Lớp Giáo Lý
Ma Thi Ơ 3:1–12; Mác 1:1–8


Ma Thi Ơ 3:1–12; Mác 1:1–8

“Các Người Hãy Sửa Soạn Con Đường của Chúa”

John the Baptist and a woman standing in the river Jordan with a group of people watching in the foreground. Outtakes include John the Baptist helping a woman into the water, and various scenes from a distance and close up.

Trước khi Chúa Giê Su Ky Tô bắt đầu công việc rao giảng của Ngài, Giăng Báp Tít đã tìm cách chuẩn bị cho những người khác chấp nhận và noi theo Đấng Cứu Rỗi. Trong bài học này, em sẽ suy ngẫm xem em đã chấp nhận và noi theo Đấng Cứu Rỗi như thế nào, làm thế nào em có thể chấp nhận và noi theo Ngài tốt hơn, và em có thể làm gì để chuẩn bị cho những người khác chấp nhận và noi theo Ngài.

Hỗ trợ lẫn nhau. Hầu hết học viên thích học hỏi lẫn nhau. Hãy giúp học viên hiểu rằng khi tham gia vào lớp học, họ có thể có ảnh hưởng tích cực đến những người khác. Khuyến khích họ chân thành lắng nghe các học viên khác và trả lời một cách tận tâm và tử tế với nhau.

Học viên chuẩn bị: Mời học viên suy ngẫm về những điều họ sẽ làm và nói nếu như họ có cơ hội để chuẩn bị cho người khác chấp nhận và noi theo Đấng Cứu Rỗi.

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Chuẩn bị cho Chúa Giê Su Ky Tô

Một cách thay thế cho tình huống sau là cân nhắc đặt một số vật cản để ngăn lối ra vào lớp học hoặc chỗ ngồi của học viên. Ví dụ, cân nhắc đặt một chiếc ghế hoặc bàn ở ngưỡng cửa hoặc trước chỗ học viên ngồi. Khi học viên đến lớp, mời họ vào và ngồi vào chỗ của mình. Quan sát những điều học viên làm để vào lớp và ngồi xuống. Vào lúc bắt đầu lớp học, thảo luận về cách mà học viên đã phản ứng với các trở ngại này bằng những câu hỏi như là: “Em đã làm gì với những vật cản này?” “Em có nhận thấy có bất kỳ ai giúp đỡ người khác vượt qua những vật cản không?”

Hãy tưởng tượng em đang tham gia một cuộc hành trình quan trọng và có những trở ngại trên đường đi. Em sẽ làm gì? Em có đi vòng qua không? Em có cố gắng đi qua hoặc đi vòng qua các trở ngại này không? Em có cố gắng loại bỏ những trở ngại này cho những người đến sau em không? Hãy tưởng tượng rằng em phát hiện ra rằng một người nào đó đến trước em đã loại bỏ nhiều trở ngại khó khăn nhất.

  • Em sẽ cảm thấy như thế nào về những người đã chuẩn bị con đường cho em?

Hôm nay, em sẽ học về Giăng Báp Tít, người có giáo vụ chuẩn bị cho mọi người chấp nhận và noi theo Đấng Cứu Rỗi (xin xem Lu Ca 1:17).

  • Ai đã giúp chuẩn bị con đường để em chấp nhận và noi theo Đấng Cứu Rỗi trong cuộc sống của mình?

  • Ai hiện đang chuẩn bị con đường cho Đấng Cứu Rỗi ở trong cuộc sống của em nhiều hơn?

  • Điều gì đã giúp em chấp nhận và noi theo Đấng Cứu Rỗi?

Khi em học bài học này, hãy suy ngẫm về bất kỳ trở ngại nào cản đường em hoặc những người khác chấp nhận và noi theo Ngài, và điều gì có thể giúp em hoặc họ vượt qua những trở ngại này.

Giới thiệu về sách Phúc Âm của Mác và giáo vụ của Giăng Báp Tít

Mác bắt đầu sách Phúc Âm của mình bằng lời kể về Giăng Báp Tít. Không giống như Ma Thi Ơ hay Giăng, Mác không phải là Sứ Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô mà là một người cải đạo sau này. Mác có thể đã viết sách Phúc Âm của mình theo chỉ thị của Sứ Đồ Phi E Rơ. Trong sách Phúc Âm của mình, Mác viết cho độc giả là dân ngoại và nhấn mạnh vào những điều mà Đấng Cứu Rỗi đã làm hơn là những điều Ngài đã nói.

Hãy cân nhắc mời học viên làm việc theo cặp hoặc nhóm nhỏ khi học các câu dưới đây.

Hãy đọc Mác 1:1–8 , tìm kiếm những điều Giăng Báp Tít đã làm để giúp chuẩn bị cho những người khác chấp nhận và noi theo Chúa Giê Su Ky Tô.

Các công cụ học thánh thư.

Một số công cụ và phương pháp học tập có thể cải thiện việc học tập của em. Để cải thiện việc nghiên cứu các câu chuyện trong thánh thư, hãy thử xem cùng một câu chuyện từ các tác giả Phúc Âm khác nhau.

Việc đọc về cùng một sự kiện trong các câu chuyện Phúc Âm khác nhau thường có thể hữu ích cho việc học tập của em. Hãy đọc Ma Thi Ơ 3:7–12 , tìm kiếm các chi tiết bổ sung cho giáo vụ của Giăng Báp Tít. Vào thời kỳ của Đấng Cứu Rỗi, nhiều dân Y Sơ Ra Ên giao ước đã trở nên vô cùng kiêu ngạo và xoay lưng lại với những lời giảng dạy của Đức Giê Hô Va. Một số người tin rằng chỉ cần là con cháu của Áp Ra Ham cũng đủ để cứu rỗi họ (xin xem Bản Dịch Joseph Smith, Ma Thi Ơ 3:36 [trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư]).

  • Giăng Báp Tít đã làm gì để giúp chuẩn bị cho dân chúng chấp nhận và noi theo Đấng Cứu Rỗi?

Khi học viên trả lời, hãy cân nhắc đặt những câu hỏi theo dõi như “Việc thú nhận và hối cải tội lỗi sẽ chuẩn bị cho mọi người chấp nhận và noi theo Đấng Cứu Rỗi trọn vẹn hơn như thế nào?” Lưu ý rằng hai bài học tiếp theo đi sâu hơn vào sự hối cải và phép báp têm.

Có thể hữu ích nếu làm sáng tỏ rằng những lời của Giăng được ghi lại trong Mác 1:7–8 là đang nói về Đấng Cứu Rỗi.

  • Em có thêm những hiểu biết sâu sắc nào khi nghiên cứu lời tường thuật của Ma Thi Ơ về Giăng Báp Tít?

  • Em đã thấy bằng chứng nào trong thời kỳ của chúng ta cho thấy rằng Cha Thiên Thượng vẫn đang cố gắng chuẩn bị cho mọi người chấp nhận và noi theo Đấng Cứu Rỗi?

Chấp nhận Đấng Cứu Rỗi và giúp người khác chấp nhận Ngài

Hãy hoàn thành một trong các sinh hoạt sau đây. Hãy suy ngẫm về việc làm thế nào em có thể tự mình chấp nhận và noi theo Đấng Cứu Rỗi một cách trọn vẹn hơn và giúp chuẩn bị cho những người khác làm điều tương tự.

Cân nhắc cho học viên xem các lựa chọn sinh hoạt sau đây hoặc làm các giấy phát tay nhỏ của mỗi sinh hoạt để học viên sử dụng khi họ hoàn thành sinh hoạt đã chọn.

Sinh Hoạt A: Ghi nhật ký

Suy ngẫm và ghi lại trong nhật ký ghi chép việc học tập những kinh nghiệm đã giúp em chấp nhận và noi theo Đấng Cứu Rỗi. Cân nhắc bao gồm những điều đã giúp em tin vào Chúa Giê Su Ky Tô và cam kết hơn để sống theo những lời giảng dạy của Ngài. Rồi trả lời những câu hỏi sau đây:

  • Em nghĩ Cha Thiên Thượng có thể mời em làm gì để chấp nhận và noi theo Chúa Giê Su Ky Tô nhiều hơn trong tương lai?

  • Em có thể làm một số điều gì để giúp người khác chấp nhận và noi theo Chúa Giê Su Ky Tô?

Có thể hữu ích nếu cung cấp một vài tạp chí Liahona bao gồm đại hội trung ương gần đây nhất cho những học viên chọn Sinh Hoạt B.

Sinh Hoạt B: Tìm kiếm trong đại hội trung ương

Hãy nhớ lại những điều em đã học hỏi được từ đại hội trung ương gần đây nhất. Nếu có thể, hãy xem lại một hoặc hai bài nói chuyện trong đại hội trung ương, tìm kiếm những sứ điệp có thể giúp em chấp nhận và noi theo Chúa Giê Su Ky Tô một cách trọn vẹn hơn.

  • Gần đây, các vị tiên tri thời hiện đại đã dạy gì để giúp em chấp nhận và noi theo Đấng Cứu Rỗi một cách trọn vẹn hơn?

  • Em có thể áp dụng một trong những lời giảng dạy của họ vào cuộc sống của mình hoặc chia sẻ lời giảng dạy đó với những người khác như thế nào?

Sinh Hoạt C: Tìm kiếm trong thánh thư

Hãy sử dụng thánh thư để hiểu rõ hơn về cách những người khác được dẫn dắt để chấp nhận và noi theo Chúa Giê Su Ky Tô. Ví dụ, em có thể nghiên cứu những ví dụ trong Sách Mặc Môn như Ê Nót 1:2–8 ; Mô Si A 5:1–2, 5 ; An Ma 22:17–18, 22–23 ; hoặc Hê La Man 5:28–30, 40–42 .

  • Em học hỏi được gì từ thánh thư mà em đã nghiên cứu?

  • Làm thế nào những hiểu biết sâu sắc này có thể giúp em chấp nhận và noi theo Đấng Cứu Rỗi một cách trọn vẹn hơn hoặc giúp những người khác làm điều tương tự?

Mời một số học viên chia sẻ những điều họ đã học và cảm nhận được.

Cân nhắc kết thúc bằng cách làm chứng hoặc mời học viên chia sẻ chứng ngôn của họ về niềm vui và hạnh phúc mà sẽ đến khi chúng ta chấp nhận và noi theo Đấng Cứu Rỗi cũng như giúp những người khác đến với Ngài.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

Mác là ai?

Mác (còn được gọi là Giăng Mác) không nằm trong số các môn đồ đầu tiên của Chúa Giê Su Ky Tô, nhưng sau đó ông đã cải đạo và làm việc gần gũi với nhiều Sứ Đồ của Đấng Cứu Rỗi. Phi E Rơ đã nói “con tôi là Mác” khi đề cập đến ông ( 1 Phi E Rơ 5:13), cho thấy mối quan hệ khăng khít của họ. Mác có thể đã viết sách Phúc Âm ngắn của mình cho người Rô Ma, các quốc gia dân ngoại khác và những người mới cải đạo theo Ky Tô Giáo. Mác cũng đã phục vụ Phao Lô một thời gian trong hành trình truyền giáo đầu tiên của Phao Lô (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 12:25).

Một số đặc điểm nổi bật của sách Phúc Âm của Mác là gì?

Sách Phúc Âm của Mác bắt đầu đột ngột, mạnh mẽ và duy trì một nhịp độ nhanh, tường thuật lại các sự kiện nối tiếp nhanh. Mác thường xuyên sử dụng các từ ngayngay lập tức, tạo hiệu ứng của tốc độ và hành động nhanh chóng.Trong số các chủ đề quan trọng trong sách Mác là những câu hỏi về Chúa Giê Su Ky Tô là ai và ai hiểu được danh tính của Ngài, cũng như vai trò của môn đồ là người phải “vác thập tự giá mình mà theo [Chúa Giê Su]” ( Mác 8:34). Ngoài ra, Mác là sách Phúc Âm duy nhất kể lại chuyện ngụ ngôn về hạt giống tự mọc (xin xem Mác 4:26–27), việc chữa lành cho một người điếc ở vùng Đê Ca Bô Li (xin xem Mác 7:31–37) và việc chữa lành dần dần cho một người mù ở Bết Sai Đa (xin xem Mác 8:22–26).

Mác 1:8 . Phép báp têm với Đức Thánh Linh là gì?

Giăng Báp Tít tuyên bố rằng ông sẽ làm phép báp têm bằng nước nhưng Chúa Giê Su sẽ “làm phép báp têm … bằng Đức Thánh Linh” ( Mác 1:8). Phép báp têm bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa này đề cập đến kết quả của việc được làm lễ xác nhận sau phép báp têm, rồi tiếp nhận sự đồng hành của Đức Thánh Linh. Sau đó, Đức Thánh Linh làm thanh khiết và tẩy sạch chúng ta, tương tự như tác dụng của việc làm thanh khiết và tẩy sạch bằng lửa.

Ma Thi Ơ 3:7 . Ai là người Pha Ri Si và Sa Đu Sê?

Người Pha Ri Si là thành viên của một nhóm tôn giáo trong dân Do Thái mà tự hào về việc hết sức nghiêm khắc tuân theo luật pháp Môi Se. Họ có khuynh hướng làm đơn giản hóa tôn giáo thành việc tuân thủ nhiều hành vi tôn giáo theo nghi thức. Dân Sa Đu Sê là một giai cấp giàu sang trong dân Do Thái với uy thế về tôn giáo và chính trị. Họ không tin vào giáo lý về sự phục sinh. Cả hai nhóm đều đi lạc khỏi mục đích chính của luật pháp của Thượng Đế, và nhiều tín hữu của họ từ chối chấp nhận sứ điệp của vị tiên tri của Thượng Đế, Giăng Báp Tít.

Ma Thi Ơ 3:12 . Cái nia, sân lúa, lúa và rơm rạ (trấu) có ý nghĩa và biểu tượng gì?

Cái “nia” được đề cập đến trong Ma Thi Ơ 3:12 là một nia sàng lúa dùng để tung lúa lên không trung. … Các hạt lúa sẽ rơi trở lại mặt đất trong khi gió thổi phần trấu nhẹ bay đi. Sau đó, lúa được chứa trong kho hoặc nhà kho và trấu được thiêu bằng lửa. Giăng Báp Tít đã dạy rằng Đấng Cứu Rỗi, Đấng sẽ đến sau ông, sẽ tách rời những người tin khỏi những người không tin, giống như cách mà lúa được tách ra khỏi trấu.

(Sách Học Kinh Tân Ước dành cho Học Viên [năm 2018], ChurchofJesusChrist.org)

Những Sinh Hoạt Học Tập Bổ Sung

Một cách thay thế để bắt đầu bài học

Cho phép học viên chia sẻ những điều họ biết về Giăng Báp Tít và giáo vụ của ông là “đặng sửa soạn cho Chúa một dân sẵn lòng” ( Lu Ca 1:17). Mời họ đặt mình vào vị trí của Giăng, suy ngẫm về những việc họ sẽ làm và nói để chuẩn bị cho những người khác chấp nhận Chúa Giê Su Ky Tô, và suy ngẫm xem điều gì có thể gây khó khăn cho nhiệm vụ này.

Sự Hòa Hợp của Các Sách Phúc Âm

Có thể hữu ích khi cho học viên xem công cụ Sự Hòa Hợp của Các Sách Phúc Âm trong thư mục Phần Giúp Đỡ Học Tập trên ứng dụng Thư Viện Phúc Âm. Giúp học viên hiểu rằng công cụ này cho biết nơi các sự kiện giống nhau được ghi lại trong các sách Phúc Âm khác nhau. Mời họ tìm thánh thư về Giăng Báp Tít mà dạy về cuộc đời của ông trước khi ông làm phép báp têm cho Chúa Giê Su Ky Tô.