Khải Huyền 8–11
Khi Ấn Thứ Bảy Được Mở Ra
Thánh thư cung cấp nhiều cơ hội để học những bài học quan trọng từ những người sống trong quá khứ. Thánh thư cũng dạy cho chúng ta về những sự kiện đã được tiên tri sẽ xảy ra trong tương lai. Trong Khải Huyền 8–11, Giăng đã ghi lại những lời tiên tri về những sự kiện quan trọng và khó khăn sẽ xảy ra ngay trước Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô. Bài học này nhằm giúp em cảm nhận được quyền năng của Chúa và khả năng của Ngài để bảo vệ chúng ta khỏi những tai họa và điều tà ác trong những ngày sau cùng.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Những sự kiện kỳ diệu của những ngày sau cùng
-
Một số công việc vĩ đại mà Chúa đã thực hiện trong quá khứ, cho những người khác hoặc trong cuộc sống của chính em là gì?
Chủ Tịch Russell M. Nelson đã chia sẻ một sự hiểu biết quan trọng về những sự kiện sẽ xảy ra trước Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi:
Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, sẽ thực hiện một số công việc lạ lùng nhất của Ngài từ bây giờ cho đến khi Ngài tái lâm. Chúng ta sẽ thấy các dấu chỉ kỳ diệu cho thấy Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, chủ tọa Giáo Hội này trong vẻ uy nghi và vinh quang.
(Russell M. Nelson, “Sự Mặc Khải cho Giáo Hội, Sự Mặc Khải cho Cuộc Đời Chúng Ta”, Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 96)
-
Em đã có những suy nghĩ hay cảm nhận gì khi đọc lời phát biểu này?
-
Em biết Chúa sẽ thực hiện một số công việc vĩ đại nào trước Ngày Tái Lâm của Ngài?
Từ lời phát biểu của Chủ Tịch Nelson, chúng ta biết rằng Chúa sẽ thực hiện một số công việc vĩ đại nhất của Ngài trước khi Ngài tái lâm. Trong bài học này, em sẽ nghiên cứu về một số công việc vĩ đại này. Hãy chú ý đến những điều em học được về Thượng Đế, quyền năng của Ngài và tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta trong khi em học.
Giăng nhìn thấy khi ấn thứ bảy được mở ra
Em có thể nhớ rằng trong khải tượng được ghi lại trong sách Khải Huyền, Giăng đã nhìn thấy một cuốn sách có bảy cái ấn. Mỗi cái ấn tượng trưng cho khoảng thời gian 1.000 năm trên thế gian (xin xem Khải Huyền 5 ; Giáo Lý và Giao Ước 77:6–7). Hình ảnh sau đây có thể giúp em hình dung điều Giăng muốn nhấn mạnh trong mỗi giai đoạn này.
-
Việc biết rằng, trong hầu hết các bức thư của mình, Giăng chú trọng vào các sự kiện liên quan đến Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi nhiều hơn các sự kiện liên quan đến những cái ấn trước đó, có thể hữu ích cho em bởi lý do gì?
Trong Khải Huyền 11 , Giăng đã thấy trước thời điểm một đội quân hùng mạnh bao gồm nhiều “người ở các dân tộc, các chi phái, các tiếng, các nước” ( Khải Huyền 11:9) sẽ cố gắng phá hủy Giê Ru Sa Lem (xin xem thêm Ê Xê Chi Ên 38:4–6, 14–16 ; Giô Ên 2:1–9 ; Khải Huyền 9:16–17 ; 11:2). Nhưng các bài viết của Giăng chỉ ra rằng hai nhân chứng được Thượng Đế phái đến sẽ ngăn đội quân này hoàn thành mục đích của họ trong 42 tháng (xin xem Khải Huyền 11:2–3).
Hãy đọc Khải Huyền 11:3–6 và Giáo Lý và Giao Ước 77:15 , tìm kiếm những chi tiết về hai nhân chứng này.
-
Em đã học được gì về hai nhân chứng này?
-
Em nhìn thấy bằng chứng nào cho thấy quyền năng của Thượng Đế sẽ ở cùng họ?
Hãy đọc Khải Huyền 11:7–10 , tìm kiếm những điều Giăng đã tiên tri sẽ xảy ra cho hai vị tiên tri này sau khi họ hoàn thành giáo vụ của mình giữa dân Do Thái.
-
Những câu này gợi ý điều gì về tình trạng thuộc linh của nhiều người đang sống trên thế gian vào thời điểm đó?
Thánh thư chỉ ra rằng trong “ba ngày rưỡi” ( Khải Huyền 11:9) những vị tiên tri này nằm chết trên đường, đội quân hùng mạnh sẽ một lần nữa chuyển sự chú ý sang việc chinh phục Giê Ru Sa Lem (xin xem Xa Cha Ri 14:2).
Đây là hình Núi Ô Li Ve ở Giê Ru Sa Lem. Trên ngọn núi này, Đấng Cứu Rỗi đã phải chịu đau khổ trong Vườn Ghết Sê Ma Nê như là một phần của Sự Chuộc Tội của Ngài (xin xem Lu Ca 22:39–44). Núi Ô Li Ve cũng là nơi mà Đấng Cứu Rỗi sẽ “ra đánh cùng các nước đó” ( Xa Cha Ri 14:3–4), là những nước tìm cách tiêu diệt dân Do Thái trước khi Ngài hiện đến cùng toàn thể thế gian.
Đọc các đoạn sau đây, tìm kiếm các chi tiết về những công việc vĩ đại sẽ được Chúa thực hiện tại Giê Ru Sa Lem và trên Núi Ô Li Ve trước Ngày Tái Lâm của Ngài.
-
Những sự kiện được ghi lại trong các đoạn này sẽ có ảnh hưởng gì đến những người trải qua các sự kiện đó?
-
Những sự kiện được tiên đoán này giúp em hiểu hoặc cảm nhận gì về Đấng Cứu Rỗi?
-
Tại sao việc hiểu và cảm nhận những điều này về Đấng Cứu Rỗi ngay bây giờ trong cuộc sống là quan trọng cho em?
Sự bảo vệ cho Các Thánh Hữu của Thượng Đế
Mặc dù những điều tà ác, chiến tranh và sự hủy diệt sẽ xảy ra trước Ngày Tái Lâm, chúng ta cũng nên nhớ rằng Chúa đã hứa ban cho sự trợ giúp và bảo vệ thuộc linh cho những người chọn noi theo Ngài (xin xem Khải Huyền 17:14 ; 1 Nê Phi 22:16–17). Đất hòa bình, thành phố dung thân, chốn an toàn sẽ là tại Si Ôn, tức là Tân Giê Ru Sa Lem, sẽ được thiết lập trên lục địa Mỹ Châu (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 45:66 ; Các Tín Điều 1:10). Chúa vẫn chưa mặc khải nhiều chi tiết liên quan đến thành phố tương lai này, nhưng Ngài đã dạy về sự bảo vệ sẽ có ở đó.
Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 45:66–71 , tìm kiếm xem Chúa đã mô tả thành phố Si Ôn như thế nào.
-
Em thấy những từ hoặc cụm từ nào có ý nghĩa trong những câu này?
-
Những người ngay chính của Si Ôn sẽ đến từ đâu?
-
Bây giờ Chúa đang làm gì để chuẩn bị chúng ta cho thời kỳ tương lai này và để bảo vệ chúng ta khỏi những điều tà ác và mối nguy hiểm hiện nay?
Suy ngẫm về những điều em đã học được
Hãy tham khảo lời phát biểu của Chủ Tịch Nelson ở đầu bài học và suy ngẫm những điều em đã học hôm nay về những công việc vĩ đại mà Chúa sẽ thực hiện.
Một số điều nổi bật nhất đối với tôi trong quá trình học tập hôm nay là …
Hôm nay tôi đã biết hoặc cảm thấy rằng Chúa …
Vì những gì tôi đã học hoặc cảm nhận được ngày hôm nay, tôi muốn …
Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình
Chúng ta biết gì về hai vị tiên tri sẽ ở Giê Ru Sa Lem?
Anh Cả Bruce R. McConkie (1915–1985) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã cung cấp những hiểu biết sâu sắc sau đây:
Ai sẽ là những nhân chứng này? Chúng tôi không biết, ngoại trừ việc họ sẽ là những người theo Joseph Smith; họ sẽ nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc; họ sẽ là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Khi biết cách Chúa luôn đối xử với dân Ngài trong mọi thời đại, thì cũng sẽ hợp lý để cho rằng đó sẽ là hai thành viên của Hội Đồng Mười Hai Vị Sứ Đồ hoặc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn của Giáo Hội.
(Bruce R. McConkie, The Millennial Messiah: The Second Coming of the Son of Man [năm 1982], trang 390)
Để biết thêm thông tin về hai vị tiên tri này, xin xem Giáo Lý và Giao Ước 77:15 .
Mọi việc sẽ như thế nào khi Chúa Giê Su Ky Tô tái lâm?
Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy:
[Chúa Giê Su Ky Tô] sẽ trở về Thành Phố Thánh (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 133:46–48). Tại đó và những nơi khác, “sự vinh hiển của Đức Giê Hô Va sẽ hiện ra, và mọi xác thịt đều sẽ xem thấy” ( Ê Sai 40:5 ; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 101:23). “Danh Ngài sẽ được gọi là Đấng Kỳ Diệu, Đấng Mưu Luận, Thượng Đế Toàn Năng, Cha Vĩnh Viễn, Hoàng Tử Bình An” ( Ê Sai 9:6). …
Trong ngày đó, Ngài sẽ mang các danh xưng mới và được bao quanh bởi Các Thánh Hữu đặc biệt. Ngài sẽ được biết đến là “Chúa của các chúa, Vua của các vua, và những kẻ được kêu gọi, những kẻ được chọn cùng những kẻ trung tín đều ở với [Ngài]” ( Khải Huyền 17:14), họ là những người đã biết tin cậy [Ngài] trong cuộc sống trần thế. Rồi Ngài “trị vì đời đời” ( Khải Huyền 11:15).
(Russell M. Nelson, “Tương Lai của Giáo Hội: Chuẩn Bị Thế Gian cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi,” Liahona, tháng Tư năm 2020, trang 16–17)
Si Ôn là gì?
Từ Si Ôn được sử dụng trong thánh thư mang những ý nghĩa khác nhau. Đôi khi từ này đề cập đến người dân ở Si Ôn và mô tả họ là “những kẻ có tấm lòng thanh khiết” ( Giáo Lý và Giao Ước 97:21). Si Ôn cũng có thể nói đến toàn thể Giáo Hội và các giáo khu của Giáo Hội trên khắp thế giới (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 82:14). Từ Si Ôn cũng có thể dùng để chỉ các vị trí địa lý cụ thể, chẳng hạn như thành phố Hê Nóc (xin xem Môi Se 7:18–21), Giê Ru Sa Lem thời xưa (xin xem 2 Sa Mu Ên 5:7 ; 1 Các Vua 8:1) và Tân Giê Ru Sa Lem trong ngày sau (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 45:66–67 ; 57:1–3 ; Những Tín Điều 1:10).
Tôi có thể tìm hiểu thêm về các sự kiện của những ngày sau cùng ở đâu?
Làm thế nào tôi có thể cảm thấy sự bình an giữa những tai họa trong những ngày sau cùng?