Sự Thu Hút Đồng Tính
Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô là gì, và nó giúp tôi bằng cách nào?


“Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô là gì, và nó giúp tôi bằng cách nào?” Sức Thu Hút Đồng Tính: Cá Nhân (năm 2020)

“Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô là gì, và nó giúp tôi bằng cách nào?” Sức Thu Hút Đồng Tính: Cá Nhân

Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô là gì, và nó giúp tôi bằng cách nào?

Tại Sao Chúng Ta Cần Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô

Là dòng dõi của A Đam và Ê Va, tất cả mọi người đều gánh chịu các hậu quả của Sự Sa Ngã. Trong trạng thái sa ngã của chúng ta, chúng ta phải chịu sự tương phản và cám dỗ. Khi nhượng bộ trước cám dỗ, chúng ta xa cách Thượng Đế, và nếu tiếp tục phạm tội thì chúng ta mất đi sự đồng hành và ảnh hưởng của Thánh Linh Ngài, tức là Đức Thánh Linh, trong cuộc sống của mình.

Cách duy nhất để chúng ta được cứu là có một ai đó giải thoát cho chúng ta. Chúng ta cần một người nào đó có thể làm thỏa mãn các đòi hỏi của công lý—đứng trong vị trí của chúng ta để nhận lấy gánh nặng của Sự Sa Ngã và trả giá cho các tội lỗi của chúng ta. Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng duy nhất có khả năng thực hiện một hy sinh như vậy.

Từ trước Sự Sáng Tạo thế gian, Đấng Cứu Rỗi đã là niềm hy vọng duy nhất của chúng ta để có “sự bình an trong đời này và cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau” (Giáo Lý và Giao Ước 59:23).

Quyền Năng Chữa Lành và Củng Cố của Chúa Giê Su Ky Tô

“Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi còn làm nhiều điều hơn là bảo đảm với chúng ta về sự bất diệt bởi một sự phục sinh chung và cung cấp cơ hội để cho chúng ta được thanh tẩy khỏi tội lỗi bằng sự hối cải và phép báp têm. Sự Chuộc Tội của Ngài cũng ban cho cơ hội để kêu cầu Ngài là Đấng đã trải qua tất cả những yếu đuối của con người để chữa lành và ban cho chúng ta sức mạnh để mang những gánh nặng của trần thế. Ngài biết nỗi đau đớn của chúng ta, và Ngài hiện diện ở đó vì chúng ta. Như người Sa Ma Ri nhân lành, khi Ngài thấy chúng ta bị thương ở bên đường, thì Ngài sẽ băng bó vết thương của chúng ta và chăm sóc cho chúng ta (xin xem Lu Ca 10:34). Quyền năng chữa lành và củng cố của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô là dành cho tất cả chúng ta, là những người chịu cầu xin” (Dallin H. Oaks, “Được Củng Cố bởi Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô,” Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 64).

Cuộc sống này là một cơ hội để trở nên giống Cha Thiên Thượng của chúng ta hơn. Khi đi theo vận mệnh vĩnh cửu của mình với tư cách là con cái của Thượng Đế, chúng ta bước vào một tiến trình phát triển và cải thiện liên tục. Như Anh Cả David A. Bednar đã dạy:

“Cuộc hành trình trên trần thế là đi từ điều xấu đến điều tốt đến điều tốt hơn và thay đổi bản tính của chúng ta. Sách Mặc Môn ghi đầy những tấm gương của các môn đồ và các vị tiên tri là những người đã biết, hiểu và được thay đổi bởi quyền năng trợ giúp của Sự Chuộc Tội trong việc thực hiện cuộc hành trình đó. Khi chúng ta tiến đến việc hiểu rõ hơn quyền năng thiêng liêng này, quan điểm về phúc âm của chúng ta sẽ được nới rộng và trở nên phong phú hơn. Một quan điểm như vậy sẽ thay đổi chúng ta trong những cách thức đáng kể. …

“… Trong khi các anh chị em và tôi tiến đến việc hiểu và sử dụng quyền năng trợ giúp của Sự Chuộc Tội trong cuộc sống cá nhân, chúng ta sẽ cầu nguyện và tìm kiếm sức mạnh để thay đổi tình thế của mình thay vì cầu nguyện để tình thế của mình được thay đổi. Chúng ta sẽ trở thành người hành động chứ không phải là đối tượng bị tác động (xin xem 2 Nê Phi 2:14)” (“Sự Chuộc Tội và Hành Trình trên Trần Thế,” Liahona, tháng Tư năm 2012, trang 15–16).

Sự Thay Đổi Các Tấm Lòng

Khi chúng ta tiếp cận được quyền năng của Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô để củng cố và chữa lành, Ngài có thể thay đổi tấm lòng chúng ta.

Anh Cả Jeffrey R. Holland đã chia sẻ câu chuyện sau đây:

“Tôi nói về một thanh niên đi truyền giáo một cách xứng đáng nhưng vì lựa chọn cá nhân nên đã trở về nhà sớm [bởi những cảm giác] hấp dẫn đồng giới tính và một số chấn thương anh đã trải qua trong vấn đề đó. Anh vẫn còn xứng đáng, nhưng đức tin của anh ta đang bị khủng hoảng, gánh nặng về cảm xúc của anh ta trở nên nặng nề hơn và nỗi đau khổ tinh thần của anh ta càng gia tăng nhiều hơn. Do đó, anh ta bị tổn thương, hoang mang, tức giận, bơ vơ và cô độc.

“Chủ tịch phái bộ truyền giáo, chủ tịch giáo khu, giám trợ của anh ta đã dành ra vô số thời giờ để tìm kiếm, khóc và ban phước cho anh ta khi họ giúp đỡ anh ta, nhưng phần lớn nỗi đau khổ của anh ta quá riêng tư nên anh ta giữ lại một phần mà không tiết lộ cho họ biết. Người cha yêu quý trong câu chuyện này trút hết lòng mình để giúp đỡ đứa con của mình, nhưng vì hoàn cảnh làm việc rất khắt khe của ông nên thường là người con trai này và mẹ anh ta phải đối phó với nỗi đau khổ tinh thần trong những đêm dài tăm tối. Ngày lẫn đêm, lúc đầu là trong nhiều tuần, rồi nhiều tháng biến thành năm, họ đã tìm kiếm sự chữa lành … với nhau. Trong những lúc phẫn uất cay đắng (chủ yếu là của anh ấy, nhưng đôi khi chính là nỗi phẫn uất của người mẹ) và sợ hãi bất tận (hầu hết là nỗi sợ hãi của người mẹ nhưng đôi khi anh ấy cũng sợ hãi), người mẹ đã chia sẻ—đây, lại [là] cái từ tuyệt vời, khó khăn này—bà đã chia sẻ với con trai của bà chứng ngôn về quyền năng của Thượng Đế, về Giáo Hội của Ngài nhất là về tình yêu thương của Ngài dành cho đứa con này. Đồng thời, bà cũng làm chứng về tình yêu thương kiên quyết, bất tận của bà dành cho đứa con. Để mang lại hai phần thiết yếu trong chính cuộc sống của mình—phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và gia đình mình—bà tiếp tục cầu nguyện khẩn thiết. Bà nhịn ăn và khóc, khóc và nhịn ăn, rồi sau đó lắng nghe nhiều lần trong khi đứa con trai này nhiều lần nói với bà là nó cảm thấy đau khổ biết bao. Vì vậy bà cưu mang nó—một lần nữa—nhưng lần này không phải là mang thai nó chín tháng. Lần này bà nghĩ rằng bà sẽ phải mãi mãi giúp đỡ nó trải qua những thử thách tinh thần nghiêm trọng.

“Nhưng với ân điển của Thượng Đế, lòng kiên trì của bà, và sự giúp đỡ của nhiều vị lãnh đạo Giáo Hội, bạn bè, những người trong gia đình, cùng các chuyên gia, người mẹ luôn van xin khẩn nài này đã thấy con trai mình vượt qua thử thách và một lần nữa trở nên vững mạnh về phần thuộc linh. Buồn thay, chúng ta thừa nhận rằng một phước lành như vậy không, hay ít nhất là chưa, đến với tất cả các bậc cha mẹ đang đau khổ vì một loạt các hoàn cảnh khác nhau của con cái họ, nhưng … hy vọng [vẫn còn đó]. Và tôi phải nói là khuynh hướng tình dục của đứa con trai này bằng một cách nào đó đã không thay đổi một cách kỳ diệu—không một ai cho rằng điều đó sẽ xảy ra cả. Nhưng dần dần, lòng của anh ta đã thay đổi” (“Đó Là Mẹ Ngươi!,” Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 49).