Giăng 9
Chúa Giê Su Chữa Lành Người Mù
Chúa Giê Su chữa lành một người mù từ thuở sanh ra. Những người Pha Ri Si chất vấn người này và đuổi ông ra khỏi nhà hội vì người này từ chối kết tội Chúa Giê Su là người có tội vì đã làm phép chữa lành vào Ngày Sa Bát. Đấng Cứu Rỗi đã tìm kiếm người đàn ông và người này đã thờ phượng Chúa Giê Su với tư cách là Vị Nam Tử của Thượng Đế. Bài học này sẽ giúp em hiểu được việc tiếp tục trung thành với những điều em biết về Đấng Cứu Rỗi, ngay cả trong nghịch cảnh, có thể củng cố chứng ngôn của em về Ngài như thế nào.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Tiếp tục trung tín với Chúa Giê Su Ky Tô
Hãy tưởng tượng rằng em được tặng một chiếc hộp với một bông hồng vàng trong đó.
-
Em sẽ trả lời như thế nào nếu những người khác không thể nhìn thấy bông hồng trong hộp nói với em rằng bông hoa đó màu hồng?
Đôi khi chúng ta có thể bắt gặp những cá nhân hoặc ý tưởng mâu thuẫn với sự hiểu biết và chứng ngôn của chúng ta về Chúa Giê Su Ky Tô. Ngay cả khi Thánh Linh đã làm chứng những lẽ thật về Chúa Giê Su Ky Tô cho chúng ta, những người khác có thể cố gắng bác bỏ những lẽ thật đó.
-
Em có đang gặp phải bất kỳ sự chống đối nào trong nỗ lực tiếp tục trung thành với những điều em biết về Chúa Giê Su Ky Tô không?
-
Nếu vậy, việc này có tác động gì đến cuộc sống của em?
Trong Giăng 9 , em sẽ học về một người mù được Chúa chữa lành. Một trong những nguyên tắc mà chúng ta có thể học được từ ví dụ về người đàn ông này là khi chúng ta tiếp tục trung thành với những điều chúng ta biết về Chúa Giê Su Ky Tô ngay cả khi đối mặt với sự chống đối, thì chứng ngôn của chúng ta về Ngài sẽ được củng cố. Hãy tìm kiếm bằng chứng về nguyên tắc này khi em học câu chuyện trong Giăng 9 .
Hãy đọc Giăng 9:1–12 , tìm kiếm những điều người mù đã học được về Chúa Giê Su Ky Tô.
-
Tại thời điểm này, người đàn ông này biết gì về Chúa Giê Su?
Sau khi người đàn ông mù được chữa lành, một số người cãi vã liệu người này có thực sự là người đàn ông mù từ thuở sanh ra hay không, trong khi những người khác thắc mắc làm thế nào mà ông ấy được chữa lành. Ông được đưa đến trước mặt những người Pha Ri Si, những người đang tức giận vì phép lạ được thực hiện vào Ngày Sa Bát. Họ bắt đầu tra hỏi người đàn ông. Người Pha Ri Si cũng chất vấn cha mẹ ông, nhưng cha mẹ ông từ chối trả lời những người Pha Ri Si, vì họ sợ bị đuổi ra khỏi nhà hội nếu họ ủng hộ Chúa Giê Su. Những người Pha Ri Si lại hỏi người đàn ông về sự chữa lành của ông. (Xin xem Giăng 9:13–34 .)
Hãy đọc các câu 11, 17, 25 và 30–33 , ghi lại những điều người đàn ông này nói về Chúa Giê Su.
-
Trong câu chuyện về người đàn ông mù, em nhìn thấy bằng chứng nào về nguyên tắc khi chúng ta tiếp tục trung thành với những điều chúng ta biết về Chúa Giê Su Ky Tô ngay cả khi đối mặt với sự chống đối, thì chứng ngôn của chúng ta về Ngài sẽ được củng cố?
-
Trong những phương diện nào em nghĩ người đàn ông này đã đạt được sự hiểu biết lớn lao hơn về việc Chúa Giê Su là ai?
-
Những lời phát biểu của người đàn ông này dạy cho em điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô?
Vì người đàn ông tiếp tục nói rằng Chúa Giê Su là của Thượng Đế, nên những người Pha Ri Si đuổi ông ra khỏi nhà hội (xin xem Giăng 9:34).
Hãy đọc Giăng 9:35–38 , tìm kiếm cách mà Đấng Cứu Rỗi đã phục sự người đàn ông.
Những câu hỏi thảo luận khả thi
-
Chứng ngôn của người đàn ông mù từ thuở sanh ra được củng cố như thế nào khi ông tiếp tục trung thành với những điều ông đã biết về Đấng Cứu Rỗi?
-
Chứng ngôn của chúng ta về Chúa Giê Su Ky Tô có thể được củng cố như thế nào khi chúng ta chịu được sự chống đối hoặc các thử thách về đức tin?
-
Chúng ta học được gì về các thuộc tính của Chúa Giê Su Ky Tô từ những sự giao tiếp của Ngài với người đàn ông mù từ thuở sanh ra?
-
Đấng Cứu Rỗi đã giúp chứng ngôn của người đàn ông mù tăng trưởng như thế nào? Ngài giúp chúng ta củng cố chứng ngôn của mình như thế nào?
-
Những điều em đã học được về Đấng Cứu Rỗi trong câu chuyện này có thể giúp em như thế nào khi đối mặt với sự chống đối bây giờ hoặc trong tương lai?
Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình
Giăng 9:1–3 . Tại sao các môn đồ của Chúa Giê Su tin rằng người đàn ông bị mù là do tội lỗi?
Chủ Tịch Boyd K. Packer (1924–2015) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã đạy:
Điều tự nhiên là cha mẹ có con [khuyết tật] thường tự hỏi: “Chúng ta đã làm gì sai?” Ý nghĩ rằng tất cả nỗi khốn khổ bằng cách nào đó là kết quả trực tiếp của tội lỗi đã được dạy từ thời xưa. Đó là giáo lý sai lầm. Quan niệm đó thậm chí còn được chấp nhận bởi một số môn đồ đầu tiên cho đến khi Chúa sửa phạt họ.
“Đức Chúa [Giê Su] vừa đi qua, thấy một người mù từ thuở sanh ra.
“Môn đồ hỏi Ngài rằng: Thưa thầy, ai đã phạm tội, người hay là cha mẹ người, mà người sanh ra thì mù như vậy?
“Đức Chúa [Giê Su] đáp rằng: Đó chẳng phải tại người hay tại cha mẹ đã phạm tội; nhưng ấy để cho những việc Đức Chúa Trời được tỏ ra trong người.” ( Giăng 9:1–3 .)
Không nên có những cảm giác tội lỗi liên quan đến [khuyết tật]. Một số [khuyết tật] có thể do bất cẩn hoặc lạm dụng, và một số là do cha mẹ nghiện ngập. Nhưng hầu hết đều không phải như vậy. Những nỗi phiền muộn đến với người vô tội.
(Boyd K. Packer, “The Moving of the Water”, Ensign, tháng Năm năm 1991, trang 7–8)
Người đàn ông mù đã trải nghiệm được điều gì sau khi thực hành đức tin của mình nơi Đấng Cứu Rỗi?
Chủ Tịch Howard W. Hunter (1907–95) đã dạy:
Giờ đây, thị giác đã được ban tặng hai lần—một lần để khắc phục khiếm khuyết bẩm sinh và một lần để nhìn thấy Vua của Các Vua trước khi Ngài lên ngôi vĩnh cửu của Ngài. Chúa Giê Su đã làm gia tăng khả năng nhìn cả về mặt thế tục lẫn thuộc linh. Ngài đã chiếu ánh sáng của Ngài vào một nơi tối tăm, và người đàn ông này, giống như nhiều người khác vào thời đó cũng như vào thời chúng ta, đã chấp nhận ánh sáng và đã nhìn thấy được.
(Howard W. Hunter, “The God That Doest Wonders”, Ensign, tháng Năm năm 1989, trang 16–17)
Việc nhận được thị lực thuộc linh là như thế nào trong cuộc sống của chúng ta?
Chủ Tịch Thomas S. Monson (1927–2018) đã dạy:
Những người đã cảm nhận được cái chạm tay của Đức Thầy thường không biết làm sao có thể giải thích được sự thay đổi đang xảy ra trong cuộc sống của họ. Họ bắt đầu có một ước muốn để sống tốt hơn, để phục vụ trung tín, để bước đi khiêm nhường, và để trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn. Khi đã được mở con mắt thuộc linh và thấy được những lời hứa về cuộc sống vĩnh cửu, họ lặp lại lời của người đàn ông mù đã được Chúa Giê Su chữa cho thấy lại, như sau: “Chỉ biết một điều, là tôi đã mù mà bây giờ lại sáng” [ Giăng 9:25 ].
(Thomas S. Monson, “Anxiously Engaged”, Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2004, trang 58)
Giăng 9:22, 34–35 . Ý nghĩa của việc bị đuổi ra khỏi nhà hội là gì?
“Các nhà hội từng là trung tâm tôn giáo và xã hội đối với nhiều cộng đồng người Do Thái. Các nhà hội cho phép họ tiếp cận những chỉ dẫn về mặt thuộc linh, sự thờ phượng, cũng như các cơ hội giáo dục và xã hội. Bởi vì nhà hội là một phần không thể thiếu đối với xã hội Do Thái, việc bị đuổi ra khỏi nhà hội … còn hơn cả việc bị khai trừ và mất tình thân hữu với cộng đồng tôn giáo. Nó cũng có nghĩa là bị trục xuất khỏi các công việc văn hóa và xã hội. Mối đe dọa này dường như đủ nghiêm trọng để ngăn cha mẹ của người đàn ông mù từ thuở sanh ra không tham gia quá nhiều vào việc điều tra phép lạ này” (New Testament Student Manual [năm 2014], trang 230).