2010–2019
Tại Sao Hôn Nhân và Gia Đình Là Quan Trọng—Ở Khắp Nơi trên Thế Giới
Tháng tư 2015


15:38

Tại Sao Hôn Nhân và Gia Đình Là Quan Trọng—Ở Khắp Nơi trên Thế Giới

Gia đình là trọng tâm của cuộc sống và là chìa khóa dẫn đến hạnh phúc vĩnh cửu.

Tháng Mười Một vừa qua tôi có đặc ân được mời đến tham dự một cuộc hội thảo về hôn nhân và gia đình tại Vatican ở Rome, Ý, cùng với Chủ Tịch Henry B. Eyring và Giám Trợ Gérald Causse. Những người đại diện tôn giáo từ 14 tín ngưỡng khác nhau và từ sáu trong số bảy lục địa đến tham dự, tất cả những người này đã được mời để bày tỏ niềm tin của họ về điều đang xảy ra với gia đình trong thế giới ngày nay.

President Henry B. Eyring, Bishop Gerald Causse and Elder Perry in Rome

Đức Giáo Hoàng Francis đã khai mạc phiên họp đầu tiên của cuộc hội thảo với lời phát biểu này: “Chúng ta hiện đang sống trong một nền văn hóa vật chất, trong đó càng ngày càng có nhiều người hoàn toàn từ bỏ hôn nhân như là một cam kết công khai. Cuộc cách mạng này về cách cư xử và đạo đức đã thường xuyên phất cao ngọn cờ tự do, nhưng trong thực tế điều đó đã gây ra sự tàn phá về mặt tinh thần và vật chất đối với vô số người, đặc biệt là những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất. … Họ chính là những người đau khổ nhất trong cuộc khủng hoảng này.”1

Khi đề cập đến những người thuộc thế hệ đang vươn lên, Đức Giáo Hoàng nói rằng điều quan trọng là họ “không nhượng bộ và chấp nhận ý niệm đồi bại rằng những điều [như hôn nhân] vật chất là tạm thời, nhưng thay vì thế hãy là những nhà cách mạng có can đảm để tìm kiếm tình yêu đích thực và lâu dài, và hành động chống lại những điều phổ biến;” và điều này cần phải được thực hiện.2

Synod hall with the faith leaders on the marriage summit

Tiếp theo phiên họp đầu tiên của cuộc hội thảo là ba ngày trình bày và thảo luận với các vị lãnh đạo tôn giáo đề cập đến đề tài hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Trong khi lắng nghe nhiều vị lãnh đạo của đủ các loại tôn giáo khác nhau trên thế giới, tôi đã nghe thấy họ hoàn toàn đồng ý với nhau và bày tỏ sự hỗ trợ cho niềm tin của nhau về tính thiêng liêng của thể chế hôn nhân và về tầm quan trọng của gia đình với tính cách là đơn vị cơ bản của xã hội. Tôi cảm thấy một cảm giác mạnh mẽ về những điểm tương đồng và tình đoàn kết với họ.

Có rất nhiều vị lãnh đạo đã thấy và bày tỏ tình đoàn kết này, và họ đã làm như vậy trong nhiều cách khác nhau. Một trong những điều tôi ưa thích nhất là khi một học giả Hồi Giáo từ Iran trích dẫn hai đoạn nguyên văn từ bản tuyên ngôn của chính chúng ta về gia đình.

Trong cuộc hội thảo này, tôi nhận thấy rằng khi nhiều tôn giáo và giáo phái đoàn kết lại trong cùng một niềm tin về hôn nhân và gia đình, thì họ cũng đoàn kết về các giá trị đạo đức, lòng chung thủy và cam kết mà đều liên kết một cách tự nhiên với các đơn vị gia đình. Điều làm tôi thấy đáng chú ý là thấy những ưu tiên tập trung vào hôn nhân và gia đình quan trọng hơn bất cứ sự khác biệt về chính trị, kinh tế, hay tôn giáo nào. Khi nói đến tình yêu vợ chồng và những hy vọng, lo lắng, và ước mơ cho con cái, chúng ta đều giống nhau cả.

President Henry B. Eyring speaking in a news room.

Thật là kỳ diệu để có mặt trong các buổi họp với những người thuyết trình đến từ khắp thế giới khi họ nói về những cảm nghĩ về tầm quan trọng của hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Mỗi bài nói chuyện của họ đều được kèm theo những ý kiến của các vị lãnh đạo tôn giáo khác. Chủ Tịch Henry B. Eyring đã đưa ra một chứng ngôn cuối cùng tại cuộc hội thảo. Ông đã làm chứng một cách hùng hồn về một cuộc hôn nhân đầy cam kết thì thật đẹp đẽ biết bao và về niềm tin của chúng ta đối với phước lành đã được hứa về các gia đình vĩnh cửu.

Chứng ngôn của Chủ Tịch Eyring là phần kết thúc thích hợp cho ba ngày đặc biệt đó.

Vậy thì, các anh chị em có thể hỏi: “Nếu đa số đều cảm thấy có cùng ưu tiên và niềm tin giống nhau như thế về gia đình, nếu tất cả những người thuộc các tín ngưỡng và tôn giáo đó đều đồng ý trên căn bản về việc hôn nhân phải là gì, và nếu tất cả họ đều đồng ý về giá trị nên được đặt trên mối quan hệ trong mái gia đình, thì chúng ta khác biệt như thế nào? Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô khác biệt và riêng biệt như thế nào với phần còn lại của thế giới?”

Đây là câu trả lời: mặc dù là điều tuyệt vời để cảm thấy rằng chúng ta có rất nhiều điểm giống với phần còn lại của thế giới về gia đình, nhưng chúng ta có quan điểm vĩnh cửu của phúc âm phục hồi.

Điều mà phúc âm phục hồi mang đến cho cuộc thảo luận về hôn nhân và gia đình là rất lớn và thích hợp đến nỗi nó cần phải được nhấn mạnh một cách rõ ràng: chúng ta làm đề tài đó thành vĩnh cửu! Chúng ta mang cam kết và tính chất thiêng liêng của hôn nhân đến một mức độ cao hơn vì niềm tin và sự hiểu biết của chúng ta rằng gia đình đã có từ trước khi thế gian này được tạo dựng và gia đình có thể tồn tại trong thời vĩnh cửu.

Giáo lý này được giảng dạy rất đơn giản, hùng hồn, và tuyệt vời bởi lời của Ruth Gardner trong bài hát Thiếu Nhi “Gia Đình Có Thể Sống với Nhau Vĩnh Viễn.” Hãy dừng lại một chút và nghĩ tới các em trong Hội Thiếu Nhi trên khắp thế giới đang cất tiếng hát những lời này bằng tiếng mẹ đẻ của các em, với một lòng nhiệt thành mà chỉ tình yêu thương của gia đình mới có thể hát lên như thế được:

Các gia đình có thể sống với nhau vĩnh viễn

Qua kế hoạch của Cha Thiên Thượng

Tôi luôn luôn muốn ở với gia đình tôi

Và Chúa đã chỉ cho tôi thấy cách tôi có thể làm được như thế.3

Toàn bộ thuyết thần học của phúc âm phục hồi của chúng ta tập trung vào gia đình và giao ước mới và vĩnh viễn của hôn nhân. Trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta tin vào một cuộc sống tiền dương thế mà trong đó chúng ta đều sống với tư cách là con cái linh hồn thật sự của Thượng Đế Đức Chúa Cha. Chúng ta tin rằng chúng ta đã và vẫn là những người trong gia đình của Ngài.

Chúng ta tin tưởng rằng mối quan hệ hôn nhân và gia đình có thể tiếp tục tồn tại sau khi chết—rằng lễ hôn phối được thực hiện bởi những người có thẩm quyền thích hợp trong các đền thờ của Ngài sẽ tiếp tục có hiệu lực trong thế giới mai sau. Lẽ hôn phối của chúng ta không gồm có câu “cho đến khi cái chết chia lìa chúng ta” và thay vì thế thì nói là “trong thời tại thế lẫn thời vĩnh cửu.”

Chúng ta cũng tin rằng kiểu gia đình truyền thống vững mạnh không chỉ là các đơn vị cơ bản của một xã hội ổn định, một nền kinh tế ổn định, và một nền văn hóa ổn định về các giá trị đạo đức—mà còn là những đơn vị cơ bản của thời vĩnh cửu, của vương quốc và chính quyền của Thượng Đế.

Chúng ta tin rằng tổ chức và chính quyền của thiên thượng sẽ được xây dựng xung quanh gia đình và thân quyến.

Chính là vì niềm tin của chúng ta rằng hôn nhân và gia đình là vĩnh cửu mà chúng ta, với tư cách là một giáo hội, muốn trở thành người lãnh đạo và tham gia vào các phong trào trên toàn cầu để củng cố họ. Chúng ta biết rằng không phải chỉ những người sùng đạo mới chia sẻ những giá trị và ưu tiên chung về các mối quan hệ hôn nhân lâu dài và gia đình vững mạnh. Một số đông người không có đạo đã quyết định rằng một lối sống của hôn nhân và gia đình đầy cam kết là cách hợp lý nhất, tiết kiệm nhất, và hạnh phúc nhất để sống theo.

Không một ai có thể tìm ra một cách nào hiệu quả để nuôi dạy thế hệ kế tiếp hơn một “hộ gia đình” gồm có cha mẹ đã kết hôn và con cái.

Tại sao hôn nhân và gia đình là quan trọng—ở khắp mọi nơi? Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy rằng hôn nhân vẫn là điều lý tưởng và là hy vọng của đa số những người thuộc mọi nhóm tuổi—thậm chí trong số những người thuộc thế hệ sinh từ những năm đầu thập niên 1980 và 2000, mà trong đó chúng ta nghe rất nhiều về việc chọn sống độc thân, tự do cá nhân, và sống chung thay vì kết hôn. Thực tế là đa số mọi người trên toàn cầu vẫn muốn có con và tạo nên gia đình vững mạnh.

Một khi chúng ta đã kết hôn và một khi chúng ta có con cái thì sự tương đồng thực sự giữa tất cả nhân loại trở nên rõ ràng hơn. Là “những người ủng hộ việc có gia đình”—cho dù chúng ta đang sống nơi nào hay những niềm tin tôn giáo có thể là gì đi nữa—thì chúng ta đều cùng chia sẻ những khó khăn vất vả, những thay đổi để thích nghi giống nhau, và cùng những hy vọng, lo lắng, ước mơ cho con cái của chúng ta.

Như nhà bình luận David Brooks của New York Times nói: “Người ta không có cuộc sống khá hơn khi họ được tự do cá nhân tối đa để làm điều họ muốn. Họ có cuộc sống khá hơn khi họ được ràng buộc bởi những cam kết mà có một ưu tiên cao hơn lựa chọn cá nhân của họ—đó là cam kết với gia đình, Thượng Đế, việc làm và đất nước.”4

Một vấn đề là phần lớn các phương tiện truyền thông và giải trí trên khắp thế giới không phản ảnh những ưu tiên và giá trị đạo đức của đa số người. Vì những lý do nào đi nữa, có quá nhiều chương trình truyền hình, phim ảnh, âm nhạc, và Internet cho thấy một trường hợp điển hình về một số ít người giả vờ rằng họ thực sự là đa số. Sự vô luân và phi luân, từ bạo lực dữ dội đến tình dục để giải trí tạm thời, được mô tả là điều bình thường và có thể làm cho những người có các giá trị đạo đức truyền thống cảm thấy như là chúng ta đã quá cổ hủ hay lỗi thời. Trong một thế giới mà ảnh hưởng của phương tiện truyền thông và Internet chiếm ưu thế, thì chưa bao giờ lại khó hơn để nuôi dạy con cái để trở thành người có trách nhiệm và giữ vững hôn nhân và gia đình lại với nhau.

Tuy nhiên, mặc dù có nhiều hình thức về phương tiện truyền thông và giải trí có thể gợi ý, và mặc dù một số người không ủng hộ hôn nhân và gia đình, nhưng đa số nhân loại vẫn tin rằng hôn nhân phải là giữa một người nam và một người nữ. Họ tin vào lòng chung thủy trong hôn nhân, và họ tin vào những lời thệ nguyện hôn nhân về “những lúc đau ốm và những lúc khỏe mạnh” và “cho đến khi cái chết chia lìa chúng ta.”

Thỉnh thoảng chúng ta cần phải nhắc nhở bản thân mình, như tôi đã được nhắc nhở ở Rome, về sự kiện bảo đảm và an ủi một cách tuyệt vời rằng hôn nhân và gia đình vẫn là niềm khát vọng và lý tưởng của hầu hết mọi người, và rằng chúng ta không đơn độc một mình trong niềm tin đó. Chưa từng bao giờ lại khó khăn để tìm thấy một sự cân bằng thiết thực giữa công việc làm, gia đình, và các nhu cầu cá nhân hơn là trong thời kỳ của chúng ta. Là một giáo hội, chúng ta muốn phụ giúp trong mọi phương diện có thể được để tạo dựng và hỗ trợ hôn nhân và gia đình vững mạnh.

Đó là lý do tại sao Giáo Hội tham gia tích cực và cung cấp sự lãnh đạo cho nhiều nhóm liên minh khác nhau và những nỗ lực liên tôn để củng cố gia đình. Đó là lý do tại sao chúng ta chia sẻ những giá trị tập trung vào gia đình của mình vào phương tiện truyền thông và truyền thông xã hội. Đó là lý do tại sao chúng ta chia sẻ các hồ sơ gia phả và gia đình của chúng ta với tất cả mọi quốc gia.

Chúng ta muốn tiếng nói của mình phải được nghe thấu trong việc chống lại tất cả các lối sống sai lầm mà cố gắng thay thế tổ chức gia đình do chính Thượng Đế thiết lập. Chúng ta cũng muốn tiếng nói của mình được nghe thấu trong việc duy trì niềm vui và sự mãn nguyện mà các đơn vị gia đình truyền thống mang lại. Chúng ta phải tiếp tục lên tiếng trên khắp thế giới trong việc tuyên bố lý do tại sao hôn nhân và gia đình lại quan trọng như vậy, tại sao hôn nhân và gia đình thực sự quan trọng, và tại sao điều đó sẽ luôn luôn quan trọng.

Thưa các anh chị em, phúc âm phục hồi đặt trọng tâm vào hôn nhân và gia đình. Cũng là trong hôn nhân và gia đình mà chúng ta có thể đoàn kết nhất với các tôn giáo khác. Chính là xung quanh hôn nhân và gia đình mà chúng ta sẽ tìm thấy sự tương đồng lớn nhất của mình với phần còn lại của thế giới. Chính là xung quanh hôn nhân và gia đình mà Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô có cơ hội lớn lao nhất để làm một ánh sáng trên ngọn đồi.

Tôi xin kết thúc bằng chứng ngôn (và chín thập niên của tôi trên trái đất này cho tôi có đủ điều kiện để nói điều này) rằng khi càng lớn tuổi, thì tôi càng nhận ra rằng gia đình là trọng tâm của cuộc sống và là chìa khóa dẫn đến hạnh phúc vĩnh cửu.

Tôi cám ơn vợ tôi, các con tôi, các cháu và chắt của tôi, và tất cả các anh chị em họ và các dâu rể cùng đại gia đình thân quyến đã làm cho cuộc sống của tôi được phong phú và vâng, còn vĩnh cửu nữa. Tôi chia sẻ chứng ngôn vững mạnh và thiêng liêng nhất của mình về lẽ thật vĩnh cửu này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Đức Giáo Hoàng Francis, ngỏ lời tại Humanum: An International Interreligious Colloquium on the Complementarity of Man and Woman, ngày 17 tháng Mười Một năm 2014, humanum.it/en/videos; see also zenit.org/en/articles/pope-francis-address-at-opening-of-colloquium-on-complementarity-of-man-and-woman.

  2. Đức Giáo Hoàng, Colloquium on the Complementarity of Man and Woman.

  3. “Families Can Be Together Forever,” Hymns, số 300.

  4. David Brooks, “The Age of Possibility,” New York Times, ngày 16 tháng Mười Một năm 2012, A35, nytimes.com/2012/11/16/opinion/brooks-the-age-of-possibility.html.