Viện Giáo Lý
Bài Học 12: Tìm Kiếm Những Người để Giảng Dạy


12

Tìm Kiếm Những Người để Giảng Dạy

Lời Giới Thiệu

Những người truyền giáo không thể chia sẻ phúc âm cho đến khi họ tìm được người nào đó để giảng dạy. Việc tìm người đòi hỏi phải vận dụng đức tin—đức tin để nói chuyện với người khác về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, đức tin để trông đợi những cơ hội giảng dạy, và đức tin rằng Thượng Đế sẽ hướng dẫn họ tới người đang sẵn sàng lắng nghe. Cách thức hiệu quả nhất để tìm kiếm những người để giảng dạy là qua các tín hữu của Giáo Hội. Tất cả các tín hữu Giáo Hội, kể cả những người truyền giáo tương lai, đều có một trách nhiệm cá nhân để giúp tìm người đang sẵn sàng tiếp nhận phúc âm phục hồi. Những người trẻ tuổi có thể chuẩn bị phục vụ toàn thời gian bằng cách chia sẻ phúc âm ngay bây giờ, cả trực tiếp lẫn qua các phương tiện trực tuyến.

Chuẩn Bị Trước

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Phát Triển Đức Tin để Tìm Ra Những Người để Giảng Dạy

Giải thích rằng Chủ Tịch Wilford Woodruff đã phục vụ với tư cách là một người truyền giáo ở nước Anh ngay sau khi ông được sắc phong làm Sứ Đồ. Trưng ra và yêu cầu sinh viên thay phiên nhau đọc to câu chuyện sau đây để giới thiệu tầm quan trọng của việc tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa trong việc tìm kiếm những người để giảng dạy. Yêu cầu lớp học tìm xem Anh Cả Woodruff đã làm gì để tìm kiếm những người để giảng dạy:

Chủ Tịch Wilford Woodruff

“Anh Cả Woodruff tìm đến Chúa trong lời cầu nguyện … , cầu vấn để biết ông nên đi đâu. Ông kể lại: ‘Vì tin tưởng rằng đó là đặc ân và bổn phận của tôi để biết ý muốn của Chúa về vấn đề này, vì thế nên tôi đã cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng của tôi trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô để dạy cho tôi ý muốn của Ngài về điều này, và khi tôi cầu xin, Chúa đã ban cho, và chỉ cho tôi thấy đó là ý muốn của Ngài rằng tôi cần đi đến miền Nam nước Anh ngay lập tức. Tôi nói chuyện với anh William Benbow về vấn đề này, anh là người đã sống ở Herefordshire và vẫn còn bạn bè sống ở đó, rất muốn tôi tới thăm vùng đó của đất nước này, và [anh] đã rộng lượng đề nghị đi cùng tôi đến nhà anh trai của anh và trả tiền xe cho tôi nữa, là điều mà tôi đã vui lòng chấp nhận.’

“Vào ngày 4 tháng Ba năm 1840, Anh Cả Woodruff và William Benbow đã đến nhà của anh trai của William là John. Chủ Tịch Woodruff nhớ lại: ‘Trong một giờ đồng hồ sau khi tôi đến nhà ông ta, tôi đã biết được lý do tại sao Chúa gửi tôi đến đó. … Tôi thấy một đám đông, cả phụ nữ lẫn nam giới, khoảng chừng sáu trăm người, tụ họp lại thành một nhóm mang tên Những Người Anh Em Đoàn Kết, và đang lao nhọc tìm hiểu thứ tự của những sự việc cổ xưa. Họ muốn Phúc Âm như đã được các vị tiên tri và sứ đồ giảng dạy, như tôi đã làm như vậy trong tuổi niên thiếu của mình.’

“Qua việc học Kinh Thánh một cách chuyên cần, John Benbow cùng gia đình và bạn bè ông đã tự chuẩn bị để đi theo phúc âm phục hồi.

Gia đình Benbow nhanh chóng chấp nhận sứ điệp của Sự Phục Hồi, và William trở về Staffordshire ‘sau khi có được đặc ân may mắn chứng kiến anh trai của mình John Benbow, và cả gia đình ông ta, … chịu phép báp têm vào giao ước mới và trường cửu.’ Anh Cả Woodruff phục vụ trong khu vực đó khoảng tám tháng. Về sau ông nhớ lại: “Ba mươi ngày đầu sau khi tôi tới Herefordshire, tôi đã làm phép báp têm cho bốn mươi mục sư và vài trăm tín hữu. … Trong tám tháng lao nhọc, chúng tôi đã báp têm hai ngàn người cải đạo vào Giáo Hội.’

“Khi nhắc đến kinh nghiệm này, Chủ Tịch Woodruff đã viết: ‘Toàn thể lịch sử của công việc truyền giáo ở Herefordshire này cho thấy tầm quan trọng của việc lắng nghe tiếng nói êm ái nhỏ nhẹ của Thượng Đế và những điều mặc khải của Đức Thánh Linh. Chúa đã làm cho những người dân ở đó sẵn sàng tiếp nhận Phúc Âm. Họ đang cầu nguyện cho ánh sáng và lẽ thật, và Chúa gửi tôi đến với họ’” (Teachings of Presidents of the Church: Wilford Woodruff [2004], trang 90–91).

Hỏi các sinh viên:

  • Anh Cả Woodruff đã làm gì để quyết định nơi nào có thể tìm ra những người sẵn sàng tiếp nhận phúc âm?

  • Trong những phương diện nào Chúa đã hỗ trợ Anh Cả Woodruff? (Anh chị em có thể nêu ra cho sinh viên biết rằng không chỉ Chúa đã soi dẫn Anh Cả Woodruff đi về miền nam nước Anh, mà Ngài còn mở đường cho Anh Cả Woodruff giảng dạy ở nông trại của John Benbow, nơi có hàng trăm người nam và người nữ sẵn sàng tiếp nhận phúc âm phục hồi.)

  • Nguyên tắc nào về việc tìm kiếm những người để giảng dạy được minh họa trong câu chuyện của Anh Cả Woodruff? (Những câu trả lời của sinh viên có thể được tóm lược bằng cách viết nguyên tắc sau đây lên trên bảng: Chúa có thể giúp đỡ chúng ta tìm kiếm những người đã sẵn sàng chấp nhận phúc âm khi chúng ta cầu xin được giúp đỡ, lắng nghe theo Thánh Linh, rồi sau đó hành động bằng đức tin.)

Mời lớp học giở đến trang 179 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, rồi hỏi một sinh viên đọc to đoạn đầu dưới tựa đề “Phát Triển Đức Tin để Tìm Kiếm.” Rồi hỏi:

  • Việc biết rằng “Chúa đang chuẩn bị cho dân chúng tiếp nhận các em và phúc âm phục hồi” giúp thuyết phục các em chuẩn bị để phục vụ truyền giáo như thế nào?

Yêu cầu các sinh viên đọc đoạn tiếp theo ở trang 179 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, dưới tựa đề “Gia Đình của Thượng Đế.” Rồi hỏi:

  • Giáo lý tất cả những người nam và người nữ đều là một phần của gia đình Thượng Đế ảnh hưởng đến cảm nghĩ của các em về việc tìm kiếm những người để giảng dạy như thế nào?

  • Trong đoạn trích dẫn từ An Ma 31:34–35, An Ma đã cầu nguyện cho điều gì khi ông chuẩn bị rao giảng cho dân Giô Ram?

  • Chúng ta có thể học được điều gì từ lời cầu nguyện của An Ma?

hình biểu tượng videoCho xem video “Developing the Faith to Find (Phát Triển Đức Tin để Tìm Kiếm)” (2:55), và yêu cầu các sinh viên tìm kiếm những sự hiểu biết sâu sắc về việc tìm kiếm những người để giảng dạy. Anh chị em có thể khuyến khích các sinh viên ghi xuống điều họ học được.

Hãy hỏi:

  • Những người truyền giáo đã đưa ra những sự hiểu biết sâu sắc nào về việc tìm kiếm những người để giảng dạy trong video? (Các sinh viên có thể có những câu trả lời giống như sau: Những người truyền giáo cần cầu nguyện để có những cơ hội, yêu mến họ và nhìn họ như cách Thượng Đế nhìn họ, và nhớ rằng Chúa đang chuẩn bị con cái của Ngài tiếp nhận phúc âm và hướng dẫn những người truyền giáo của Ngài tìm kiếm họ. Bởi vì Thượng Đế yêu thương con cái của Ngài, nên Ngài muốn mọi người đều có cơ hội để lắng nghe và chấp nhận phúc âm.)

  • Tại sao là quan trọng để hành động theo những cảm giác để tìm đến những người khác và mời họ học hỏi về phúc âm?

Yêu cầu các sinh viên đọc ba đoạn trong mục nhỏ có tựa đề “Thấy Có Những Người Tiếp Nhận Mình” ở trang 180 trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Rồi hỏi:

  • Một số những thử thách chúng ta gặp phải khi cố gắng tìm kiếm những người để giảng dạy là gì? (Chúng ta thường không biết ai là người sẵn sàng tiếp nhận phúc âm. Người ta có thể không lập tức nhận ra chúng ta là các tôi tớ của Chúa. Họ có thể không nhận thấy rằng họ đang tìm kiếm phúc âm phục hồi.)

  • Làm thế nào Chúa trợ giúp chúng ta trong việc tìm kiếm những người để giảng dạy? (Ngài gửi Đức Thánh Linh đến để hướng dẫn chúng ta.)

  • Các em nghĩ Chúa sẽ phán bảo những người truyền giáo làm gì khi họ không lập tức thấy được kết quả của những nỗ lực tìm kiếm những người để giảng dạy của họ?

Nếu có các sinh viên trong lớp học là người cải đạo vào Giáo Hội, hãy cân nhắc việc mời một em hoặc nhiều hơn để chia sẻ cách họ tiếp xúc với Giáo Hội và làm thế nào họ đã tiến đến việc nhận ra rằng những người truyền giáo đang giảng dạy họ lẽ thật. Nếu không có ai trong lớp học là người cải đạo, hãy mời các sinh viên nghĩ về một người nào đó mà họ quen biết là người cải đạo trong gia đình hoặc trong tiểu giáo khu của họ. Cân nhắc việc mời họ chia sẻ cách người đó tiến đến việc chấp nhận phúc âm.

Tầm Quan Trọng của Công Việc Truyền Giáo của Tín Hữu

Trưng bày lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Thomas S. Monson và mời một sinh viên đọc to:

Chủ Tịch Thomas S. Monson

“Bây giờ là thời gian cho các tín hữu và những người truyền giáo cùng đến với nhau, cùng làm việc với nhau, phải lao nhọc trong vườn nho của Chúa để đem loài người về cùng Ngài. Ngài đã chuẩn bị các phương tiện cho chúng ta để chia sẻ phúc âm trong vô số cách thức, và Ngài sẽ phụ giúp chúng ta trong công việc lao nhọc nếu chúng ta chịu hành động trong đức tin để làm công việc của Ngài” (“Faith in the Work of Salvation” [bài nói chuyện được đưa ra tại buổi phát sóng đặc biệt về Công Việc Cứu Rỗi, ngày 23 tháng Sáu năm 2013]).

Anh chị em có thể hỏi các sinh viên những câu hỏi như sau:

  • Tại sao là quan trọng để nhớ rằng vị tiên tri của Thượng Đế đã yêu cầu chúng ta tham gia vào công việc truyền giáo của tín hữu? (Anh chị em có thể cân nhắc việc tham khảo Giáo Lý và Giao Ước 88:81, mà mô tả những kỳ vọng của Chúa cho những người đã tiếp nhận phúc âm.)

  • Các em nghĩ tại sao Chủ Tịch Monson đã nói rằng “bây giờ là thời gian” cho các tín hữu và những người truyền giáo cùng làm việc với nhau?

Sau đó mời các sinh viên giở đến trang 185 trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, và cho ba sinh viên thay phiên nhau đọc to ba đoạn đầu dưới tựa đề “Tầm Quan Trọng của Các Tín Hữu.” Rồi hỏi:

  • Kết quả có thể là gì khi các tín hữu và những người truyền giáo cùng làm việc chung với nhau để rao giảng phúc âm? (Câu trả lời của sinh viên có thể gồm có nguyên tắc này: Khi các tín hữu mời những người khác để được giảng dạy và có mặt trong buổi giảng dạy, thì càng có nhiều người hơn chịu phép báp têm và tiếp tục tích cực trong Giáo Hội.)

hình biểu tượng videoCho xem video “The Lord of the Harvest: The Adams Family (Chúa của Mùa Gặt: Gia Đình Adam)” (4:41), rồi yêu cầu các sinh viên tập trung vào những gì các tín hữu Giáo Hội đã làm nhằm giúp gia đình Adam tiếp nhận các phước lành của phúc âm.

Hãy hỏi:

  • Một số những nỗ lực dẫn đến việc gia đình Adam tiếp nhận các phước lành của phúc âm là gì?

  • Các em nghĩ điều gì đã thúc đẩy các tín hữu trong video chia sẻ phúc âm với gia đình Adam?

Yêu cầu các sinh viên đọc to hai đoạn trong phần có tựa đề “Không Có Nỗ Lực Nào Bị Lãng Phí” trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, trang 196. Sau đó hãy cân nhắc việc hỏi những câu hỏi như sau:

  • Thậm chí nếu người ta không chấp nhận lời mời để tìm hiểu về phúc âm phục hồi, thì tại sao không có nỗ lực nào để phục vụ và giảng dạy là lãng phí?

  • Làm thế nào một người truyền giáo có thể duy trì một thái độ lạc quan khi người ta chọn không tìm hiểu về phúc âm?

Mời các sinh viên chia sẻ những gì họ đã làm trước đây để tham gia vào công việc truyền giáo của tín hữu. Yêu cầu họ giải thích họ đã cảm thấy như thế nào khi họ cố gắng chia sẻ phúc âm với những người khác.

Tham Gia vào Công Việc Truyền Giáo của Tín Hữu

Liệt kê các đoạn thánh thư sau đây lên trên bảng, sau đó yêu cầu mỗi sinh viên đọc thầm một trong các đoạn này và tìm kiếm các phước lành đã được hứa với những người chọn tham gia vào công việc truyền giáo.

GLGƯ 18:10, 14–16

GLGƯ 33:6–11

GLGƯ 100:5–6

Sau khi cho các sinh viên một giây lát để ôn lại đoạn thánh thư họ đã chọn ra, hãy yêu cầu các sinh viên giải thích các câu họ đọc và chia sẻ cách các phước lành đã được hứa có thể thuyết phục họ tìm những người để tiếp nhận sứ điệp phúc âm. Khuyến khích tất cả các thành viên trong lớp học tham gia vào cuộc thảo luận này. Anh chị em có thể liệt kê các câu trả lời của sinh viên lên trên bảng bên cạnh các đoạn thánh thư tương ứng.

Hãy cân nhắc việc viết nguyên tắc sau đây lên trên bảng: Với tư cách là những người tín hữu truyền giáo, chúng ta có thể bắt đầu bây giờ để tìm kiếm những người cho người truyền giáo giảng dạy.

Để giúp các sinh viên hiểu rõ hơn cách họ có thể tham gia vào công việc truyền giáo của tín hữu, yêu cầu một sinh viên đọc to đoạn trích dẫn sau đây của Anh Cả M. Russell Ballard thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Yêu cầu cả lớp lắng nghe lời khuyên bảo về cách có được sự tự tin và can đảm trong việc tìm đến những người khác:

Anh Cả M. Russell Ballard

“Thưa các anh chị em, nỗi sợ hãi sẽ được thay thế bằng đức tin và sự tin tưởng khi các tín hữu và những người truyền giáo toàn thời gian quỳ xuống cầu nguyện và cầu xin Chúa ban cho họ cơ hội truyền giáo. Sau đó, chúng ta phải cho thấy đức tin và chờ đợi cơ hội để giới thiệu phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô cho các con cái của Cha Thiên Thượng, và chắc chắn là những cơ hội đó sẽ đến. Những cơ hội này sẽ không bao giờ đòi hỏi bắt buộc phải đáp ứng hoặc trả lời một cách giả tạo. Những cơ hội này sẽ tuôn chảy như một kết quả tự nhiên của tình yêu thương của chúng ta dành cho các anh chị em của mình. Chỉ cần lạc quan, và những người mà các anh chị em nói chuyện sẽ cảm nhận được tình yêu thương của chúng ta. Họ sẽ không bao giờ quên cảm giác đó mặc dù chưa đúng lúc để họ chấp nhận phúc âm. Điều đó cũng có thể thay đổi trong tương lai khi hoàn cảnh của họ thay đổi.

“Chúng ta không thể nào thất bại khi cố gắng hết sức làm công việc của Chúa. Trong khi kết quả là tác dụng của việc sử dụng quyền tự quyết, thì việc chia sẻ phúc âm là trách nhiệm của chúng ta.

“Hãy tin cậy Chúa. Ngài là Đấng Chăn Lành. Ngài biết chiên của Ngài, và chiên của Ngài biết tiếng Ngài; và ngày nay, tiếng của Đấng Chăn Lành là tiếng nói của các anh chị em và của tôi. Và nếu chúng ta không tham gia thì nhiều người sẽ nghe sứ điệp về Sự Phục Hồi và sẽ bỏ qua. Nói một cách giản dị, đó là vấn đề đức tin và hành động về phần của chúng ta. Các nguyên tắc này khá đơn giản—đó là cầu nguyện riêng cá nhân và chung gia đình để có các cơ hội truyền giáo. …

“Các anh chị em không cần phải là một người giao tiếp rộng hoặc một giảng viên hùng biện, có sức thuyết phục. Nếu các anh chị em có một tình yêu thương lâu dài và đầy hy vọng trong lòng, thì Chúa đã hứa rằng nếu các anh chị em ‘cất cao tiếng nói của [các anh chị em] lên với dân này; [và] hãy nói ra những ý nghĩ mà Ngài sẽ đặt trong lòng [các anh chị em], … để [các anh chị em] sẽ không bị bối rối trước mặt mọi người;

“‘[Và] điều [các anh chị em] phải nói sẽ được ban cho [các anh chị em] … vào chính lúc đó’ (GLGƯ 100:5–6)” (“Đặt Lòng Tin Cậy Nơi Chúa,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2013, trang 44).

Hãy hỏi:

  • Anh Cả Ballard đã đề nghị các tín hữu có thể làm điều gì để được tự tin hơn khi giới thiệu phúc âm với những người khác?

  • Trong những phương diện nào việc tìm kiếm người để giảng dạy là một vấn đề của đức tin?

Cho các sinh viên dành ra một giây lát để tìm kiếm trong bản liệt kê “Những Ý Kiến để Giúp Đỡ Các Tín Hữu” ở trang 187 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta và tìm kiếm những cách cụ thể mà các tín hữu có thể tham gia vào công việc truyền giáo. Cho các sinh viên chọn một hoặc hai ý kiến họ có thể sử dụng bây giờ để tham gia vào công việc truyền giáo của tín hữu. Rồi hỏi:

  • Các em có thể làm theo ý kiến nào trong số những ý kiến này bây giờ để mời những người khác lắng nghe sứ điệp của phúc âm?

  • Các em nghĩ tại sao một số tín hữu Giáo Hội lưỡng lự trong việc tìm đến những người khác trong những cách thức được tìm thấy trong bản liệt kê này?

Khuyến khích sinh viên dành ra một vài phút để viết xuống một vài điều mà họ sẽ làm để tìm kiếm những người cho người truyền giáo giảng dạy. Gợi ý cho các sinh viên rằng các kế hoạch của họ có thể được hữu hiệu hơn nếu họ viết xuống tên cụ thể của những người bạn ngoại đạo hoặc người thân trong gia đình không phải là tín hữu mà họ có thể sẽ chia sẻ sứ điệp của phúc âm. Anh chị em có thể đề nghị rằng các sinh viên nên bao gồm những hành động chẳng hạn như cầu nguyện thường xuyên cho những cơ hội truyền giáo, tìm đến những người khác để nói về các đề tài phúc âm, mời những người khác đến các buổi họp thờ phượng hoặc các sinh hoạt khác của Giáo Hội, mời những người khác lắng nghe bài học của người truyền giáo, mời những người khác đọc Sách Mặc Môn và vân vân. Khi được Thánh Linh hướng dẫn, anh chị em có thể gọi một vài sinh viên chia sẻ những kế hoạch của họ với cả lớp.

Sử Dụng Tất Cả Mọi Công Cụ mà Thượng Đế Đã Chuẩn Bị

Cho một sinh viên đọc to lời phát biểu sau đây của Anh Cả L. Tom Perry (1922–2015) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, và yêu cầu lớp học lắng nghe về tiến trình của việc tìm kiếm người để giảng dạy đang thay đổi như thế nào:

Anh Cả L. Tom Perry

“Khi tôi còn là một người truyền giáo trẻ tuổi, chúng tôi đã có thể nói chuyện và liên lạc với những người trên các đường phố và gõ cửa để chia sẻ phúc âm. Thế giới đã thay đổi kể từ thời đó. Bây giờ, nhiều người có cuộc sống đầy bận rộn. Họ vội vã đi từ nơi này đến nơi khác, và họ thường không sẵn lòng cho phép người lạ mặt hoàn toàn vào nhà của họ, mà không được mời vào để chia sẻ một sứ điệp về phúc âm phục hồi. Cách chủ yếu để họ liên lạc với những người khác, ngay cả với bạn bè thân thiết, thường là qua internet. Do đó, tính chất của công việc truyền giáo phải thay đổi nếu Chúa phải thực hiện công việc của Ngài quy tụ dân Y Sơ Ra Ên ‘từ bốn góc của thế gian’ [2 Nê Phi 21:12]. “Những người truyền giáo hiện đã được cho phép sử dụng internet trong các nỗ lực tìm kiếm người cải đạo. …

“Như những người truyền giáo bước vào thời đại mới này mà họ sẽ sử dụng máy vi tính trong công việc của Chúa, chúng tôi mời những người trẻ tuổi lẫn lớn tuổi, những người thành niên trẻ tuổi, giới trẻ và trẻ em ở khắp mọi nơi cùng tham gia với chúng tôi trong … việc chia sẻ những sứ điệp phúc âm của họ trên mạng. …

“Cũng như những người truyền giáo cần phải thích nghi với một thế giới đang thay đổi, các tín hữu cũng cần phải thay đổi cách suy nghĩ về công việc truyền giáo. Khi nói như vậy, tôi mong muốn nói rõ rằng những gì chúng ta, là các tín hữu, được yêu cầu phải làm thì không thay đổi; nhưng cách thức mà chúng ta làm tròn trách nhiệm của mình để chia sẻ phúc âm thì cần phải thích nghi với một thế giới đang thay đổi.” (“Missionary Work in the Digital Age” [bài nói chuyện được đưa ra tại buổi phát sóng về Công Việc Cứu Rỗi dành cho giới lãnh đạo toàn cầu, ngày 23 tháng Sáu năm 2013]).

Hãy hỏi:

  • Theo Anh Cả Perry, tại sao các tín hữu và những người truyền giáo phải sử dụng các nguồn tài liệu trực tuyến khi họ chia sẻ phúc âm? Việc sử dụng các nguồn tài liệu này có những lợi thế nào?

  • Một số công cụ hoặc nguồn tài liệu trực tuyến nào các em có thể sử dụng để chia sẻ chứng ngôn của mình về phúc âm và mời những người khác học hỏi thêm?

  • Một số cách thức cụ thể nào mà các em có thể sử dụng các công cụ này để chia sẻ sứ điệp phúc âm? (Cuộc thảo luận này sẽ giúp các sinh viên nhận ra nguyên tắc rằng các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô có thể sử dụng công nghệ hiện đại để chia sẻ chứng ngôn của họ về phúc âm với mọi người ở khắp mọi nơi trên thế giới.)

Trưng bày những hướng dẫn sau đây từ LDS.org, và mời một sinh viên đọc to đoạn đầu tiên. Sau đó gọi các sinh viên khác đọc to bản liệt kê những hướng dẫn cho việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội. Yêu cầu lớp học tìm kiếm những cách thức mà thông tin này có thể giúp đỡ họ chia sẻ phúc âm trên mạng được tốt hơn.

“Phương tiện truyền thông xã hội có thể là một ảnh hưởng mạnh mẽ trong cuộc sống của những người sử dụng nó. Nó có thể cung cấp những cách thức để bày tỏ đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô và củng cố những mối quan hệ. Giáo Hội khuyến khích sự sử dụng phương tiện truyền thông xã hội miễn là nó hỗ trợ sứ mệnh của Giáo Hội, cải thiện mối quan hệ, và giúp mang đến sự mặc khải giữa các con cái của Cha Thiên Thượng của chúng ta. Các tín hữu Giáo Hội được khuyến khích trở thành những tấm gương về đức tin của họ vào bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu, kể cả khi tham gia vào những cuộc đàm luận toàn cầu có sẵn qua phương tiện truyền thông xã hội. …

“Sau đây là những đề nghị cho việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội trong cuộc sống cá nhân của chúng ta: …

“Hãy lịch sự trong những mỗi giao hảo trực tuyến với người khác. Những lời giảng dạy Thánh Hữu Ngày Sau đòi hỏi các tín hữu đối xử với những người khác một cách tôn trọng, dù trong bất cứ tình huống nào.

“Bày tỏ lời chứng cá nhân của anh chị em về phúc âm phục hồi, như được Thánh Linh hướng dẫn. Các sứ điệp này cần phải riêng tư; đừng để lại cho người khác một ấn tượng rằng anh chị em đang nói thay cho Giáo Hội, và đừng tạo ra các nhóm mà để lại ấn tượng rằng họ đại diện chính thức cho Giáo Hội hoặc do Giáo Hội bảo trợ.

“Hãy luôn luôn là một tấm gương của một môn đồ của Đấng Ky Tô trong những mối giao hảo với người khác trên phương tiện truyền thông xã hội. Tấm gương tích cực của anh chị em có thể ảnh hưởng đến những người anh chị em kết giao. Là điều khôn ngoan để tránh kết giao với những người luôn luôn tìm cách làm cho những người khác chọn điều xấu xa và đặc biệt là những người đăng tài liệu không thích đáng. …

“Hãy sử dụng óc xét đoán tốt khi đăng lên một trang mạng truyền thông xã hội. Không có nút ‘xóa” trên internet. Hình ảnh và bài đăng có thể còn ở đó trong nhiều năm và có thể trở nên bất lợi khi anh chị em tìm việc làm hoặc nộp đơn xin vào đại học, cũng như các dịp khác mà hồ sơ công khai của anh chị em trên internet có thể được xem xét. Chắc chắn rằng những mối giao tiếp của anh chị em phù hợp với sự cam kết của mình để tự mình mang danh của Đấng Cứu Rỗi” (“Social Media Helps for Members,” LDS.org).

Yêu cầu sinh viên chia sẻ với lớp học cảm nghĩ của họ về lý do tại sao những lời đề nghị trong bản liệt kê này sẽ là điều quan trọng đối với họ để ghi nhớ khi họ chia sẻ phúc âm trực tuyến.

Nếu có đủ thời gian, hãy cân nhắc việc cho một sinh viên trình bày trong lớp học cách chia sẻ video hoặc các tài liệu khác trên LDS.org hoặc mormon.org bằng việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội. Anh chị em có thể yêu cầu một sinh viên khác trình bày cách tạo ra một hồ sơ trên mormon.org.

hình biểu tượng videoHãy cân nhắc việc cho xem video “Sharing Your Beliefs (Chia Sẻ Niềm Tin của Anh Chị Em)” (2:02) nhằm giúp các sinh viên cảm thấy tin tưởng vào khả năng của họ nhằm sử dụng công nghệ để chia sẻ cảm nghĩ và chứng ngôn của họ về phúc âm. Trước khi cho xem video, hãy khuyến khích các sinh viên tìm kiếm ảnh hưởng tiềm ẩn mà một người có thể có bằng cách sử dụng công nghệ để chia sẻ cảm nghĩ của mình về phúc âm.

Sau khi xem video, hãy hỏi:

  • Công nghệ có thể làm gia tăng nỗ lực của các tín hữu mong muốn chia sẻ sứ điệp của phúc âm như thế nào?

Mời các sinh viên mô tả cách họ có thể sử dụng công nghệ để chia sẻ chứng ngôn của họ với người khác. Kết thúc bằng cách chia sẻ chứng ngôn của anh chị em về các nguyên tắc và giáo lý đã được giảng dạy trong bài học này.

Lời Mời để Hành Động

Giúp các sinh viên bắt đầu từ bây giờ tìm những người sẵn sàng lắng nghe sứ điệp của phúc âm bằng cách hoàn thành một hoặc nhiều hơn các sinh hoạt được đề nghị sau đây:

  • Hoàn thành những điều các em liệt kê trong bài tập viết trong bài học này để tìm kiếm những người cho người truyền giáo giảng dạy.

  • Xem lại danh sách liên lạc trong điện thoại di động của các em và tìm một tín hữu kém tích cực hoặc một người ngoại đạo. Gọi điện thoại hoặc nhắn tin bằng văn bản cho người đó và mời người đó cùng đi nhà thờ với các em Chủ Nhật này.

  • Khám phá trang mạng mormon.org và các nguồn tài liệu trên trang mạng đó, chẳng hạn như các video, bài viết, và hồ sơ do các tín hữu Giáo Hội đăng lên. Chia sẻ một video, bài viết, hoặc một trang với người khác bằng việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội.

  • Tạo một hồ sơ của riêng các em trên mormon.org. Chia sẻ hồ sơ của các em với người khác bằng việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội.

  • Chia sẻ một video Mormon Messages (Những Sứ Điệp của Người Mặc Môn) và cảm nghĩ của các em về video đó trên phương tiện truyền thông xã hội.