2010–2019
Quyền Năng, Niềm Vui và Tình Yêu Thương Đến từ Việc Tuân Giữ Giao Ước
Tháng mười 2013


15:27

Quyền Năng, Niềm Vui và Tình Yêu Thương Đến từ Việc Tuân Giữ Giao Ước

Tôi mời mỗi người chúng ta hãy đánh giá xem chúng ta yêu mến Đấng Cứu Rỗi bao nhiêu, bằng cách sử dụng một thước đo về mức độ vui vẻ của chúng ta trong việc tuân giữ các giao ước của mình.

Tôi muốn bắt đầu bằng cách chia sẻ một câu chuyện đã làm tôi cảm động.

Một buổi tối nọ, một người đàn ông gọi năm con cừu của mình đi vào chuồng để ở qua đêm. Gia đình ông thích thú nhìn theo ông khi thấy ông chỉ cần gọi: “Thôi vào đi,” là ngay lập tức tất cả năm cái đầu ngẩng lên và quay về phía ông. Bốn con cừu chạy về phía ông. Ông ân cần và âu yếm vỗ nhẹ vào đầu mỗi con cừu. Con cừu biết tiếng của ông và yêu mến ông.

Nhưng con cừu thứ năm đã không chạy đến. Đó là một con cừu cái đã bị chủ của nó đem đi cho vài tuần trước, chủ của nó nói rằng nó không thuần, rất cứng đầu, và luôn luôn dẫn đầu các con cừu khác đi lạc lối. Người chủ mới chấp nhận con cừu này và cột nó ở ngoài đồng trong một vài ngày để nó học cách ở lại. Ông kiên nhẫn dạy nó cách yêu mến ông và các con cừu khác cho đến cuối cùng khi nó chỉ còn có một sợi dây ngắn cột quanh cổ chứ không còn bị buộc vào cây cột nữa.

Buổi tối hôm đó trong khi gia đình của mình nhìn theo, người đàn ông này đến gần con cừu cái, đứng ở bên rìa cánh đồng, và một lần nữa ông nhỏ nhẹ nói: “Thôi vào đi. Mi đã không bị cột nữa. Mi đã được tự do rồi.” Sau đó ông ân cần giơ tay ra, đặt tay lên đầu của nó, rồi đi với nó và các con cừu khác về phía cái chuồng.1

Trong tinh thần của câu chuyện đó, tôi cầu nguyện rằng Đức Thánh Linh sẽ giúp chúng ta cùng học hỏi với nhau buổi tối hôm nay về việc tuân giữ giao ước. Việc lập và tuân giữ các giao ước có nghĩa là chọn để tự ràng buộc mình với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Đó là cam kết để noi theo Đấng Cứu Rỗi. Đó là tin cậy Ngài và mong muốn tỏ lòng biết ơn của chúng ta đối với cái giá mà Ngài đã trả để giải thoát chúng ta qua ân tứ vô hạn của Sự Chuộc Tội.

Anh Cả Jeffrey R. Holland giải thích rằng “một giao ước là một hợp đồng ràng buộc tinh thần, một lời hứa long trọng với Thượng Đế Đức Chúa Cha rằng chúng ta nhất định sẽ sống, suy nghĩ và hành động theo—con đường của Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Đổi lại, Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh hứa ban cho chúng ta vinh quang trọn vẹn của cuộc sống vĩnh cửu.”2 Trong hợp đồng ràng buộc đó, Chúa thiết lập các điều khoản và chúng ta đồng ý để tuân giữ các điều khoản này. Chúng ta bày tỏ lòng cam kết để trở thành giống như Đấng Cứu Rỗi bằng cách lập và tuân giữ các giao ước của mình3 Điều lý tưởng là cố gắng có một thái độ được thể hiện rõ nhất trong một vài lời của bài thánh ca yêu thích: “Con sẽ đi đến nơi nào Ngài sai con. … Con sẽ nói điều Ngài muốn con nói. … Con sẽ là con người mà Ngài muốn con phải trở thành.”4

Tại Sao Chúng Ta Phải Lập và Tuân Giữ Các Giao Ước?

1. Việc tuân giữ giao ước củng cố, ban cho khả năng và bảo vệ.

Nê Phi thấy trong khải tượng các phước lành quan trọng Chúa đã ban cho những người tuân giữ giao ước. “Và chuyện rằng, tôi, Nê Phi, thấy quyền năng của Chiên Con của Thượng Đế giáng xuống trên … dân giao ước của Chúa, … và họ được trang bị bằng sự ngay chính và bằng quyền năng của Thượng Đế trong vinh quang vĩ đại.”5

Gần đây, tôi đã gặp một người bạn mới rất đáng mến. Em ấy là một thiếu nữ đã làm chứng rằng sau khi nhận được lễ thiên ân trong đền thờ, em ấy đã cảm thấy được củng cố với sức mạnh để chống lại những cám dỗ mà trước đây em ấy đã phải chống chọi.

Khi tuân giữ các giao ước của mình, chúng ta cũng nhận được lòng can đảm và sức mạnh để giúp mang gánh nặng lẫn cho nhau. Một chị phụ nữ đau khổ nọ có một đứa con trai đang trải qua một thử thách khó khăn có thể dẫn đến cái chết. Nhờ vào đức tin nơi các chị em trong Hội Phụ Nữ của chị đều là những người tuân giữ giao ước, chị đã can đảm mời họ nhịn ăn và cầu nguyện cho con trai của mình. Một chị khác đã chia sẻ rằng chị ấy ước gì đã yêu cầu có được những lời cầu nguyện tương tự từ các chị em phụ nữ của mình. Nhiều năm trước, con trai của chị gặp khó khăn. Chị ước gì đã mời họ giúp gia đình chị vác gánh nặng này. Đấng Cứu Rỗi phán: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta.”6

Thưa các chị em, chúng ta đều có gánh nặng để mang và gánh nặng để chia sẻ. Một lời mời gọi mang gánh nặng lẫn cho nhau là một lời mời để tuân giữ các giao ước của mình. Lời khuyên của Lucy Mack Smith cho các chị em trong Hội Phụ Nữ đầu tiên quan trọng trong ngày nay hơn bao giờ hết: “Chúng ta phải yêu mến nhau, chăm sóc nhau, an ủi nhau và nhận chỉ dẫn, để chúng ta đều có thể cùng ngồi chung với nhau ở trên trời.”7 Đây là cách tốt nhất để tuân giữ giao ước và thăm viếng giảng dạy!

Sách Mặc Môn nhắc nhở chúng ta rằng ngay cả tiên tri An Ma cũng phải mang gánh nặng của việc có một đứa con trai bất trị. Nhưng An Ma đã may mắn được ban phước có các anh chị em trong phúc âm là những người tuân giữ giao ước và được cải đạo mạnh mẽ theo Chúa và đã học được ý nghĩa của việc mang gánh nặng lẫn cho nhau. Chúng ta đã quen thuộc với câu này trong Mô Si A nói về đức tin lớn lao của những lời cầu nguyện của An Ma thay cho con trai của mình. Nhưng biên sử nói rằng “Chúa đã nghe những lời cầu nguyện của dân Ngài, và cả lời cầu nguyện của tôi tớ Ngài, là An Ma.”8

Chúng ta biết rằng Chúa luôn luôn vui mừng “đối với người biết hối cải,”9 nhưng hơn hết chúng ta mong muốn con cái của mình tuân theo lời khuyên bảo của Chủ Tịch Henry B. Eyring để “bắt đầu sớm và được trung kiên” trong việc lập và tuân giữ các giao ước.10 Cách đây không lâu, một câu hỏi đòi hỏi phải suy nghĩ và chân thành đã được đặt ra trong một hội đồng các vị lãnh đạo chức tư tế và tổ chức bổ trợ: “Chúng ta có thực sự trông mong các em tám tuổi tuân giữ các giao ước của các em không?” Trong khi chúng tôi hội ý với nhau, thì có lời đề nghị rằng một cách để chuẩn bị cho các em lập và tuân giữ các giao ước báp têm thiêng liêng là giúp các em học cách lập và tuân giữ một lời hứa giản dị.

Các bậc cha mẹ trung tín có quyền biết cách tốt nhất để giảng dạy nhằm đáp ứng các nhu cầu của con cái họ. Khi cha mẹ tìm kiếm và hành động theo sự mặc khải cá nhân, cùng nhau bàn bạc, phục sự và giảng dạy các nguyên tắc phúc âm giản dị, thì họ sẽ có sức mạnh để củng cố và bảo vệ gia đình của họ. Những người khác trong gia đình cũng có thể giúp đỡ. Ông nội yêu quý của tôi đã dạy chúng tôi về tầm quan trọng của việc tuân giữ các lời hứa bằng một bài hát giản dị giống như thế này: “Trước khi ta đưa ra lời hứa, hãy cân nhắc kỹ tầm quan trọng của lời hứa đó. Sau khi đã hứa rồi, thì hãy ghi khắc lời hứa đó vào lòng. Hãy ghi khắc lời hứa đó vào lòng.” Bài hát ngắn đó được dạy với tình yêu thương, lòng tin chắc và quyền năng vì Ông Nội tôi đã ghi khắc lời hứa của chính ông vào lòng ông.

Tôi có biết một người mẹ sáng suốt đã cố ý mời gọi con cái cùng dự vào nỗ lực của chị ấy để tuân giữ các giao ước của mình. Chị ấy vui vẻ mang những gánh nặng của những người hàng xóm, bạn bè, và các tín hữu trong tiểu giáo khu—và an ủi những người cần được an ủi. Không có gì đáng ngạc nhiên khi đứa con gái nhỏ của chị ấy gần đây đã đến yêu cầu được giúp đỡ để biết cách tốt nhất để an ủi đứa bạn của nó có cha mới vừa qua đời. Đó là một bối cảnh lý tưởng để giảng dạy rằng ước muốn và hành động của em ấy để an ủi bạn của em ấy là một cách để tuân giữ giao ước báp têm của mình. Làm thế nào chúng ta có thể trông mong con cái mình lập và tuân giữ các giao ước đền thờ nếu chúng ta không trông mong chúng tuân giữ giao ước đầu tiên của chúng—là giao ước báp têm?

Anh Cả Richard G. Scott nhận xét: “Một trong các phước lành lớn nhất chúng ta có thể mang đến cho thế gian là sức mạnh của một ngôi nhà đặt Đấng Ky Tô làm trọng tâm, là nơi phúc âm được giảng dạy, các giao ước được tuân giữ, và tình yêu thương tràn đầy.”11 Chúng ta có thể tạo ra một ngôi nhà như vậy bằng những cách nào để chuẩn bị cho con cái của mình lập và tuân giữ các giao ước của đền thờ ?

  • Chúng ta có thể cùng nhau khám phá ra ý nghĩa của việc được xứng đáng với một giấy giới thiệu vào đền thờ.

  • Chúng ta có thể cùng nhau khám phá ra cách lắng nghe Đức Thánh Linh. Vì lễ thiên ân trong đền thờ nhận được qua sự mặc khải, nên chúng ta cần phải học biết kỹ năng quan trọng đó.

  • Chúng ta có thể cùng nhau khám phá ra cách học hỏi qua việc sử dụng các biểu tượng, bắt đầu với các biểu tượng báp têm và Tiệc Thánh thiêng liêng.

  • Chúng ta có thể cùng nhau khám phá ra lý do tại sao thể xác là thiêng liêng, tại sao đôi khi thể xác được gọi là một đền thờ, và cách ăn mặc đoan trang và chỉnh tề lại liên quan đến tính chất thiêng liêng của y phục đền thờ.

  • Chúng ta có thể khám phá ra kế hoạch hạnh phúc trong thánh thư. Chúng ta càng quen thuộc với kế hoạch của Cha Thiên Thượng và Sự Chuộc Tội trong thánh thư thì việc thờ phượng trong đền thờ sẽ càng có ý nghĩa hơn.

  • Chúng ta có thể cùng nhau tìm hiểu những câu chuyện về tổ tiên của mình, nghiên cứu lịch sử gia đình, làm index, và làm công việc đền thờ thay cho những người thân yêu đã qua đời.

  • Chúng ta có thể cùng nhau khám phá ra ý nghĩa của các thuật ngữ như lễ thiên ân, giáo lễ, lễ gắn bó, chức tư tế, các chìa khóa, và các từ khác liên quan đến việc thờ phượng trong đền thờ.

  • Chúng ta có thể giảng dạy rằng chúng ta đi đền thờ để lập các giao ước với Cha Thiên Thượng—và chúng ta tuân giữ các giao ước này khi trở về nhà!12

Chúng ta hãy ghi nhớ khái niệm “tốt, tốt hơn, và tốt nhất” trong khi giảng dạy.13 Giảng dạy con cái của mình về đền thờ là điều tốt. Chuẩn bị và trông mong chúng lập và tuân giữ các giao ước là điều tốt hơn. Cho chúng thấy bằng tấm gương rằng chúng ta vui vẻ trung thành với các giao ước báp têm và đền thờ của mình là điều tốt nhất! Thưa các chị em, chúng ta có nhận biết vai trò thiết yếu của mình trong công việc cứu rỗi khi chúng ta nuôi dưỡng, giảng dạy và chuẩn bị cho con cái tiến triển dọc trên con đường giao ước không? Sức mạnh để làm như vậy sẽ đến khi chúng ta tôn trọng và tuân giữ các giao ước của mình.

2 . Việc tuân giữ các giao ước là điều thiết yếu cho hạnh phúc thật sự.

Chủ Tịch Thomas S. Monson đã dạy: “Các giao ước thiêng liêng phải được chúng ta tôn trọng, và việc trung thành với các giao ước là một điều kiện để có được hạnh phúc.”14 Trong 2 Nê Phi có ghi giản dị như sau: “Và chuyện rằng, chúng tôi được sống trong hạnh phúc.”15 Trong cùng một chương này trước đó, chúng ta học biết rằng Nê Phi và dân của ông mới vừa xây cất một đền thờ. Chắc chắn họ là những người vui vẻ tuân giữ giao ước! Và chúng ta đọc trong An Ma: “Nhưng này, kể từ thời Nê Phi đến lúc này, chưa lúc nào có thời gian vui sướng trong dân Nê Phi bằng dưới thời Mô Rô Ni.”16 Tại sao? Một lần nữa chúng ta học biết trong một câu trước đó rằng họ “trung thành tuân giữ các lệnh truyền của Chúa.”17 Những người tuân giữ giao ước là những người tuân giữ giáo lệnh!

Tôi yêu thích câu thánh thư này: “Và giờ đây khi dân chúng nghe những lời này [có nghĩa là những lời mô tả giao ước báp têm], họ liền vỗ tay vui mừng mà reo lên rằng: Đó chính là điều mong muốn trong lòng chúng tôi.”18 Tôi yêu thích ước muốn của lòng họ. Họ vui vẻ mong muốn lập và tuân giữ các giao ước của mình!

Một ngày Chủ Nhật nọ, một em gái nhỏ đã vui vẻ kêu lên: “Em bắt đầu nhận được Tiệc Thánh hôm nay!” Lần cuối cùng chúng ta vui mừng trước đặc ân đó là vào lúc nào? Và chúng ta đã cho thấy điều đó bằng cách nào? Chúng ta làm điều này bằng cách luôn luôn tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi và luôn luôn tuân giữ các giáo lệnh của Ngài, trong đó gồm có việc tuân giữ ngày Sa Bát được thánh. Chúng ta làm điều đó bằng cách luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài khi chúng ta luôn luôn cầu nguyện riêng, và chung với gia đình, học thánh thư hàng ngày, có những buổi họp tối gia đình hàng tuần. Và khi chúng ta xao lãng hoặc coi thường những điều quan trọng này, thì chúng ta hối cải và bắt đầu lại.

Việc lập và vui vẻ tuân giữ các giao ước của chúng ta mang đến giá trị và ý nghĩa cho các giáo lễ cứu rỗi và thiêng liêng mà chúng ta cần phải nhận được để có “tất cả những gì Cha … có.”19 Các giáo lễ và các giao ước là “các sự kiện thuộc linh quan trọng” như Chủ Tịch Henry B. Eyring đã nói đến khi ông dạy: Các Thánh Hữu Ngày Sau là một dân giao ước. Từ ngày chịu phép báp têm cho đến những sự kiện thuộc linh quan trọng của cuộc sống mình, chúng ta lập lời hứa với Thượng Đế và Ngài lập lời hứa với chúng ta. Ngài luôn luôn giữ lời hứa của Ngài được đưa ra qua các tôi tớ có thẩm quyền của Ngài, nhưng đó là thử thách quan trọng trong cuộc sống của chúng ta để xem chúng ta có chịu lập và tuân giữ các giao ước của mình với Ngài không.”20

3. Việc tuân giữ các giao ước của chúng ta cho thấy tình yêu mến của chúng ta đối với Đấng Cứu Rỗi và Cha Thiên Thượng.

Trong số tất cả các lý do tại sao chúng ta phải siêng năng hơn trong việc tuân giữ giao ước của mình, thì lý do này là có sức thuyết phục hơn cả—tình yêu thương. Khi chúng ta xem xét nguyên tắc của tình yêu thương, có một câu trong Kinh Cựu Ước đã làm tôi cảm động. Ai trong chúng ta lại không cảm động trước câu chuyện tình của Gia Cốp và Ra Chên trong Kinh Thánh khi chúng ta đọc: “Vậy, Gia Cốp vì Ra Chên, phải giúp việc trong bảy năm: nhưng bởi yêu nàng, nên coi bảy năm bằng chừng đôi ba bữa”?21 Thưa các chị em, chúng ta có tuân giữ các giao ước của mình với tình yêu sâu sắc và tận tâm như thế không?

Tại sao Đấng Cứu Rỗi sẵn lòng tuân giữ giao ước của Ngài với Đức Chúa Cha và làm tròn sứ mệnh thiêng liêng của Ngài để chuộc tội lỗi của thế gian? Đó là tình yêu thương của Ngài đối với Cha Thiên Thượng và tình yêu của Ngài dành cho chúng ta. Tại sao Đức Chúa Cha sẵn sàng để cho Con Trai Độc Sinh và toàn hảo của Ngài bị đau đớn không thể diễn tả nổi để mang lấy tội lỗi, nỗi đau khổ, bệnh tật, và sự yếu đuối của thế gian và tất cả những điều không công bằng trong cuộc sống này? Chúng tôi tìm thấy câu trả lời trong những lời này: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài.”22

“Nếu chúng ta hoàn toàn biết ơn những phước lành thuộc về mình qua sự chuộc tội đã được thực hiện vì chúng ta, thì không có điều gì Chúa có thể đòi hỏi ở chúng ta mà chúng ta sẽ không thiết tha và sẵn lòng làm.”23 Theo như câu nói này của Chủ Tịch Joseph Fielding Smith, việc tuân giữ giao ước là một cách để bày tỏ tình yêu thương của chúng ta đối với Sự Chuộc Tội vô hạn, khó hiểu của Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta và tình yêu thương trọn vẹn của Cha Thiên Thượng.

Anh Cả Holland đã xúc động đến mức ông nói rằng: “Tôi không chắc chắn là kinh nghiệm của chúng ta vào Ngày Phán Xét sẽ như thế nào, nhưng tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu vào một thời điểm nào đó trong cuộc trò chuyện, Thượng Đế sẽ không hỏi chúng ta y như điều mà Đấng Ky Tô đã hỏi Phi E Rơ: ‘Ngươi có yêu ta không?’”24 Buổi tối hôm nay, tôi mời mỗi người chúng ta hãy đánh giá xem chúng ta yêu mến Đấng Cứu Rỗi bao nhiêu, bằng cách sử dụng một thước đo về mức độ vui vẻ của chúng ta trong việc tuân giữ các giao ước của mình. Đấng Cứu Rỗi phán: “Ai có các điều răn của ta và vâng giữ lấy, ấy là kẻ yêu mến ta; người nào yêu mến ta sẽ được Cha ta yêu lại, ta cũng sẽ yêu người, và tỏ cho người biết ta.”25 Chúng ta đều cần Đấng Cứu Rỗi biểu hiện thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày của mình biết bao!

Chúng ta hãy nhớ rằng ngay cả những người đã ương ngạnh trong quá khứ hoặc hiện đang gặp khó khăn cũng đều có thể cảm nhận được ảnh hưởng của Đấng Chăn Hiền Lành và nghe tiếng Ngài phán: “Thôi vào đi. Ngươi không bị trói buộc nữa. Ngươi đã được tự do.” Chính Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Ta là người chăn hiền lành; người chăn hiền lành vì chiên mình phó sự sống mình.”26 Ngài có thể phán điều đó vì Ngài đã giữ các giao ước của Ngài với tình yêu thương. Vậy câu hỏi đặt ra là: chúng ta cũng sẽ làm được như vậy chứ? Cầu xin cho chúng ta sẽ tiến bước với đức tin, tấm lòng vui vẻ, và một ước muốn lớn để làm những người tuân giữ giao ước. Đây là cách chúng ta cho thấy tình yêu thương của mình đối với Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi, tôi làm chứng về hai Đấng này với tình yêu thương sâu đậm, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem D. Todd Christofferson, “You Are Free,” Liahona, tháng Ba năm 2013, 16, 18.

  2. Jeffrey R. Holland, “Keeping Covenants: A Message for Those Who Will Serve a Mission,” Liahona, tháng Giêng năm 2012, 49.

  3. Xin xem “Understanding Our Covenants with God,” Liahona, tháng Bảy năm 2012, 23.

  4. “Con Sẽ Đi Đến Nơi Nào Ngài Sai Con,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 46; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  5. 1 Nê Phi 14:14.

  6. Giăng 13:35.

  7. Lucy Mack Smith, trong Daughters in My Kingdom: The History and Work of Relief Society (2011), 25.

  8. Mô Si A 27:14; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  9. Giáo Lý và Giao Ước 18:13.

  10. Xin xem Henry B. Eyring, “Sự Chuẩn Bị Thuộc Linh: Bắt Đầu Sớm và Hãy Kiên Định,” Liahona, tháng Mười Một năm 2005, 37–40.

  11. Richard G. Scott, “Để Có Sự Bình An trong Nhà,” Liahona, tháng Năm năm 2013, 30.

  12. Xin xem D. Todd Christofferson, “The Gospel Answers Life’s Problems and Challenges” (buổi họp huấn luyện giới lãnh đạo Giáo Hội trên toàn cầu, tháng Hai năm 2012); lds.org/broadcasts.

  13. Xin xem Dallin H. Oaks, “Tốt, Tốt Hơn, Tốt Nhất,” Liahona, tháng Mười Một năm 2007, 104.

  14. Thomas S. Monson, “Happiness—the Universal Quest,” Liahona, tháng Ba năm 1996, 5.

  15. 2 Nê Phi 5:27.

  16. An Ma 50:23.

  17. An Ma 50:22.

  18. Mô Si A 18:11.

  19. Giáo Lý và Giao Ước 84:38.

  20. Henry B. Eyring, “Witnesses for God,” Ensign, tháng Mười Một năm 1996, 30; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  21. Sáng Thế Ký 29:20.

  22. Giăng 3:16.

  23. Joseph Fielding Smith, “Importance of the Sacrament Meeting,” Tạp Chí Hội Phụ Nữ, tháng Mười năm 1943, 592.

  24. Jeffrey R. Holland, “Giáo Lệnh Đầu Tiên và Lớn Nhất,” Liahona, tháng Mười Một năm 2012, 84.

  25. Giăng 14:21.

  26. Giăng 10:11.