Giăng 10
“Người Chăn Hiền Lành”
Chúa Giê Su dạy rằng Ngài là Người Chăn Hiền Lành. Ngài đã sử dụng phép ẩn dụ này để giúp những người nghe Ngài hiểu thêm về Ngài và mối quan hệ của họ với Ngài. Mục đích của bài học này là nhằm giúp em cảm thấy tin tưởng hơn nơi Chúa Giê Su Ky Tô với tư cách là Người Chăn của mình và gia tăng mong muốn của em để nghe tiếng nói của Ngài và noi theo Ngài.
Sử dụng hình ảnh. Hình ảnh có thể giúp học viên hình dung ra các nhân vật, nơi chốn, sự kiện, đồ vật và biểu tượng trong thánh thư. Kết hợp với lời thánh thư, hình ảnh có thể giúp soi sáng lẽ thật và nâng cao kinh nghiệm học tập của học viên.
Học viên chuẩn bị: Mời học viên đọc đề mục “ Chăn Hiền Lành, Người ” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư. Yêu cầu các em chuẩn bị để trả lời câu hỏi “Tại sao tước vị ‘Người Chăn Hiền Lành’ mô tả đúng về Chúa Giê Su Ky Tô?”
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Chúa Giê Su Ky Tô là Người Chăn Hiền Lành
Hãy xem kỹ bức tranh được trưng ra ở đầu bài học này và suy ngẫm xem bức tranh đó có thể dạy gì. Các câu hỏi sau đây có thể giúp ích: Tại sao Người Chăn ẵm con chiên con? Em để ý thấy điều gì về vị trí của Người Chăn so với các con chiên khác?
Hôm nay em sẽ học câu chuyện ngụ ngôn về người chăn hiền lành. Trong câu chuyện ngụ ngôn này, Chúa Giê Su Ky Tô so sánh chính Ngài với một người chăn dẫn dắt và bảo vệ đàn chiên của mình. Trong khi học, hãy chú ý đến những điều em học được về Đấng Cứu Rỗi.
Trong Giăng 10 , Chúa Giê Su dạy rằng Ngài là Người Chăn Hiền Lành (xin xem câu 11, 14).
Ở đầu một trang trong nhật ký ghi chép việc học tập của em, hãy viết tiêu đề “Người Chăn Hiền Lành.” Tại đây, em có thể liệt kê những điều em học hoặc cảm nhận được về Chúa Giê Su Ky Tô, Người Chăn Hiền Lành và những điều Ngài làm cho chiên của Ngài. Nếu muốn, em có thể vẽ một con chiên đơn giản trên giấy như hình bên dưới và viết vào bên trong hình vẽ những điều em đã học hoặc cảm thấy.
Hãy đọc Giăng 10:1-5 , tìm kiếm một câu chuyện ngụ ngôn Chúa Giê Su dạy về vai trò của Ngài là Người Chăn Hiền Lành.
Hãy thêm bất kỳ những hiểu biết sâu sắc nào mà em đã đạt được về Người Chăn Hiền Lành vào bản liệt kê của mình.
-
Điều gì gây ấn tượng cho em về mối quan hệ giữa người chăn và các con chiên như đã được mô tả ở đây?
Một số người nghe không hiểu câu chuyện ngụ ngôn mà Chúa Giê Su dạy (xin xem Giăng 10:6). Chúa Giê Su đã giải thích cách mà câu chuyện ngụ ngôn này dạy về Ngài. Hãy đọc Giăng 10:7–18, 27–28 , tìm kiếm những hiểu biết sâu sắc bổ sung về Chúa Giê Su với tư cách là Người Chăn Hiền Lành. Hãy thêm những nhận xét của em vào bản liệt kê của mình. (Lưu ý: Kẻ chăn thuê là người mà động cơ làm việc chính là để được trả tiền.)
-
Khi xem qua bản liệt kê của mình, câu chuyện ngụ ngôn về Người Chăn Hiền Lành giúp em hiểu gì về Chúa Giê Su Ky Tô?
-
Em học được gì từ những câu này về lý do tại sao em muốn đi theo Ngài?
Nếu tôi đi theo Người Chăn Hiền Lành, tôi sẽ nhận được …
-
Những kinh nghiệm nào đến với tâm trí khi em cảm thấy sự quan tâm của Đấng Cứu Rỗi dành cho em như một người chăn?
Làm thế nào em có thể nghe được tiếng nói của Người Chăn Hiền Lành?
Hãy suy nghĩ về những câu hỏi sau đây:
-
Em cần sự giúp đỡ hoặc hướng dẫn của Đấng Cứu Rỗi về điều gì?
-
Em mong muốn phước lành nào mà Đấng Cứu Rỗi ban cho chiên của Ngài?
-
Tại sao em muốn gia tăng khả năng nghe được tiếng nói của Người Chăn Hiền Lành?
Trong câu chuyện ngụ ngôn này, đàn chiên của Người Chăn Hiền Lành là những người nghe tiếng nói của Ngài và noi theo Ngài (xin xem Giăng 10:3–5, 27).
Chủ Tịch Russell M. Nelson đã đưa ra những hiểu biết sâu sắc sau đây về việc nghe tiếng nói của Chúa Giê Su Ky Tô:
Đức Chúa Cha của chúng ta biết rằng khi nào chúng ta bị bao vây bởi sự không chắc chắn và nỗi sợ hãi, thì điều mà sẽ giúp chúng ta rất nhiều chính là nghe lời Con Trai của Ngài.
Vì khi cố gắng nghe—thật sự nghe—lời Con Trai của Ngài, chúng ta sẽ được hướng dẫn để biết phải làm gì trong bất cứ hoàn cảnh nào.
… Trong ba từ [đó]— “Nghe lời Ngài”—Thượng Đế ban cho chúng ta mẫu mực về sự thành công, hạnh phúc và niềm vui trong cuộc sống này. Chúng ta phải nghe những lời của Chúa, chú ý nghe những lời đó, và lưu tâm điều Ngài đã phán bảo chúng ta!
Khi chúng ta tìm cách làm môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, thì những nỗ lực của chúng ta để nghe lời Ngài cần phải có chủ ý hơn bao giờ hết. Cần phải có nỗ lực có ý thức và kiên định để làm tràn đầy cuộc sống hằng ngày của chúng ta bằng những lời phán, lời dạy và các lẽ thật của Ngài.
(Russell M. Nelson, “Hãy Nghe Lời Người”, Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 89)
-
Những cách nào để có thể nghe được tiếng nói của Người Chăn Hiền Lành?
Nếu có thể, hãy xem các video có tựa đề “Cách Mà Tôi #NgheLờiNgài: Anh Cả David A. Bednar” (1:15) và “Cách mà Tôi #NgheLờiNgài: Chị Joy D. Jones” (2:45) để nghe ví dụ về cách mà các vị lãnh đạo Giáo Hội nghe tiếng nói của Đấng Cứu Rỗi. Các video này, cùng với các ví dụ bổ sung, đều có trên trang ChurchofJesusChrist.org.
-
Em nghĩ việc nghe tiếng nói của Cha Thiên Thượng có thể giúp đỡ chúng ta với những nhu cầu của mình như thế nào?
-
Em đã học được hoặc cảm nhận được điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô từ việc học về vai trò của Ngài với tư cách là Người Chăn Hiền Lành?
Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình
Giăng 10:7 . Tại sao Chúa Giê Su phán: “Ta là cửa của chiên”?
Những người chăn ở Y Sơ Ra Ên đứng ở lối vào của đàn chiên và kiểm tra từng con chiên khi chúng đi vào, điều trị vết thương khi cần thiết. Sau khi đàn chiên được tập trung trong chuồng qua đêm, người chăn sẽ nằm ngủ ở lối ra vào, ngăn lối đi để những kẻ săn mồi hoặc kẻ trộm không thể làm hại chiên. Lời phát biểu của Đấng Cứu Rỗi “Ta là cái cửa” làm sáng tỏ rằng Ngài sẵn sàng “vì chiên [Ngài] phó sự sống [Ngài]” ( Giăng 10:7, 15) và cuối cùng Ngài sẽ quyết định ai sẽ vào vương quốc thiên thượng. Sử dụng một hình ảnh tương tự như một cánh cửa, Tiên Tri Gia Cốp trong Sách Mặc Môn đã phán rằng “người giữ cổng là Đấng Thánh của Y Sơ Ra Ên” và “Ngài không thu dụng tôi tớ nào ở đó cả” ( 2 Nê Phi 9:41).
Sự khác nhau giữa Người Chăn Hiền Lành và kẻ chăn thuê là gì?
Chủ Tịch Ezra Taft Benson (1899–1994) đã dạy:
Tuy nhiên, đôi khi, một con thú hoang bị thúc đẩy bởi cơn đói sẽ nhảy qua các bức tường vào giữa đàn chiên và làm cho chiên sợ hãi. Một tình huống như vậy phân biệt người chăn chân chính—một người yêu thương chiên—với kẻ chăn thuê—là người làm việc chỉ vì được trả lương và vì bổn phận.
Người chăn chân chính sẵn sàng hy sinh tính mạng mình vì chiên. Người ấy sẽ đi giữa đàn chiên và chống trả vì sự an lạc của đàn chiên. Mặt khác, kẻ chăn thuê quý trọng sự an toàn của mình hơn là đàn chiên và thường chạy trốn khỏi cảnh nguy hiểm.
Chúa Giê Su đã dùng cách minh họa phổ biến này trong thời [N]gài để phán rằng Ngài là Người Chăn Hiền Lành, Người Chăn Chân Chính. Vì tình yêu thương của Ngài dành cho anh chị em của Ngài, nên Ngài sẵn sàng và tự nguyện phó mạng sống Ngài vì họ. (Xin xem Giăng 10:17–18 .)
(Ezra Taft Benson, “A Call to the Priesthood: ‘Feed My Sheep’”, Ensign, tháng Năm năm 1983, trang 43)
Giăng 10:30 . Chúa Giê Su có ý gì khi Ngài phán: “Ta với Cha là một”?
Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:
Tín điều thứ nhất và quan trọng nhất trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là “Chúng tôi tin nơi Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, và nơi con của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, và nơi Đức Thánh Linh” [ Những Tín Điều 1:1 ]. Chúng tôi tin rằng ba Đấng thiêng liêng này tạo thành một Thiên Chủ Đoàn hiệp một trong mục đích, hành động, chứng ngôn và sứ mệnh. Chúng tôi tin rằng ba Đấng này đều đầy một lòng thương xót, yêu thương, công bằng và ân điển, kiên nhẫn, khoan dung và cứu chuộc của Thượng Đế. Tôi nghĩ thật là chính xác để nói rằng chúng tôi tin là ba Đấng này hợp nhất trong mọi khía cạnh quan trọng và vĩnh cửu có thể tưởng tượng được, [ngoại trừ] việc tin rằng ba Đấng này là ba Vị gộp lại thành một, theo thuyết Ba Ngôi Một Thể mà chưa bao giờ được giảng dạy trong thánh thư vì điều đó không đúng.
(Jeffrey R. Holland, “Đức Chúa Trời Có Một và Thật, cùng Giê Su Ky Tô, là Đấng Cha đã Sai Đến”, Liahona, tháng Mười Một năm 2007, trang 40)
Những Sinh Hoạt Học Tập Bổ Sung
Các chiên khác
Trong Giăng 10:16 , Đấng Cứu Rỗi đã dạy những người Do Thái ở Giê Ru Sa Lem rằng Ngài sẽ đến viếng thăm con cái của Thượng Đế ở những vùng đất khác, dạy cho họ phúc âm của Ngài và đem họ vào đàn chiên của Ngài (Giáo Hội của Ngài). Sách Mặc Môn làm sáng tỏ câu này.
Học viên có thể đọc 3 Nê Phi 15:13–17, 21 ; 16:1–3 , tìm kiếm một cách mà lời tiên tri này đã được ứng nghiệm. Cân nhắc đề nghị học viên tham khảo chéo những câu này với Giăng 10:16 . Có thể mời học viên thảo luận xem những hiểu biết sâu sắc này dạy cho chúng ta điều gì về đặc tính và sứ mệnh của Chúa Giê Su Ky Tô.