Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý
Yêu Mến Những Người mà Anh Chị Em Giảng Dạy


“Yêu Mến Những Người Anh Chị Em Giảng Dạy,” Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi: Dành Cho Tất Cả Những Ai Giảng Dạy ở Nhà và tại Nhà Thờ (năm 2022)

“Yêu Mến Những Người mà Anh Chị Em Giảng Dạy,” Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi

Hình Ảnh
Chúa Giê Su Ky Tô nói chuyện với người đàn bà bên giếng nước

Với Đấng Cứu Rỗi là tấm gương cho chúng ta, tình yêu thương trở thành động cơ thúc đẩy cho việc giảng dạy của chúng ta.

Yêu Mến Những Người mà Anh Chị Em Giảng Dạy

Tất cả những điều Đấng Cứu Rỗi đã làm trong suốt giáo vụ trần thế của Ngài đều là do tình yêu thương thúc đẩy. Khi chúng ta cố gắng trở thành các tín đồ chân chính của Đấng Ky Tô, chúng ta có thể được tràn đầy tình yêu thương đó (xin xem Giăng 13:34–35; Mô Rô Ni 7:47–48; 8:26). Khi có tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi trong lòng mình, chúng ta tìm mọi cách có thể để giúp người khác học hỏi về Đấng Ky Tô và đến cùng Ngài. Tình yêu thương trở thành động cơ thúc đẩy cho việc giảng dạy của chúng ta.

Để Yêu Mến Những Người mà Anh Chị Em Giảng Dạy

  • Nhìn những người học như cách Thượng Đế nhìn họ.

  • Tìm cách để biết họ—hiểu hoàn cảnh, nhu cầu, và ưu điểm của họ.

  • Cầu nguyện cho họ bằng tên của họ.

  • Tạo ra một môi trường an toàn, nơi mà tất cả mọi người được tôn trọng và biết rằng những đóng góp của họ được trân quý.

  • Tìm những cách phù hợp để bày tỏ tình yêu thương của anh chị em.

Đấng Cứu Rỗi Nhìn Thấy Tiềm Năng Thiêng Liêng trong Mỗi Người mà Ngài Giảng Dạy

Hầu hết những người ở Giê Ri Cô đã nghĩ rằng họ biết tất cả những gì họ cần biết về Xa Chê. Ông ấy là một người thu thuế—thậm chí là người đứng đầu nhóm thu thuế—và ông ấy giàu có. Rõ ràng, họ đã nghĩ, ông ấy hẳn là kẻ bất lương và nhận lối lộ. Nhưng Chúa Giê Su đã nhìn vào tấm lòng của Xa Chê và thấy một người đáng kính, là “con trai của Áp Ra Ham” (xin xem Lu Ca 19:1–10). Đấng Cứu Rỗi đã nhìn mọi người không chỉ qua vẻ bề ngoài của họ mà còn cả con người thật sự của họ—và con người mà họ có thể trở thành. Với những người đánh cá tầm thường như Si Môn, Anh Rê, Gia Cơ, và Giăng, Ngài đã thấy ở họ là những người lãnh đạo tương lai của Giáo Hội Ngài. Ở kẻ bắt bớ đáng sợ Sau Lơ, Ngài thấy “một đồ dùng [đã được chọn],” là người sẽ thuyết giảng phúc âm của Ngài trước các vua và các quốc gia (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 9:10–15). Và ở anh chị em và mỗi người mà anh chị em giảng dạy, Đấng Cứu Rỗi thấy một người con trai hoặc con gái của Thượng Đế có tiềm năng vô hạn.

Trong số những người mà anh chị em giảng dạy, có thể có một số người có vẻ như trung tín và được cải đạo và số khác dường như không quan tâm hoặc thậm chí chống đối. Hãy thận trọng để không đưa ra các giả định chỉ dựa trên những gì anh chị em thấy. Đức Thánh Linh có thể giúp anh chị em nhìn thấy ở mỗi người một số điều mà Đấng Cứu Rỗi nhìn thấy—và giúp anh chị em bắt đầu yêu thương họ giống như Ngài.

Câu Hỏi để Suy Ngẫm: Hãy nghĩ về từng người mà anh chị em giảng dạy, và suy ngẫm về cảm nghĩ của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su về từng người đó. Hai Ngài có thể nhìn thấy gì ở người ấy? Những suy nghĩ này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cách anh chị em giảng dạy người đó?

Từ Thánh Thư: 1 Sa Mu Ên 16:7; Thi Thiên 8:4–5; Rô Ma 8:16–17; Giáo Lý và Giao Ước 18:10–14

Đấng Cứu Rỗi Biết Chúng Ta và Hiểu Hoàn Cảnh, Nhu Cầu, và Ưu Điểm của Chúng Ta

Người đàn bà Sa Ma Ri không đến giếng nước để nghe một sứ điệp phúc âm. Bà ấy đến để múc nước. Nhưng Đấng Cứu Rỗi có thể nhận ra rằng cơn khát thuộc linh của bà còn hơn cả cơn khát thể chất. Ngài biết rằng bà đã có một quá khứ phức tạp với những mối quan hệ bất ổn. Vì vậy, Chúa Giê Su đã dùng nhu cầu thể chất mà khiến bà lưu tâm ngay lập tức—nước duy trì sự sống—và kết nối nó với nhu cầu thuộc linh sâu xa hơn của bà ấy về “nước sự sống” và “sự sống đời đời.” Vào cuối cuộc trò chuyện, người đàn bà đã có một lời chứng cá nhân rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, được soi dẫn phần nào qua việc Ngài biết rõ bà ra sao. Bà nói: “[Ngài] đã bảo tôi mọi điều tôi đã làm; ấy chẳng phải là Đấng [Ky Tô] sao?” (xin xem Giăng 4:6–29).

Là một giảng viên giống như Đấng Ky Tô bao gồm việc tìm hiểu những người mà anh chị em giảng dạy và cố gắng để hiểu nỗi niềm trong lòng họ. Anh chị em có thể quan tâm đến cuộc sống của họ và cho thấy lòng trắc ẩn. Anh chị em có thể tìm những cách thức để hiểu hoàn cảnh, tài năng, sở thích, và nhu cầu của họ. Anh chị em có thể tìm ra cách thức học hỏi tốt nhất của họ. Anh chị em có thể đặt câu hỏi, chú ý lắng nghe và quan sát. Quan trọng hơn hết, anh chị em có thể cầu nguyện để có được sự hiểu biết mà chỉ có Thánh Linh mới có thể ban cho. Càng hiểu rõ một người, thì anh chị em càng có khả năng giúp họ tìm thấy ý nghĩa và quyền năng cá nhân trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Một khi anh chị em hiểu được cơn khát của một người, Thánh Linh có thể dạy anh chị em cách giúp làm dịu cơn khát đó bằng nước sự sống của Đấng Cứu Rỗi.

Câu Hỏi để Suy Ngẫm: Anh chị em đã biết điều gì về những người mà mình giảng dạy? Điều gì quan trọng đối với họ? Ưu điểm của họ là gì? Họ đang gặp khó khăn gì? Anh chị em có thể làm gì để hiểu họ hơn?

Từ Thánh Thư: Thi Thiên 139:1–5; Ma Thi Ơ 6:25–32; Mác 10:17–21; Giăng 10:14; 3 Nê Phi 17:1–9

Đấng Cứu Rỗi Đã Cầu Nguyện cho Những Người mà Ngài Giảng Dạy

Hãy tưởng tượng Si Môn Phi E Rơ hẳn đã cảm thấy như thế nào khi nghe Đấng Cứu Rỗi phán cùng ông rằng: “Hỡi Si Môn, Si Môn, nầy quỉ Sa Tan đã đòi sàng sảy ngươi, … song ta đã cầu nguyện cho ngươi, hầu cho đức tin ngươi không thiếu thốn” (Lu Ca 22:31–32). Việc biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã cầu nguyện lên Đức Chúa Cha cho anh chị em sẽ ảnh hưởng đến anh chị em như thế nào? Những cư dân Châu Mỹ thời xưa đã có một kinh nghiệm giống như thế này, và họ đã mô tả nó là: “chẳng có ai hiểu thấu được sự vui mừng tràn ngập tâm hồn chúng tôi khi chúng tôi nghe [Chúa Giê Su] cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha cho chúng tôi” (3 Nê Phi 17:17).

Anh chị em cũng có thể nghĩ về điều diễn ra bên trong anh chị em khi anh chị em cầu nguyện cho một người nào đó—một cách kiên định, bằng tên của họ. Những lời cầu nguyện của anh chị em ảnh hưởng như thế nào đến cách anh chị em suy nghĩ về người đó? Những lời cầu nguyện này ảnh hưởng như thế nào đến hành động của anh chị em? Chắc chắn Cha Thiên Thượng của chúng ta nghe và đáp ứng những lời cầu nguyện chân thành của một giảng viên có mong muốn giúp đỡ người học. Trong nhiều trường hợp, Ngài đáp ứng những lời cầu nguyện đó bằng cách làm cảm động tấm lòng của người giảng viên và soi dẫn người ấy làm hoặc nói một điều gì đó mà sẽ giúp người học cảm nhận được tình yêu thương của Ngài.

Câu Hỏi để Suy Ngẫm: Khi anh chị em nghĩ về những người anh chị em giảng dạy, có một người nào đó mà anh chị em cảm thấy có một nhu cầu đặc biệt để đưa vào lời cầu nguyện của mình không? Anh chị em có cảm thấy được soi dẫn để cầu xin điều gì thay cho người ấy không? Những phước lành nào có thể đến khi anh chị em mời những người học cầu nguyện cho nhau?

Từ Thánh Thư: Giăng 17; An Ma 31:24–36; 3 Nê Phi 18:15–24; 19:19–23, 27–34

Đấng Cứu Rỗi Đảm Bảo cho Tất Cả Mọi Người Đều Cảm Thấy Được Tôn Trọng và Trân Quý

Thái độ chung của những người lãnh đạo tôn giáo vào thời Chúa Giê Su là tránh xa những kẻ phạm tội. Vì thế, khi những lãnh đạo này trông thấy Chúa Giê Su giao tiếp với những kẻ phạm tội, họ đã kinh hãi. Một người đi kết giao với những kẻ như vậy thì làm sao có thể là một giảng viên thuộc linh được?

Tất nhiên, Chúa Giê Su có một cách phương pháp khác. Ngài tìm cách để chữa lành cho những người yếu kém về phần thuộc linh (xin xem Mác 2:15–17; Lu Ca 4:17–18). Ngài luôn tìm đến những người khác biệt với những người quanh họ hoặc những ai có một quá khứ phức tạp, và Ngài kết giao với những kẻ phạm tội. Ngài đã ca ngợi đức tin của một người lính La Mã (xin xem Ma Thi Ơ 8:5–13). Ngài kêu gọi một người thu thuế không đáng tin trở thành một trong các môn đồ đáng tin cậy của Ngài (xin xem Mác 2:14). Khi một người đàn bà bị buộc tội ngoại tình, Ngài khiến bà cảm thấy an toàn và soi dẫn cho bà biết hối cải và sống một cuộc sống tốt hơn (xin xem Giăng 8:1–11).

Nhưng Chúa Giê Su còn làm nhiều hơn thế nữa. Ngài đã duy trì thái độ chấp nhận và yêu thương giống như vậy giữa những tín đồ của Ngài. Tấm gương của Ngài chắc chắn đã ở trong lòng của Các Sứ Đồ của Ngài khi đến thời điểm họ mang phúc âm tới cho tất cả mọi người. Điều này được phản ánh qua lời của Phi E Rơ rằng: “Quả thật, ta biết Đức Chúa Trời chẳng vị nể ai” (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:34).

Chắc hẳn hầu hết những người mà anh chị em được kêu gọi để giảng dạy đều gặp khó khăn trong một phương diện nào đó để cảm thấy được tôn trọng và trân quý. Bằng cách yêu thương và tôn trọng họ, anh chị em có thể nói rằng họ không những được đón chào mà còn được cần đến. Anh chị em có thể tìm đến những người không tham dự, đang gặp khó khăn, hoặc dường như không quan tâm, hãy kiên nhẫn nếu sự tiến triển có vẻ chậm. Anh chị em có thể giúp mọi người cảm thấy an toàn và thoải mái để chia sẻ những thắc mắc của họ với những người có cùng đức tin. Và anh chị em có thể làm nhiều hơn thế nữa. Anh chị em có thể truyền cảm hứng cho tất cả những người học để giúp anh chị em tạo ra một môi trường nơi mà giáo lý được giảng dạy trong tinh thần tôn trọng, cảm thấy được thuộc về, và yêu thương.

Câu Hỏi để Suy Ngẫm: Điều gì giúp cho một người cảm thấy được tôn trọng và có giá trị? Điều gì truyền cảm hứng cho một người để tôn trọng và trân quý người khác? Khi anh chị em chân thành nghĩ về những người mà anh chị em giảng dạy, thì anh chị em được thúc giục để làm điều gì để tất cả họ đều cảm thấy được chào đón và được cần đến?

Từ Thánh Thư: Giăng 4; 2 Nê Phi 26:27–28, 33; An Ma 1:26; 3 Nê Phi 18:22–25

Hình Ảnh
người cha đang giảng dạy con cái

Giảng viên có thể giúp những người mà họ giảng dạy cảm thấy được yêu thương.

Đấng Cứu Rỗi Đã Bày Tỏ Tình Yêu Thương Của Ngài dành cho Những Người mà Ngài Giảng Dạy

Vào cuối một ngày giảng dạy và phục vụ tuyệt vời, đầy gây dựng giữa dân Nê Phi, Chúa Giê Su nhận thấy rằng đã đến lúc Ngài phải đi rồi. Ngài còn phải đi thăm những dân khác. “Các ngươi hãy trở về nhà” Ngài phán, “mà chuẩn bị tâm trí mình cho ngày mai.” Nhưng mọi người chỉ ngồi đó mà “rơi lụy” và “chăm chú nhìn Ngài như muốn cầu xin Ngài ở nán lại với họ lâu hơn chút nữa.” Cảm nhận được nhu cầu không thành lời của họ và với lòng “đầy sự thương hại,” Chúa Giê Su đã nán lại lâu hơn một chút (3 Nê Phi 17:3, 5–6). Ngài ban phước cho những người bệnh tật và đau khổ. Ngài quỳ xuống và cầu nguyện với họ. Ngài khóc với họ, và Ngài hân hoan với họ.

Hãy cân nhắc việc thành tâm học hỏi lời nói và hành động của Đấng Cứu Rỗi trong 3 Nê Phi 17. Suy ngẫm về tình yêu thương mà Ngài bày tỏ cho những người Ngài giảng dạy. Tìm những câu thể hiện tình yêu thương của Ngài ở những phần khác trong thánh thư. Rồi hãy nghĩ về những người mà anh chị em giảng dạy. Làm thế nào để anh chị em bày tỏ tình yêu thương với họ một cách thích hợp? Hãy để cho Thánh Linh hướng dẫn anh chị em. Nếu anh chị em cảm thấy khó khăn trong việc cảm nhận hoặc bày tỏ tình yêu thương với những người mà mình giảng dạy, thì hãy bắt đầu bằng cách làm chứng về tình yêu thương của Thượng Đế. Rồi “cầu nguyện lên Đức Chúa Cha với tất cả mãnh lực của lòng mình, để [anh chị em] được tràn đầy với [tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô], là tình thương mà Ngài đã ban cho tất cả những tín đồ chân chính của Vị Nam Tử của Ngài, tức là Chúa Giê Su Ky Tô” (Mô Rô Ni 7:48). Và hãy nhớ rằng đừng bao giờ để nỗi lo lắng về việc giảng dạy bài học làm anh chị em sao lãng việc bày tỏ tình yêu thương qua lời nói và hành động của mình. Thường thì cách anh chị em đối xử với người khác cũng quan trọng như điều anh chị em giảng dạy họ.

Câu Hỏi để Suy Ngẫm: Làm thế nào mà Đấng Cứu Rỗi đã giúp anh chị em biết về tình yêu thương của Ngài dành cho anh chị em? Bằng cách nào cha mẹ hoặc những giảng viên khác giúp anh chị em cảm nhận được tình yêu thương của Ngài? Những người mà anh chị em giảng dạy có biết rằng anh chị em yêu thương họ hay không? Họ có biết Đấng Cứu Rỗi yêu thương họ không?

Từ Thánh Thư: Mác 6:31–42; Giăng 13:3–16, 34–35; 15:12–13; 1 Cô Rinh Tô 13:1–7; 1 Giăng 4:7–11

Một Số Cách để Áp Dụng Những Điều Anh Chị Em Đang Học Hỏi

  • Nếu anh chị em đang giảng dạy một lớp học, thì hãy học thuộc tên của các học viên và gọi tên họ khi anh chị em giảng dạy.

  • Bày tỏ sự biết ơn của anh chị em khi người học có đóng góp cho bài học.

  • Tương tác với người học trước và sau khi anh chị em giảng dạy.

  • Giúp người học phát triển một bầu không khí yêu thương và tôn trọng lẫn nhau.

  • Chăm chú lắng nghe—khi anh chị em đang giảng dạy và vào những lúc khác.

  • Thực hiện các hành động phục vụ cho những người mà anh chị em giảng dạy.

  • Sẵn lòng thay đổi kế hoạch giảng dạy của anh chị em để dành nhiều thời gian hơn cho các nguyên tắc có ý nghĩa với những người mà anh chị em giảng dạy.

In