Lớp Giáo Lý
Đánh Giá Việc Học Tập của Em 8


Đánh Giá Việc Học Tập của Em 8

Rô Ma 1–16; 1 Cô Rinh Tô 1–7

Students talking in a seminary class.

Bài học này nhằm giúp em đánh giá những mục tiêu đã đặt ra và sự phát triển cá nhân mà em có được trong quá trình học Kinh Tân Ước. 

Đánh giá việc học tập của học viên. Việc để cho học viên đánh giá những điều các em đang học có thể giúp các em suy ngẫm về cách Chúa đang giúp các em học hỏi và phát triển. Hãy giúp học viên nhận ra những thành công của mình cũng như những điều mà các em vẫn có thể cải thiện. Khi suy ngẫm về sự tiến triển và những thử thách của mình, học viên có thể nhận được sự mặc khải về bước tiếp theo mà các em có thể thực hiện để trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô hơn.

Học viên chuẩn bị: Mời học viên suy ngẫm về sự tiến triển của các em đối với các mục tiêu thuộc linh cá nhân của mình. Cũng mời học viên suy ngẫm về những điều các em đã học được hoặc những mục tiêu các em đã đặt ra khi học Rô Ma và 1 Cô Rinh Tô 1–7.

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Bài học này nhằm giúp học viên đánh giá các mục tiêu mà các em đã đặt ra, khả năng giải thích những lời giảng dạy trong Kinh Tân Ước, hoặc sự thay đổi trong thái độ, mong muốn và khả năng sống theo phúc âm của các em. Nội dung nghiên cứu của lớp học về Rô Ma 1–16 ; 1 Cô Rinh Tô 1–7 có thể đã nhấn mạnh những lẽ thật khác với những lẽ thật trong các sinh hoạt sau đây. Nếu vậy, có thể điều chỉnh các sinh hoạt sau đây để bao gồm những lẽ thật đó.

Trở thành một môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô

  • Nếu em có thể đi đến một nơi nào đó mới mẻ, em sẽ muốn đi đâu?

  • Trong chuyến đi, tại sao điều quan trọng là phải xem liệu em có còn đi đúng đường không? Nếu em không làm như vậy thì sao?

Việc đánh giá cuộc hành trình thuộc linh của chúng ta cũng quan trọng. Chủ Tịch M. Russell Ballard thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy về tầm quan trọng của việc hướng tới các mục tiêu thuộc linh, sau đó nói thêm:

Official portrait of President M. Russell Ballard of the Quorum of the Twelve Apostles, 2004.

Tôi đã thấy rằng để luôn tập trung … , tôi cần phải thường dành ra thời gian để tự hỏi: “Tôi thế nào rồi?”

Điều đó giống như việc có một cuộc phỏng vấn cá nhân, riêng tư với chính mình. …

Trong những tuần tới, hãy dành ra thời gian để xem xét lại các mục tiêu của cuộc sống các anh chị em và các kế hoạch của các anh chị em, và chắc chắn rằng những điều này phù hợp với kế hoạch vĩ đại của Cha Thiên Thượng dành cho hạnh phúc của chúng ta. Nếu các anh chị em cần phải hối cải và thay đổi, thì hãy cân nhắc để làm ngay bây giờ đi. …

Tôi làm chứng rằng không có mục tiêu nào trên trần thế lớn hơn việc sống vĩnh viễn với Cha Mẹ Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi yêu dấu của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô. Nhưng còn có nhiều điều hơn chỉ là mục tiêu của chúng ta—đó cũng là mục tiêu của hai Ngài. Hai Ngài có một tình yêu thương trọn vẹn dành cho chúng ta, còn nồng nàn hơn chúng ta có thể bắt đầu thấu hiểu được. Hai Ngài hòa hợp hoàn toàn, trọn vẹn, và vĩnh viễn với chúng ta. Chúng ta là công việc của hai Ngài. Vinh quang của chúng ta là vinh quang của hai Ngài. Hơn bất cứ điều gì khác, hai Ngài muốn chúng ta trở về nhà.

(M. Russell Ballard, “Trở Lại và Nhận Được,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 64–65)

Hãy dành vài phút để hỏi bản thân những câu hỏi sau đây, như thể là em đang có một cuộc phỏng vấn cá nhân, riêng tư với chính mình. Cân nhắc ghi lại câu trả lời của em trong nhật ký ghi chép việc học tập.

  • Gần đây tôi đã làm gì để đạt được một chứng ngôn về những lẽ thật cụ thể qua Đức Thánh Linh? Tôi đang học gì về việc nhận được sự mặc khải qua Đức Thánh Linh? (Em có thể đã dành chút thời gian để suy ngẫm điều này khi học 1 Cô Rinh Tô 2 .)

  • Tôi đã thực hiện những mục tiêu nào để đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn và trở thành môn đồ của Ngài? Tôi đang có được những thành công nào? Tôi gặp phải những trở ngại nào? Tôi cần làm gì để tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa và tiếp tục tiến triển trên hành trình thuộc linh của mình?

Mời học viên chia sẻ ý nghĩ của các em về những câu hỏi này. Hãy nhớ rằng một số mục tiêu và kinh nghiệm có thể vô cùng cá nhân hoặc riêng tư, vì vậy đừng yêu cầu học viên chia sẻ. Hãy chúc mừng cho những thành công của học viên. Nếu học viên đang gặp phải những trở ngại mà các em chật vật để vượt qua, hãy cân nhắc đặt ra những câu hỏi như sau cho cả lớp: Qua việc nghiên cứu Kinh Tân Ước, chúng ta đã học hỏi được điều gì trong năm nay mà có thể giúp ích? Các em đã có những kinh nghiệm nào có thể hữu ích? Khuyến khích học viên tiếp tục thực hiện các mục tiêu của mình và bày tỏ sự tin tưởng rằng Cha Thiên Thượng sẽ giúp các em khi các em cố gắng trở nên giống như Ngài.

Giải thích ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô

Để giúp em đánh giá sự hiểu biết của mình về một lẽ thật phúc âm quan trọng mà em đã nghiên cứu gần đây, hãy thực hiện sinh hoạt sau đây:

Hãy tưởng tượng em được những người truyền giáo liên lạc. Họ đang dạy một người ở độ tuổi của em mà đang gặp khó khăn để hiểu được ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô. Những người truyền giáo đã đề nghị em đi cùng họ đến buổi hẹn giảng dạy tiếp theo để em có thể chia sẻ những điều mình biết về ân điển của Đấng Cứu Rỗi và việc noi theo Chúa Giê Su Ky Tô đã ban phước cho cuộc sống của em như thế nào.

Hãy dành một chút thời gian tra cứu thánh thư để tìm những câu và lẽ thật mà có thể giúp ích. Việc đọc một số câu sau đây có thể hữu ích:

Rô Ma 3:10–12, 20–28

Rô Ma 4:16 (kể cả Bản Dịch Joseph Smith cho Rô Ma 4:16)

Rô Ma 5:1–2, 21

  1. Viết xuống những cách em sẽ giải thích ân điển của Đấng Cứu Rỗi bằng lời của riêng mình.

  2. Sử dụng một câu thánh thư từ sách Rô Ma, hãy chia sẻ một lẽ thật về ân điển của Đấng Cứu Rỗi và cách chúng ta có thể nhận được ân điển đó trong cuộc sống của mình. Cân nhắc ghi cả việc biết những lẽ thật này đã mang em đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn như thế nào.

Hãy đảm bảo cho học viên có đủ thời gian để chuẩn bị. Khi học viên hoàn thành, các em có thể làm việc với một người bạn cùng lớp và lần lượt dạy cho nhau như thể các em đang chia sẻ những điều này với người mà những người truyền giáo đang giảng dạy.

Gia tăng mong muốn được hiệp nhất trong Đấng Ky Tô

Sự hiệp nhất là một khái niệm quan trọng khác trong các bức thư Phao Lô gửi cho người Rô Ma và người Cô Rinh Tô.

Cân nhắc mời học viên chọn một hoặc hai câu mà trong đó Phao Lô dạy về sự hiệp nhất (ví dụ như Rô Ma 14:19 hoặc Rô Ma 15:1). Sau đó, thực hiện một trong các sinh hoạt sau đây:

  1. Cả lớp đồng thanh đọc một hoặc cả hai câu này.

  2. Chia học viên thành các nhóm nhỏ và mời các em đọc to một hoặc hai câu bằng cách thay phiên nhau đọc từng dòng của thánh thư. Nếu học viên muốn được thử thách kiểu khác, thì các em có thể luân phiên nhau đọc từng từ.

  3. Cả lớp đọc thuộc lòng từng từ một, với mỗi từ được đọc bởi một học viên khác nhau.

Yêu cầu học viên đánh giá xem các em đã làm việc cùng nhau hiệu quả như thế nào và chia sẻ những hiểu biết sâu sắc mà các em đã học được về sự hiệp nhất qua sinh hoạt này. Mời học viên tóm tắt những điều Phao Lô đã dạy trong câu hoặc các câu này.

a. Tìm một câu em đã học trong Rô Ma hoặc 1 Cô Rinh Tô mà dạy cho em một lẽ thật có ý nghĩa về việc hiệp nhất với những người khác trong Đấng Ky Tô. Có thể xem một số ví dụ trong Rô Ma 12:10–21 ; 14:10–13, 19 ; 15:1–7 và trong 1 Cô Rinh Tô 1:10–13 ; 3:3–9 . Câu mà em đã chọn dạy về lẽ thật nào?

b. Nghĩ về lúc em trải nghiệm những điều Phao Lô dạy trong câu em đã chọn. Em nghĩ điều gì đã đóng góp nhiều nhất vào nỗ lực của em để được hiệp nhất trong Đấng Ky Tô?

c. Trả lời hai trong số các câu hỏi sau đây:

  • Sự khác biệt giữa việc chỉ cùng nhau làm tốt và việc được hiệp nhất qua Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài là gì?

  • Tại sao lẽ thật mà em đã chọn trong câu a lại có ý nghĩa đối với em?

  • Trong tháng vừa qua, em đã gia tăng sự hiểu biết của mình về sự hiệp nhất và mong muốn được hiệp nhất với những người khác như thế nào?

  • Em đã làm gì để trở nên hiệp nhất với những người khác trong Đấng Ky Tô?

  • Em đang gặp những thử thách nào khi nỗ lực để trở nên hiệp nhất hơn với những người khác?

Hãy tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh để giúp em biết những cách Chúa muốn em hiệp nhất với những người khác trong Đấng Ky Tô. Cũng hãy tìm kiếm sự mặc khải về cách vượt qua bất kỳ thử thách nào mà em có thể gặp phải.

Hãy tiếp tục tiến bước trên cuộc hành trình thuộc linh của em, đến gần Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hơn. Hãy biết rằng hai Ngài yêu thương em và sẵn sàng giúp đỡ em trong những nỗ lực của mình.

Hãy chia sẻ chứng ngôn về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô và mong muốn giúp đỡ của hai Ngài.