Rô Ma 7–12
“Đấng Giải Cứu … Sẽ Cất Bỏ Sự Vô Đạo”
Đôi khi trong hành trình của cuộc đời, chúng ta có thể cảm thấy nản lòng hoặc thất vọng khi không biết mình nên trở thành người như thế nào. Với cảm giác thất vọng tương tự, Sứ Đồ Phao Lô kêu lên: “Khốn nạn cho tôi!” (Rô Ma 7:24). Mặc cho những yếu kém mà chúng ta trải qua trong cuộc sống trên trần thế, chúng ta có thể cảm nhận được niềm hy vọng và sự bình an khi đặt sự tin cậy của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Bài học này sẽ giúp học viên thực hành đức tin lớn lao hơn nơi Chúa Giê Su Ky Tô để vượt qua những yếu kém của mình.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Đối phó với những yếu kém của cuộc sống trần thế
Trey là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Cậu ấy muốn tuân theo Chúa Giê Su Ky Tô nhưng cảm thấy rằng mình hầu như không làm tốt như những gì nên làm. Cậu ấy thường cảm thấy tội lỗi vì những yếu kém của mình và lo lắng rằng mình có thể không đủ tốt.
Hãy suy ngẫm xem đôi khi em có thể cảm thấy giống như Trey không.
-
Những cảm nghĩ này có thể ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ của em với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô, cũng như với những người khác?
-
Tại sao việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô lại quan trọng để vượt qua những yếu kém và khiếm khuyết của mình?
Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy rằng “Chúa hiểu được sự yếu kém của con người trần thế chúng ta. Chúng ta đều có lúc chùn bước. Nhưng Ngài cũng biết về tiềm năng lớn lao của chúng ta” (“Đấng Ky Tô Đã Sống Lại; Đức Tin nơi Ngài Sẽ Dời Được Núi”, Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 102). Khi học bài học này, hãy ghi nhớ những điều Chủ Tịch Nelson đã dạy và tìm kiếm những lẽ thật có thể giúp em khi nhận ra những yếu kém của con người trần thế chúng ta. Hãy suy ngẫm xem làm thế nào mà những lẽ thật này có thể gia tăng đức tin của em rằng Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp em.
Sứ Đồ Phao Lô cũng trải qua cảm giác yếu kém và cuộc đấu tranh giữa “xác thịt” ( Rô Ma 7:18) hay/tức là ham muốn vật chất và “người bề trong” ( câu 22) hay/tức là phần thuộc linh.
Hãy đọc Rô Ma 7:14, 18–19, 24–25 và Bản Dịch Joseph Smith cho những câu này nằm trong Bản Dịch Joseph Smith trong phụ lục Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, Bộ Ba Quyển Thánh Thư Tổng Hợp. Tìm các từ và cụm từ mô tả những suy nghĩ và cảm nghĩ của Phao Lô. Cân nhắc việc đánh dấu những điều em tìm thấy. Lưu ý rằng trong câu 24, “sự chết này” muốn nói đến cái chết thuộc linh, hay sự tách rời khỏi Thượng Đế, do tội lỗi.
-
Suy nghĩ và cảm xúc của Phao Lô giống ra sao với suy nghĩ và cảm xúc mà em có thể có?
-
Phao Lô đã dạy những lẽ thật nào?
Một lẽ thật mà em có thể đã nhận ra được từ những câu này là Chúa Giê Su Ky Tô có thể giải cứu chúng ta khỏi cảnh tù đày của tội lỗi. Em có thể muốn viết lẽ thật này gần Rô Ma 7:24–25 .
-
Giống như Phao Lô, tại sao việc ghi nhớ lẽ thật này khi em đang gặp khó khăn với những yếu kém của bản thân lại giúp em cảm thấy có thêm hy vọng?
Sách Mặc Môn là một công cụ mạnh mẽ mà chúng ta có thể sử dụng để củng cố sự hiểu biết của mình về những lẽ thật được dạy trong Kinh Thánh (xin xem 1 Nê Phi 13:40 ; 2 Nê Phi 3:12).
Ví dụ, trong 2 Nê Phi 4 , Nê Phi đã chia sẻ những lời giảng dạy tương tự như những lời dạy em vừa học từ Phao Lô trong Rô Ma 7 .
Hãy đọc 2 Nê Phi 4:17–20, 26–32 , tìm kiếm cách Nê Phi thể hiện những cảm xúc tương tự như của Phao Lô.
-
Những từ hoặc cụm từ nào của Nê Phi có ý nghĩa nhất đối với em? Tại sao?
-
Làm thế nào mà những lời dạy của Nê Phi có thể giúp em cảm thấy gần gũi hơn với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô khi em gặp khó khăn với sự yếu kém hoặc thiếu tự tin?
Sử dụng Sách Mặc Môn để hiểu rõ hơn lẽ thật
Cũng giống như 2 Nê Phi 4 đã mở rộng sự học hỏi của em về những lời dạy của Phao Lô trong Rô Ma 7 , nhiều đoạn khác trong Sách Mặc Môn có thể giúp em hiểu rõ hơn và biết ơn những lời dạy của Phao Lô.
Hãy tập sử dụng Sách Mặc Môn để nâng cao sự hiểu biết của em về những lời dạy của Phao Lô bằng cách chọn hai hoặc nhiều đoạn sau đây từ Rô Ma để đọc. Sau đó, so sánh các đoạn đó với các đoạn liên quan trong Sách Mặc Môn (hoặc tự em tìm các đoạn Sách Mặc Môn có liên quan bằng cách sử dụng Sách Hướng Dẫn Thánh Thư). Hãy tìm kiếm xem làm thế nào mà những đoạn trong Sách Mặc Môn xác nhận hoặc làm sáng tỏ những lẽ thật đã được dạy trong Rô Ma.
Rô Ma |
Sách Mặc Môn |
-
Làm thế nào những đoạn trong Sách Mặc Môn củng cố sự hiểu biết của em về những lời dạy của Phao Lô trong Rô Ma?
Hãy suy ngẫm về kinh nghiệm của em khi nhận thấy cách mà Sách Mặc Môn có thể giúp em trong việc học Kinh Thánh. Hãy tìm cách sử dụng Sách Mặc Môn để giúp em khi em tiếp tục nghiên cứu Kinh Tân Ước.
Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình
Làm thế nào Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp tôi vượt qua những yếu kém của mình trong cuộc sống trần thế?
Khi phục vụ trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf đã dạy:
Nhiều người cảm thấy nản lòng vì họ luôn luôn thất bại. Họ tự biết rằng “tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối” [ Ma Thi Ơ 26:41 ]. Họ cất cao tiếng nói với Nê Phi trong việc tuyên bố: “Lòng tôi sầu khổ vì xác thịt của tôi” [ 2 Nê Phi 4:17 ]. …
Khi tôi nghĩ về điều Đấng Cứu Rỗi đã làm cho chúng ta ngay trước khi ngày Chủ Nhật lễ Phục Sinh đầu tiên đó, tôi muốn cất cao giọng nói để reo lên lời ngợi khen Thượng Đế Tối Cao và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô!
Các cánh cổng thiên thượng được mở ra!
Các cửa sổ trên trời được mở ra!
Ngày hôm nay và mãi mãi, ân điển của Thượng Đế dành cho tất cả mọi người có tấm lòng đau khổ và tâm hồn thống hối [xin xem 3 Nê Phi 9:19–20 ]. Chúa Giê Su Ky Tô đã dọn đường cho chúng ta để [phát triển đến mức độ mà tâm trí trần tục không thể hiểu được] [xin xem 1 Cô Rinh Tô 2:9 ].
(Dieter F. Uchtdorf, “Ân Tứ về Ân Điển”, Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 110)
Chúng ta có phải là Ky Tô Hữu nếu chúng ta sử dụng các sách khác ngoài Kinh Thánh không?
Làm thế nào để Kinh Thánh và Sách Mặc Môn kết hợp với nhau và cho thấy tình yêu thương của Thượng Đế dành cho chúng ta?
Chủ Tịch Harold B. Lee (1899–1973) đã giải thích:
Cha Thiên Thượng vĩnh cửu của chúng ta, là Đấng luôn luôn quan tâm đến sự an lạc thuộc linh của con cái Ngài, đã ban cho chúng ta một quyển thánh thư đi kèm, được biết là Sách Mặc Môn, để bênh vực cho các lẽ thật trong Kinh Thánh mà đã được các vị tiên tri viết và nói ra theo chỉ thị từ Chúa. …
… Nhờ vào chứng thư thứ nhì này, chúng ta có thể biết được một cách chắc chắn hơn ý nghĩa của những điều giảng dạy của các vị tiên tri thời xưa, và thật vậy, của Đức Thầy và các môn đồ của Ngài khi sống và giảng dạy ở giữa loài người. Sự hiểu biết này soi dẫn tất cả những người chân thành tìm kiếm lẽ thật để đặt hai quyển thánh thư này chung với nhau và nghiên cứu chúng như là một quyển, để biết được, giống như chúng ta, về mối liên quan thật sự của hai quyển thánh thư này.
(Harold B. Lee, Ye Are the Light of the World năm [1974], trang 89, 91)
Tại sao Phao Lô nói rằng chúng ta chỉ phải xưng danh của Chúa Giê Su để được cứu?
Rô Ma 10:1–13 thường được trích dẫn để bảo vệ quan điểm rằng chúng ta chỉ cần xưng danh Chúa Giê Su Ky Tô là được cứu. Tuy nhiên, Đấng Cứu Rỗi đã đặc biệt phản đối giáo lý này khi Ngài nói: “Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi” ( Ma Thi Ơ 7:21).
Ngoài ra, Phao Lô nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo lễ phép báp têm trước đó trong bức thư gửi người Rô Ma (xin xem Rô Ma 6:1–6) và cũng dạy tầm quan trọng của những việc thiện và lòng thay đổi (xin xem Rô Ma 2:1, 3, 6–13, 25–29).
Ngoài ra, từ “xưng” trong Rô Ma 10:9 có thể được dịch là “giao ước”, và cụm từ “kêu cầu” trong Rô Ma 10:13 có thể được dịch là “đặt một cái tên lên trên” (xin xem James Strong, The New Strong’s Exhaustive Concordance of the Bible, trong http://lexiconcordance.com/greek/3670.html; http://lexiconcordance.com/greek/1941.html). Những từ này có thể muốn nói đến việc bước vào các giao ước và tình nguyện mang lấy danh Đấng Ky Tô, phù hợp với những lời dạy khác của Phao Lô (xin xem Ga La Ti 3:27 ; Rô Ma 6:14–22) cũng như các đoạn liên quan trong Sách Mặc Môn, chẳng hạn như Mô Si A 5:1–9 .