2010–2019
Viễn Cảnh Vĩnh Cửu của Phúc Âm
Tháng tư 2015


10:45

Viễn Cảnh Vĩnh Cửu của Phúc Âm

Đối với các quyết định có ảnh hưởng đến thời vĩnh cửu, việc có một viễn cảnh về phúc âm là điều cần thiết.

Trong một điều mặc khải ban cho Môi Se, chúng ta được cho biết về ý định đã được tuyên phán của Cha Thiên Thượng chúng ta: “Vì này, đây là công việc của ta và sự vinh quang của ta—là để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người.”1 Theo lời tuyên phán đó, ước muốn của Đức Chúa Cha là ban cho mọi người cơ hội để nhận được niềm vui trọn vẹn. Những điều mặc khải ngày sau cho thấy rằng Cha Thiên Thượng đã sáng tạo ra một kế hoạch hạnh phúc vĩ đại cho tất cả con cái của Ngài, một kế hoạch rất đặc biệt để chúng ta có thể trở về sống với Ngài.

Việc hiểu được kế hoạch hạnh phúc này mang đến cho chúng ta một viễn cảnh vĩnh cửu và giúp chúng ta thực sự quý trọng các giáo lệnh, giáo lễ, giao ước, và những thử thách cùng những nỗi khổ cực.

Một nguyên tắc chính yếu đến từ An Ma: “Vậy nên Thượng Đế đã ban cho họ những lệnh truyền sau khi đã cho họ biết kế hoạch cứu chuộc.”2

Thật là thú vị để thấy trình tự trong tiến trình giảng dạy này. Trước tiên, Cha Thiên Thượng dạy A Đam và Ê Va kế hoạch cứu chuộc, rồi sau đó Ngài ban cho họ các giáo lệnh.

Đây là một lẽ thật quan trọng. Việc hiểu được kế hoạch này sẽ giúp con người tuân giữ các giáo lệnh, chọn những quyết định tốt hơn, và có động lực đúng đắn.

Trong thời gian phục vụ trong Giáo Hội, tôi đã chứng kiến sự tận tâm và lòng trung tín của các tín hữu Giáo Hội trong các quốc gia khác nhau, một số quốc gia đó có xung đột chính trị, xã hội, hoặc kinh tế. Một yếu tố chung mà tôi thường thấy ở các tín hữu trung thành là viễn cảnh mà họ có được về thời vĩnh cửu. Viễn cảnh vĩnh cửu của phúc âm dẫn chúng ta đến việc hiểu được vị trí của chúng ta trong kế hoạch của Thượng Đế, để chấp nhận những khó khăn và tiến triển qua những khó khăn đó, để chọn những quyết định, và tập trung cuộc sống của chúng ta vào tiềm năng thiêng liêng của mình.

Viễn cảnh là cách chúng ta nhìn những sự việc từ một khoảng cách nào đó, và như thế cho phép chúng ta biết ơn giá trị thật sự của những sự việc đó.

Viễn cảnh giống như là việc ở trong một khu rừng và có một cái cây ở trước mặt chúng ta. Trừ khi chúng ta lùi lại một chút, thì chúng ta sẽ không thể đánh giá đúng được một khu rừng thực sự là gì. Có lần tôi đến thăm Rừng Amazon ở Leticia, Colombia, gần biên giới Brazil và Peru. Tôi đã không thể đánh giá đúng được mức độ rộng lớn của khu rừng đó cho đến khi tôi ở trên máy bay bay ngang qua khu rừng và có được viễn cảnh đó.

Khi con cái chúng tôi còn nhỏ, chúng thường xem một kênh truyền hình của trẻ em, có chiếu một chương trình tên là What Do You See? [Bạn Thấy Điều Gì?] Hình ảnh trên màn hình cho thấy một cái gì đó rất gần, và các trẻ em phải đoán đó là vật gì trong khi hình ảnh đó dần dần hiện rõ hơn trên màn hình. Một khi vật hiện ra rõ hoàn toàn rồi thì ta có thể dễ dàng biết rằng đó là một con mèo, một cái cây, một miếng trái cây, và vân vân

Tôi nhớ rằng trong một dịp nọ chúng đang xem chương trình đó và họ chiếu một cái gì đó rất gần nên trông rất xấu xí đối với chúng, thậm chí còn ghê tởm nữa; nhưng khi hình ảnh được mở rộng, thì chúng nhận ra rằng đó là một cái bánh pizza rất ngon. Sau đó, chúng nói với tôi: “Cha ơi, mua cho chúng con một cái bánh pizza giống như thế đi!” Sau khi chúng đã hiểu đó là cái gì, thì một vật gì đó lúc đầu trông thấy khó chịu đối với chúng ta, nhưng cuối cùng lại là một vật gì đó rất hấp dẫn.

Tôi xin chia sẻ một kinh nghiệm khác nữa. Trong nhà chúng tôi, con cái thích chơi trò chơi ghép hình. Có lẽ chúng ta đều có cơ hội để chơi một trò chơi ghép hình. Một số trò chơi ghép hình là từ nhiều miếng hình nhỏ ghép lại. Tôi nhớ rằng một trong mấy đứa con của chúng tôi (tôi sẽ không cho biết tên của nó để bảo vệ danh tính của nó) thường tập trung vào từng miếng hình nhỏ, và khi một miếng hình không khớp với chỗ mà nó nghĩ là miếng hình đó phải được xếp vào, thì nó sẽ trở nên tức giận và cho rằng miếng hình đó không tốt và muốn vứt đi. Cuối cùng nó cũng biết cách ghép hình khi hiểu rằng mỗi miếng hình nhỏ có vị trí riêng trong tấm hình cuối cùng, thậm chí có lúc nó không biết vị trí của miếng hình đó ở đâu.

Đây là một cách để suy ngẫm kế hoạch của Chúa. Chúng ta không cần phải quá bận tâm đến mỗi phần riêng rẽ của kế hoạch mà thay vì thế chúng ta nên cố gắng thấu hiểu toàn bộ các nguyên tắc, và ghi nhớ kết quả cuối cùng sẽ là gì. Chúa biết mỗi phần đó thuộc vào đâu để phù hợp với kế hoạch của Ngài. Tất cả các lệnh truyền đều có tầm quan trọng vĩnh cửu trong bối cảnh của kế hoạch hạnh phúc vĩ đại.

Thật là một điều vô cùng quan trọng để chúng ta không chọn những quyết định có giá trị vĩnh cửu từ viễn cảnh của cuộc sống trần thế. Đối với các quyết định có ảnh hưởng đến thời vĩnh cửu, việc có một viễn cảnh về phúc âm là điều cần thiết.

Anh Cả Neal A. Maxwell đã dạy: “Mặc dù chúng ta có thể tập trung vào điều chúng ta hy vọng nhiều nhất nơi thời vĩnh cửu, nhưng có một số điều chúng ta hy vọng trong cuộc đời này lại là vấn đề khác. Chúng ta có thể hy vọng được tăng lương, có được một cuộc hẹn hò đặc biệt, người chúng ta ủng hộ được thắng trong cuộc bầu cử, hoặc một ngôi nhà to hơn—những điều có thể hoặc không thể thực hiện được. Đức tin nơi kế hoạch của Đức Chúa Cha cho chúng ta sức chịu đựng ngay cả khi những hy vọng ngắn hạn này cũng không được thực hiện. Hy vọng giữ cho chúng ta ′biết thiết tha nhiệt thành với chính nghĩa′ cho dù những điều này dường như đang mất chính nghĩa (xin xem GLGƯ 58:27).”3

Việc không có hoặc đánh mất một viễn cảnh vĩnh cửu có thể dẫn chúng ta đến việc phải có một viễn cảnh về trần thế làm tiêu chuẩn cá nhân của mình và đưa ra quyết định mà không phù hợp với ý muốn của Thượng Đế.

Sách Mặc Môn đề cập đến thái độ Nê Phi đã chọn và thái độ của La Man và Lê Mu Ên. Họ đều bị rất nhiều khó khăn và vô số hoạn nạn; tuy nhiên, thái độ của họ đối với những hoạn nạn đó rất là khác biệt. Nê Phi nói: “Những phước lành của Chúa đã ban cho chúng tôi thật lớn lao thay, vì trong lúc chúng tôi đã sống nhờ vào thịt sống ở trong vùng hoang dã, vợ của chúng tôi lại có đầy đủ sữa cho con bú, và rất mạnh khỏe, phải, họ mạnh như đàn ông; và họ bắt đầu chịu đựng cuộc hành trình mà không ta thán.”4

Mặt khác, La Man và Lê Mu Ên, ta thán một cách cay đắng. “Và La Man cùng Lê Mu Ên, hai người con trai lớn nhất, đã ta thán cha mình như vậy. Và sở dĩ họ ta thán là vì họ không hiểu những việc làm của Thượng Đế là Đấng đã sáng tạo ra họ.”5 Việc không biết hoặc làm ngơ “những việc làm của … Thượng Đế” là một cách đánh mất viễn cảnh vĩnh cửu, và ta thán chỉ là một trong những dấu hiệu. Mặc dù La Man và Lê Mu Ên đã cùng với Nê Phi chứng kiến nhiều phép lạ, nhưng họ vẫn kêu than: “Chúng ta đã lưu lạc trong vùng hoang dã biết bao năm rồi; và vợ chúng ta đã làm việc nhọc nhằn trong khi thai nghén; và họ đã sinh con trong vùng hoang dã và chịu đựng tất cả mọi điều, chỉ trừ cái chết. Thà rằng để họ chết trước khi rời khỏi Giê Ru Sa Lem còn hơn là phải chịu đựng những nỗi khổ cực như vầy.6

Đó là hai thái độ rất khác nhau, mặc dù những khó khăn và khổ sở mà họ đã trải qua đều rất giống nhau. Rõ ràng là họ có những viễn cảnh khác nhau.

Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã viết như sau: “Nếu chúng ta nhìn cuộc sống trần thế như là cả cuộc đời thì nỗi đau đớn, buồn phiền, thất bại, và cuộc sống ngắn ngủi sẽ là thảm họa. Nhưng nếu chúng ta nhìn cuộc sống như là một điều vĩnh cửu đã tồn tại từ quá khứ xa xưa của chúng ta trước khi có cuộc sống này, và sẽ tồn tại trong thời vĩnh cửu sau khi chết, thì tất cả những diễn biến có thể được đặt theo đúng viễn cảnh.”7

Anh Cả David B. Haight kể một câu chuyện về nhà điêu khắc Michelangelo để minh họa cho tầm quan trọng của việc nhìn mọi điều theo đúng viễn cảnh: “Khi nhà điêu khắc đó đục một khối đá cẩm thạch, thì mỗi ngày có một cậu bé đến và rụt rè theo dõi. Khi hình dạng của Đa Vít trở nên rõ ràng và hiện rõ từ tảng đá đó, hoàn thành để cho tất cả thế giới ngắm nhìn, thì cậu bé đó hỏi Michelangelo: ‘Làm thế nào ông biết là ông ấy ở trong đó vậy?’”8

Viễn cảnh mà nhà điêu khắc đó đã thấy rằng khối đá cẩm thạch là khác với viễn cảnh của cậu bé đang theo dõi ông làm việc. Tầm nhìn xa của nhà điêu khắc về các khả năng chứa đựng trong tảng đá đã cho phép ông tạo ra một tác phẩm nghệ thuật.

Chúa biết điều Ngài muốn hoàn thành với mỗi người chúng ta. Ngài biết loại sửa đổi nào Ngài muốn đạt được trong cuộc sống chúng ta, và chúng ta không có quyền chỉ bảo Ngài. Ý tưởng của Ngài cao hơn ý tưởng của chúng ta.9

Tôi làm chứng rằng chúng ta có một Cha Thiên Thượng nhân từ, công bình, và thương xót đã chuẩn bị một kế hoạch cho hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta. Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Ngài và Đấng Cứu Rỗi của thế gian. Tôi biết rằng Chủ Tịch Thomas S. Monson là vị tiên tri của Thượng Đế. Tôi nói những điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.