của Chúa Giê Su Ky Tô, lẽ thật phúc âm và thẩm quyền chức tư tế đã bị mất khỏi thế gian, dẫn đến Sự Đại Bội Giáo. Sự Phục Hồi ngày sau đã khắc phục những ảnh hưởng của Sự Bội Giáo và một lần nữa thiết lập Giáo Hội của Đấng Ky Tô trên thế gian. Những người truyền giáo tương lai cần hiểu rõ các khái niệm về Sự Bội Giáo và Sự Phục Hồi và cần phải sẵn sàng để giải thích và làm chứng về các khái niệm đó một cách đơn giản và với quyền năng.
Chuẩn Bị Trước
-
Học sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, các trang 35–40.
-
Chuẩn bị để cho xem video “The Great Apostasy (Sự Đại Bội Giáo)” (16:33), có sẵn trên LDS.org.
-
Chuẩn bị một bản sao của “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới” cho mỗi sinh viên.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
Thượng Đế là Cha Thiên Thượng Đầy Lòng Yêu Thương của Chúng Ta
Hãy bắt đầu lớp học bằng cách cho các sinh viên xem xét các nghiên cứu trường hợp sau đây:
Trước khi đi ngủ tối hôm nay, các em nhận được một tin nhắn từ một người bạn đang cảm thấy chán nản và tự hỏi không biết Thượng Đế có thật hay không và Ngài có quan tâm đến chúng ta hay không. Bạn của các em hỏi: “Bạn có tin Thượng Đế là có thật không? Bạn tin Thượng Đế giống với điều gì?”
Mời một vài sinh viên chia sẻ cách họ có thể trả lời người bạn của họ. Sau đó, nói cho lớp học biết rằng bài học hôm nay tập trung vào một số các giáo lý và nguyên tắc tìm thấy trong bài học đầu tiên dành cho người truyền giáo, kể cả thiên tính của Cha Thiên Thượng của chúng ta.
Yêu cầu một sinh viên đọc to phần có tựa đề “Thượng Đế Là Cha Thiên Thượng Đầy Lòng Nhân Từ của Chúng Ta” ở trang 35–36 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Mời các sinh viên gạch dưới hoặc tô đậm các cụm từ mà họ có thể sử dụng để giúp một người nào đó hiểu rõ hơn về thiên tính của Thượng Đế với tư cách là Cha Thiên Thượng đầy lòng nhân từ của chúng ta.
Cho các sinh viên một vài phút để tìm kiếm ba hoặc bốn đoạn thánh thư liệt kê trong ô Sự Học Tập Thánh Thư ở trang 36 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Yêu cầu họ nghĩ về cách các đoạn này có thể giúp trả lời những câu hỏi của một người nào đó mà có câu hỏi về Thượng Đế, như trong nghiên cứu trường hợp ở đầu bài học này. Anh chị em có thể khuyến khích các sinh viên tô đậm một hoặc vài đoạn trong thánh thư của họ hoặc viết xuống ở bên lề sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta của họ. Rồi hỏi:
-
Câu nào có thể là câu tóm lược ngắn gọn về các giáo lý quan trọng nhất các em đã đọc trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta và trong các đoạn thánh thư đó? (Câu trả lời có thể gồm có giáo lý rằng Thượng Đế là Cha Thiên Thượng đầy lòng nhân từ của chúng ta và Ngài mong muốn tất cả chúng ta đều trở về sống với Ngài.)
-
Tại sao có thể là điều quan trọng đối với các cá nhân để hiểu nguyên tắc này trước tiên trước khi học về các giáo lý khác?
Phúc Âm Ban Phước cho Các Gia Đình
Yêu cầu các sinh viên đọc thầm phần có tựa đề “Phúc Âm Ban Phước cho Các Gia Đình” ở trang 36 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta và trình bày rõ ràng một lời phát biểu tóm lược về vai trò của mái ấm và gia đình trong kế hoạch hạnh phúc của Thượng Đế. Sau khi họ đã có đủ thời gian để đọc, hãy mời các sinh viên chia sẻ những câu phát biểu tóm lược của họ. (Những câu này có thể bao gồm giáo lý rằng các gia đình là do Thượng Đế quy định và là một phần của kế hoạch của Thượng Đế để mang đến hạnh phúc cho con cái của Ngài. Viết lên trên bảng nguyên tắc được tô đậm này.)
Khi anh chị em đánh giá nhu cầu của các sinh viên của mình và thời giờ có sẵn, hãy cân nhắc việc trình bày sinh hoạt sau đây: Tập trung sự chú ý của các sinh viên vào dòng cuối cùng mà họ đọc trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: “Qua các tiên tri trong mọi thời đại, kể cả thời đại của chúng ta, Thượng Đế đã tiết lộ kế hoạch hạnh phúc của Ngài cho các cá nhân và gia đình.”
Để giúp các sinh viên hiểu rõ hơn lý do tại sao lẽ thật này rất quan trọng trong thế giới ngày nay, hãy trưng bày một bản sao “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới” hoặc phân phát các bản sao này cho cả lớp. Sau đó mời các sinh viên dành ra một vài phút để đọc bản tuyên ngôn và nhận ra các cụm từ hoặc các nguyên tắc mà giúp chúng ta hiểu rõ hơn vai trò của hôn nhân và gia đình trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Mời một sinh viên ghi những điều này lên trên bảng.
Trưng bày đoạn trích dẫn sau đây của Chủ Tịch Boyd K. Packer thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:
“Mục tiêu chính yếu nhất của kẻ nghịch thù, là kẻ ‘biết thì giờ mình còn chẳng bao nhiêu, nên giận hoảng mà đến cùng các ngươi’ (Khải Huyền 12:12), là nhằm phá vỡ, làm rối loạn, và phá hủy mái ấm va gia đình” (“The Father and the Family,” Ensign, tháng Năm năm 1994, trang 19).
Hỏi các sinh viên:
-
Tại sao “mục tiêu chính yếu nhất” của kẻ nghịch thù là để phá hủy mái ấm và gia đình? (Đó là “nơi tốt nhất để giảng dạy, học hỏi, và áp dụng các nguyên tắc phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.”)
-
Một số xu hướng của thế gian mà chống đối kế hoạch của Cha Thiên Thượng về hôn nhân, mái ấm, và gia đình là gì? (Xin lưu ý: Đừng dành ra quá nhiều thời giờ thảo luận những xu hướng này. Chỉ cần nhận ra những xu hướng đó là đủ và sau đó sử dụng chỉ dẫn tiếp theo để giữ sự chú ý vào kế hoạch của Cha Thiên Thượng dành cho gia đình.)
Mời các sinh viên chia sẻ cách họ có thể sử dụng “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới” trong việc giảng dạy các tình huống để phân biệt giữa kế hoạch của Cha Thiên Thượng và những xu hướng của thế gian mà chống đối kế hoạch của Ngài dành cho hôn nhân, mái ấm, và gia đình.
Giải thích cho sinh viên biết rằng họ sẽ gặp một số người có những quan điểm khác biệt hoặc thậm chí chống đối những lời giảng dạy của Giáo Hội về hôn nhân, mái ấm, và gia đình. Chia sẻ chứng ngôn của anh chị em rằng khi những người truyền giáo sử dụng thánh thư và những lời của các vị tiên tri để giảng dạy, họ sẽ được Đức Thánh Linh dẫn dắt để giúp những người họ giảng dạy hiểu rõ hơn vai trò của họ trong hôn nhân, mái ấm và gia đình trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng dành cho con cái của Ngài.
Các Vị Tiên Tri và Các Gian Kỳ
Giải thích cho các sinh viên biết rằng một cách thức quan trọng mà Thượng Đế cho thấy tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta là bằng cách kêu gọi các vị tiên tri. Trưng bày đoạn trích dẫn sau đây của Anh Cả M. Russell Ballard thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, và cho một sinh viên đọc to đoạn đó. Yêu cầu các sinh viên tìm xem các phước lành nào đến với những người noi theo vị tiên tri:
“Chúng ta có thể hỏi: ‘Có một tiếng nói mà sẽ luôn cho chúng ta những lời hướng dẫn rõ ràng để tìm ra con đường của mình trong thế giới hỗn loạn ngày nay không?’ Câu trả lời là có. Tiếng nói đó là tiếng nói của vị tiên tri và các sứ đồ tại thế. …
Thưa các anh chị em của tôi, việc có được một tiên tri của Thượng Đế ở giữa chúng ta là một điều hệ trọng. Các phước lành lớn lao và kỳ diệu đến với cuộc sống của chúng ta khi chúng ta lắng nghe lời của Chúa ban cho chúng ta qua ông. … Khi chúng ta nghe lời khuyên dạy của Chúa bày tỏ qua những lời của vị Chủ Tịch Giáo Hội, thì chúng ta phải đáp ứng một cách tích cực và nhanh chóng. Lịch sử đã cho thấy rằng có sự an toàn, bình an, thịnh vượng và hạnh phúc khi đáp ứng lời khuyên dạy của vị tiên tri như Nê Phi thời xưa đã làm: ‘Con sẽ đi và làm những gì Chúa phán dạy’ (1 Nê Phi 3:7). …
Ngày hôm nay tôi xin lặp một lời hứa với các anh chị em. Đó là một lời hứa giản dị, nhưng chân chính. Nếu các anh chị em chịu lắng nghe vị tiên tri và các sứ đồ tại thế và chú tâm đến lời khuyên dạy của chúng tôi, thì các anh chị em sẽ không đi sai đường” (“Các Ngươi Phải Tiếp Nhận Lời Nói của Người Đó,” Liahona, tháng Bảy năm 2001, trang 79–81).
Sau khi đọc xong đoạn trích dẫn này, hãy hỏi:
-
Các phước lành nào đến với những người tuân theo lời khuyên bảo của vị tiên tri của Chúa?
Cho sinh viên một giây lát để đọc thầm Giáo Lý và Giao Ước 1:37–38. Rồi hỏi:
-
Đoạn này dạy điều gì về các vị tiên tri và lời khuyên bảo của họ?
-
Các em có thể nghĩ về một thời gian cụ thể khi cuộc sống của các em đã được ban phước vì tuân theo lời khuyên bảo của vị tiên tri của Chúa không?
Yêu cầu sinh viên đọc to đoạn đầu tiên dưới tựa đề “Cha Thiên Thượng Mặc Khải Phúc Âm của Ngài trong Mọi Gian Kỳ” ở trang 36 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Giúp các sinh viên nhận ra các giáo lý được dạy trong đoạn này bằng cách hỏi:
-
Một số giáo lý chúng ta có thể học được về các vị tiên tri trong đoạn này là gì? (Mặc dù sinh viên có thể chia sẻ nhiều nguyên tắc, nhưng hãy giúp các sinh viên nhận ra giáo lý rằng các vị tiên tri học hỏi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô bằng sự mặc khải và có trách nhiệm để giảng dạy những người khác và làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô.)
Hãy cân nhắc việc sử dụng khuôn mẫu huấn luyện của Trung Tâm Huấn Luyện Truyền Giáo khi anh chị em giúp các sinh viên giảng dạy về tầm quan trọng của các vị tiên tri. Giải thích cho các sinh viên biết rằng họ cần đọc định nghĩa về vị tiên tri được tìm thấy ở các trang 49-50 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta rồi sau đó chuẩn bị để giảng dạy bằng cách đóng vai một người truyền giáo giảng dạy một người tầm đạo về các vị tiên tri. Sau đó trình bày việc đóng vai một người truyền giáo bằng cách dạy một sinh viên trong lớp về các vị tiên tri. Kế tiếp yêu cầu các sinh viên tìm một người bạn trong lớp và tập đóng vai người truyền giáo, tưởng tượng rằng người sinh viên đang được giảng dạy không phải là một tín hữu và đã nghe được rằng Giáo Hội do một vị tiên tri lãnh đạo. Các sinh viên đóng vai giảng viên cần giải thích ngắn gọn vị tiên tri là gì và chia sẻ chứng ngôn về các vị tiên tri thời hiện đại. Sau đó các sinh viên đang được giảng dạy cần đánh giá các sinh viên kia bằng cách cho biết điều họ nhận thấy là có ý nghĩa và đầy soi dẫn nhất về phần trình bày. Sau đó cho các sinh viên thực hành lại, lặp lại bằng cách đổi ngược vai diễn để cho sinh viên kia có cơ hội giảng dạy và nhận được ý kiến phản hồi.
Yêu cầu một vài sinh viên thay phiên nhau đọc to bốn đoạn cuối ở trang 37 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Yêu cầu các sinh viên còn lại của lớp học dò theo, cùng tìm kiếm mối liên hệ giữa các vi tiên tri, sứ đồ, và các gian kỳ. Nếu cần, hãy mời các sinh viên cũng học phần “Gian Kỳ” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư. Giúp các sinh viên thảo luận các lẽ thật được tìm thấy trong các đoạn này bằng cách hỏi các câu hỏi giống như các câu hỏi sau:
-
Tại sao là điều hữu ích để cho những người tầm đạo hiểu rằng tất cả các gian kỳ trước đó đều đã kết thúc trong sự bội giáo?
-
Thượng Đế đã làm gì trong suốt lịch sử để chấm dứt các thời kỳ bội giáo? Làm thế nào việc hiểu được khuôn mẫu này chuẩn bị cho những người tầm đạo học về Sự Phục Hồi phúc âm qua Tiên Tri Joseph Smith?
Nếu có đủ thời gian, anh chị em có thể cho sinh viên một vài phút để tập giải thích cho nhau nghe về tài liệu ở trang 37 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Khuyến khích họ bao gồm trong lời giải thích của họ các từ sự bội giáo, gian kỳ, và tiên tri.
Giáo Vụ Trần Thế của Đấng Cứu Rỗi và Sự Chuộc Tội
Yêu cầu các sinh viên xem hình ở trang 38 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, mà miêu tả sự sắc phong của Mười Hai Vị Sứ Đồ bởi Chúa Giê Su Ky Tô. Hỏi các sinh viên:
-
Chúa Giê Su Ky Tô đã làm một số điều gì để thiết lập Giáo Hội của Ngài trên thế gian trong thời kỳ của Ngài? (Anh chị em có thể mời các sinh viên đọc thầm phần có tựa đề “Giáo Vụ Trần Thế của Đấng Cứu Rỗi” ở trang 38 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta để tham khảo.)
-
Làm thế nào giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi và sự bác bỏ cuối cùng đã đi theo khuôn mẫu được thiết lập trong các gian kỳ trước đây? (Trước khi Chúa Giê Su Ky Tô giáng sinh, con người ở trong tình trạng bội giáo. Chúa Giê Su Ky Tô phục hồi phúc âm cho thế gian, giống như Nô Ê, Áp Ra Ham, và Môi Se đã làm những điều này trong các gian kỳ ban đầu. Tiếp theo sau cái chết của Chúa Giê Su Ky Tô và Các Vị Sứ Đồ, con cái của Thượng Đế một lẫn nữa lại rơi vào tình trạng bội giáo cho đến khi Thượng Đế một lần nữa kêu gọi một vị tiên tri để phục hồi phúc âm này của Chúa Giê Su Ky Tô.)
Sự Đại Bội Giáo
Để giúp sinh viên hiểu rõ sự cần thiết để có sự phục hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, hãy viết câu hỏi sau đây lên trên bảng.
Yêu cầu các sinh viên tìm kiếm các câu trả lời cho những câu hỏi này trong hai đoạn đầu của phần có tựa đề “Sự Đại Bội Giáo” ở trang 39 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Sau khi đã có đủ thời gian, yêu cầu các sinh viên trả lời những câu hỏi ở trên bảng. Hãy chắc chắn các sinh viên hiểu rằng tiếp theo cái chết của Chúa Giê Su Ky Tô và Các Sứ Đồ của Ngài, những sự thay đổi trái phép đã làm sai lạc các giáo lý và thực hành của Giáo Hội, cuối cùng dẫn đến sự cất bỏ các chìa khóa và thẩm quyền của chức tư tế trên thế gian.
Mời các sinh viên yên lặng học vài đoạn thánh thư được liệt kê trong ô Sự Học Tập Thánh Thư nằm ở trang 39 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Yêu cầu các sinh viên tìm kiếm xem các tác giả thánh thư tiên đoán điều gì cuối cùng sẽ xảy ra cho Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Sau khi các sinh viên đã có đủ thời gian để học, mời họ chia sẻ điều họ tìm thấy với một sinh viên khác trong lớp học. Anh chị em có thể liệt kê một số câu trả lời lên trên bảng và sau đó cân nhắc việc viết câu tóm lược này: Những lời tiên tri thời xưa đã báo trước rằng sẽ có một cuộc tổng rời xa khỏi lẽ thật của toàn thể thế gian.
Chia sinh viên ra thành từng cặp và chỉ dẫn họ chuẩn bị để giảng dạy lẫn nhau cho một bài học dài từ bốn đến năm phút về Sự Bội Giáo. Giải thích rằng những lời giảng dạy của họ cần phải đơn giản, rõ ràng, và tập trung vào người nghe. Yêu cầu các sinh viên sử dụng tài liệu ở trang 39 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta (hoặc họ có thể sử dụng quyển sổ tay của người truyền giáo có tựa đề Sự Phục Hồi Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô). Khuyến khích các cặp chia sẻ một hoặc hai đoạn thánh thư liên quan đến Sự Bội Giáo và giải thích ý nghĩa của các đoạn đó.
Sau khi sinh viên đã có đủ thời gian để chuẩn bị rồi, hãy yêu cầu mỗi cặp giảng dạy cho một cặp khác. Khi các sinh viên kết thúc kinh nghiệm giảng dạy của họ, hãy hướng dẫn nhóm thảo luận điều sau đây: Điều gì đã diễn ra suôn sẻ trong các bài học của các em? Các em có thể đã làm điều gì tốt hơn? Điều gì hữu hiệu nhất trong việc giúp đỡ những người khác hiểu sự việc nào đã xảy ra tiếp theo cái chết của Các Sứ Đồ?
Sau đó thay đổi vai và yêu cầu cặp đã được dạy giảng dạy cho cặp kia. Chắc chắn cho họ đủ thời gian để đưa ra và nhận ý kiến phản hồi.
Sau khi tất cả các sinh viên đều có cơ hội để giảng dạy, hãy mời các sinh viên trong lớp chia sẻ những hiểu biết sâu sắc từ kinh nghiệm của họ với cả lớp.
Để minh họa ảnh hưởng mà Sự Đại Bội Giáo đã có với thế gian và để chuẩn bị các sinh viên cho bài học kế tiếp về Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, hãy cho xem video “The Great Apostasy (Sự Đại Bội Giáo)” (16:33). Trong khi họ xem, hãy khuyến khích các sinh viên suy xét cách thức mà phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô đã khắc phục hậu quả của Sự Đại Bội Giáo.
Sau khi xem video xong, hãy hỏi:
-
Trong những phương diện nào Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đã khắc phục những hậu quả của Sự Đại Bội Giáo?
-
Khi các em xem câu chuyện về sự cải đạo của Wilford Woodruff, các em đã có suy nghĩ gì về cơ hội để chia sẻ sứ điệp về Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô với những người khác?
Kết thúc bằng cách hỏi các sinh viên xem có ai muốn chia sẻ chứng ngôn của họ về Sự Phục Hồi phúc âm với lớp học không.
Lời Mời để Hành Động
Mời các sinh viên ôn lại các giáo lý được đề cập trong bài học này bằng cách hoàn tất một hoặc nhiều hơn các sinh hoạt sau đây:
-
Sử dụng mục “Bội Giáo” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, để học thêm về Sự Đại Bội Giáo. Sử dụng nhật ký ghi chép việc học tập của các em để ghi chép các đoạn thánh thư mà các em có thể sử dụng để giảng dạy về Sự Bội Giáo.
-
Học và suy ngẫm bài viết trong Gospel Topics (Các Đề Tài Phúc Âm) “Are Mormons Christian (Những Người Mặc Môn có Phải Là Ky Tô Hữu Không)?” được tìm thấy tại lds.org/topics.
-
Để chuẩn bị cho buổi học kế tiếp, hãy bắt đầu học thuộc lòng lời mô tả của Joseph Smith về Khải Tượng Thứ Nhất, được tìm thấy ở trang 41 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta (xin xem thêm Joseph Smith—Lịch Sử 1:16–19).