Công Vụ Các Sứ Đồ 3
Sự Chữa Lành cho Người Đàn Ông Bị Què
Một người đàn ông cả đời không thể đi lại được đưa đến đền thờ ở Giê Ru Sa Lem mỗi ngày để ông ta có thể xin tiền. Ông ấy gặp Phi E Rơ và Giăng, những người đã cho ông một món quà lớn hơn nhiều so với số tiền ông xin. Bằng cách sử dụng thẩm quyền của chức tư tế và trong danh Chúa Giê Su Ky Tô, Phi E Rơ đã chữa lành cho người đàn ông. Kinh nghiệm đó đã cho Phi E Rơ và Các Vị Sứ đồ khác nhiều cơ hội để làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô. Bài học này nhằm giúp em củng cố đức tin của mình rằng Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp em vượt qua những thử thách mà em gặp phải.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Nhận được quyền năng chữa lành của Thượng Đế
Viết các từ Những Thử Thách và Hoạn Nạn lên trên bảng. Cũng nên cân nhắc viết câu trả lời của học viên cho câu hỏi tiếp theo.
-
Một số thử thách hoặc hoạn nạn về thể chất, thuộc linh, hoặc tình cảm mà mọi người trải qua trong cuộc sống là gì?
Suy ngẫm về một thử thách hoặc hoạn nạn mà cá nhân em phải đương đầu mà em muốn tìm kiếm sự cứu giúp hoặc sức mạnh của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô để vượt qua. Viết thử thách hoặc hoạn nạn đó vào nhật ký ghi chép việc học tập và cũng hãy bao gồm câu trả lời của em cho những câu hỏi sau đây:
-
Em đã thực hiện những hành động nào để nhận được sự giúp đỡ trong thử thách hoặc hoạn nạn này?
-
Em đã biết gì về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô khiến em tin tưởng rằng Hai Ngài sẽ giúp mình?
-
Em có câu hỏi hoặc mối quan tâm nào về việc vượt qua thử thách hoặc hoạn nạn này?
Phi E Rơ và Giăng chữa lành người đàn ông bị què
Trong bài học này, em sẽ có cơ hội tìm hiểu một số lẽ thật phúc âm từ câu chuyện trong Công Vụ Các Sứ Đồ 3 về việc Phi E Rơ và Giăng chữa lành một người đàn ông bị què. Trong khi học, hãy chú ý đến những sự thúc giục thuộc linh mà em nhận được. Tìm cách củng cố đức tin của em rằng Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp em vượt qua những thử thách mình gặp phải trên thế gian.
Đọc Công Vụ Các Sứ Đồ 3:1–3 , tìm kiếm một số chi tiết về người đàn ông này, đã hơn 40 tuổi (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 4:22). Có thể là hữu ích khi biết rằng từ “bố thí” được đề cập trong các câu 2–3 là những thứ mà người ta quyên góp cho người nghèo.
-
Em có thể sử dụng một số từ gì để mô tả người đàn ông này và hoàn cảnh của ông ấy? Tại sao?
-
Một số cách thông thường mà mọi người có thể phản ứng với người nào đó trong tình huống của người đàn ông này là gì?
Hãy đọc Công Vụ Các Sứ Đồ 3:4–8 , tìm kiếm những lẽ thật mà em có thể học hỏi về cách vượt qua thử thách hoặc hoạn nạn của chúng ta từ câu chuyện này.
-
Em nhận thấy điều gì nổi bật từ câu chuyện này?
-
Kinh nghiệm này giúp em học được hoặc cảm nhận được điều gì về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô?
Phi E Rơ dạy những người làm chứng phép lạ rằng phép lạ được thực hiện nhờ đức tin trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 3:16). Một lẽ thật mà chúng ta có thể học được từ câu chuyện này là qua đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể được chữa lành.
-
Em có thể chia sẻ điều gì từ những câu này mà có thể giúp một người nào đó hiện đang trải qua một trong những thử thách hoặc hoạn nạn về thể chất, thuộc linh hoặc cảm xúc mà em đã nghĩ đến trước đó trong bài học?
-
Chúng ta có thể làm gì để nhận được quyền năng của Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi để giúp chúng ta vượt qua những thử thách này?
Hãy lắng nghe chứng ngôn của Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, và ghi lại bất kỳ từ hoặc cụm từ nào nổi bật với các em hoặc gây ấn tượng cho các em khi xem video.
-
Em nhận thấy điều gì là nổi bật trong những lời giảng dạy của Anh Cả Andersen?
-
Em đã có những kinh nghiệm nào hoặc biết gì về nơi mà Đấng Cứu Rỗi đã có thể cung cấp sức mạnh hoặc sự chữa lành?
-
Hôm nay em đã học được gì hoặc cảm thấy gì về Chúa Giê Su Ky Tô mà em muốn ghi nhớ?
-
Em đã được soi dẫn để làm gì qua những điều em đã học được hôm nay?
Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình
Tại sao đôi khi chúng ta không nhận được sự chữa lành của Đấng Cứu Rỗi theo thời điểm và cách thức mà chúng ta mong muốn?
Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy:
Thỉnh thoảng, tôi nhận biết rằng một số lời cầu nguyện khẩn thiết nhất của chúng ta dường như không được đáp ứng. Chúng ta tự hỏi: “Tại sao?” Tôi biết đuợc cảm nghĩ đó! Tôi biết những nỗi lo sợ và nước mắt đổ xuống trong những giây phút như thế. Nhưng tôi cũng biết rằng những lời cầu nguyện của chúng ta không bao giờ bị lờ đi. Đức tin của chúng ta không bao giờ bị làm ngơ. Tôi biết rằng viễn ảnh của Cha Thiên Thượng đầy thông sáng thì rộng lớn nhiều hơn viễn ảnh của chúng ta. Trong khi chúng ta biết các vấn đề hữu diệt và đau đớn của mình, thì Ngài biết về sự tiến triển và tiềm năng bất diệt của chúng ta. Nếu chúng ta cầu nguyện để biết được ý muốn của Ngài và tự mình tuân phục theo ý muốn đó, với lòng kiên nhẫn và can đảm, thì sự chữa lành của thiên thượng có thể xảy ra theo đường lối và kỳ định của Ngài.
(Russell M. Nelson, “Chúa Giê Su Ky Tô— Đấng Chữa Lành Bậc Thầy,” Liahona, tháng Mười Một năm 2005, trang 86)
Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:
Sự ngay chính và đức tin chắc chắn là công cụ chữa lành người bệnh, người điếc và người què—nếu sự chữa lành đó hoàn thành mục đích của Thượng Đế và phù hợp với ý muốn của Ngài. Do vậy, dù chúng ta có đức tin mạnh mẽ thì nhiều núi cũng sẽ không dời. Và không phải tất cả những người bệnh tật và ốm yếu sẽ được chữa lành. Nếu mọi sự chống đối đều bị hạn chế, nếu tất cả các căn bệnh quái ác đều bị loại bỏ, thì mục đích chính trong kế hoạch của Cha sẽ bị thất bại.
(David A. Bednar, Accepting the Lord’s Will and Timing Ensign hoặc Liahona, tháng Tám năm 2016, trang 34)
Làm cách nào tôi có thể tiếp cận quyền năng chữa lành của Đấng Cứu Rỗi khi tôi gặp khó khăn về phần thuộc linh?
Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy:
Nỗi khổ sở có thể đến từ những nguyên nhân thuộc linh cũng như thể xác. An Ma Con đã nhớ rằng tội lỗi của mình gây ra nhiều đau đớn đến nỗi ông đã mong muốn “bị tắt lịm đi, cả tâm hồn lẫn thể xác, để [ông] khỏi bị dẫn đến đứng trước sự hiện diện của … Thượng Đế, để bị xét xử về những việc làm [của ông]” [ An Ma 36:15 ]. Vào những lúc như thế, làm thế nào chúng ta có thể được Ngài chữa lành?
Chúng ta có thể hối cải hoàn toàn hơn! Chúng ta có thể trở nên cải đạo hoàn toàn hơn! Rồi “Vị Nam Tử Ngay Chính” có thể ban phước trọn vẹn hơn cho chúng ta bằng bàn tay chữa lành của Ngài.
… Đức tin, sự hối cải, phép báp têm, một chứng ngôn và sự cải đạo lâu dài đưa đến quyền năng chữa lành của Chúa.
(Russell M. Nelson, “Chúa Giê Su Ky Tô— Đấng Chữa Lành Bậc Thầy,” Liahona, tháng Mười Một năm 2005, trang 86)