Lớp Giáo Lý
Ma Thi Ơ 16:13–18


Ma Thi Ơ 16:13–18

“Chúa là Đấng Ky Tô”

Hình Ảnh
Jesus talking to the disciples

Chúa Giê Su hỏi các môn đồ của Ngài rằng người ta nghĩ Ngài là ai và điều mà bản thân Các Sứ Đồ tin về Ngài. Phi E Rơ đáp lại bằng cách làm chứng rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, điều mà ông đã tiếp nhận nhờ sự mặc khải qua Đức Thánh Linh. Bài học này có thể giúp em hiểu và cảm thấy tầm quan trọng của việc nhận được một chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô từ Cha Thiên Thượng qua Đức Thánh Linh.

Học viên chuẩn bị: Mời học viên chuẩn bị xem các em sẽ trả lời câu hỏi sau đây như thế nào: Chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô có thể tạo ra sự khác biệt như thế nào trong cuộc sống của một người nào đó?

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Nói chuyện với Đấng Cứu Rỗi

Cân nhắc mời học viên tưởng tượng rằng các em và một vài người bạn thân đã có cơ hội nói chuyện với Đấng Cứu Rỗi. Sau đó, các em có thể trả lời các câu hỏi sau đây theo cặp hoặc nhóm nhỏ.

  • Em nghĩ sẽ như thế nào khi được nói chuyện với Đấng Cứu Rỗi?

  • Nếu Ngài hỏi em ngày nay người ta nghĩ gì hoặc nói gì về Ngài thì em sẽ trả lời ra sao?

Hãy đọc Ma Thi Ơ 16:13–14 để xem cách mà các môn đồ của Ngài đã trả lời một câu hỏi tương tự.

Hãy đọc và đánh dấu câu hỏi tiếp theo, mang tính cá nhân hơn của Đấng Cứu Rỗi trong Ma Thi Ơ 16:15 . Hãy viết vào nhật ký ghi chép việc học tập xem em sẽ trả lời như thế nào nếu Đấng Cứu Rỗi hỏi em câu hỏi này.

Khi tiếp tục học bài học này, hãy suy ngẫm về những điều em đã làm hoặc có thể làm để đạt được hoặc thậm chí là củng cố chứng ngôn của em về Đấng Cứu Rỗi.

Thánh thư chỉ ghi lại câu trả lời của Sứ Đồ Phi E Rơ đối với câu hỏi của Đấng Cứu Rỗi.

Hãy đọc Ma Thi Ơ 16:16 và đánh dấu cách Phi E Rơ đã trả lời.

  • Câu Chúa Giê Su là “Đấng Ky Tô” có nghĩa là gì?

  • Việc Ngài là “Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống” có nghĩa là gì?

Nếu em cần giúp đỡ để trả lời những câu hỏi này, thì hãy xem “ Chúa Giê Su Ky Tô ” và “ Đấng Chịu Xức Dầu ” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư.

Hãy cân nhắc đánh dấu Ma Thi Ơ 16:17 để nhớ rằng Đấng Cứu Rỗi đã nói với Phi E Rơ rằng ông được “ban phước” vì chứng ngôn của ông.

Xem lại các tình huống sau đây và nhận ra những cách thức mà việc có được chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô có thể là một phước lành trong các tình huống đó.

Hãy cân nhắc sao chép các tình huống sau đây lên trên bảng. Hãy nhạy cảm với những học viên hiện có thể đang gặp phải những tình huống này hoặc những tình huống tương tự.

  1. Em gặp khó khăn với một tình trạng hoặc căn bệnh làm hạn chế sinh hoạt thể chất của mình

  2. Em trở nên rất giàu có hoặc rất nghèo

  3. Em cảm thấy bị xem thường hoặc như thể em bị ra rìa

  4. Em mất đi một người thân yêu

  • Phản ứng của em đối với những hoàn cảnh này có thể khác đi như thế nào nếu em không có một chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô?

  • Em hoặc người nào đó mà em biết đã có những kinh nghiệm nào khi chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô trở nên hữu ích?

Hãy cân nhắc đặt ra thêm những câu hỏi sau đó. Một số ví dụ có thể là “Em học được gì về Đấng Cứu Rỗi từ kinh nghiệm đó?” hoặc “Em đã làm gì trong kinh nghiệm đó để chứng ngôn của em về Chúa Giê Su Ky Tô giúp ích cho em? Tại sao những hành động đó lại hữu ích?”

Chứng Ngôn

Hãy tưởng tượng rằng người nào đó nói với em là: “Thật tuyệt khi Phi E Rơ có một chứng ngôn, nhưng ông ấy được ở bên Đấng Cứu Rỗi mỗi ngày. Làm sao tôi có thể có được chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô mà chưa từng ở bên Ngài?” Khi học phần này của bài học, hãy suy ngẫm xem em sẽ trả lời như thế nào.

Hãy đọc Ma Thi Ơ 16:17 , tìm kiếm một lẽ thật về cách chúng ta nhận được một chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Em đã tìm thấy lẽ thật nào về cách nhận được một chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô?

Hãy viết lẽ thật được tô đậm sau đây lên trên bảng để trưng ra trong phần còn lại của bài học. Hãy nhạy cảm với những học viên có thể không cảm thấy rằng họ có một chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy tìm kiếm sự soi dẫn của Đức Thánh Linh khi anh chị em xác định cách tiếp cận đề tài này một cách tốt nhất.

Em có thể đã nhận ra một lẽ thật tương tự như sau: chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô đến qua sự mặc khải từ Cha Thiên Thượng.

  • Tại sao lại là điều quan trọng để biết rằng Cha Thiên Thượng là nguồn gốc của sự mặc khải?

  • Tại sao Cha Thiên Thượng có thể muốn mặc khải cho chúng ta lẽ thật về Chúa Giê Su Ky Tô?

Chứng ngôn này của Chúa Giê Su Ky Tô đến từ Đức Chúa Cha được mặc khải qua Đức Thánh Linh (xin xem 1 Cô Rinh Tô 12:3). Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy:

Hình Ảnh
Official portrait of President Russell M. Nelson taken January 2018

Lẽ thật quan trọng nhất mà Đức Thánh Linh sẽ làm chứng cho anh chị em là Chúa Giê Su Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống.

(Russell M. Nelson, “Sự Mặc Khải cho Giáo Hội, Sự Mặc Khải cho Cuộc Đời Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 96)

Hãy nhớ rằng một chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô rất mang tính cá nhân và khác nhau đối với mỗi chúng ta.

Trong nhật ký ghi chép việc học tập, hãy viết xuống điều nào sau đây mô tả đúng nhất cảm nghĩ của em:

  • Tôi đã nhận được một chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô qua Đức Thánh Linh nhưng muốn chứng ngôn đó trở nên mạnh mẽ hơn.

  • Tôi không cảm thấy mình đã nhận được một chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô qua Đức Thánh Linh.

  • Chứng ngôn của tôi về Chúa Giê Su Ky Tô đang mạnh mẽ như tôi muốn.

  • Tôi không hiểu lý do tại sao tôi lại muốn có một chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô.

Hãy ghi nhớ điều em đang cảm thấy về chứng ngôn của chính em về Chúa Giê Su Ky Tô trong khi thực hiện một hoặc nhiều sinh hoạt sau đây. Một cách mà chúng ta tiếp nhận sự mặc khải từ Đức Thánh Linh là qua những suy nghĩ và cảm nghĩ. Hãy chú ý đến những ý nghĩ và cảm nghĩ của em mà giúp em muốn, đạt được hoặc củng cố chứng ngôn của em về Chúa Giê Su Ky Tô.

Hãy trưng ra các lựa chọn và chỉ dẫn sau đây để học viên lựa chọn.

Sinh Hoạt A: Chúng ta có thể làm gì để nhận được hoặc củng cố chứng ngôn của mình về Chúa Giê Su Ky Tô?

Lập một bản liệt kê một số hành động mà em nghĩ và cảm thấy em có thể làm để đạt được hoặc gia tăng chứng ngôn của em về Chúa Giê Su Ky Tô. Để thêm vào bản liệt kê của em, hãy nghĩ đến những kinh nghiệm mà Phi E Rơ đã có với Đấng Cứu Rỗi trong Kinh Tân Ước. Ví dụ, xem lại Lu Ca 5:1–11Ma Thi Ơ 14:22–33 . Nhận ra những lựa chọn mà Phi E Rơ đã thực hiện trong những kinh nghiệm đó mà có thể đã ảnh hưởng đến chứng ngôn của ông về Chúa Giê Su Ky Tô. Tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh khi em viết ra cách em có thể đưa ra những lựa chọn tương tự. Suy ngẫm xem kinh nghiệm của Phi E Rơ cho thấy tầm quan trọng của việc có một chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô ra sao.

Sinh Hoạt B: Một người mà em tin tưởng đạt được chứng ngôn của họ về Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách nào?

Hãy gọi điện, nhắn tin hoặc gửi email cho cha mẹ, người trong gia đình hoặc bạn bè mà em tin cậy. Mời họ chia sẻ cách thức mà họ nhận được chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô và tại sao điều đó lại quan trọng đối với họ. Hãy hỏi về những hành động mà họ cảm thấy hữu ích nhất để có được chứng ngôn đó. Hãy chú ý đến những ấn tượng mà em cảm nhận về cách thức mà em có thể noi theo tấm gương của họ.

Sinh Hoạt C: Tôi có thể tìm hiểu thêm ở đâu về việc đạt được một chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô qua Đức Thánh Linh?

Hãy xem “Hy vọng nơi Ánh Sáng của Thượng Đế” (6:46), trên trang ChurchofJesusChrist.org, hoặc đọc hoặc xem một phần của bài nói chuyện “Xây Đắp một Đồn Lũy cho Nếp Sống Thuộc Linh và Sự Bảo Vệ,” của Anh Cả Ronald A. Rasband thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ (Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 107–10), tìm kiếm những sự hiểu biết sâu sắc về cách thức và lý do tìm kiếm chứng ngôn qua Đức Thánh Linh.

  • Em suy nghĩ và cảm thấy điều gì khi đọc bài nói chuyện hoặc xem video?

  • Em có thể tìm kiếm thêm kinh nghiệm và thông tin về những chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô qua Đức Thánh Linh ở nơi nào khác nữa?

  • Tại sao việc tiếp tục phát triển và củng cố chứng ngôn của em về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm phục hồi của Ngài là điều quan trọng?

Mời học viên chia sẻ vắn tắt những điều các em đã tìm thấy với cả lớp hoặc trong cặp hoặc nhóm nhỏ.

Nghĩ về một người có thể được lợi ích từ những điều em đã học được. Viết cho họ một lá thư ngắn giải thích những điều em đã học được mà có thể mang lại lợi ích cho họ. Cân nhắc chia sẻ chứng ngôn của em về Chúa Giê Su Ky Tô và cách thức em nhận được chứng ngôn đó.

Khi em viết xong bức thư của mình, hãy tạm dừng và lắng nghe những sự thúc giục từ Đức Thánh Linh về những điều em cần làm để đạt được hoặc củng cố chứng ngôn của em về Chúa Giê Su Ky Tô. Viết vào nhật ký ghi chép việc học tập của em những ấn tượng mà em có và lập ra một kế hoạch để thực hiện theo những ấn tượng đó.

Nếu có thời gian, thì hãy khuyến khích học viên sẵn sàng chia sẻ các bức thư của các em với cả lớp, bao gồm cả cách mà các em đã nhận được chứng ngôn của mình về Chúa Giê Su Ky Tô. Khuyến khích các em hành động theo bất cứ ấn tượng nào các em đã nhận được.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

Làm thế nào tôi có thể nhận được một chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô?

Hãy xem “Quyền Năng của Chứng Ngôn Cá Nhân” trên trang ChurchofJesusChrist.org, từ mã thời gian 9:27 đến 13:19.

Làm thế nào tôi có thể củng cố chứng ngôn của mình về Chúa Giê Su Ky Tô?

Chủ Tịch Jean B. Bingham, Chủ Tịch Trung Ương Hội Phụ Nữ, đã đưa ra những sự hiểu biết sâu sắc sau đây:

Hình Ảnh
Official Portrait of Sister Jean B. Bingham. Photographed in 2017.

Chứng ngôn của chúng ta có được xây đắp trên nền tảng vững chắc của Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm của Ngài không? Khi những cơn bão tố của cuộc đời vây chặt chúng ta, liệu chúng ta có hốt hoảng đi tìm một quyển sách chỉ dẫn cách đối phó hay một bài đăng trên internet để có được sự giúp đỡ không? Việc dành ra thời gian để xây đắp và củng cố sự hiểu biết và chứng ngôn của chúng ta về Chúa Giê Su Ky Tô sẽ mang lại những phần thưởng dồi dào trong thời gian thử thách và nghịch cảnh. Việc đọc thánh thư hằng ngày và suy ngẫm những lời của các vị tiên tri tại thế, dâng lên lời cầu nguyện riêng đầy ý nghĩa, dự phần Tiệc Thánh mỗi tuần một cách chú tâm, phục vụ như Đấng Cứu Rỗi phục vụ—mỗi một sinh hoạt đơn giản này sẽ trở thành một nền tảng cho một cuộc sống vui vẻ.

(Jean B. Bingham, “Hầu Cho Sự Vui Mừng của Các Ngươi Được Trọn Vẹn,” Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 87)

Việc sống theo chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô quan trọng như thế nào?

Anh Cả Quentin L. Cook thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích:

Hình Ảnh
Official portrait of Elder Quentin L. Cook. Called to the Quorum of the Twelve Apostles on 6 October 2007.

Tiết 76 [của] sách Giáo Lý Giao Ước nói rõ việc làm người “quả cảm trong việc làm chứng về Chúa Giê Su” [ Giáo Lý và Giao Ước 76:79 ] là [thử thách] đơn giản, thiết yếu giữa những người sẽ thừa hưởng các phước lành của thượng thiên giới và những người thuộc vương quốc trung thiên thấp hơn. Để được quả cảm, chúng ta cần phải tập trung vào quyền năng của Chúa Giê Su Ky Tô và sự hy sinh chuộc tội của Ngài để khắc phục cái chết và, qua sự hối cải, để thanh tẩy mình khỏi tội lỗi và chúng ta cần tuân theo giáo lý của Đấng Ky Tô. Chúng ta cũng cần ánh sáng và sự hiểu biết về cuộc sống và những lời dạy của Đấng Cứu Rỗi để hướng dẫn chúng ta trên con đường giao ước, mà gồm có các giáo lễ thiêng liêng của đền thờ. Chúng ta phải bền bỉ trong Đấng Ky Tô, nuôi dưỡng những lời Ngài, và kiên trì đến cùng.

(Quentin L. Cook, “Quả Cảm trong Chứng Ngôn về Chúa Giê Su,” Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 43)

Đá mà Chúa Giê Su nói Ngài sẽ xây dựng Giáo Hội của Ngài trên đó là gì?

Khi Đấng Cứu Rỗi dạy Phi E Rơ về sự mặc khải, Ngài đã dùng cách chơi chữ về tên của Phi E Rơ, khi tuyên phán với Si Môn: “Ngươi là Phi E Rơ [Petros], ta sẽ lập Hội Thánh ta trên đá [petra] này” ( Ma Thi Ơ 16:18). Trong tiếng Hy Lạp, từ petros có nghĩa là một tảng đá nhỏ hoặc một hòn đá nhỏ bị cô lập. Trong tiếng Hy Lạp, từ petra cũng có thể có nghĩa là “một hòn đá,” nhưng ngoài ra nó có thể dùng để chỉ đất đá, đá nền, hoặc một khối đá lớn. Từ những từ này, chúng ta biết rằng Giáo Hội sẽ không phải được xây dựng dựa trên con người như Phi E Rơ, mà dựa trên nền tảng của sự mặc khải.

Sinh Hoạt Học Tập Bổ Sung

Chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô không phải đến cùng một lúc

Hãy cân nhắc mời học viên đọc câu chuyện về người mù được chữa lành từng chút một trong Mác 8:22–26 và suy ngẫm xem câu chuyện này cho thấy chúng ta đến để “nhìn thấy” Đấng Cứu Rỗi và bàn tay của Ngài mỗi lúc một ít như thế nào. Cách thức này thường là cách thức điển hình cho việc nhận được sự mặc khải (xin xem 2 Nê Phi 28:30An Ma 12:9–11).

In