Lớp Giáo Lý
Rô Ma 6


Rô Ma 6

“Sống trong Đời Mới”

A young man being baptized in a baptismal font in a church building in Madagascar.

Tuân phục theo Thượng Đế không phải là điều dễ dàng. Nhưng Chúa Giê Su Ky Tô hứa rằng khi chúng ta để cho con người cũ đầy tội lỗi của mình chết đi, Ngài sẽ ban cho chúng ta cuộc sống mới, thay đổi bản chất của chúng ta để trở nên giống Ngài hơn. Phao Lô dạy rằng qua giáo lễ báp têm, chúng ta có thể nhận được quyền năng biến đổi của Đấng Cứu Rỗi để giúp chúng ta “sống trong đời mới” ( Rô Ma 6:4). Bài học này sẽ giúp em tìm kiếm sự thay đổi qua Chúa Giê Su Ky Tô và nhận biết rõ hơn khi nào những thay đổi đó đang xảy ra.

Hiểu những từ và cụm từ khó. Khi học thánh thư, học viên có thể gặp những từ hoặc cụm từ không quen thuộc hoặc khó hiểu. Hãy dạy học viên biết rằng từ điển, sách học dành cho học viên, phần cước chú và những phần giúp đỡ học tập thánh thư thường có thể giúp các em hiểu những từ khó và nội dung của thánh thư.

Học viên chuẩn bị: Mời học viên nhớ lại các chi tiết về lễ báp têm của các em và có thể mang theo một bức ảnh nếu có. Một số học viên hoặc cha mẹ của các em có thể đã viết nhật ký khi học viên được làm phép báp têm. Học viên có thể cảm thấy thú vị khi đọc mục nhật ký đó hoặc nói chuyện với cha mẹ về các chi tiết trong lễ báp têm của mình, kể cả những điều mà các em có thể đã quên.

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Cân nhắc chia sẻ thông tin chi tiết và hình ảnh về lễ báp têm của anh chị em, đồng thời mời học viên chia sẻ.

  • Em nhớ điều gì về lễ báp têm của mình?

  • Em đã thay đổi về mặt thuộc linh như thế nào kể từ khi chịu phép báp têm?

Hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm về sự tiến triển thuộc linh của em. Em có thể tự hỏi mình những câu hỏi như “Đức tin và mối quan hệ của tôi với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô có được cải thiện không?” hoặc “Những gì tôi đã học được về Đấng Cứu Rỗi ảnh hưởng như thế nào đến thái độ và hành động của tôi?” Khi em học Rô Ma 6 , hãy suy ngẫm xem em có đang trở nên giống Đấng Cứu Rỗi hơn không và làm thế nào Ngài có thể giúp em tiếp tục tiến triển và trở nên giống Ngài hơn.

Phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước tượng trưng cho cái chết và sự phục sinh

Việc học cách nhận biết và hiểu các biểu tượng trong thánh thư là một kỹ năng quý báu. Phao Lô đã sử dụng biểu tượng của phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước để giúp Các Thánh Hữu ở Rô Ma hiểu rằng chúng ta phải từ bỏ cuộc sống cũ đầy tội lỗi của mình để Chúa Giê Su Ky Tô có thể thay đổi chúng ta và ban cho chúng ta cuộc sống mới qua Sự Chuộc Tội của Ngài.

Hãy đọc Rô Ma 6:3–8 , tìm kiếm những biểu tượng có thể dạy thêm cho em về Đấng Cứu Rỗi. Có thể là hữu ích để biết rằng Bản Dịch Joseph Smith cho câu 7 là “Vì ai đã chết về mặt tội lỗi thì được thoát khỏi tội lỗi”.

  • Theo Rô Ma 6:3–8 , việc đi xuống nước, dìm mình dưới nước, và ra khỏi nước khi làm phép báp têm tượng trưng điều gì cho chúng ta?

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy:

Official portrait of President Russell M. Nelson taken January 2018

Các giáo lễ thiết yếu của phúc âm đều tượng trưng cho Sự Chuộc Tội. Phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước tượng trưng cho cái chết, sự chôn cất, và Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Chuộc.

(Russell M. Nelson, “The Atonement”, Ensign, tháng Mười Một năm 1996, trang 35)

  • Em sẽ tóm tắt Rô Ma 6:4 bằng một câu nói về lẽ thật như thế nào?

Sau đây là một cách để tóm tắt Rô Ma 6:4 : Nhờ Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể được thay đổi và “sống trong đời mới.”

  • Em nghĩ “sống trong đời mới” nghĩa là gì? ( Rô Ma 6:4).

  • Có khi nào em cảm thấy rằng nhờ Đấng Cứu Rỗi mà em có thể sống trong đời mới không?

  • Em nghĩ tại sao Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô muốn chúng ta sống trong đời mới?

Hãy cân nhắc việc chia sẻ một kinh nghiệm cá nhân với học viên. Cũng có thể là hữu ích khi nhắc học viên không chia sẻ những tội lỗi trong quá khứ.

Như đã ghi trong câu 5–6 , Phao Lô đã dạy rằng qua giao ước và giáo lễ của phép báp têm, “người cũ của chúng ta” hay “thân thể của tội lỗi” bị “đóng đinh trên thập tự giá với [Chúa Giê Su Ky Tô]” và “bị tiêu diệt đi, và chúng ta không phục dưới tội lỗi nữa.”

Xem phần “Những Sinh Hoạt Học Tập Bổ Sung” của bài học này để có ý tưởng giảng dạy khả thi về cách nhận được quyền năng từ Thượng Đế qua việc lập và tuân giữ các giao ước. Hãy cân nhắc xem điều này có mang lại lợi ích gì cho học viên hay không.

Hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm về những tội lỗi hoặc yếu kém khiến em gặp khó khăn và muốn loại bỏ khỏi cuộc sống của mình. Em sẽ xem lại những suy nghĩ này ở phần sau của bài học này.

Tôi có thể thực hiện những thay đổi nào?

  • Em nghĩ những loại thay đổi nào dễ thực hiện? Những thay đổi nào khó thực hiện?

Phao Lô đã dùng ví dụ về việc khắc phục cái chết và tội lỗi của Đấng Cứu Rỗi để dạy rằng chúng ta cũng có thể chiến thắng tội lỗi của mình nhờ Ngài.Hãy đọc Rô Ma 6:9–14 , tìm kiếm cách Phao Lô liên hệ giữa cái chết và Sự Phục Sinh của Đấng Ky Tô với cách chúng ta có thể chiến thắng tội lỗi.

Các bài viết của Phao Lô có thể khó hiểu, đặc biệt là khi đọc nhiều câu liên tiếp mà không tạm dừng để phân tích sứ điệp của ông. Nếu có đủ học viên, hãy cân nhắc chỉ định mỗi câu cho hai hoặc ba học viên đọc, thảo luận và tóm tắt bằng lời riêng của các em. Khuyến khích các em sử dụng những phần giúp đỡ học thánh thư hoặc tra cứu định nghĩa của những từ hoặc cụm từ khó. Sau đó, yêu cầu các nhóm dạy câu của mình cho cả lớp. Những câu hỏi sau đây có thể giúp giải nghĩa một số câu thánh thư.

  • Giống như Chúa Giê Su Ky Tô “chết cho tội lỗi một lần đủ cả” ( câu 10), chúng ta chỉ chịu phép báp têm một lần để được xá miễn tội lỗi của mình. Tuy nhiên, mỗi tuần chúng ta có thể tái lập cam kết của mình để “sống trong đời mới” ( câu 4) bằng cách dự phần Tiệc Thánh. Giáo lễ hàng tuần này giúp em thể hiện tình yêu thương của mình dành cho Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào?

  • Em nghĩ Phao Lô có ý gì khi “anh em cũng hãy coi mình như chết về tội lỗi và như sống cho Đức Chúa Trời trong Chúa Giê Su Ky Tô”? ( câu 11).

  • Tại sao một người trẻ tuổi có thể chọn tuân theo lời khuyên bảo của Phao Lô được ghi trong câu 12 ? Những phước lành nào đến từ việc sống theo cách này?

  • Từ chi thể trong câu 13 dùng để chỉ các bộ phận cơ thể của chúng ta. Làm thế nào em có thể dùng tay, chân, đầu và lòng của mình “cho Đức Chúa Trời như là đồ dùng về sự công bình”? ( câu 13).

  • Bản Dịch Joseph Smith cho phần đầu tiên của câu 14 viết: “Vì khi làm như vậy, tội lỗi không cai trị trên anh em đâu”. Làm thế nào mà việc tuân theo những lời giảng dạy được ghi trong các câu 11–13 khiến lời hứa trong câu 14 có thể đạt được?

Hãy cho học viên một khoảng thời gian để suy ngẫm về những tội lỗi mà các em muốn từ bỏ. Vì tính chất nhạy cảm của sự suy ngẫm này, không nên yêu cầu học viên thảo luận suy nghĩ của mình với cả lớp.

Em có thể được giải thoát khỏi tội lỗi

Hãy đọc Rô Ma 6:16–18, 22–23 , tìm kiếm những phước lành của việc sống trong đời mới.

  • Phao Lô đã mô tả những phước lành của việc sống trong đời mới ra sao?

  • Khi tiếp tục cố gắng khắc phục tội lỗi qua Đấng Ky Tô, em nghĩ đời mới trong Chúa Giê Su Ky Tô sẽ như thế nào?

  • Em có thể làm gì để sống trong đời mới bắt đầu từ hôm nay?

Hãy làm chứng về mong muốn và quyền năng của Đấng Cứu Rỗi để thay đổi lòng của chúng ta khi chúng ta cố gắng sống trong đời mới.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

Tôi có thể thay đổi bằng một số cách thức nào?

Chị Becky Craven, cựu Đệ Nhị Cố Vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Nữ, đã dạy:

9:37
Sister Rebecca L. Craven, second counselor, Young Women general presidency. Official Portrait as of October 2018.

Để đổi lại cái giá vô giá mà Ngài đã trả cho mỗi chúng ta, Chúa muốn chúng ta có một sự thay đổi trong lòng. Sự thay đổi mà Ngài yêu cầu ở mỗi chúng ta thì không phải vì lợi ích của Ngài mà là vì lợi ích của chúng ta. …

Sau khi nghe những lời do Vua Bên Gia Min nói, dân của ông cất tiếng kêu to, tuyên bố rằng tấm lòng họ đã thay đổi: “Vì Thánh Linh của Chúa Vạn Năng đã đem lại một sự thay đổi lớn lao trong chúng tôi, … khiến chúng tôi không còn ý muốn làm điều tà ác nữa, mà chỉ muốn luôn luôn làm điều thiện” [Mô Si A 5:2]. Thánh thư không nói rằng họ ngay lập tức trở nên hoàn hảo; thay vì vậy, ước muốn để thay đổi của họ đã thúc đẩy họ hành động. Sự thay đổi trong lòng của họ có nghĩa là cởi bỏ con người thiên nhiên và vâng theo Thánh Linh khi cố gắng trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô hơn.

(Becky Craven, “Giữ Lại Sự Thay Đổi”, Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 58)

Những Sinh Hoạt Học Tập Bổ Sung

Quan điểm của một tín hữu mới chịu phép báp têm

Nếu có một người cải đạo gần đây trong lớp học, tiểu giáo khu hoặc chi nhánh của anh chị em, hãy mời họ chia sẻ với lớp học về kinh nghiệm cải đạo và suy nghĩ của họ về lễ báp têm của mình. Hãy đảm bảo xin phép vị lãnh đạo chức tư tế địa phương và giám đốc hoặc điều phối viên giáo vùng hoặc khu vực trước khi đưa ra lời mời.

Tôi có thể phạm tội bây giờ, và dự định sẽ hối cải sau này không?

Phao Lô dạy rằng “mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” ( Rô Ma 3:23). Ông cũng làm chứng rằng nhờ Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô: “nơi nào tội lỗi đã gia thêm, thì ân điển lại càng dư dật hơn nữa” ( Rô Ma 5:20). Sau đó, ông đặt câu hỏi tu từ: “Chúng ta phải cứ ở trong tội lỗi, hầu cho ân điển được dư dật chăng?” ( Rô Ma 6:1). Phao Lô đã trả lời câu hỏi của chính mình như được ghi lại trong Rô Ma 6:2 .

Mời học viên thảo luận trong nhóm nhỏ về vấn đề tiếp tục phạm tội trong khi dự định hối cải sau này. Là một phần của cuộc thảo luận này, các em có thể trả lời một số hoặc tất cả các câu hỏi sau đây:

  • Việc tiếp tục phạm tội có ảnh hưởng gì đến mối quan hệ của một người với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô?

  • Có một số cách nào mà một người trẻ tuổi có thể cố gắng biện minh cho việc phạm tội lúc này trong khi dự định hối cải sau này?

  • Những nguy hiểm trong việc phạm tội bây giờ là gì, khi biết rằng các em dự định sẽ hối cải sau này?

  • Làm thế nào mà sự hiểu biết chính xác về kế hoạch cứu rỗi hoặc về nguồn gốc và mục đích thiêng liêng của chúng ta có thể giúp chúng ta vượt qua cám dỗ để cố tình phạm lỗi bây giờ và hối cải sau này?

Làm thế nào mà việc lập và tuân giữ các giao ước với Thượng Đế giúp tôi nhận được “đời mới”?

Những lời giảng dạy của Vua Bên Gia Min trong Sách Mặc Môn mô tả những cách mà chúng ta có thể nhận ra “đời mới” mà Phao Lô đã dạy trong Rô Ma 6:4 . Sau khi Vua Bên Gia Min dạy dân của mình về sự cứu chuộc khỏi tội lỗi và cái chết nhờ Chúa Giê Su Ky Tô, ông hỏi họ có tin lời ông không.

Mời học viên đọc Mô Si A 5:2, 5–8 , tìm kiếm phản ứng của dân chúng và điều Vua Bên Gia Min đã dạy họ về những phước lành mà chúng ta nhận được từ Thượng Đế qua việc lập và tuân giữ các giao ước của mình.

  • Đức tin của người dân vào sự hy sinh cứu chuộc của Chúa Giê Su Ky Tô đã có ảnh hướng gì đối với họ?

  • Vua Bên Gia Min đã dạy gì về cách các giao ước giúp chúng ta tiếp nhận “đời mới”? ( Rô Ma 6:4).

Chúa Giê Su Ky Tô có thể ban cho chúng ta cuộc sống mới và giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi

3:0