Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ
5 Lời Khuyên để Có Sức Khỏe Cảm Xúc Tốt Hơn
Tháng Chín năm 2024


5 Lời Khuyên để Có Sức Khỏe Cảm Xúc Tốt Hơn

Cùng nhau, chúng ta sẽ đứng vững hơn.

hai bàn tay cầm một quả bóng màu vàng có một khuôn mặt cười trên đó

Chồng tôi, Scott, và tôi đã phục vụ với tư cách là những người lãnh đạo truyền giáo trong Phái Bộ Truyền Giáo Australia Sydney từ năm 2018 đến năm 2021. Bất cứ khi nào hồ sơ của một người truyền giáo mới cho thấy họ gặp khó khăn với sức khỏe cảm xúc của mình, tôi cho họ biết ngay rằng tôi đã trải qua thời kỳ trầm cảm trong suốt quãng đời trưởng thành của mình. Tôi muốn họ hiểu rằng tôi với họ có cùng cảnh ngộ, vậy nên họ không phải tự mình đối mặt với điều này.

Tôi muốn chia sẻ cùng một sứ điệp đó với các em! Có rất nhiều người phải đối mặt với những thử thách về sức khỏe cảm xúc, tuy nhiên tất cả chúng ta đều có thể giúp đỡ lẫn nhau. Nói rõ hơn: Tôi không phải là một chuyên gia về sức khỏe cảm xúc. Nhưng tôi muốn chia sẻ một vài lời khuyên thiết thực và thuộc linh để có được sức khỏe cảm xúc tốt hơn, mà đã giúp ích cho tôi cũng như những người tôi biết và yêu quý.

Đấng Ky Tô Làm Cho Con Gái của Giai Ru Sống Lại

Christ Raising the Daughter of Jairus (Đấng Ky Tô Làm Cho Con Gái của Giai Ru Sống Lại), tranh do Greg K. Olsen họa

Lời Khuyên 1: Chúng Ta Hãy Đặt Đấng Ky Tô Làm Trọng Tâm

Tôi lớn lên gần San Francisco, California, Hoa Kỳ, và nhớ mình đã rất thích một trò chơi ở công viên giải trí cạnh bãi biển! Trò chơi đó có một cái đĩa gỗ lớn mà em sẽ ngồi lên và cố gắng bám chặt trong lúc cái đĩa quay nhanh hơn. Những người ngồi phía ngoài thường bị rơi ra trước. Tuy nhiên, những ai hiểu về lực ly tâm sẽ ngồi gần vào tâm của cái đĩa.

Tôi nghĩ đó là một cách so sánh tuyệt vời về việc lấy Đấng Ky Tô làm trọng tâm trong khi chúng ta đang trải qua một số tình huống vô cùng khó khăn—cho dù đó là lo âu, trầm cảm, bị ám ảnh cưỡng chế (OCD), hoặc một điều gì đó tương tự. Chúng ta cần Đấng Ky Tô là trọng tâm của cuộc sống.

Trong những lúc mà sức khỏe não bộ gặp khó khăn, chúng ta có thể bị ngắt kết nối với thiên thượng hoặc khó có được cảm giác gần gũi với Đấng Cứu Rỗi. Điều này không có nghĩa là chúng ta đang bị trừng phạt hoặc chúng ta không xứng đáng với tình yêu thương của Thượng Đế. Đối với tôi, việc tin tưởng rằng Ngài ở đó trong khi chờ đợi sự kết nối được khôi phục thì thật đáng bõ công! Hãy tiếp tục cầu nguyện, trân quý những lời của Đấng Cứu Rỗi, tin cậy những lời hứa của Ngài, dự phần Tiệc Thánh, và làm tất cả mọi điều để giữ cho các em tập trung vào Ngài.

em thiếu niên đang cầu nguyện

Lời Khuyên 2: Hãy Trông Cậy vào Chúa Mỗi Ngày

Con cái Y Sơ Ra Ên trong đồng vắng phải trông cậy vào Chúa để có bánh ma na mỗi một ngày. Đôi lúc, khi chúng ta phải đối mặt với những vấn đề to lớn như cơn hoảng loạn hoặc những nỗi đau tinh thần khác, chúng ta luôn muốn chúng biến mất đi vĩnh viễn. Và có thể chúng sẽ biến mất—nhưng có thể không theo cách thức hay trong khoảng thời gian mà chúng ta mong muốn. Điều đó không có nghĩa là niềm hy vọng đã tiêu tan. Chúng ta cần nương cậy vào Thượng Đế mỗi ngày khi chúng ta làm việc và trông chờ những thời điểm xán lạn hơn trước mắt.

Một cách tiếp cận là tìm kiếm sự giúp đỡ của Cha Thiên Thượng và thử các chiến lược khác nhau để tìm ra điều gì phù hợp với các em. Sau đó, Ngài có thể giúp các em nhớ lại, trong những khoảnh khắc suy sụp hoặc cơn hoảng loạn, một bài nhạc êm dịu dường như đã giúp ích như thế nào trong hoàn cảnh tương tự, hoặc việc kết nối với một người mà các em tin tưởng đã từng khiến các em cảm thấy an toàn như thế nào. Điều này cho phép các em thu thập một bộ công cụ đã được chứng minh để thử vào lần tiếp theo khi các em gặp khó khăn. Bất cứ điều gì các em làm, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa hằng ngày.

Chúng ta thậm chí có thể nói to lên: “Khi tôi trông cậy vào Chúa mỗi ngày, tôi sẽ đứng lên và tìm thấy sức mạnh mà tôi không hề biết là mình có trước đây!”

bình nước được giơ lên trên không trung

Lời Khuyên 3: Các Em Có Thể Chăm Sóc Cơ Thể của Mình

Bộ não là một phần của cơ thể hữu diệt của chúng ta và do đó dễ bị nhiều biến thể và không hoàn hảo của cuộc sống trần thế. Nhưng tin mừng là: chúng ta có thể thực hiện những bước đã được chứng minh để củng cố bộ não của mình mà cũng có thể cải thiện sức khỏe cảm xúc của chúng ta. Sau đây là một vài bước như vậy:

  • Trải nghiệm ánh sáng mặt trời hoặc ánh sáng nhân tạo rực rỡ vào buổi sáng

  • Bước ra ngoài thiên nhiên, kết nối với trái đất

  • Tập thể dục thường xuyên

  • Ăn thực phẩm lành mạnh

  • Uống nhiều nước

  • Ngủ đủ giấc mỗi đêm

Các kỹ thuật thở cũng giúp ích rất nhiều. Hãy thử hít một hơi thật sâu bằng mũi, và rồi thêm một hơi nữa. Hãy giữ hơi trong một vài giây, và rồi ép hơi ra hoàn toàn bằng miệng.

Tôi hít thở như vậy một vài lần khi thức dậy, trong những lúc có cảm xúc mãnh liệt (giống như ngay trước khi đưa ra một bài nói chuyện tại đại hội trung ương!), và trước khi đi ngủ.

hai người đang dang tay ra và nắm lấy tay nhau

Lời Khuyên 4: Chúng Ta Có Thể Yêu Cầu Được Giúp Đỡ

Nếu các em bị lạc đường và gặp một người hướng dẫn, các em có cảm thấy quá xấu hổ khi hỏi đường đến nơi an toàn không? Tôi không nghĩ vậy đâu. Việc cầu xin sự giúp đỡ không phải là một dấu hiệu của sự yếu kém. Chúng ta thường làm điều đó trong các lĩnh vực khác của cuộc sống.

Hãy phá bỏ sự kỳ thị chống lại việc yêu cầu được giúp đỡ với những thử thách về cảm xúc.

Cho dù các em cần sự giúp đỡ từ Thượng Đế, bạn bè, gia đình, hoặc các chuyên gia y tế, thì các em không phải là người yếu kém hơn khi tìm kiếm thêm sự giúp đỡ mà mình cần. Trên thực tế, các em đang thể hiện lòng can đảm!

một nhóm người khoác tay lên nhau

Lời Khuyên 5: Hãy Giữ Liên Lạc

Việc kết nối với Cha Thiên Thượng trong lời cầu nguyện hằng ngày là thiết yếu.

Tôi cũng cảm thấy rất cần thiết để luôn kết nối với những người mà chúng ta có thể cảm thấy an toàn và tin cậy. Hãy gọi cho mẹ của các em! Nói chuyện trực tiếp với một người bạn. Trò chuyện với anh chị em ruột của mình. Chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn khi chúng ta giúp đỡ lẫn nhau. Sức mạnh đó đi theo cả hai hướng. Mọi người đều cần một ai đó. Sự cô lập và trầm cảm thường xây đắp lẫn nhau. Việc kết nối với những người chúng ta yêu thương, và sống cùng, có thể nhìn thấy họ, và ôm chặt là một giải pháp hữu hiệu cho rất nhiều nỗi đau đớn mà chúng ta trải qua.

Chúng Ta Có Thể Sống Trong Lò Lửa với Ngài!

Đôi khi chúng ta chỉ cần được nhắc nhở rằng Thượng Đế đang ở cùng chúng ta.

Trong Kinh Cựu Ước, Vua Nê Bu Cát Nết Sa ném Sa Đơ Rắc, Mê Sác và A Bết Nê Gô vào một lò lửa nóng đến nỗi ngay cả những lính canh ở bên ngoài cũng không thể chịu nổi sức nóng.

Vậy làm thế nào mà ba người này sống sót?

Thánh thư dạy rằng một nhân vật thứ tư có thể được nhìn thấy trong ngọn lửa cùng với họ, người ấy “giống như một con trai của [Thượng Đế]” (Đa Ni Ên 3:25).

Tôi tin rằng điều này có nghĩa là Đấng Ky Tô ở với chúng ta qua những lúc cam go nhất của những thử thách, nhất là khi chúng ta đang chịu đựng những thử thách đó. Và những khó khăn về sức khỏe não bộ chắc chắn có thể cảm thấy giống như một cái lò lửa rất nóng. Đấng Ky Tô là Em Ma Nu Ên, thật sự có nghĩa là “Thượng Đế ở cùng chúng ta.”

Đừng quên, Chúa Giê Su Ky Tô là sức mạnh của chúng ta, không chỉ ở cuối con đường, khi chúng ta được tự do khỏi những cảm xúc mà chúng ta không cần có. Ngài thực sự ở với tất cả chúng ta trong suốt cuộc hành trình của mình. Ngài là sức mạnh và sự giải thoát của chúng ta ngay lúc này.

Cùng với nhau, chúng ta hãy đứng một cách vững mạnh hơn!