Chúa Giê Su Ky Tô là Sức Mạnh của Các Em
“Thái Độ” của Các Em Là Gì?
Thái độ của các em đối với các nguyên tắc trong sách hướng dẫn Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ có thể giúp các em tăng trưởng lên một tầm cao hơn.
Các phi công xem vị trí của máy bay trên không chính là attitude [tư thế] của máy bay. Mũi máy bay đang hướng lên hay hướng xuống? Đang chuyển hướng hay đang bay thẳng và cân bằng? Trong tiếng Anh, chữ “attitude” cũng có thể có nghĩa là một tư duy để đối phó với những thăng trầm của cuộc sống. Có một thành ngữ đề cập cả về việc bay lẫn cuộc sống như thế này: “Thái độ quyết định cao độ của chúng ta.”
Thái độ của chúng ta sẽ như thế nào khi chúng ta đọc sách Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ: Sách Hướng Dẫn để Lựa Chọn? Thái độ của chúng ta đối với các nguyên tắc trong cuốn sách hướng dẫn đó có thể thay đổi cuộc sống và có thể ảnh hưởng đến việc chúng ta sẽ bay lên những tầm cao mới hay hạ xuống một tầm thấp hơn.
Đấng Cứu Rỗi đã ban cho chúng ta một nơi tuyệt vời để bắt đầu. Ngài phán: “Phước cho những kẻ nhu mì” (Ma Thi Ơ 5:5). Chúng ta có thể thực hành thái độ nhu mì bằng cách sống ngay chính, khiêm nhường, và sẵn lòng tuân theo những lời giảng dạy của phúc âm. Dưới đây là ba câu hỏi thể hiện những thái độ khác nhau mà chúng ta có thể có về những nguyên tắc được đưa ra.
Thái độ 1: Tôi Có Thể Tệ Đến Mức Nào?
Những ai có thái độ này thường nói: “Mức giới hạn là ở đâu? Tôi muốn sống càng gần mức giới hạn càng tốt, miễn là không lấn qua nó.” Điều đó nguy hiểm như một vận động viên nhảy dù hỏi: “Tôi có thể tiếp cận mặt đất gần cỡ nào trước khi bung dù?”
Thái độ 2: Tôi Phải Tốt Tối Thiểu Ở Mức Nào?
Thái độ này chính là tìm cách để có thể nỗ lực ít nhất. Điều này giống như một học sinh hỏi giáo viên rằng, “Điểm số tối thiểu mà em cần để lên lớp là bao nhiêu?” Giống như một vận động viên nhảy dù bảo rằng: “Tôi muốn chuẩn bị tốt việc xếp dù vào ba lô, nhưng không cần quá tốt.”
Thái độ 3: Tôi Có Thể Dũng Cảm Đến Mức Nào?
Một cậu bé có lần đã nói với tôi rằng cậu ấy đi học lớp giáo lý vào lúc 5 giờ sáng. Tôi đã nói: “Giờ đó là sớm lắm. Sao cháu lại đi vào lúc đó?” Cậu bé chỉ đáp: “Vì cháu muốn. Cháu thích lắm. Lớp giáo lý là thời gian tuyệt nhất trong ngày của cháu.” Thái độ của cậu bé chính là “Tôi muốn trở nên dũng cảm!” Đối với em ấy, sự vâng lời là một sứ mệnh, chứ không phải là một việc khó chịu.
Điều đó giống như một vận động viên nhảy dù nói rằng: “Tôi cẩn thận chuẩn bị dù và bung dù ra từ rất sớm trước khi rơi xuống đất vì tôi thích nhảy dù và muốn tiếp tục làm điều đó.” Thái độ đó sẽ giúp chúng ta bay cao.
Trong Sách Mặc Môn, cha của Vua La Mô Ni đã dâng lên một lời cầu nguyện tuyệt vời thể hiện một cách hoàn hảo thái độ thứ ba đó:
“Hỡi Thượng Đế … xin Ngài cho con được biết, hầu con từ bỏ tất cả mọi tội lỗi của con để chỉ biết có Ngài” (An Ma 22:18).
Nhà vua không nói: “Con phải tệ đến mức nào mới biết được Ngài?” hoặc “Chính xác thì con phải tốt đến cỡ nào mới biết được Ngài?” Không, thái độ của ông lúc đó là “Con từ bỏ tất cả mọi tội lỗi của con để chỉ biết có Ngài.”
Những Thói Quen Tôn Cao Hơn và Thánh Thiện Hơn
Chúa đang tin cậy rằng chúng ta không tìm kiếm những sơ hở mà thay vào đó hãy tìm kiếm những thói quen tôn cao hơn và thánh thiện hơn. Nếu có điều gì đó không được nêu rõ ràng trong sách hướng dẫn như chúng ta mong đợi, thì đừng hỏi: “Thượng Đế sẽ cho phép làm điều gì?” mà hãy hỏi “Thượng Đế thích điều nào hơn?” Câu hỏi thứ hai cho thấy tấm lòng sẵn sàng mà Chúa mong muốn mỗi người chúng ta phát triển khi Ngài dạy chúng ta phải nhu mì.
Nếu tôi lên máy bay, tôi không hề muốn nghe phi công hỏi “Tôi có thể bay tệ ở mức nào?” hay thậm chí “Tôi phải bay tốt đến cỡ nào thì được?” Tôi muốn vị ấy hỏi rằng: “Tôi có thể dũng cảm như thế nào?” Trong lúc bay và trong cuộc sống, thái độ sẽ quyết định cao độ của chúng ta. Sách hướng dẫn Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ không được viết ra để giải thích các mức độ tối thiểu của hành vi mà là giáo lý cho vai trò môn đồ. Đó mới thực sự là cấp độ tiếp theo.