Những Sự Kêu Gọi trong Phái Bộ Truyền Giáo
Chương 3: Bài 2—Kế Hoạch Cứu Rỗi của Cha Thiên Thượng


“Chương 3: Bài 2—Kế Hoạch Cứu Rỗi của Cha Thiên Thượng,” Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn Cách Chia Sẻ Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô (năm 2023)

“Chương 3: Bài 2,” Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta

Chương 3: Bài 2

Kế Hoạch Cứu Rỗi của Cha Thiên Thượng

Tượng Đấng Ky Tô

Mọi Người Có Thể Thắc Mắc

  • Mục đích của cuộc sống này là gì?

  • Tôi từ đâu đến?

  • Có một Thượng Đế quan tâm đến tôi không? Làm thế nào tôi có thể cảm thấy rằng Ngài quan tâm?

  • Làm sao tôi có thể tin vào Thượng Đế khi có quá nhiều điều tồi tệ xảy ra?

  • Tại sao cuộc sống đôi khi lại khó khăn đến vậy? Làm thế nào tôi có thể tìm thấy sức mạnh trong những lúc này?

  • Làm thế nào tôi có thể trở thành một người tốt hơn?

  • Điều gì sẽ xảy ra sau khi tôi chết?

Phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô giúp chúng ta trả lời những câu hỏi về cuộc sống của con người. Qua phúc âm, chúng ta học biết về nguồn gốc thiêng liêng và tiềm năng vĩnh cửu của mình với tư cách là con cái của Thượng Đế. Phúc âm mang đến cho chúng ta niềm hy vọng và giúp chúng ta tìm thấy sự bình an, hạnh phúc và ý nghĩa. Việc sống theo phúc âm giúp chúng ta tăng trưởng và tìm thấy sức mạnh khi đối mặt với những thử thách trong cuộc sống.

Thượng Đế muốn điều tốt nhất cho con cái của Ngài và mong muốn ban cho chúng ta các phước lành lớn nhất của Ngài, đó là sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu (xin xem Môi Se 1:39; Giáo Lý và Giao Ước 14:7). Vì yêu thương chúng ta nên Ngài đã ban cho một kế hoạch để chúng ta nhận được những phước lành này. Trong thánh thư, kế hoạch này được gọi là kế hoạch cứu rỗi, kế hoạch hạnh phúc vĩ đại và kế hoạch cứu chuộc (xin xem An Ma 42:5, 8, 11, 13, 15, 16, 31).

Trong kế hoạch của Thượng Đế, mỗi người chúng ta thực hiện một cuộc hành trình qua cuộc sống tiền dương thế, sự sinh ra đời, cuộc sống hữu diệt, cái chết và cuộc sống sau khi chết. Thượng Đế đã ban cho những gì chúng ta cần trong cuộc hành trình này để sau khi chết, cuối cùng chúng ta cũng có thể trở lại nơi hiện diện của Ngài và nhận được niềm vui trọn vẹn.

Chúa Giê Su Ky Tô là trọng tâm kế hoạch của Thượng Đế. Qua Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh của Ngài, Chúa Giê Su đã làm cho mỗi người chúng ta có thể nhận được sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu.

Trong cuộc sống của mình trên thế gian, chúng ta không nhớ cuộc sống tiền dương thế của mình. Chúng ta cũng không hoàn toàn hiểu cuộc sống sau khi chết. Tuy nhiên, Thượng Đế đã mặc khải nhiều lẽ thật về những phần này trong cuộc hành trình vĩnh cửu của chúng ta. Những lẽ thật này cung cấp đủ kiến thức để chúng ta hiểu được mục đích của cuộc sống, cảm nhận được niềm vui và có hy vọng về những điều tốt lành sẽ đến. Kiến thức này là một kho báu thiêng liêng để hướng dẫn chúng ta trong khi chúng ta ở trên thế gian.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Phần này đưa ra một đại cương mẫu để giúp anh chị em chuẩn bị giảng dạy. Nó cũng bao gồm các ví dụ về những câu hỏi và lời mời mà anh chị em có thể sử dụng.

Khi anh chị em chuẩn bị giảng dạy, hãy thành tâm xem xét hoàn cảnh và nhu cầu thuộc linh của mỗi người. Quyết định điều gì sẽ hữu ích nhất để giảng dạy. Chuẩn bị để định nghĩa các thuật ngữ mà người khác có thể không hiểu. Hoạch định theo lượng thời gian anh chị em sẽ có và nhớ giữ cho bài học ngắn gọn.

Chọn những câu thánh thư để sử dụng khi anh chị em giảng dạy. Phần “Nền Tảng Giáo Lý” của bài học gồm có nhiều câu thánh thư hữu ích.

Cân nhắc những câu hỏi nào cần hỏi khi anh chị em giảng dạy. Hoạch định đưa ra những lời mời mà sẽ khuyến khích mỗi người hành động.

Nhấn mạnh đến các phước lành đã được hứa của Thượng Đế và chia sẻ chứng ngôn của anh chị em về điều anh chị em giảng dạy.

những người truyền giáo đang giảng dạy cho một gia đình

Những Điều mà Anh Chị Em Có Thể Giảng Dạy trong 15 đến 25 phút

Chọn một hoặc nhiều nguyên tắc hơn sau đây về kế hoạch cứu rỗi để giảng dạy. Nền tảng giáo lý cho mỗi nguyên tắc được đưa ra sau đại cương này.

Cuộc Sống Tiền Dương Thế: Mục Đích và Kế Hoạch của Thượng Đế dành cho Chúng Ta

  • Chúng ta đều là con cái linh hồn của Thượng Đế. Ngài sáng tạo chúng ta theo hình ảnh của Ngài.

  • Chúng ta đã sống với Thượng Đế trước khi được sinh ra trên thế gian. Chúng ta thuộc về gia đình của Ngài. Ngài biết và yêu thương mỗi người chúng ta.

  • Thượng Đế đã ban cho một kế hoạch vì hạnh phúc và sự tiến triển của chúng ta trong cuộc sống này và trong thời vĩnh cửu.

  • Trong cuộc sống tiền dương thế của mình, chúng ta đã chọn tuân theo kế hoạch của Thượng Đế. Điều này có nghĩa là đến thế gian để chúng ta có thể thực hiện bước tiếp theo trong sự tiến triển vĩnh cửu của mình.

  • Chúa Giê Su Ky Tô là trọng tâm kế hoạch của Thượng Đế. Ngài làm cho chúng ta có thể có được sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu.

Sự Sáng Tạo

  • Dưới sự hướng dẫn của Thượng Đế, Chúa Giê Su Ky Tô đã tạo dựng thế gian.

Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va

  • A Đam và Ê Va là hai người con linh hồn đầu tiên của Thượng Đế mà đến thế gian này. Thượng Đế đã tạo dựng thân thể của họ và đặt họ vào trong Vườn Ê Đen.

  • A Đam và Ê Va đã phạm giới, bị đuổi ra khỏi khu vườn và bị tách khỏi sự hiện diện của Thượng Đế. Sự kiện này được gọi là Sự Sa Ngã.

  • Sau khi sa ngã, A Đam và Ê Va trở thành người hữu diệt. Là người hữu diệt nên họ có thể học hỏi, tiến triển và có con cái. Họ cũng trải qua nỗi đau khổ, tội lỗi và cái chết.

  • Sự Sa Ngã là một bước tiến của nhân loại. Sự Sa Ngã đã làm cho chúng ta có thể được sinh ra trên thế gian và tiến triển trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng.

Cuộc Sống của Chúng Ta trên Thế Gian

  • Trong kế hoạch của Thượng Đế, chúng ta cần phải đến thế gian để tiếp nhận thể xác, học hỏi và tăng trưởng.

  • Trên thế gian, chúng ta học cách bước đi bằng đức tin. Tuy nhiên, Cha Thiên Thượng đã không bỏ mặc chúng ta một mình. Ngài đã ban cho nhiều ân tứ và những sự hướng dẫn để giúp chúng ta trở lại nơi hiện diện của Ngài.

Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô

  • Mỗi người chúng ta đều phạm tội, và mỗi người chúng ta đều sẽ chết. Vì Thượng Đế yêu thương chúng ta nên Ngài đã sai Con Trai của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, đến thế gian để cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi và cái chết.

  • Nhờ vào sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su nên chúng ta có thể được tha thứ và tẩy sạch tội lỗi của mình. Tấm lòng của chúng ta có thể được thay đổi để trở nên tốt hơn khi chúng ta hối cải. Điều này giúp chúng ta có thể trở lại nơi hiện diện của Thượng Đế và nhận được niềm vui trọn vẹn.

  • Nhờ vào Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su nên chúng ta sẽ đều được phục sinh sau khi chết. Điều này có nghĩa là linh hồn và thể xác của mỗi người sẽ được tái hợp và mỗi người chúng ta sẽ sống vĩnh viễn trong một thể xác hoàn hảo, phục sinh.

  • Chúa Giê Su Ky Tô ban cho sự an ủi, hy vọng và sự chữa lành. Sự hy sinh chuộc tội của Ngài là cách thể hiện tột bậc về tình yêu thương của Ngài. Tất cả những gì bất công trong cuộc sống đều có thể được làm cho đúng nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Thế Giới Linh Hồn

  • Khi thể xác của chúng ta chết thì linh hồn của chúng ta vẫn tiếp tục sống trong thế giới linh hồn. Đây là giai đoạn tạm thời để học hỏi và chuẩn bị trước khi Sự Phục Sinh.

  • Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô được giảng dạy trong thế giới linh hồn và chúng ta có thể tiếp tục tăng trưởng và tiến triển.

Sự Phục Sinh, Sự Cứu Rỗi và Sự Tôn Cao

  • Sau thời gian của chúng ta trong thế giới linh hồn, Sự Phục Sinh là bước tiếp theo trong cuộc hành trình vĩnh cửu của chúng ta.

  • Sự Phục Sinh là sự tái hợp của linh hồn và thể xác của chúng ta. Mỗi người chúng ta sẽ được phục sinh và có một thể xác hoàn hảo. Chúng ta sẽ sống vĩnh viễn. Điều này có thể thực hiện được nhờ vào Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi.

Sự Phán Xét và Các Vương Quốc Vinh Quang

  • Khi chúng ta được phục sinh, Chúa Giê Su Ky Tô sẽ là Đấng phán xét của chúng ta. Ngoại trừ rất ít trường hợp ngoại lệ, thì tất cả con cái của Thượng Đế đều sẽ nhận được một chỗ trong vương quốc vinh quang.

  • Mặc dù chúng ta đều sẽ được phục sinh, nhưng không phải tất cả chúng ta đều sẽ nhận được vinh quang vĩnh cửu như nhau. Chúa Giê Su sẽ phán xét chúng ta tùy theo đức tin, việc làm và sự hối cải của chúng ta trên trần thế và trong thế giới linh hồn. Chúng ta có thể trở lại sống nơi hiện diện của Thượng Đế nếu chúng ta thành tín.

Những Câu Hỏi mà Anh Chị Em Có Thể Hỏi Mọi Người

Các câu hỏi sau đây là ví dụ về những câu hỏi mà anh chị em có thể hỏi mọi người. Những câu hỏi này có thể giúp anh chị em có những cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa và hiểu được nhu cầu cũng như quan điểm của một người.

  • Anh (chị, em) cảm thấy mục đích của cuộc sống là gì?

  • Điều gì mang lại hạnh phúc cho anh (chị, em)?

  • Những thử thách nào anh (chị, em) cần Thượng Đế giúp đỡ mình?

  • Anh (chị, em) đã học được gì từ những thử thách mình đã gặp phải?

  • Anh (chị, em) biết gì về Chúa Giê Su Ky Tô? Cuộc đời và sứ mệnh của Ngài đã ảnh hưởng đến cuộc sống của anh (chị, em) như thế nào?

Những Lời Mời mà Anh Chị Em Có Thể Đưa Ra

  • Anh (chị, em) sẽ cầu xin Thượng Đế khi cầu nguyện để giúp anh (chị, em) biết rằng những gì chúng tôi đã giảng dạy là chân chính chứ? (Xin xem “Giảng Dạy với Sự Hiểu Biết Thấu Đáo: Cầu Nguyện” trong phần cuối của bài 1.)

  • Anh (chị, em) sẽ tham dự nhà thờ với chúng tôi vào Chủ Nhật này để tìm hiểu thêm về những gì chúng tôi đã giảng dạy chứ?

  • Anh (chị, em) sẽ đọc Sách Mặc Môn và cầu nguyện để biết rằng đó là lời của Thượng Đế chứ? (Anh chị em có thể đề nghị các chương hoặc các câu thánh thư cụ thể.)

  • Anh (chị, em) sẽ noi theo gương của Chúa Giê Su và chịu phép báp têm chứ? (Xin xem “Lời Mời Chịu Phép Báp Têm và Được Làm Lễ Xác Nhận,” ngay trước bài 1.)

  • Chúng tôi có thể ấn định giờ cho chuyến thăm tiếp theo của mình không?

đồ họa kế hoạch cứu rỗi

Nền Tảng Giáo Lý

Phần này đưa ra giáo lý và các câu thánh thư để anh chị em nghiên cứu nhằm củng cố sự hiểu biết và chứng ngôn của anh chị em về phúc âm cũng như giúp đỡ anh chị em giảng dạy.

các thiên hà

Cuộc Sống Tiền Dương Thế: Mục Đích và Kế Hoạch của Thượng Đế dành cho Chúng Ta

Chúng Ta Là Con Cái của Thượng Đế và Chúng Ta Đã Sống với Ngài trước khi Được Sinh Ra

Thượng Đế là Cha linh hồn của chúng ta. Chúng ta thật sự là con cái của Ngài được sáng tạo theo hình ảnh của Ngài. Mỗi người chúng ta đều có một bản tính thiêng liêng với tư cách là con của Thượng Đế. Sự hiểu biết này có thể giúp chúng ta vượt qua những thời điểm khó khăn và có thể truyền cảm hứng cho chúng ta để trở thành con người tốt nhất.

Chúng ta đã sống với Thượng Đế với tư cách là con cái linh hồn của Ngài trước khi chúng ta được sinh ra trên thế gian. Chúng ta thuộc về gia đình của Ngài.

Chủ Tịch M. Russell Ballard

“Có một danh tính quan trọng mà chúng ta đều chia sẻ bây giờ và vĩnh viễn, một danh tính mà chúng ta đừng bao giờ quên và một danh tính mà chúng ta nên biết ơn. Đó là anh chị em đang và sẽ luôn là con trai hay con gái của Thượng Đế với nguồn gốc thuộc linh trong thời vĩnh cửu.

“… Việc hiểu được lẽ thật này—thực sự hiểu và chấp nhận nó—làm thay đổi cuộc sống. Nó mang lại cho anh chị em một danh tính cá nhân phi thường mà không ai có thể lấy đi khỏi anh chị em. Nhưng hơn thế nữa, nó sẽ mang lại cho anh chị em một cảm giác rằng bản thân mình vô cùng quý giá và một ý thức về giá trị vô hạn của mình. Cuối cùng, nó mang đến cho anh chị em một mục đích thiêng liêng, cao quý và xứng đáng trong cuộc sống” (M. Russell Ballard, “Children of Heavenly Father” [Buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University, ngày 3 tháng Ba năm 2020], trang 2, speeches.byu.edu).

Chúng Ta Đã Chọn Đến Thế Gian

Cha Thiên Thượng yêu thương chúng ta và mong muốn chúng ta trở nên giống như Ngài. Ngài là một Đấng tôn cao với một thể xác vinh quang.

Trong cuộc sống tiền dương thế của mình, chúng ta đã biết được rằng Thượng Đế có một kế hoạch để chúng ta được trở nên giống như Ngài. Một phần kế hoạch của Ngài là chúng ta sẽ rời khỏi ngôi nhà thiên thượng của mình và đến thế gian để tiếp nhận một thể xác. Chúng ta cũng cần đạt được kinh nghiệm và phát triển đức tin trong thời gian xa cách sự hiện diện của Thượng Đế. Chúng ta sẽ không nhớ là đã sống với Thượng Đế. Tuy nhiên, Ngài sẽ ban cho những gì chúng ta cần để chúng ta có thể trở về sống với Ngài.

Quyền tự quyết, hay sự tự do và khả năng lựa chọn, là một phần thiết yếu trong kế hoạch của Thượng Đế dành cho chúng ta. Trong cuộc sống tiền dương thế của mình, mỗi người chúng ta đã chọn tuân theo kế hoạch của Thượng Đế và đến thế gian để có thể thực hiện bước tiếp theo trong sự tiến triển vĩnh cửu của mình. Chúng ta hiểu rằng trong khi đang ở đây, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội mới để tăng trưởng và cảm nhận niềm vui. Chúng ta cũng hiểu rằng mình sẽ gặp phải sự tương phản. Chúng ta sẽ trải qua cám dỗ, thử thách, đau buồn và cái chết.

Khi chọn đến thế gian, chúng ta đã tin cậy vào tình yêu thương và sự giúp đỡ của Thượng Đế. Chúng ta tin cậy vào kế hoạch của Ngài cho sự cứu rỗi của chúng ta.

Cha Thiên Thượng Chọn Chúa Giê Su Ky Tô để Cứu Chuộc Chúng Ta

Chúa Giê Su Ky Tô là trọng tâm kế hoạch của Thượng Đế. Trước khi đến thế gian, chúng ta biết rằng không thể tự mình trở về nơi hiện diện của Thượng Đế. Cha Thiên Thượng đã chọn Chúa Giê Su Ky Tô, Con Trai đầu lòng của Ngài, để giúp chúng ta có thể trở lại với Ngài và có được cuộc sống vĩnh cửu.

Chúa Giê Su đã sẵn lòng chấp nhận. Ngài đã đồng ý đến thế gian và cứu chuộc chúng ta qua sự hy sinh chuộc tội của Ngài. Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh của Ngài sẽ làm cho các mục đích của Thượng Đế dành cho chúng ta có thể được hoàn thành.

Nghiên Cứu Thánh Thư

Con Cái của Thượng Đế

Mục Đích của Thượng Đế

Cuộc Sống Tiền Dương Thế

Học Hỏi Thêm về Nguyên Tắc Này

hoàng hôn trên đại dương

Sự Sáng Tạo

Kế hoạch của Cha Thiên Thượng mang đến sự sáng tạo thế gian, nơi mà con cái linh hồn của Ngài sẽ nhận được thể xác và đạt được kinh nghiệm. Cuộc sống của chúng ta trên thế gian là cần thiết để chúng ta tiến triển và được trở nên giống như Thượng Đế.

Dưới sự hướng dẫn của Cha Thiên Thượng, Chúa Giê Su Ky Tô đã sáng tạo thế gian và tất cả mọi vật trong đó. Thượng Đế sáng tạo ra người nam và người nữ theo hình ảnh của Ngài. Sự Sáng Tạo là một cách thể hiện về tình yêu thương của Thượng Đế và ước muốn của Ngài để chúng ta có cơ hội tăng trưởng.

Nghiên Cứu Thánh Thư

Học Hỏi Thêm về Nguyên Tắc Này

Leaving the Garden of Eden (Rời Khỏi Vườn Ê Đen), tranh của Joseph Brickey

Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va

Trước Khi Sa Ngã

A Đam và Ê Va là hai người con linh hồn đầu tiên của Cha Thiên Thượng mà đến thế gian này. Thượng Đế đã tạo dựng thân thể của họ theo hình ảnh của Ngài và đặt họ vào trong Vườn Ê Đen. Họ đã sống không phạm tội trong khu vườn và Thượng Đế đã lo liệu cho nhu cầu của họ.

Trong khi A Đam và Ê Va sống trong khu vườn, Thượng Đế ra lệnh cho họ không được ăn trái của cây hiểu biết điều thiện và điều ác. Nếu tuân theo lệnh truyền này thì họ có thể ở lại trong khu vườn. Tuy nhiên, họ sẽ không thể tiến triển bằng cách học hỏi từ sự tương phản và những thử thách của cuộc sống trần thế. Họ sẽ không thể biết được niềm vui vì họ không thể trải qua nỗi buồn khổ và đau đớn.

Sa Tan cám dỗ A Đam và Ê Va ăn trái cấm, và họ đã chọn để làm như vậy. Vì sự lựa chọn này nên họ bị đuổi ra khỏi khu vườn và bị tách khỏi sự hiện diện của Ngài. Sự kiện này được gọi là Sự Sa Ngã.

Sau Khi Sa Ngã

Sau khi sa ngã, A Đam và Ê Va trở thành người hữu diệt. Vì không còn trong tình trạng vô tội nên họ đã hiểu và trải qua điều thiện lẫn điều ác. Họ có thể sử dụng quyền tự quyết của họ để lựa chọn giữa điều thiện và điều ác. Vì A Đam và Ê Va gặp phải sự tương phản và thử thách nên họ đã có thể học hỏi và tiến triển. Vì đã trải qua nỗi đau buồn, nên họ cũng có thể trải qua niềm vui. (Xin xem 2 Nê Phi 2:22–25.)

Mặc cho những khó khăn của họ, A Đam và Ê Va đã cảm thấy rằng được làm con người hữu diệt là một phước lành lớn. Một phước lành là họ đã có thể có con cái. Điều này cung cấp con đường cho những người con linh hồn khác của Thượng Đế đến thế gian và nhận được thể xác.

A Đam lẫn Ê Va đều vui mừng nhờ vào các phước lành của Sự Sa Ngã. Ê Va đã nói: “Nếu không có sự phạm giới của chúng ta thì chúng ta không bao giờ có [con cái], và sẽ không bao giờ biết được biết điều thiện và điều ác, và hưởng niềm vui của sự cứu chuộc của chúng ta cùng cuộc sống vĩnh cửu mà Thượng Đế ban cho tất cả những ai biết vâng lời” (Môi Se 5:11; xin xem thêm câu 10).

Nghiên Cứu Thánh Thư

Trong Khu Vườn

Sự Sa Ngã

Học Hỏi Thêm về Nguyên Tắc Này

Cuộc Sống của Chúng Ta trên Thế Gian

Nhiều người thắc mắc: “Tại sao tôi có mặt ở đây trên thế gian?” Cuộc sống của chúng ta trên thế gian là một phần thiết yếu trong kế hoạch của Thượng Đế cho sự tiến triển vĩnh cửu của chúng ta. Mục đích tột bậc của chúng ta là chuẩn bị để trở lại nơi hiện diện của Thượng Đế và nhận được niềm vui trọn vẹn. Dưới đây là phần mô tả về một số cách mà cuộc sống trên thế gian chuẩn bị cho chúng ta về điều này.

em thiếu niên đang tươi cười

Nhận được Một Thể Xác

Một mục đích của việc đến thế gian là để nhận được một thể xác là nơi mà linh hồn chúng ta có thể trú ngụ. Thể xác của chúng ta là sự sáng tạo thiêng liêng, kỳ diệu của Thượng Đế. Với thể xác, chúng ta có thể làm, học và cảm nhận nhiều điều mà linh hồn của chúng ta không thể làm được. Chúng ta có thể tiến triển theo những cách mà chúng ta không thể làm khi là linh hồn.

Vì thể xác của chúng ta là hữu diệt nên chúng ta trải qua nỗi đau đớn, bệnh tật và những thử thách khác. Những kinh nghiệm này có thể giúp chúng ta học tính kiên nhẫn, lòng trắc ẩn và các đức tính thiêng liêng khác. Những kinh nghiệm này có thể là một phần trên con đường của chúng ta dẫn đến niềm vui. Việc chọn điều đúng khi khó thực hiện thường là cách mà đức tin, hy vọng và lòng bác ái trở thành một phần đặc tính của chúng ta.

Học Cách Sử Dụng Quyền Tự Quyết một cách Khôn Ngoan

Một mục đích khác của cuộc sống trần thế là học cách sử dụng quyền tự quyết của chúng ta một cách khôn ngoan—để chọn điều đúng. Việc học cách sử dụng quyền tự quyết của chúng ta một cách khôn ngoan là điều thiết yếu để trở nên giống như Thượng Đế.

Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô dạy cho chúng ta lẽ phải và ban cho các giáo lệnh để hướng dẫn chúng ta đến hạnh phúc. Sa Tan cám dỗ chúng ta làm điều sai vì muốn chúng ta cũng đau khổ như nó. Chúng ta đối mặt với sự tương phản giữa điều thiện và điều ác mà rất cần thiết trong việc học cách sử dụng quyền tự quyết của mình (xin xem 2 Nê Phi 2:11).

Khi vâng lời Thượng Đế, chúng ta tăng trưởng và nhận được các phước lành đã hứa của Ngài. Khi bất tuân, chúng ta tự mình xa cách Ngài và lãnh nhận các hậu quả của tội lỗi. Mặc dù đôi khi dường như khác nhưng cuối cùng thì tội lỗi cũng dẫn đến nỗi bất hạnh. Thường thì các phước lành của sự vâng lời—và những hậu quả của tội lỗi—không hiển hiện ngay lập tức hoặc có thể được nhìn thấy bên ngoài. Nhưng chúng là chắc chắn, vì Thượng Đế là Đấng công bằng.

Ngay cả khi làm hết sức mình, chúng ta cũng đều phạm tội và “thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô Ma 3:23). Vì biết được điều này nên Cha Thiên Thượng đã ban cho một cách để chúng ta hối cải hầu có thể trở về cùng Ngài.

Sự hối cải mang quyền năng của Đấng Cứu Chuộc, Chúa Giê Su Ky Tô, vào cuộc sống của chúng ta (xin xem Hê La Man 5:11). Khi hối cải, chúng ta được tẩy sạch tội lỗi nhờ vào sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô và ân tứ Đức Thánh Linh (xin xem 3 Nê Phi 27:16–20). Chúng ta cảm nhận niềm vui qua sự hối cải. Con đường trở về với Cha Thiên Thượng được mở ra cho chúng ta, vì Ngài đầy lòng thương xót. (Xin xem “Sự Hối Cải” trong bài 3.)

Học Cách Bước Đi bằng Đức Tin

Một mục đích khác của cuộc sống này là đạt được kinh nghiệm mà chỉ có thể đến khi ở xa Cha Thiên Thượng. Vì không nhìn thấy Ngài nên chúng ta cần học cách bước đi bằng đức tin (xin xem 2 Cô Rinh Tô 5:6–7).

Thượng Đế đã không bỏ mặc chúng ta một mình trong cuộc hành trình này. Ngài đã ban cho Đức Thánh Linh để hướng dẫn, củng cố và thánh hóa chúng ta. Ngài cũng đã ban cho thánh thư, các vị tiên tri, sự cầu nguyện và phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Mỗi phần của kinh nghiệm trần thế của chúng ta—niềm vui và nỗi buồn, sự thành công và thất bại—đều có thể giúp chúng ta tăng trưởng khi chuẩn bị trở về với Thượng Đế.

Nghiên Cứu Thánh Thư

Một Thời Điểm để Tăng Trưởng và Tiến Triển

Sự lựa chọn

Thiện và Ác

Tội Lỗi

Chúng Ta Cần Phải được Trong Sạch để Được ở cùng Thượng Đế

Học Hỏi Thêm về Nguyên Tắc Này

Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô

Vì Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va nên chúng ta đều bị lệ thuộc tội lỗi và cái chết. Chúng ta không thể tự mình vượt qua ảnh hưởng của tội lỗi và cái chết. Trong kế hoạch cứu rỗi của Cha Thiên Thượng, Ngài đã ban cho một cách để khắc phục hậu quả của Sự Sa Ngã hầu chúng ta có thể trở về với Ngài. Trước khi thế gian được tạo dựng, Ngài đã chọn Chúa Giê Su Ky Tô làm Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta.

Chỉ có Chúa Giê Su Ky Tô mới có thể cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi và cái chết. Ngài thật sự là Con Trai của Thượng Đế. Ngài đã sống một cuộc đời vô tội, hoàn toàn vâng phục Cha Ngài. Ngài đã chuẩn bị và sẵn lòng làm theo ý muốn của Cha Thiên Thượng.

Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi gồm có nỗi đau khổ của Ngài trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, nỗi đau khổ và cái chết của Ngài trên cây thập tự và Sự Phục Sinh của Ngài. Ngài đã chịu đau khổ vượt quá sự hiểu biết—đến mức huyết Ngài đổ ra từ mỗi lỗ chân lông (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 19:18).

Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô là sự kiện vinh quang nhất trong lịch sử nhân loại. Qua sự hy sinh chuộc tội của Ngài, Chúa Giê Su đã làm cho kế hoạch của Đức Chúa Cha có hiệu lực. Chúng ta sẽ bất lực nếu không có Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô vì chúng ta không thể tự cứu mình khỏi tội lỗi và cái chết được (xin xem An Ma 22:12–15).

Sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi chúng ta là sự biểu lộ tình yêu thương tột bậc đối với Cha Ngài và dành cho chúng ta. “Bề rộng, bề dài, bề cao và bề sâu” của tình yêu thương của Đấng Ky Tô vượt quá sự hiểu biết của chúng ta (Ê Phê Sô 3:18; xin xem thêm câu 19).

The Crucifixion (Chúa Bị Đóng Đinh trên Thập Tự Giá), tranh của Harry Anderson

Chúa Giê Su Ky Tô Chiến Thắng Cái Chết cho Tất Cả Mọi Người

Khi Ngài chết trên thập tự giá, linh hồn của Ngài lìa khỏi thể xác của Ngài. Vào ngày thứ ba, linh hồn và thể xác của Ngài đã được tái hợp, không bao giờ bị tách rời nữa. Ngài hiện đến cùng nhiều người, cho họ thấy rằng Ngài có một thể xác bất diệt bằng xương bằng thịt. Sự tái hợp của linh hồn và thể xác này được gọi là Sự Phục Sinh.

Vì là con người hữu diệt nên mỗi chúng ta đều sẽ chết. Tuy nhiên, vì Chúa Giê Su đã chiến thắng cái chết nên mọi người sinh ra trên thế gian sẽ được phục sinh. Sự Phục Sinh là một ân tứ thiêng liêng dành cho tất cả mọi người, được ban cho qua lòng thương xót và ân điển cứu chuộc của Đấng Cứu Rỗi. Linh hồn và thể xác của mỗi người sẽ được tái hợp, và mỗi người chúng ta sẽ sống vĩnh viễn trong một thể xác hoàn hảo, phục sinh. Nếu không nhờ Chúa Giê Su Ky Tô, thì cái chết sẽ chấm dứt mọi hy vọng về cuộc sống trong tương lai với Cha Thiên Thượng (xin xem 2 Nê Phi 9:8–12).

Chúa Giê Su Làm Cho Chúng Ta Có Thể Được Tẩy Sạch Tội Lỗi của Mình

Để hiểu được niềm hy vọng mà chúng ta có thể nhận được qua Đấng Ky Tô, chúng ta cần hiểu luật pháp của công lý. Đây là luật pháp bất biến mà mang lại hậu quả cho hành động của chúng ta. Sự vâng lời Thượng Đế mang lại những kết quả tích cực, và sự bất tuân mang lại những hậu quả tiêu cực. (Xin xem An Ma 42:14–18.) Khi phạm tội, chúng ta trở nên ô uế về phần thuộc linh, và không một vật gì ô uế có thể sống nơi hiện diện của Thượng Đế (xin xem 3 Nê Phi 27:19).

Jesus Praying in Gethsemane (Chúa Giê Su Cầu Nguyện trong Vườn Ghết Sê Ma Nê), tranh của Harry Anderson

Trong lúc Chúa Giê Su Ky Tô hy sinh chuộc tội, Ngài đã đứng ở vị thế của chúng ta, chịu đau khổ và trả giá cho hình phạt của tội lỗi chúng ta (xin xem 3 Nê Phi 27:16–20). Kế hoạch của Thượng Đế ban cho Chúa Giê Su Ky Tô quyền năng để cầu nguyện thay cho chúng ta—để đứng giữa chúng ta và công lý (xin xem Mô Si A 15:9). Nhờ vào sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su nên Ngài có thể cầu xin quyền thương xót của Ngài thay cho chúng ta khi chúng ta vận dụng đức tin dẫn đến sự hối cải (xin xem Mô Rô Ni 7:27; Giáo Lý và Giao Ước 45:3–5). “Do đó, lòng thương xót có thể thỏa mãn được sự đòi hỏi của công lý, và bao quanh [chúng ta] bởi vòng tay an toàn” (An Ma 34:16).

Chỉ nhờ vào ân tứ Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi và sự hối cải của mình mà chúng ta mới có thể trở về sống với Thượng Đế. Khi hối cải, chúng ta được tha thứ và thanh tẩy về phần thuộc linh. Chúng ta được trút bỏ gánh nặng tội lỗi của mình. Tâm hồn bị tổn thương của chúng ta được chữa lành. Lòng chúng ta được tràn đầy niềm vui (xin xem An Ma 36:24).

Mặc dù chúng ta không hoàn hảo và có thể vấp phạm một lần nữa, nhưng có nhiều ân điển, tình yêu thương và lòng thương xót trong Chúa Giê Su Ky Tô hơn là sự thất bại, khuyết điểm hoặc tội lỗi trong chúng ta. Thượng Đế luôn sẵn sàng và thiết tha chấp nhận chúng ta khi chúng ta hướng tới Ngài và hối cải (xin xem Lu Ca 15:11–32). Không có điều gì hoặc một ai “có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Giê Su Ky Tô, là Chúa chúng ta” (Rô Ma 8:39).

Chúa Giê Su Ky Tô Đã Mang Lấy Nỗi Đau Đớn, Khổ Sở và Sự Yếu Đuối của Chúng Ta

Khi hy sinh chuộc tội, Chúa Giê Su Ky Tô đã mang lấy nỗi đau đớn, khổ sở và sự yếu đuối của chúng ta. Vì vậy, Ngài “theo thể cách xác thịt mà biết được cách giúp đỡ dân Ngài theo những sự yếu đuối của họ” (An Ma 7:12; xin xem thêm câu 11). Ngài mời gọi: “Hãy đến cùng ta,” và khi chúng ta làm theo thì Ngài ban cho chúng ta sự yên nghỉ, hy vọng, sức mạnh, triển vọng và sự chữa lành (Ma Thi Ơ 11:28; xin xem thêm các câu 29–30).

Khi chúng ta trông cậy vào Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài, thì Ngài có thể giúp chúng ta kiên trì chịu đựng những thử thách, bệnh tật, và đau đớn của mình. Lòng chúng ta có thể được tràn đầy niềm vui, sự bình an và an ủi. Tất cả những gì bất công trong cuộc sống đều có thể được làm cho đúng nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Nghiên Cứu Thánh Thư

Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi

Sự Phục Sinh

Học Hỏi Thêm về Nguyên Tắc Này

gia đình đang thăm viếng mộ phần

Thế Giới Linh Hồn

Nhiều người thắc mắc: “Điều gì sẽ xảy ra sau khi tôi chết?” Kế hoạch cứu rỗi mang đến một số câu trả lời quan trọng cho câu hỏi này.

Cái chết là một phần trong “kế hoạch thương xót” của Thượng Đế dành cho chúng ta (2 Nê Phi 9:6). Thay vì kết thúc cuộc sống của chúng ta, cái chết là bước tiếp theo trong sự tiến triển vĩnh cửu của chúng ta. Để được trở nên giống như Thượng Đế, chúng ta cần phải trải qua cái chết và sau đó nhận được thể xác hoàn hảo, phục sinh.

Khi thể xác của chúng ta chết thì linh hồn của chúng ta vẫn tiếp tục sống trong thế giới linh hồn. Đây là một trạng thái để học hỏi và chuẩn bị tạm thời trước Sự Phục Sinh và Sự Phán Xét Cuối Cùng. Kiến thức của chúng ta từ cuộc sống hữu diệt vẫn còn với chúng ta.

Trong thế giới linh hồn, những người nào chấp nhận và sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đều “được đón nhận vào một trạng thái hạnh phúc, được gọi là thiên đàng” (An Ma 40:12). Các trẻ nhỏ cũng được đón nhận vào thiên đàng khi chúng chết.

Các linh hồn trên thiên đàng sẽ được bình an khỏi những rắc rối và buồn khổ của họ. Họ sẽ tiếp tục phát triển phần thuộc linh của họ, làm công việc của Thượng Đế và phục sự những người khác. Họ sẽ giảng dạy phúc âm cho những người không nhận được phúc âm trong cuộc sống trần thế của họ (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 138:32–37, 57–59).

Trong thế giới linh hồn, những người không thể tiếp nhận phúc âm trên thế gian, hoặc những người chọn không tuân theo các lệnh truyền, đều sẽ chịu một số hạn chế (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 138:6–37; An Ma 40:6–14). Tuy nhiên, vì Thượng Đế công bằng và có lòng thương xót nên họ sẽ có cơ hội được giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Nếu chấp nhận phúc âm và hối cải thì họ sẽ được cứu chuộc khỏi tội lỗi của họ (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 138:58; xin xem thêm 138:31–35; 128:22). Họ sẽ được chào đón vào thiên đàng bình an. Cuối cùng họ sẽ nhận được một chỗ trong vương quốc vinh quang dựa trên những lựa chọn mà họ đã đưa ra trên trần thế và trong thế giới linh hồn.

Chúng ta vẫn ở trong thế giới linh hồn cho đến khi được phục sinh.

Nghiên Cứu Thánh Thư

Học Hỏi Thêm về Nguyên Tắc Này

Sự Phục Sinh, Sự Cứu Rỗi và Sự Tôn Cao

Sự Phục Sinh

Kế hoạch của Thượng Đế giúp cho chúng ta có thể tăng trưởng và nhận được cuộc sống vĩnh cửu. Sau thời gian của chúng ta trong thế giới linh hồn, Sự Phục Sinh là bước tiếp theo của chúng ta trong sự tăng trưởng đó.

Sự Phục Sinh là sự tái hợp của thể xác và linh hồn của chúng ta. Mỗi người chúng ta sẽ được phục sinh. Điều này có thể thực hiện được nhờ vào Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi. (Xin xem An Ma 11:42–44.)

Khi được phục sinh, mỗi chúng ta sẽ có một thể xác hoàn hảo, không còn bị đau đớn và bệnh tật. Chúng ta sẽ được bất diệt, sống vĩnh viễn.

Sự Cứu Rỗi

Vì chúng ta đều sẽ được phục sinh, nên chúng ta đều sẽ được cứu rỗi—hoặc nhận được sự cứu rỗi—khỏi cái chết thể xác. Ân tứ này được ban cho chúng ta nhờ vào ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô.

Chúng ta cũng có thể được cứu rỗi—hoặc nhận được sự cứu rỗi—khỏi những hậu quả mà luật pháp của công lý đòi hỏi đối với tội lỗi của chúng ta. Ân tứ này cũng có thể thực hiện được nhờ vào công lao và lòng thương xót của Chúa Giê Su Ky Tô khi chúng ta hối cải. (Xin xem An Ma 42:13–15, 21–25.)

Sự Tôn Cao

Sự tôn cao, hay cuộc sống vĩnh cửu, là trạng thái hạnh phúc và vinh quang cao nhất trong thượng thiên giới. Sự tôn cao là một ân tứ có điều kiện. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy: “Những điều kiện cần phải hội đủ đó gồm có đức tin nơi Chúa, sự hối cải, phép báp têm, tiếp nhận Đức Thánh Linh, và luôn thành tín với các giáo lễ và giao ước của đền thờ” (“Salvation and Exaltation,” Liahona, tháng Năm năm 2008, trang 9).

Sự tôn cao có nghĩa là sống vĩnh viễn với Thượng Đế trong các gia đình vĩnh cửu. Đó là biết Thượng Đế và Chúa Giê Su Ky Tô, trở nên giống như hai Ngài và kinh nghiệm được cuộc sống mà hai Ngài vui hưởng.

Nghiên Cứu Thánh Thư

Học Hỏi Thêm về Nguyên Tắc Này

  • Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Sự Phục Sinh.”

  • Các Đề Tài Phúc Âm: “Sự Phục Sinh,” “Sự Cứu Rỗi

ánh nắng mặt trời chiếu rọi xuyên qua đám mây

Sự Phán Xét và Các Vương Quốc Vinh Quang

Ghi Chú: Khi mới giảng dạy về các vương quốc vinh quang, hãy giảng dạy ở mức cơ bản tùy theo nhu cầu và sự hiểu biết của một người.

Khi chúng ta phục sinh, Chúa Giê Su Ky Tô sẽ là Đấng phán xét công bình và đầy lòng thương xót của chúng ta. Ngoại trừ rất ít trường hợp ngoại lệ, thì mỗi người chúng ta đều sẽ nhận được một chỗ trong vương quốc vinh quang. Mặc dù chúng ta đều sẽ được phục sinh, nhưng không phải tất cả chúng ta đều sẽ nhận được vinh quang vĩnh cửu như nhau (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 88:22–24, 29–34; 130:20–21; 132:5).

Những cá nhân nào không có cơ hội được hiểu trọn vẹn và tuân theo luật pháp của Thượng Đế trong cuộc sống trần thế của họ đều sẽ được ban cho cơ hội đó trong thế giới linh hồn. Chúa Giê Su sẽ phán xét mỗi người tùy theo đức tin, việc làm, ước muốn và sự hối cải của họ trên trần thế và trong thế giới linh hồn (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 138:32–34, 57–59).

Thánh thư dạy về các vương quốc vinh quang của thượng thiên giới, trung thiên giới và hạ thiên giới. Mỗi vương quốc này là một sự biểu hiện về tình yêu thương, công lý và lòng thương xót của Thượng Đế.

Những người nào vận dụng đức tin nơi Đấng Ky Tô, hối cải tội lỗi của mình, tiếp nhận các giáo lễ của phúc âm, tuân giữ các giao ước của họ, tiếp nhận Đức Thánh Linh và kiên trì đến cùng đều sẽ được cứu vào thượng thiên giới. Vương quốc này cũng sẽ gồm có những người không có cơ hội tiếp nhận phúc âm trong cuộc sống trần thế của họ nhưng “đáng lẽ đã tiếp nhận phúc âm với tất cả tấm lòng của mình” và đã làm như vậy trong thế giới linh hồn (Giáo Lý và Giao Ước 137:8; xin xem thêm câu 7). Những đứa trẻ chết trước tuổi chịu trách nhiệm (tám tuổi) cũng sẽ được cứu vào thượng thiên giới (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 137:10).

Trong thánh thư, thượng thiên giới được so sánh với vinh quang hay sự sáng chói của mặt trời. (Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 76:50–70.)

Những người sống một cuộc sống đáng kính “mà không nhận được chứng ngôn về Chúa Giê Su khi còn ở trong xác thịt, nhưng sau đó đã nhận được” sẽ nhận được một chỗ trong vương quốc trung thiên giới (Giáo Lý và Giao Ước 76:74). Điều này cũng đúng đối với những người không dũng cảm trong chứng ngôn về Chúa Giê Su. Vương quốc này được so sánh với vinh quang của mặt trăng. (Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 76:71–80.)

Những người nào tiếp tục phạm tội và không hối cải trong cuộc sống này hoặc chấp nhận phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô trong thế giới linh hồn đều sẽ nhận được phần thưởng của họ trong vương quốc hạ thiên giới. Vương quốc này được so sánh với vinh quang của các vì sao. (Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 76:81–86.)

Nghiên Cứu Thánh Thư

Học Hỏi Thêm về Nguyên Tắc Này

Đại Cương Ngắn hoặc Trung Bình cho Bài Học

Đại cương sau đây là một ví dụ mẫu về những gì anh chị em có thể giảng dạy cho một người nào đó nếu anh chị em chỉ có một khoảng thời gian ngắn. Khi sử dụng đại cương này, hãy chọn một hoặc nhiều nguyên tắc hơn để giảng dạy. Nền tảng giáo lý cho mỗi nguyên tắc đã được đưa ra trước đó trong bài học.

Khi anh chị em giảng dạy, hãy đặt câu hỏi và lắng nghe. Đưa ra những lời mời mà sẽ giúp mọi người học cách đến gần Thượng Đế hơn. Một lời mời quan trọng là để người đó gặp lại anh chị em. Thời lượng bài học dài hay ngắn sẽ tùy thuộc vào các câu hỏi mà anh chị em hỏi và cách anh chị em lắng nghe.

Những Điều mà Anh Chị Em Có Thể Giảng Dạy từ 3 đến 10 Phút

  • Chúng ta đều là con cái linh hồn của Thượng Đế. Chúng ta thuộc về gia đình của Ngài. Ngài biết và yêu thương mỗi người chúng ta.

  • Thượng Đế đã ban cho một kế hoạch vì hạnh phúc và sự tiến triển của chúng ta trong cuộc sống này và trong thời vĩnh cửu.

  • Trong kế hoạch của Thượng Đế, chúng ta cần phải đến thế gian để tiếp nhận thể xác, học hỏi và tăng trưởng.

  • Chúa Giê Su Ky Tô là trọng tâm kế hoạch của Thượng Đế. Ngài làm cho chúng ta có thể có được cuộc sống vĩnh cửu.

  • Dưới sự hướng dẫn của Thượng Đế, Chúa Giê Su đã tạo dựng thế gian.

  • Những kinh nghiệm của chúng ta trên thế gian là nhằm giúp chúng ta chuẩn bị trở lại nơi hiện diện của Thượng Đế.

  • Mỗi người chúng ta đều phạm tội, và mỗi người chúng ta đều sẽ chết. Vì Thượng Đế yêu thương chúng ta nên Ngài đã sai Con Trai của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, đến thế gian để cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi và cái chết.

  • Tất cả những gì bất công trong cuộc sống đều có thể được làm cho đúng nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Khi thể xác chúng ta chết, thì linh hồn chúng ta vẫn tiếp tục sống. Cuối cùng thì chúng ta đều sẽ được phục sinh. Điều này có nghĩa là linh hồn và thể xác của mỗi người sẽ được tái hợp và mỗi người chúng ta sẽ sống vĩnh viễn trong một thể xác hoàn hảo, phục sinh.

  • Khi chúng ta được phục sinh, Chúa Giê Su Ky Tô sẽ là Đấng phán xét của chúng ta. Ngoại trừ rất ít trường hợp ngoại lệ, thì tất cả con cái của Thượng Đế đều sẽ nhận được một chỗ trong vương quốc vinh quang. Chúng ta có thể trở lại sống nơi hiện diện của Thượng Đế nếu chúng ta thành tín.