“Giảng Dạy bằng Thánh Linh,” Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi: Dành Cho Tất Cả Những Ai Giảng Dạy ở Nhà và ở Nhà Thờ (năm 2022)
“Giảng Dạy bằng Thánh Linh,” Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi
Giảng Dạy bằng Thánh Linh
Khi Đấng Cứu Rỗi truyền lệnh cho Joseph Smith và Sidney Rigdon rao giảng phúc âm của Ngài, Ngài đã hứa với họ rằng: “Đức Thánh Linh sẽ được gởi xuống để làm chứng về mọi điều mà các ngươi sẽ nói ra” (Giáo Lý và Giao Ước 100:8; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 42:15–17; 50:17–22). Lời hứa đó cũng áp dụng cho tất cả những người giảng dạy phúc âm, kể cả anh chị em. Khi giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, anh chị em có thể có Đức Thánh Linh ở cùng để hướng dẫn anh chị em và làm chứng về lẽ thật trong tâm trí và tấm lòng của những người mà anh chị em giảng dạy (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 8:2). Anh chị em không đơn độc khi giảng dạy, vì “ấy không phải các ngươi nói, bèn là Đức Thánh Linh vậy” (Mác 13:11).
Đức Thánh Linh mới là giảng viên thực sự. Không một giảng viên nào trên trần thế, cho dù đầy tài năng hay giàu kinh nghiệm đến đâu đi nữa, có thể thay thế vai trò của Ngài trong việc làm chứng về lẽ thật và Đấng Ky Tô, cũng như thay đổi những tấm lòng. Nhưng tất cả các giảng viên đều có thể là công cụ trong việc giúp con cái của Thượng Đế học hỏi bằng Thánh Linh.
Đấng Cứu Rỗi Đã Chuẩn Bị Bản Thân Ngài về Phần Thuộc Linh để Giảng Dạy
Để chuẩn bị cho giáo vụ của mình, Đấng Cứu Rỗi đã dành ra 40 ngày trong đồng vắng “để được ở cùng với Thượng Đế” (Bản Dịch Joseph Smith, Ma Thi Ơ 4:1, [trong Bản Dịch Joseph Smith Phụ Lục]). Nhưng sự chuẩn bị về phần thuộc linh của Ngài đã bắt đầu từ trước đó rất lâu. Khi Sa Tan cám dỗ Ngài, Ngài sử dụng “những lời nói về cuộc sống” mà Ngài đã tích trữ cho “chính trong giờ phút ấy” khi Ngài cần đến chúng (Giáo Lý và Giao Ước 84:85). Hãy nghĩ về các nỗ lực của chính anh chị em khi chuẩn bị bản thân mình về phần thuộc linh để giảng dạy. Anh chị em học được điều gì từ Ma Thi Ơ 4:1–11 về cách mà anh chị em có thể noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi trong việc chuẩn bị phần thuộc linh của mình?
Thánh Linh mới là giảng viên thật sự và là nguồn gốc chính của sự cải đạo. Việc giảng dạy phúc âm một cách hiệu quả không chỉ đòi hỏi phải chuẩn bị một bài học mà còn phải chuẩn bị phần thuộc linh của bản thân thật tốt trước khi anh chị em bắt đầu giảng dạy. Nếu đã chuẩn bị về phần thuộc linh, thì anh chị em có thể lắng nghe và tuân theo sự hướng dẫn của Thánh Linh tốt hơn khi anh chị em giảng dạy. Cách để mời Đức Thánh Linh vào việc giảng dạy của anh chị em là mời gọi Ngài vào cuộc sống của anh chị em. Điều này bao gồm việc siêng năng cố gắng noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi và sống theo phúc âm của Ngài với tất cả tấm lòng của anh chị em. Và bởi vì không một ai trong chúng ta làm điều này một cách hoàn hảo, nên chúng ta cũng phải hối cải mỗi ngày.
Câu Hỏi để Suy Ngẫm: Việc chuẩn bị bản thân về phần thuộc linh để giảng dạy có ý nghĩa gì đối với anh chị em? Anh chị em cảm thấy được soi dẫn để làm điều gì nhằm cải thiện cách anh chị em chuẩn bị bản thân mình về phần thuộc linh? Anh chị em nghĩ việc chuẩn bị bản thân về phần thuộc linh có thể tạo ra sự khác biệt như thế nào trong việc giảng dạy của mình?
Từ Thánh Thư: Ê Xơ Ra 7:10; Lu Ca 6:12; An Ma 17:2–3, 9; Giáo Lý và Giao Ước 11:21; 42:13–14
Đấng Cứu Rỗi Luôn Sẵn Sàng Đáp Ứng Nhu Cầu của Người Khác
Giai Ru, người cai nhà hội, đã sấp mình dưới chân Chúa Giê Su, nài xin Ngài cứu giúp đứa con gái đang hấp hối của mình. Chúa Giê Su và các môn đồ của Ngài đang trên đường đi qua con phố đông đúc để đến nhà của Giai Ru thì đột nhiên Chúa Giê Su dừng lại. “Ai sờ đến ta?” Ngài hỏi. Đó dường như là một câu hỏi kỳ quặc—giữa đám đông, có ai mà không chạm phải Ngài? Nhưng Đấng Cứu Rỗi đã nhận thấy rằng trong đám đông đó, một người nào đó đã đến gần Ngài với một nhu cầu cụ thể và với đức tin để nhận được sự chữa lành từ Ngài. Vẫn còn thời gian để đến thăm con gái của Giai Ru. Nhưng trước hết, Ngài đã nói với người đàn bà đã sờ vào áo của Ngài rằng: “Hỡi con gái ta, đức tin ngươi đã chữa lành ngươi; hãy đi cho bình an” (xin xem Lu Ca 8:41–48).
Với tư cách là một giảng viên, đôi khi anh chị em có thể thấy mình vội vàng dạy một điều nào đó mà mình đã chuẩn bị. Mặc dù điều đó có thể quan trọng, nhưng hãy đảm bảo rằng anh chị em không vô tình bỏ qua nhu cầu cấp bách của một người nào đó mà anh chị em đang giảng dạy. Ngoài sự hướng dẫn thuộc linh mà anh chị em tìm kiếm khi chuẩn bị để giảng dạy, cũng hãy tìm kiếm sự hướng dẫn của Thánh Linh trong lúc anh chị em giảng dạy. Hãy cố gắng lưu tâm đến các nhu cầu, thắc mắc, và mối quan tâm của người học. Đức Thánh Linh có thể giúp anh chị em nhận ra học viên đang tiếp nhận hoặc hiểu như thế nào về một điều nào đó mà anh chị em đã dạy. Đôi khi, Ngài có thể thúc giục anh chị em thay đổi các kế hoạch của mình. Ví dụ, anh chị em có thể cảm thấy có ấn tượng để dành nhiều thời gian hơn so với dự định cho một đề tài hoặc dời các cuộc thảo luận lại sau để ưu tiên cho một điều gì đó quan trọng hơn đối với người học bây giờ.
Câu Hỏi để Suy Ngẫm: Có khi nào anh chị em cảm thấy rằng cha hoặc mẹ hay một giảng viên khác đã lưu tâm đến nhu cầu của anh chị em với tư cách là người học chưa? Những người mà anh chị em giảng dạy có biết rằng anh chị em quan tâm đến việc học tập của họ nhiều hơn là việc dạy hết một bài học không? Làm thế nào anh chị em có thể truyền đạt sự quan tâm của mình tốt hơn?
Từ Thánh Thư: 1 Phi E Rơ 3:15; An Ma 32:1–9; 40:1; 41:1; 42:1
Đấng Cứu Rỗi Đã Ban Cơ Hội cho Mọi Người Được Đức Thánh Linh Giảng Dạy
Nhiều người trong thời của Chúa Giê Su khó để biết được Ngài thực sự là ai, vì có rất nhiều ý kiến khác nhau. Môn đồ của Ngài thưa rằng: “Người nói là Giăng Báp Tít; kẻ nói là Ê Li; kẻ khác lại nói là Giê Rê Mi, hay là một Đấng tiên tri nào đó.” Nhưng rồi Chúa Giê Su đặt ra một câu hỏi mà mời gọi các môn đồ của Ngài gạt bỏ quan điểm của người khác và nhìn vào chính tấm lòng họ: “Các ngươi thì xưng ta là ai?” Ngài muốn họ tìm ra câu trả lời cho họ chẳng phải từ “thịt và huyết”, mà trực tiếp từ “Cha ta ở trên trời vậy.” Chính loại bằng chứng này—sự mặc khải cá nhân đến từ Đức Thánh Linh—đã giúp Phi E Rơ tuyên bố rằng, “Chúa là Đấng Ky Tô, con Đức Chúa Trời hằng sống” (xin xem Ma Thi Ơ 16:13–17).
Để tồn tại về phần thuộc linh trong những ngày sau, những người mà anh chị em giảng dạy sẽ cần có một bằng chứng thuộc linh về lẽ thật. Anh chị em không thể đưa ra bằng chứng thuộc linh đó cho họ, nhưng anh chị em có thể mời gọi, khuyến khích, soi dẫn, và giảng dạy họ để tìm kiếm bằng chứng đó. Anh chị em có thể nói rõ—qua lời nói và hành động của mình—rằng Đức Thánh Linh quan trọng ra sao đối với việc học phúc âm. Ví dụ, hãy suy ngẫm về môi trường học tập mà anh chị em tạo ra và khuyến khích. Một điều gì đó đơn giản như việc sắp xếp các ghế ngồi trong phòng học hay cách anh chị em chào hỏi và tương tác với người học sẽ tạo ra một bầu không khí thuộc linh cho kinh nghiệm mà người học sẽ có. Anh chị em cũng có thể mời người học chuẩn bị bản thân họ về phần thuộc linh để học hỏi, cũng giống như anh chị em chuẩn bị phần thuộc linh để giảng dạy. Yêu cầu họ có trách nhiệm đối với tinh thần mà họ mang đến cho lớp học. Và anh chị em có thể tạo cơ hội để họ cảm nhận được Thánh Linh làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài. Bằng chứng đó sẽ trở thành “đá” của họ, và “các cửa âm phủ chẳng thắng được [họ]” (Ma Thi Ơ 16:18).
Câu Hỏi để Suy Ngẫm: Anh chị em đã thấy điều gì góp phần tạo nên một bầu không khí thuộc linh để học hỏi phúc âm? Điều gì làm giảm đi bầu không khí thuộc linh đó? Điều gì giúp những người mà anh chị em giảng dạy học hỏi từ Thánh Linh? Hãy nghĩ về bối cảnh mà anh chị thường xuyên giảng dạy nhất. Anh chị em cảm thấy như thế nào khi ở đó? Làm thế nào anh chị em có thể mời gọi một cách hữu hiệu hơn để Thánh Linh hiện diện ở đó?
Từ Thánh Thư: Lu Ca 24:31–32; Giăng 14:26; 16:13–15; Mô Rô Ni 10:4–5; Giáo Lý và Giao Ước 42:16–17; 50:13–24
Đấng Cứu Rỗi Đã Giúp Người Khác Tìm Kiếm, Nhận Biết, và Hành Động theo Sự Mặc Khải Cá Nhân
Chúa muốn giao tiếp với chúng ta—và Ngài muốn chúng ta biết rằng Ngài đang giao tiếp với chúng ta. Vào năm 1829, một giáo viên 22 tuổi tên là Oliver Cowdery đang học về một giáo lý táo bạo, đầy thú vị cho rằng bất cứ ai cũng đều có thể nhận được sự mặc khải cá nhân. Nhưng ông có những câu hỏi tương tự với điều mà nhiều người trong chúng ta đã hỏi: “Chúa có thực sự muốn nói chuyện với tôi không? Và làm thế nào tôi có thể biết được Ngài đang nói gì?” Để trả lời những câu hỏi này, Chúa Giê Su Ky Tô mời Oliver hãy nghĩ lại về một khoảnh khắc riêng tư trong công cuộc tìm kiếm thuộc linh. “Ta chẳng đã phán bình an cho tâm trí ngươi rồi hay sao?” Ngài hỏi (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 6:21–24). Về sau, Ngài đã dạy Oliver về những cách thức khác mà Thánh Linh có thể nói cùng ông (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 8:2–3; 9:7–9; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 11:12–14).
Khi sống trong một thế giới thường không màng đến những sự việc thuộc linh, tất cả chúng ta đều cần được giúp đỡ để nhận ra tiếng nói của Thánh Linh. Có lẽ chúng ta đã cảm nhận được Thánh Linh mà lại không nhận ra điều đó. Và tất cả chúng ta có thể học hỏi thêm về cách thức để tìm kiếm Thánh Linh, nhận biết ảnh hưởng của Ngài, và hành động theo những thúc giục mà Ngài ban cho chúng ta. Khi anh chị em giảng dạy, hãy giúp người học khám phá ra các cách giao tiếp của Thánh Linh—và cách mà Ngài đã giao tiếp với họ. Một trong những món quà lớn nhất mà anh chị em, với tư cách là một giảng viên, có thể trao tặng là giúp những người mà anh chị em giảng dạy tiến triển trong công cuộc tìm kiếm sự mặc khải cá nhân trong suốt cuộc đời này.
Câu Hỏi để Suy Ngẫm: Tại sao việc học cách để nhận được sự mặc khải cá nhân lại là điều quan trọng? Có ai đã từng giúp anh chị em biết cách để tìm kiếm và nhận biết sự mặc khải không? Làm thế nào anh chị em có thể khuyến khích những người mà mình giảng dạy tìm kiếm, nhận biết, và hành động theo sự mặc khải từ Đức Thánh Linh?
Từ Thánh Thư: Ga La Ti 5:22–23; An Ma 5:45–47; Giáo Lý và Giao Ước 42:61; 121:33; Joseph Smith—Lịch Sử 1:8–20
Đấng Cứu Rỗi Đã Chia Sẻ Chứng Ngôn với Những Người mà Ngài Giảng Dạy
Trong một khoảnh khắc đặc biệt cảm động khi giảng dạy và phục sự, Chúa Giê Su đã tìm cách an ủi người bạn của Ngài là Ma Thê, khi anh trai bà qua đời. Ngài đã chia sẻ với bà một chứng ngôn giản dị về lẽ thật vĩnh cửu: “Anh ngươi sẽ sống lại” (Giăng 11:23). Lời chứng của Ngài đã thúc giục Ma Thê chia sẻ chứng ngôn của chính bà: “Tôi vẫn biết rằng đến sự sống lại ngày cuối cùng, anh tôi sẽ sống lại” (Giăng 11:24). Hãy lưu ý cách mà việc này được lặp lại trong Giăng 11:25–27. Điều gì làm anh chị em ấn tượng về tấm gương của Đấng Cứu Rỗi? Tại sao việc chia sẻ chứng ngôn về các lẽ thật phúc âm như vậy lại là một phần quan trọng trong việc giảng dạy?
Chứng ngôn của anh chị em có thể có ảnh hưởng mạnh mẽ đến những người mà anh chị em giảng dạy. Chứng ngôn của anh chị em không cần phải văn vẻ hoặc dài dòng. Và nó không cần phải bắt đầu bằng câu “tôi muốn chia sẻ chứng ngôn của tôi.” Mà chỉ cần chia sẻ những điều mà anh chị em biết qua quyền năng của Đức Thánh Linh. Một chứng ngôn về lẽ thật mạnh mẽ nhất khi chứng ngôn đó thẳng thắn và chân thành. Hãy thường xuyên chia sẻ chứng ngôn về Đấng Cứu Rỗi, phúc âm của Ngài, quyền năng của Ngài trong cuộc sống của anh chị em, và khuyến khích những người anh chị em giảng dạy cũng làm như vậy. Và hãy nhớ rằng đôi khi lời chứng hùng hồn nhất đối với học viên không phải đến từ giảng viên mà là từ một người đang học cùng với họ.
Câu Hỏi để Suy Ngẫm: Hãy tìm những tấm gương trong thánh thư cho thấy ảnh hưởng mạnh mẽ của một người nào đó khi chia sẻ chứng ngôn. Anh chị em học được điều gì từ những tấm gương đó? Khi nào anh chị em đã được ban phước nhờ chứng ngôn của một người nào đó? Việc chia sẻ chứng ngôn của anh chị em đã ảnh hưởng đến những người anh chị em giảng dạy như thế nào? Điều đó đã ảnh hưởng đến anh chị em như thế nào?
Từ Thánh Thư: Công Vụ Các Sứ Đồ 2:32–38; Mô Si A 5:1–3; An Ma 5:45–48; 18:24–42; 22:12–18; Giáo Lý và Giao Ước 46:13–14; 62:3