2022
Tìm Chúa Giê Su Ky Tô trong Kinh Cựu Ước
Tháng Một năm 2022


“Tìm Chúa Giê Su Ky Tô trong Kinh Cựu Ước,” Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ, tháng Một năm 2022.

Hãy Đến Mà Theo Ta

Tìm Chúa Giê Su Ky Tô trong Kinh Cựu Ước

Đây là ba cách các em có thể tìm kiếm Đấng Cứu Rỗi khi các em học Kinh Cựu Ước trong năm nay.

Hình Ảnh
Chúa Giê Su Ky Tô

Bài kiểm tra bất ngờ: Sách thánh thư nào nói về Chúa Giê Su Ky Tô? Ừm. Hãy xem nào:

Sách Mặc Môn là một chứng thư khác về Ngài.

Sách Giáo Lý và Giao Ước là một tuyển tập các sứ điệp của Ngài dành cho Joseph Smith và các vị tiên tri khác.

Kinh Tân Ước miêu tả các sự kiện trong cuộc đời Ngài.

Vậy còn Kinh Cựu Ước thì sao? Liệu sách đó cũng dạy cho chúng ta về Chúa Giê Su Ky Tô chứ?

Có chứ! Thật ra, Đấng Cứu Rỗi đã nỗ lực nhiều hơn để giúp các môn đồ của Ngài hiểu vai trò của Ngài trong Kinh Cựu Ước: “Đoạn, Ngài bắt đầu từ Môi Se rồi kế đến mọi đấng tiên tri mà cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh Thánh” (Lu Ca 24:27).

Đây là ba cách các em có thể tìm Chúa Giê Su Ky Tô khi các em tìm hiểu Kinh Cựu Ước trong năm nay.

1. Các thánh thư mà đề cập đến Chúa Giê Su Ky Tô đều sử dụng một danh khác.

Trong Kinh Cựu Ước, Chúa Giê Su thường được gọi là “Chúa” hoặc “Đức Chúa Trời.” Các phiên bản Kinh Thánh do Giáo Hội xuất bản đều gồm có phần cước chú có thể giúp các em hiểu khi một câu đề cập đến Chúa Giê Su Ky Tô. Ví dụ, khi Môi Se nói chuyện với Thượng Đế trong bụi gai cháy (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 3:6), phần cước chú giải thích rõ là ông đang nói chuyện với Đấng Cứu Rỗi.1 Chủ Tịch Russell M. Nelson đã khuyến khích chúng ta học về các tên và danh hiệu khác nhau của Đấng Ky Tô sử dụng trong thánh thư.2

2. Các sự việc và sự kiện nhắc nhở chúng ta về Chúa Giê Su Ky Tô.

Nhiều đoạn trong Kinh Cựu Ước bao gồm các biểu tượng mà có thể dạy chúng ta về Chúa Giê Su Ky Tô và nhắc nhở chúng ta về sự giúp đỡ Ngài ban cho chúng ta. Ví dụ:

  • Nhiều câu thánh thư miêu tả lúc mà những người trung tín được truyền lệnh phải dâng thú vật làm của lễ hy sinh như là một phần của sự thờ phượng của họ. Ví dụ, nếu con cái của Y Sơ Ra Ên đánh dấu cửa nhà của họ bằng máu của chiên con, họ được bảo vệ khỏi một tai vạ khủng khiếp. Những của lễ hy sinh này nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giê Su Ky Tô chịu để bị giết chết là một phần của Sự Chuộc Tội của Ngài để khắc phục cái chết thuộc linh và cái chết thể xác. (Xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 12:13.)

  • Có lần một vị tiên tri tên là Ê Li đã phải lẩn trốn trong sa mạc. Ông cảm thấy buồn rầu và nói rằng ông đã muốn chết cho rồi. Trong khi ngủ, bánh và nước đã xuất hiện một cách kỳ diệu, tăng cường cho ông về mặt thể chất và cảm xúc đủ để ông tiếp tục. Điều này có thể nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Nước Sống và Bánh của Sự Sống, nguồn gốc tối thượng của niềm hy vọng và cuộc sống. (Xin xem 1 Các Vua 19:1-8.)

  • “Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi,” một tác giả thi thiên đã viết (Thi Thiên 119:105). Và Mi Chê đã làm chứng “Dầu ngồi trong nơi tối tăm, Đức Giê Hô Va sẽ làm sự sáng cho ta” (Mi Chê 7:8). Những lời của các vị này nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Sự Sáng của Thế Gian, dẫn dắt chúng ta trở về căn nhà thiên thượng của chúng ta.

Trong khi đọc, thậm chí các em có thể khám phá ra những điều khác mà nhắc nhở các em về Chúa Giê Su Ky Tô và khả năng của Ngài để giải cứu chúng ta. Ví dụ, khi gia đình Nô Ê được cứu khỏi trận lụt trong con tàu hoặc khi Giô Na được ban cho thời gian để hối cải khi ở trong bụng con cá voi. Các sự kiện này có thể nhắc nhở chúng ta rằng Đấng Cứu Rỗi có thể mang chúng ta qua khỏi cơn bão của cuộc đời và ban cho chúng ta cơ hội để trở về đúng con đường. (Xin xem Sáng Thế Ký 7:1; Giô Na 1:17.)

3. Các câu tiên tri về sự giáng sinh của Chúa Giê Su Ky Tô.

Ngày nay chúng ta trông mong và chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô. Trong một cách thức tương tự, các vị tiên tri trong Kinh Cựu Ước đã trông mong và viết về sự hiện đến lần đầu tiên của Ngài, khi Ngài được sinh ra trên trái đất. Ví dụ:

  • Một vị tiên tri tên là Ba La Am đã mô tả cách mà “một ngôi sao hiện ra từ Gia Cốp” (Dân Số Ký 24:17). Đó có nghĩa là Đấng Cứu Rỗi sẽ được sinh ra trong dòng dõi của Gia Cốp (hay là Y Sơ Ra Ên).

  • Một vị tiên tri tên là Na Than nói với Vua Đa Vít rằng Chúa Giê Su Ky Tô sẽ là một dòng dõi của Đa Vít—để cho “ngôi cùng nước nó vững bền đời đời” (2 Sa Mu Ên 7:13).

  • Tiên Tri Ê Sai viết về một số những lời mô tả được biết đến nhiều nhất trong Kinh Cựu Ước. Một trong những lời của ông được sử dụng làm lời của bài hát Handel’s Messiah, thường được hát vào dịp lễ Giáng Sinh. (Xin xem thêm Ê Sai 7; 9; 40; 53.)

Hình Ảnh
bé gái đang đọc thánh thư bằng đèn pin

Chỉ với một chút chuẩn bị, các em sẽ có thể tìm thấy Chúa Giê Su Ky Tô trong khắp Kinh Cựu Ước trong năm nay. Ngài đặc biệt yêu thương các em, cũng như Ngài đã yêu thương A Đam và Ê Va, A Rôn và Mi Ri Am3—và nhiều người khác mà Ngài đã đích thân phục sự trong những lời tường thuật cổ xưa đầy soi dẫn này. Với đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, và với sự giúp đỡ lẫn nhau, năm nay sẽ là một năm tuyệt vời để học thánh thư!

In