“Mời Gọi Học Tập Siêng Năng,” Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi: Dành Cho Tất Cả Những Ai Giảng Dạy ở Nhà và ở Nhà Thờ (năm 2022)
“Mời Gọi Học Tập Siêng Năng,” Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi
Mời Gọi Học Tập Siêng Năng
Quả là điều vô cùng kinh ngạc khi nhìn thấy Đấng Cứu Rỗi bước đi trên mặt nước. Nhưng điều đó không đủ đối với Phi E Rơ. Ông muốn làm điều mà Đấng Cứu Rỗi đã làm, ở những nơi Ngài đã ở, và tự mình có được trải nghiệm tương tự. Ông nói: “Xin khiến tôi đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa.” Đấng Cứu Rỗi đáp lại bằng một lời mời đơn giản: “Hãy lại đây.” Sau đó Phi E Rơ bước ra khỏi sự an toàn của chiếc thuyền và cho chúng ta thấy rằng vai trò môn đồ không phải là một sự thụ động (xin xem Ma Thi Ơ 14:24–33). Nó đòi hỏi đức tin nơi Đấng Ky Tô và nỗ lực siêng năng. Nhưng đồng thời điều đó cũng mang lại phần thưởng lớn là được bước đi cùng Đấng Cứu Rỗi.
“Hãy lại đây.” “Hãy đến xem.” “Hãy đến mà theo ta.” “Hãy đi, làm theo như vậy” (Ma Thi Ơ 14:29; Giăng 1:39; Lu Ca 18:22; 10:37). Từ lúc bắt đầu giáo vụ của Ngài, Đấng Cứu Rỗi đã mời gọi các tín đồ của Ngài phải tự mình trải nghiệm những lẽ thật, quyền năng và tình yêu thương mà Ngài đã ban cho. Ngài làm như vậy bởi đó mới là cách học hỏi thực sự. Đó không chỉ là lắng nghe hay đọc; mà nó còn là thay đổi, hối cải, và tiến triển. Theo lời của Đấng Cứu Rỗi, sự hiểu biết đến “bằng cách học hỏi và cũng bằng đức tin” (Giáo Lý và Giáo Ước 88:118; sự nhấn mạnh được thêm vào). Và đức tin bao gồm việc tự hành động lấy một mình chứ không bị tác động (xin xem 2 Nê Phi 2:26).
Khi noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta mời gọi những người mà chúng ta giảng dạy cầu xin, tìm kiếm, và gõ cửa—rồi sẽ gặp được (xin xem Ma Thi Ơ 7:7–8). Và bản thân chúng ta chấp nhận lời mời đó. Qua đức tin của chúng ta nơi Đấng Ky Tô và cùng với nỗ lực siêng năng của mình, chúng ta sẽ tiến đến việc tự mình biết được ý nghĩa của việc bước đi cùng Ngài.
Đấng Cứu Rỗi Đã Giúp Người Khác Chịu Trách Nhiệm về Việc Học Tập của Họ
Việc đóng những con thuyền có thể băng qua đại dương một cách an toàn là một nhiệm vụ khó đối với bất kỳ ai. Anh trai của Gia Rết “luôn luôn được bàn tay của Chúa chỉ dẫn” (Ê The 2:6), khi nhận được những hướng dẫn về hình dáng của con thuyền và cách để chúng có không khí lưu thông. Nhưng anh chị em nhận thấy điều gì về cách Chúa trả lời khi anh của Gia Rết hỏi về việc cung cấp ánh sáng trong thuyền? (xin xem Ê The 2:22–25). Anh của Gia Rết được ban phước như thế nào qua lời mời thực hành đức tin của mình theo cách này? (xin xem Ê The 3:1–16).
Dường như là dễ dàng hơn nếu chỉ cần nói với người học tất cả mọi điều mà anh chị em nghĩ họ nên biết. Tuy nhiên, Anh Cả David A Bednar đã khuyên: “Mục đích của chúng ta không phải là ‘Tôi cần bảo cho họ biết điều gì?’ Thay vì thế, những câu hỏi để tự hỏi bản thân mình là ‘Tôi có thể mời họ làm gì? Tôi có thể đặt ra những câu hỏi đầy soi dẫn nào, nếu họ sẵn lòng trả lời, mà sẽ bắt đầu mời Đức Thánh Linh vào trong cuộc sống của họ?’” (buổi họp tối với một Vị Thẩm Quyền Trung Ương, ngày 7 tháng Hai năm 2020, broadcasts.ChurchofJesusChrist.org).
Hãy cân nhắc cách anh chị em có thể mời người học chịu trách nhiệm đối với việc học của họ. Ví dụ, anh chị em có thể mời họ tự đặt ra câu hỏi của riêng mình, rồi tìm câu trả lời, suy ngẫm, và chia sẻ hoặc ghi lại những suy nghĩ và cảm nhận của họ. Khi làm như vậy, họ sẽ củng cố đức tin của họ, khám phá ra các lẽ thật trong lời của Thượng Đế, và có những kinh nghiệm riêng của họ với các lẽ thật này. Khi chúng ta chịu trách nhiệm về việc học tập của mình, chúng ta có thể nói, như Joseph Smith đã nói, “Con vừa khám phá ra” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:20).
Câu Hỏi để Suy Ngẫm: Tại sao việc người học trở nên tích cực thay vì thụ động trong việc học tập của họ lại quan trọng? Làm thế nào anh chị em có thể giúp họ chịu trách nhiệm đối với việc học hỏi của họ? Các giảng viên đã giúp đỡ anh chị em làm được điều này bằng cách nào? Anh chị em có thể nghĩ ra những ví dụ nào từ thánh thư mà có những người được mời gọi để tự họ khám phá ra lẽ thật? Những tấm gương này ảnh hưởng như thế nào đến cách anh chị em giảng dạy?
Từ Thánh Thư: 1 Nê Phi 11; Giáo Lý và Giao Ước 9:7–8; 58:26–28; 88:118–125; Joseph Smith—Lịch Sử 1:11–20
Đấng Cứu Rỗi Đã Khuyến Khích Người Khác Hãy Đến để Biết về Ngài bằng cách Học Hỏi Lời Ngài
Khi đến lúc Đấng Cứu Rỗi chính thức tổ chức Giáo Hội của Ngài vào những ngày sau, Ngài đã phán với các tôi tớ của Ngài rằng: “Phải tin cậy vào những điều đã được viết ra” (Giáo Lý và Giao Ước 18:3). Thật vậy, cuốn Sách Mặc Môn mà họ đã phiên dịch gần xong, có lời chỉ dẫn hữu ích về bổn phận này, kể cả cách làm phép báp têm, cách ban phước lành Tiệc Thánh, và những chi tiết có giá trị khác. Nhưng Đấng Cứu Rỗi cũng muốn các tôi tớ của Ngài xem những điều mặc khải của Ngài là cơ hội để nghe lời Ngài và dần biết rõ về Ngài hơn. Trong cùng một điều mặc khải đó, Ngài đã phán với họ: “Vì chính tiếng nói của ta nói lên [những lời này] với các ngươi … vậy nên, các ngươi có thể làm chứng rằng các ngươi đã nghe tiếng nói của ta và biết những lời của ta” (Giáo Lý và Giao Ước 18:35–36).
Hãy nghĩ về những người mà anh chị em giảng dạy. Họ thấy việc học thánh thư như thế nào? Về vấn đề đó, anh chị em cảm thấy như thế nào? Đó có phải là bổn phận hằng ngày không? Khi học thánh thư, anh chị em có cảm thấy Đấng Cứu Rỗi đang nói chuyện trực tiếp với mình không? Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói: “Chúng ta có thể làm gì để nghe lời Ngài? Chúng ta có thể tìm đến thánh thư. … Việc hằng ngày chú tâm đến lời của Thượng Đế là rất thiết yếu cho sự sống còn của thuộc linh nhất là trong những ngày biến động càng ngày càng gia tăng này. Hằng ngày, khi chúng ta nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô, thì những lời này sẽ cho chúng ta biết cách đối phó với những khó khăn mà chúng ta không bao giờ nghĩ là mình sẽ gặp phải” (“Hãy Nghe Lời Người,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 89). Khi anh chị em giảng dạy, hãy khuyến khích người học nghiên cứu thánh thư với mục đích tìm kiếm Đấng Cứu Rỗi—không chỉ tìm các câu hoặc sự kiện về Ngài mà còn là tìm kiếm Ngài. Lắng nghe tiếng nói của Chúa mỗi ngày trong thánh thư là nền tảng của việc siêng năng tự giác học hỏi phúc âm suốt đời.
Câu Hỏi để Suy Ngẫm: Hãy xem xét thói quen học thánh thư của anh chị em. Việc học lời của Thượng Đế đã củng cố mối quan hệ của anh chị em với Ngài như thế nào? Anh chị em có thể làm gì để cải thiện việc học của mình? Làm thế nào để anh chị em truyền cảm hứng cho những người khác để siêng năng và thường xuyên học hỏi lời của Thượng Đế? Họ sẽ nhận được các phước lành nào khi làm điều đó?
Từ Thánh Thư: Giô Suê 1:8; 2 Ti Mô Thê 3:15–17; 2 Nê Phi 32:3; Gia Cốp 2:8; 4:6; Giáo Lý và Giao Ước 33:16
Đấng Cứu Rỗi Đã Mời Gọi Người Khác Hãy Chuẩn Bị để Học Hỏi
Ngay cả những hạt giống tốt nhất cũng không thể mọc trên đất cứng, sỏi đá hoặc gai góc. Tương tự như vậy, ngay cả giáo lý quý báu và thúc đẩy đức tin cũng không thể thay đổi một tấm lòng không sẵn sàng tiếp nhận nó. Đó là một phần của sứ điệp trong câu chuyện ngụ ngôn của Đấng Cứu Rỗi về người gieo giống, hạt giống, và các loại đất khác nhau. Hạt giống nằm ở nơi “đất tốt”—là tấm lòng đã được xoa dịu và được gột sạch sự chai sạn và gai góc của phần thuộc linh—rằng lời của Thượng Đế mang lại cuộc sống đơm hoa kết quả (xin xem Ma Thi Ơ 13:1–9, 18–23).
Việc chuẩn bị phần thuộc linh là điều quan trọng—đối với anh chị em và những người mà anh chị em giảng dạy. Vậy làm thế nào để chúng ta giúp chuẩn bị lòng mình để chúng trở thành “đất tốt” cho lời của Thượng Đế? Hãy suy ngẫm các nguyên tắc chuẩn bị sau đây, mà anh chị em có thể áp dụng trong cuộc sống của mình và khuyến khích những người mà anh chị em giảng dạy áp dụng vào cuộc sống của họ. Cầu nguyện để tìm thấy điều mà Chúa muốn anh chị em học hỏi. Sống theo cách mà mời Ngài hiện diện trong cuộc sống của anh chị em. Hối cải hằng ngày. Nuôi dưỡng ước muốn học hỏi của anh chị em bằng cách đặt ra những câu hỏi chân thành. Học hỏi lời của Chúa với đức tin rằng Ngài sẽ dẫn dắt anh chị em đến câu trả lời. Mở lòng với bất cứ điều gì Ngài sẽ giảng dạy anh chị em.
Khi người học chuẩn bị để học hỏi theo cách này, họ sẽ có đôi mắt thuộc linh để nhìn và đôi tai để nghe điều Chúa muốn họ biết (xin xem Ma Thi Ơ 13:16).
Câu Hỏi để Suy Ngẫm: Anh chị em làm gì để chuẩn bị bản thân cho việc học hỏi? Sự chuẩn bị của anh chị em có ảnh hưởng như thế nào đến cách anh chị em thấy, nghe, và hiểu lời của Thượng Đế? Làm thế nào anh chị em có thể truyền cảm hứng cho những người khác chuẩn bị để học hỏi? Điều đó có thể tạo ra sự khác biệt nào trong cách họ tiếp nhận các lẽ thật của phúc âm?
Từ Thánh Thư: Ê Nót 1:1–8; An Ma 16:16–17; 32:6, 27–43; 3 Nê Phi 17:3
Đấng Cứu Rỗi Đã Khuyến Khích Người Khác Hãy Chia Sẻ Các Lẽ Thật mà Họ Đang Học Hỏi
“Miệng và lưỡi tôi hay ngập ngừng”, Hê Nóc than thở khi Chúa kêu gọi ông đi rao giảng phúc âm. Nhưng tài hùng biện chưa bao giờ được đòi hỏi nơi một tôi tớ của Chúa. Thay vào đó, Chúa đã hứa với Hê Nóc rằng nếu ông có đủ đức tin để mở miệng, thì những lời đó sẽ đến. Ngài phán: “ta sẽ ban cho ngươi lời nói”, (Môi Se 6:31–32). Hê Nóc đã thực hành đức tin của mình, và Chúa quả thật đã phán bảo qua ông, với những lời mạnh mẽ đến nỗi khiến dân chúng run sợ (xin xem Môi Se 6:47). Thật vậy, những lời đó đã khiến đất rung chuyển. Các núi chạy trốn; các con sông phải thay đổi dòng nước của chúng; các quốc gia hết sức kính sợ dân của Thượng Đế, “lời nói của Hê Nóc thật mạnh mẽ, và quyền năng của ngôn ngữ mà Thượng Đế đã ban cho ông thật lớn lao làm sao” (Môi Se 7:13).
Chúa muốn tất cả chúng ta—không chỉ các vị tiên tri của Ngài—có được quyền năng để nói lời Ngài. Ngài muốn điều đó cho tất cả chúng ta, kể cả những người mà anh chị em giảng dạy (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 1:20–21). Lời nói của chúng ta có thể không dời núi hay chuyển hướng dòng chảy của các con sông, nhưng chúng có thể giúp thay đổi tấm lòng. Đó là lý do tại sao việc tạo cơ hội cho người học chia sẻ với nhau điều họ đang học về Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài là quan trọng. Việc này sẽ giúp họ tiếp thu các lẽ thật mà họ được giảng dạy và bày tỏ những lẽ thật đó. Điều này cũng sẽ giúp họ tự tin vào khả năng chia sẻ các lẽ thật của mình trong những hoàn cảnh khác.
Câu Hỏi để Suy Ngẫm: Hãy nghĩ về lúc mà anh chị em nói về một lẽ thật phúc âm với một ai đó. Anh chị em đã học được gì từ kinh nghiệm ấy? Khi nào anh chị em biết ơn vì một người nào đó đã có can đảm để chia sẻ những ý nghĩ và niềm tin của họ? Những người mà anh chị em giảng dạy sẽ được lợi ích ra sao từ các cơ hội nói về những điều họ đang học? Anh chị em có thể tạo ra những cơ hội nào cho họ?
Từ Thánh Thư: An Ma 17:2–3; Mô Rô Ni 6:4–6; Giáo Lý và Giao Ước 84:85; 88:122; 100:5–8
Đấng Cứu Rỗi Đã Mời Gọi Người Khác Hãy Sống Theo Những Điều Ngài Giảng Dạy
“Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy.” “Hãy yêu kẻ thù nghịch.” “Hãy xin, sẽ được.” “Hãy vào cửa hẹp.” (Ma Thi Ơ 5:16, 44; 7:7, 13.) Một số lời mời mạnh mẽ và đáng nhớ nhất trong suốt giáo vụ trần thế của Đấng Cứu Rỗi đã được đưa ra khi Ngài giảng dạy các môn đồ của Ngài trên sườn núi nhìn xuống Biển Ga Li Lê. Mục đích của Đấng Cứu Rỗi là thay đổi cuộc sống, như được nói rõ qua lời mời cuối cùng của Ngài: “Vậy, kẻ nào nghe và làm theo, lời ta phán đây thì giống như một người khôn ngoan cất nhà mình trên vầng đá” (Ma Thi Ơ 7:24; sự nhấn mạnh được thêm vào).
Có mưa sa, lũ lụt, gió lay trong cuộc sống của mọi người. Nếu người học phải chịu đựng tất cả những thử thách mà họ sẽ phải đối mặt thì việc học hỏi về phúc âm là không đủ. Đây là lý do tại sao chúng ta không nên ngần ngại mời người học suy ngẫm cách họ có thể sống theo điều mà họ đang học. Vì tôn trọng quyền tự quyết của người khác, nhiều lời mời của chúng ta sẽ được nói một cách chung chung: “Anh chị em cảm thấy có ấn tượng để làm điều gì?” Đôi khi lời mời của chúng ta có thể cần phải cụ thể hơn: “Anh chị em sẽ chọn một thuộc tính của Đấng Cứu Rỗi mà mình muốn phát triển không?” Khi anh chị em tạo cơ hội để người học nghe, nhận biết, và chia sẻ những sự thúc giục từ Đức Thánh Linh, thì Ngài sẽ giảng dạy họ những hành động cá nhân nào mà họ cần thực hiện. Hãy giúp người học suy nghĩ về các phước lành mà sẽ đến sau khi họ hành động theo điều họ học, và khuyến khích họ kiên trì ngay cả khi điều đó trở nên khó khăn. Việc sống theo lẽ thật là con đường nhanh nhất để có đức tin, chứng ngôn, và sự cải đạo lớn lao hơn. Như Đấng Cứu Rỗi đã phán, việc sống theo giáo lý của Đức Chúa Cha là đường lối cho tất cả chúng ta để thật sự biết được giáo lý này là chân chính (xin xem Giăng 7:17).
Câu Hỏi để Suy Ngẫm: Khi nào anh chị em đã được soi dẫn để hành động bởi lời mời từ một người nào đó? Kết quả là cuộc sống của anh chị em đã thay đổi ra sao? Hãy lưu ý những lời mời đã được đưa ra trong thánh thư và từ các vị lãnh đạo Giáo Hội. Anh chị em học được điều gì mà có thể giúp anh chị em mời người khác hành động? Anh chị em có thể kiểm tra kết quả lời mời của mình bằng những cách nào?
Từ Thánh Thư: Lu Ca 10:36–37; Giăng 7:17; Gia Cơ 1:22; Mô Si A 4:9–10; Giáo Lý và Giao Ước 43:8–10; 82:10