“Giảng Dạy Giáo Lý,” Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi: Dành Cho Tất Cả Những Ai Giảng Dạy ở Nhà và ở Nhà Thờ (năm 2022)
“Giảng Dạy Giáo Lý,” Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi
Giảng Dạy Giáo Lý
Mặc dù Chúa Giê Su gia tăng sự thông sáng và sự hiểu biết suốt cuộc đời của Ngài, nhưng Ngài không được dạy dỗ một cách chính quy như những người lãnh đạo tôn giáo khác trong thời của Ngài. Tuy nhiên, khi Ngài giảng dạy, dân chúng sững sờ mà nói rằng: “Người nầy chưa từng học, làm sao biết được Kinh Thánh?” Tại sao những lời giảng dạy của Ngài lại mạnh mẽ đến thế? Đấng Cứu Rỗi giải thích: “Đạo lý của ta chẳng phải bởi ta, nhưng bởi Đấng đã sai ta đến” (Giăng 7:15–16). Giáo lý là lẽ thật vĩnh cửu—được tìm thấy trong thánh thư và lời của các vị tiên tri ngày sau—chỉ cho chúng ta cách để trở nên giống như Cha Thiên Thượng và trở về với Ngài. Bất kể kinh nghiệm làm giảng viên của anh chị em nhiều hay ít, thì anh chị em có thể giảng dạy với quyền năng, như Đấng Cứu Rỗi đã làm, bằng cách giảng dạy giáo lý của Đức Chúa Cha. Anh chị em và những người mà anh chị em giảng dạy sẽ kinh ngạc trước những phước lành mà Thượng Đế gửi đến khi việc giảng dạy và học hỏi của anh chị em được dựa trên lời Ngài.
Đấng Cứu Rỗi Đã Học Hỏi Giáo Lý
Dường như rõ ràng rằng Đấng Cứu Rỗi đã học hỏi từ thánh thư trong thời niên thiếu của Ngài khi Ngài càng thêm “khôn ngoan … và đẹp lòng Đức Chúa Trời” (Lu Ca 2:52). Sự hiểu biết sâu sắc của Ngài về giáo lý của Đức Chúa Cha được thể hiện rõ khi cha mẹ Ngài tìm thấy Ngài trong đền thờ ở tuổi niên thiếu, đang giảng dạy cho các thầy Do Thái và trả lời các câu hỏi của họ (xin xem Bản Dịch Joseph Smith, Lu Ca 2:46 [trong Bản Dịch Joseph Smith Phụ Lục]). Sau đó, khi Sa Tan ra sức cám dỗ Ngài trong đồng vắng, thì sự hiểu biết của Chúa Giê Su về giáo lý trong thánh thư đã giúp Ngài chống lại sự cám dỗ vô cùng đó (xin xem Lu Ca 4:3–12).
Anh chị em cũng có thể tìm cách học hỏi giáo lý chân chính một cách kỹ lưỡng hơn trước khi giảng dạy giáo lý đó. Khi anh chị em chuẩn bị để giảng dạy và học hỏi với người khác, hãy xem xét kỹ những điều Chúa đã phán về các lẽ thật mà anh chị em đang giảng dạy. Hãy tra cứu thánh thư và lời của các vị tiên tri tại thế để có được lời giải thích và khuyên bảo. Việc sống theo và áp dụng các lẽ thật anh chị em học sẽ mời gọi Thánh Linh để giảng dạy giáo lý cho anh chị em một cách sâu sắc hơn và xác nhận tính xác thực của giáo lý trong lòng của những người mà anh chị em giảng dạy.
Câu Hỏi để Suy Ngẫm: Tại sao việc hiểu các lẽ thật phúc âm lại quan trọng đối với bản thân anh chị em? Làm thế nào để anh chị em có được sự hiểu biết sâu sắc hơn về các lẽ thật của phúc âm? Anh chị em cảm thấy được soi dẫn để làm gì nhằm cải thiện việc học hỏi từ thánh thư và lời của các vị tiên tri tại thế?
Từ Thánh Thư: Châm Ngôn 7:1–3; 2 Nê Phi 4:15–16; Giáo Lý và Giao Ước 11:21; 88:118
Đấng Cứu Rỗi Đã Giảng Dạy từ Thánh Thư
Sau cái chết của Đấng Cứu Rỗi, hai trong số các môn đồ của Ngài vừa đi vừa trò chuyện với một nỗi buồn xen lẫn sự kinh ngạc trong lòng. Làm sao họ có thể hiểu được những điều mới vừa xảy ra? Chúa Giê Su ở Na Xa Rét, người mà họ tin tưởng là Đấng Cứu Chuộc của họ, đã chết được ba ngày rồi. Và rồi họ nghe tin là ngôi mộ của Ngài trống không, cùng các thiên sứ rao truyền rằng Ngài đã sống lại! Vào thời điểm then chốt đối với đức tin của các môn đồ này, một người lạ đã đi cùng họ. Ông ấy an ủi họ bằng cách “cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về [Đấng Cứu Rỗi] trong cả Kinh Thánh.” Cuối cùng, hai người đi đường nhận ra rằng người đã giảng giải cho họ chính là Chúa Giê Su Ky Tô và Ngài thực sự đã sống lại. Họ đã nhận biết Ngài bằng cách nào? Sau đó, họ nhớ lại: “Khi nãy đi đường, Ngài nói cùng chúng ta và cắt nghĩa Kinh Thánh, lòng chúng ta há chẳng nóng nảy sao?” (Lu Ca 24:27, 32).
Anh Cả D. Todd Christofferson đã dạy “Mục đích chính yếu của tất cả thánh thư là làm tràn đầy tâm hồn chúng ta với đức tin nơi Thượng Đế Đức Chúa Cha và nơi Vị Nam Tử là Chúa Giê Su Ky Tô (“Phước Lành của Thánh Thư,” Liahona, tháng Năm năm 2010, trang 34). Trong suốt giáo vụ của Ngài, Chúa Giê Su đã sử dụng thánh thư để giảng dạy, chỉnh sửa, và soi dẫn người khác. Hãy đảm bảo rằng việc giảng dạy của anh chị em không rời xa khỏi thánh thư và lời của các vị tiên tri. Khi trung tín trông cậy vào lời của Thượng Đế trong khi giảng dạy, anh chị em có thể làm cho người khác những điều mà Đấng Cứu Rỗi đã làm. Anh chị em có thể giúp họ biết về Ngài, vì tất cả chúng ta đều cần được thường xuyên củng cố đức tin của mình nơi Đấng Cứu Rỗi. Sự yêu thích thánh thư của anh chị em sẽ được thể hiện rõ cho những người mà anh chị em giảng dạy, và việc giảng dạy của anh chị em sẽ mời gọi Thánh Linh làm cho tâm hồn họ hừng hực chứng ngôn về Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử.
Câu Hỏi để Suy Ngẫm: Anh chị em đã được ảnh hưởng như thế nào bởi một giảng viên đã dùng thánh thư để giúp anh chị em biết rõ hơn về Đấng Cứu Rỗi? Anh chị em có thể làm gì để trông cậy nhiều hơn vào thánh thư và lời của các vị tiên tri khi anh chị em giảng dạy? Làm thế nào để anh chị em có thể giúp những người mà mình giảng dạy biết và yêu thích lời của Thượng Đế?
Từ Thánh Thư: Lu Ca 4:14–21; An Ma 31:5; Hê La Man 3:29–30;3 Nê Phi 23
Đấng Cứu Rỗi Đã Giúp Đỡ Mọi Người Tìm Kiếm, Nhận Biết, và Hiểu Lẽ Thật
Một thầy dạy luật có lần đã hỏi Chúa Giê Su rằng: “Thưa thầy, tôi phải làm gì cho được hưởng sự sống đời đời?” Để đáp lại, Đấng Cứu Rỗi hướng người hỏi đến câu thánh thư: “Trong luật pháp có chép điều gì? Ngươi đọc gì trong đó?” Điều này khiến người đàn ông này không những tự trả lời—“Hãy yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi … và người lân cận”—mà còn đặt ra câu hỏi tiếp theo: “Ai là người lân cận tôi?” Đấng Cứu Rỗi đã trả lời câu hỏi này bằng một câu chuyện ngụ ngôn về ba người đàn ông thấy một người đi đường gặp nạn. Chỉ có một người trong ba người họ dừng lại để giúp đỡ, đó là một người Sa Ma Ri, vốn bị dân Do Thái ghét bỏ chỉ bởi nguồn gốc của mình. Rồi Chúa Giê Su mời thầy dạy luật tự trả lời cho câu trả lời của ông ấy: “Trong ba người đó, ngươi tưởng ai là lân cận với kẻ bị cướp?” (xin xem Lu Ca 10:25–37).
Anh chị em nghĩ tại sao Đấng Cứu Rỗi giảng dạy theo cách này—trả lời các câu hỏi bằng lời mời gọi để tìm kiếm, suy ngẫm, và khám phá? Một phần của câu trả lời là Chúa xem trọng nỗ lực tìm kiếm lẽ thật. Ngài đã mời gọi và lặp đi lặp lại nhiều lần, rằng: “Hãy tìm, sẽ gặp” (xin xem ví dụ, Ma Thi Ơ 7:7; Lu Ca 11:9; Giáo Lý và Giao Ước 4:7). Ngài tưởng thưởng cho những người tìm kiếm chịu hành động trong đức tin và sự kiên nhẫn.
Giống như Đấng Cứu Rỗi, anh chị em có thể giúp những người mà anh chị em giảng dạy nhận biết và hiểu lẽ thật. Ví dụ như thánh thư có đầy dẫy các lẽ thật phúc âm, nhưng đôi lúc cần phải nỗ lực để tìm ra các lẽ thật phúc âm đó. Khi anh chị em cùng nhau học hỏi thánh thư, hãy dừng lại và hỏi những người mà anh chị em giảng dạy xem họ nhận thấy những lẽ thật phúc âm nào. Hãy giúp họ nhìn thấy cách các lẽ thật này liên quan đến kế hoạch cứu rỗi của Cha Thiên Thượng. Đôi khi các lẽ thật vĩnh cửu được nêu trong thánh thư, và đôi khi chúng được minh họa trong các câu chuyện và cuộc đời của những người mà chúng ta đọc. Cũng có thể hữu ích để cùng nhau tìm hiểu thêm về bối cảnh lịch sử của những câu mà anh chị em đang đọc, cũng như ý nghĩa của các câu thánh thư và cách chúng áp dụng cho chúng ta ngày nay.
Câu Hỏi để Suy Ngẫm: Làm thế nào anh chị em xác định được các lẽ thật vĩnh cửu trong thánh thư hoặc trong lời của các vị tiên tri? Các lẽ thật này đã ban phước cho cuộc sống của anh chị em như thế nào? Anh chị em có thể giúp người học nhận biết và hiểu các lẽ thật mà sẽ có ý nghĩa đối với họ và mang họ đến gần Thượng Đế hơn bằng những cách nào?
Từ Thánh Thư: Giăng 5:39; 1 Nê Phi 15:14; Giáo Lý và Giao Ước 42:12
Đấng Cứu Rỗi Đã Giảng Dạy Các Lẽ Thật mà Dẫn đến Sự Cải Đạo và Xây Đắp Đức Tin
Nhằm ngày Sa Bát, Đấng Cứu Rỗi và các môn đồ của Ngài, đang khi đói, đã đi qua một cánh đồng lúa mì, bèn bứt bông lúa mì mà ăn. Những người Pha Ra Si luôn hăm hở nhấn mạnh những điểm tốt hơn của luật Môi Se, đã chỉ ra việc bứt bông lúa mì về cơ bản cũng là một hình thức làm việc, là điều bị cấm đoán trong ngày Sa Bát (xin xem Mác 2:23–24). Nếu dùng cụm từ của tiên tri Gia Cốp trong Sách Mặc Môn, thì người Pha Ra Si đã “nhìn xa quá điểm nhắm” (Gia Cốp 4:14). Nói cách khác, họ quá chú trọng đến những cách giải thích truyền thống về các lệnh truyền đến nỗi họ đã bỏ qua mục đích thiêng liêng của các lệnh truyền—đó là dẫn chúng ta đến gần Thượng Đế hơn. Thật vậy, người Pha Ra Si thậm chí còn không nhận ra Đấng đã ban lệnh truyền tôn vinh ngày Sa Bát đang đứng trước mặt họ.
Đấng Cứu Rỗi đã nhân cơ hội này để làm chứng về sứ mệnh thiêng liêng của Ngài và giảng dạy lý do tại sao ngày Sa Bát quan trọng. Ngày này được tạo ra cho chúng ta để thờ phượng Chúa của ngày Sa Bát, chính là Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Mác 2:27–28). Những lẽ thật như vậy giúp chúng ta hiểu được rằng các lệnh truyền của Thượng Đế không chỉ là hành vi bên ngoài của chúng ta. Mà các lẽ thật này nhằm để giúp chúng ta thay đổi tấm lòng của mình và trở nên cải đạo một cách trọn vẹn hơn.
Hãy cân nhắc thật kỹ giáo lý và các nguyên tắc mà anh chị em quyết định tập trung vào. Mặc dù có nhiều lẽ thật trong thánh thư có thể được thảo luận, nhưng tốt nhất là hãy tập trung vào các lẽ thật của phúc âm mà dẫn đến sự cải đạo và xây đắp đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Những lẽ thật đơn giản, cơ bản mà Đấng Cứu Rỗi đã dạy và nêu gương có sức mạnh vô song để thay đổi cuộc sống của chúng ta—các lẽ thật về Sự Chuộc Tội của Ngài, kế hoạch cứu rỗi, các lệnh truyền phải yêu mến Thượng Đế và yêu người lân cận của mình, v.v. Hãy mời Thánh Linh làm chứng về các lẽ thật này, giúp chúng được ghi sâu vào lòng của những người mà anh chị em giảng dạy.
Câu Hỏi để Suy Ngẫm: Một số lẽ thật nào của phúc âm đã giúp anh chị em trở nên cải đạo theo Chúa Giê Su Ky Tô và có đức tin lớn lao hơn nơi Ngài? Một giảng viên giúp anh chị em tập trung vào những lẽ thật thiết yếu nhất của phúc âm bằng cách nào? Anh chị em có thể giảng dạy điều gì để giúp người khác trở nên hết lòng cải đạo theo Chúa Giê Su Ky Tô hơn?
Từ Thánh Thư: 2 Nê Phi 25:26; 3 Nê Phi 11:34–41; Giáo Lý và Giao Ước 19:31–32; 68:25–28; 133:57; Môi Se 6:57–62
Đấng Cứu Rỗi Đã Giúp Đỡ Mọi Người Tìm Thấy Sự Liên Quan đến Cá Nhân Họ trong Giáo Lý của Ngài
Những người Pha Ra Si lằm bằm về Chúa Giê Su rằng: “Người nầy tiếp những kẻ tội lỗi, và cùng ăn với họ”—ngụ ý rằng đây không phải là hành vi thích hợp đối với một giảng viên thuộc linh (Lu Ca 15:2). Chúa Giê Su nhận thấy đây là cơ hội để giảng dạy cho họ một số lẽ thật thuộc linh sâu xa hơn. Ngài làm điều đó bằng cách nào? Làm thế nào Ngài giúp những người Pha Ra Si thấy được tấm lòng của họ—chứ không phải của Ngài—mới là ô uế và cần được chữa lành? Ngài sử dụng giáo lý của Ngài bằng cách nào để cho họ thấy rằng suy nghĩ và hành vi của họ cần phải thay đổi?
Ngài đã làm điều này bằng cách nói với họ về một con chiên lạc đàn và một đồng xu bị mất. Ngài kể về người con trai bội nghịch tìm kiếm sự tha thứ và người anh trai không chịu tiếp đón và ăn cùng em mình. Mỗi câu chuyện ngụ ngôn này chứa đựng những lẽ thật liên quan đến cách mà người Pha Ra Si nhìn những người khác, và dạy họ rằng mọi linh hồn đều có giá trị lớn lao (xin xem Lu Ca 15). Đấng Cứu Rỗi đã không nói với người Pha Ra Si—hoặc bất kỳ ai trong chúng ta—rằng họ là ai trong những câu chuyện ngụ ngôn của Ngài. Có lúc chúng ta là người cha đầy lo lắng. Có lúc chúng ta là người anh trai đố kỵ. Thường thì chúng ta là con chiên đi lạc hoặc người con trai dại dột. Nhưng bất kể hoàn cảnh của chúng ta là gì đi nữa, thì qua những câu chuyện ngụ ngôn của Ngài, Đấng Cứu Rỗi mời gọi chúng ta tìm kiếm sự liên quan trong lời giảng dạy của Ngài—để khám phá ra những gì Ngài muốn chúng ta học hỏi và điều chúng ta có thể cần phải thay đổi trong suy nghĩ và hành vi của chính mình.
Anh chị em có thể nhận thấy rằng một số người học không hiểu tại sao một số lẽ thật lại quan trọng đối với họ. Khi anh chị em suy ngẫm về nhu cầu của những người mà anh chị em giảng dạy, hãy nghĩ về cách các lẽ thật trong thánh thư có thể có ý nghĩa và hữu ích như thế nào trong hoàn cảnh của họ. Một cách để anh chị em có thể giúp người học thấy được sự liên quan của các lẽ thật mà họ đang khám phá là đặt ra các câu hỏi như “Làm thế nào điều này có thể giúp anh chị em với điều mà anh chị em hiện đang trải qua?” “Tại sao là quan trọng cho anh chị em để biết điều này?” “Điều này có thể tạo ra sự khác biệt gì trong cuộc sống của anh chị em?” Lắng nghe những người mà anh chị em giảng dạy. Cho phép họ đặt câu hỏi. Khuyến khích họ liên hệ những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi với cuộc sống của chính họ. Anh chị em cũng có thể chia sẻ với họ cách anh chị em đã tìm thấy sự liên quan đến cuộc sống của chính mình trong những điều mà anh chị em đang giảng dạy. Việc làm như vậy có thể mời Thánh Linh giảng dạy cho từng người học về cách mà giáo lý đó có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của họ.
Câu Hỏi để Suy Ngẫm: Điều gì khiến cho các lẽ thật phúc âm có ý nghĩa và hữu ích đối với anh chị em? Điều gì giúp anh chị em tìm thấy sự liên quan đến cá nhân mình khi học phúc âm? Anh chị em đang làm gì để tập trung vào các lẽ thật liên quan đến những người mình giảng dạy?
Từ Thánh Thư: 1 Nê Phi 19:23; 2 Nê Phi 32:3; Giáo Lý và Giao Ước 43:7–9