Ma Thi Ơ 28; Lu Ca 24; Giăng 20
Những Nhân Chứng cho Đấng Cứu Rỗi Phục Sinh
Chúa Giê Su Ky Tô đã hiện đến cùng nhiều người và nhiều nhóm sau khi Ngài phục sinh. Bài học này có thể giúp củng cố chứng ngôn của em rằng Đấng Cứu Rỗi hằng sống khi em nghiên cứu kinh nghiệm của một số nhân chứng này.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Tin mà không nhìn thấy
Hãy nhìn vào hình ảnh sau đây về Đấng Cứu Rỗi phục sinh bước ra khỏi ngôi mộ. Ghi lại vào nhật ký ghi chép việc học tập những điều em có thể chia sẻ với một người nào đó nghi ngờ rằng sự kiện rất quan trọng này đã xảy ra. Em có thể chia sẻ những câu chuyện thánh thư nào về Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi với họ?
-
Em nghĩ tại sao điều quan trọng đối với Chúa là mỗi chúng ta phải có được chứng ngôn của riêng mình rằng Ngài hằng sống?
Hãy suy ngẫm về chứng ngôn của em rằng Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống và em sẽ được ban phước như thế nào khi củng cố chứng ngôn này. Việc nghiên cứu lời của những người biết rằng Đấng Cứu Rỗi hằng sống có thể củng cố đức tin của chúng ta về sự thực hằng sống của Ngài ngay cả khi những người xung quanh chúng ta nghi ngờ. Trong khi học hôm nay, hãy lưu ý đến những thúc giục từ Đức Thánh Linh mà xác nhận lẽ thật của những câu chuyện này trong tâm và trí của em.
Những nhân chứng trong Kinh Tân Ước
Hãy nghiên cứu ít nhất một trong những câu chuyện sau đây trong Kinh Tân Ước về những người đã nhìn thấy Đấng Cứu Rỗi phục sinh. Sau đó, ghi lại câu trả lời của em cho hai câu hỏi tiếp theo và bất kỳ suy nghĩ và ấn tượng nào khác mà có thể đến với em.
-
Những thiếungười phụ nữ trung tín: Ma Thi Ơ 28:1–10
-
Hai môn đồ trên con đường đi đến Thành Em Ma Út: Lu Ca 24:13–35
-
Ma Ri Ma Đơ Len: Giăng 20:11–18
-
Thô Ma: Giăng 20:24–29
-
Em đã học được điều gì mà có thể củng cố đức tin của mình rằng Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống?
-
Em đã học được điều gì về Đấng Cứu Rỗi từ sự giao tiếp của Ngài với người này hay nhóm người này?
Những nhân chứng khác trong thánh thư
Chứng ngôn của em về Đấng Cứu Rỗi có thể được củng cố hơn nữa bằng cách nghiên cứu những nhân chứng bổ sung trong các thánh thư khác. Hãy học ít nhất một trong những đoạn thánh thư sau đây. Sau đó, ghi lại câu trả lời của em cho hai câu hỏi tiếp theo và bất kỳ suy nghĩ và ấn tượng nào khác mà có thể đến với em.
-
Những người ở Châu Mỹ thời xưa ngay sau Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi: 3 Nê Phi 11:8–17
-
Joseph Smith và Sidney Rigdon: Giáo Lý và Giao Ước 76:19–24
-
Làm thế nào mà những điều em đọc có thể củng cố niềm tin của em rằng Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống?
-
Em đã có thêm những hiểu biết sâu sắc nào về Chúa Giê Su Ky Tô?
Những nhân chứng thời hiện đại
Một cách quan trọng khác để củng cố chứng ngôn của em rằng Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống là qua việc nghiên cứu chứng ngôn của “những nhân chứng đặc biệt cho tôn danh của Đấng Ky Tô trên khắp thế giới” ( Giáo Lý và Giao Ước 107:23), là các Vị Sứ Đồ được sắc phong trong thời kỳ của chúng ta.
Hoặc đọc những lời phát biểu của Chủ Tịch Eyring và Anh Cả Holland, hai nhân chứng thời hiện đại của Chúa Giê Su Ky Tô.
Chủ Tịch Henry B. Eyring thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn nói:
Tôi là nhân chứng về Sự Phục Sinh của Chúa một cách chắc chắn như thể tôi đã ở đó vào buổi tối hôm đó với hai môn đồ trong ngôi nhà trên đường Em Ma Út. Tôi biết rằng Ngài hằng sống một cách chắc chắn giống như Joseph Smith đã biết như vậy khi ông thấy Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử trong ánh sáng của một buổi sáng rực rỡ trong một khu rừng ở Palmyra.
Đây là Giáo Hội chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô.
(Henry B. Eyring, “Hãy Đến cùng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2013, trang 25)
Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã làm chứng:
Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô thật sự là Vị Nam Tử hằng sống của Thượng Đế hằng sống của chúng ta. … Tôi làm chứng rằng Ngài đã thật sự phục sinh từ mộ phần và sau khi thăng lên trời cùng Cha của Ngài để hoàn tất tiến trình phục sinh đó, Ngài đã nhiều lần hiện đến cùng hàng trăm môn đồ trong Cựu Thế Giới cũng như Tân Thế Giới. Tôi biết rằng Ngài là Đấng Chí Thánh của Y Sơ Ra Ên, Đấng Mê Si, là Đấng sẽ một ngày nào đó tái lâm trong vinh quang cuối cùng, để trị vì trên thế gian với tư cách là Chúa của các Chúa và Vua của các Vua.
(Jeffrey R. Holland, “Đức Chúa Trời Có Một và Thật, cùng Giê Su Ky Tô, là Đấng Cha đã Sai Đến,” Liahona, tháng Mười Một năm 2007, trang 42)
-
Em nghĩ tại sao Đấng Cứu Rỗi đã cung cấp cho chúng ta những nhân chứng thời hiện đại ngoài những nhân chứng thời xưa của Ngài?
Lời chứng của em
Đọc Giăng 20:29 , tìm kiếm những lẽ thật mà Chúa Giê Su Ky Tô đã dạy cho Thô Ma về việc đạt được một chứng ngôn.
-
Câu này dạy cho em điều gì về sự phát triển của chứng ngôn của em về Chúa Giê Su Ky Tô?
Một lẽ thật mà chúng ta học được từ những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi trong câu này là chúng ta được ban phước vì đã chọn tin rằng Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống ngay cả khi chúng ta chưa nhìn thấy Ngài.
Thêm một lời chứng cá nhân của em về Đấng Cứu Rỗi vào những chứng ngôn của những người mà em đã học hôm nay. Một cách để làm điều này là cân nhắc ghi lại câu trả lời cho những câu hỏi như sau vào nhật ký ghi chép việc học tập của em.
-
Em đã nhìn thấy bằng chứng nào trong cuộc sống của mình và trong cuộc sống của những người khác cho thấy Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống?
-
Có khi nào em cảm thấy Đức Thánh Linh làm chứng cho mình về tính xác thực của Chúa Giê Su Ky Tô?
-
Em sẽ đưa ra lời khuyên nào cho một người chưa chắc chắn là họ có tin rằng Đấng Cứu Rỗi hằng sống hay không?
Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình
Tại sao lại có những vết thương do Sự Đóng Đinh Trên Thập Tự Giá trên thể xác phục sinh của Chúa Giê Su?
Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã viết:
Mặc dù quyền năng của Sự Phục Sinh có thể—và chắc chắn một ngày nào đó sẽ—phục sinh hoàn toàn và làm mới các vết thương do bị đóng đinh trên thập tự giá, tuy nhiên, Chúa Giê Su Ky Tô đã chọn giữ lại những vết thương đó cho một mục đích, bao gồm sự hiện đến của Ngài trong những ngày sau cùng khi Ngài sẽ cho thấy những dấu vết đó và tiết lộ rằng Ngài đã bị thương “trong nhà bạn [của Ngài]” [ Xa Cha Ri 13:6 ; Giáo Lý và Giao Ước 45:52 ].
Những vết thương ở tay, chân và bên hông là dấu hiệu cho thấy những điều đau đớn trên trần thế xảy ra ngay cả với những người thanh khiết và toàn hảo, những dấu hiệu cho thấy hoạn nạn không phải là bằng chứng cho thấy Thượng Đế không yêu thương chúng ta. Đó là một sự thực quan trọng và đầy hy vọng rằng chính Đấng Ky Tô bị thương đã đến để giải cứu chúng ta.
(Jeffrey R. Holland, Christ and the New Covenant [năm 1997], trang 258–259)
Giăng 8:17 . Đấng Cứu Rỗi có ý gì khi Ngài yêu cầu Ma Ri Ma Đơ Len “đừng đụng vào [Ngài]”?
Anh Cả Bruce R. McConkie (1915–1985) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích:
Bản King James trích dẫn Chúa Giê Su nói “Đừng đụng vào ta.” Bản Dịch Joseph Smith viết “Chớ rờ đến ta.” Nhiều bản dịch khác nhau từ tiếng Hy Lạp cho thấy đoạn này là “Đừng bám vào ta” hoặc “Đừng giữ ta”. Một số bản dịch giải thích ý nghĩa là “Đừng bám lấy ta nữa” hoặc “Đừng níu kéo ta nữa.” Một số bản dịch nói về việc ngưng giữ Ngài lại hoặc bám lấy Ngài, dẫn đến suy luận rằng Ma Ri đã giữ lấy Ngài. Có lý do chính đáng để cho rằng ý nghĩ đã được Chúa Phục Sinh truyền đạt cho Ma Ri là vì kết quả này: “Ngươi không thể giữ ta ở đây, vì ta sẽ lên cùng Cha ta.”
(Bruce R. McConkie, The Mortal Messiah: From Bethlehem to Calvary [năm 1981], 4:264)