2010–2019
Âm Nhạc của Phúc Âm
Tháng tư 2015


Âm Nhạc của Phúc Âm

Âm nhạc của phúc âm là cảm nghĩ thuộc linh vui vẻ đến từ Đức Thánh Linh. Điều này mang đến một sự thay đổi trong lòng.

Cách đây nhiều năm, tôi lắng nghe một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh về một bác sĩ trẻ làm việc trong một bệnh viện ở Vùng Navajo. Ông kể về một kinh nghiệm ông đã có vào một đêm nọ khi một ông lão người Mỹ Da Đỏ tóc dài đi vào phòng cấp cứu. Vị bác sĩ trẻ lấy bìa kẹp hồ sơ bệnh lý, đến gần ông lão, và nói: “Tôi có thể giúp gì cho ông đây?” Ông lão nhìn thẳng về phía trước và không nói gì. Vị bác sĩ, cảm thấy hơi nóng ruột, cố gắng hỏi một lần nữa: “Tôi không thể giúp ông nếu ông không nói chuyện với tôi. Xin cho tôi biết tại sao ông đến bệnh viện.”

Rồi ông lão nhìn vị bác sĩ và nói: “Bác sĩ có biết nhảy múa không?” Trong khi vị bác sĩ trẻ suy nghĩ về câu hỏi lạ lùng đó, thì ông nghĩ rằng có lẽ bệnh nhân của mình là một người thuộc bộ lạc tin vào khả năng chữa lành đặc biệt mà theo phong tục của bộ lạc thời xưa là tìm cách chữa lành người bệnh qua bài hát và nhảy múa thay vì kê đơn thuốc.

Vị bác sĩ nói: “Dạ không, tôi không biết nhảy múa. Ông có biết nhảy múa không?” Ông lão gật đầu nói là biết. Rồi vị bác sĩ hỏi: “Ông có thể dạy tôi nhảy múa được không?”

Câu trả lời của ông lão đã khiến tôi suy ngẫm rất nhiều trong nhiều năm. Ông lão nói: “Tôi có thể dạy bác sĩ cách nhảy múa nhưng bác sĩ phải nghe nhạc đã.”

Đôi khi trong nhà của mình, chúng ta giảng dạy một cách thành công những bước nhảy nhưng không được thành công lắm trong việc giúp những người trong gia đình chúng ta dạy biết cách nghe nhạc. Và như ông lão cũng biết rõ, rất khó để nhảy múa mà không có nhạc. Nhảy múa mà không có nhạc là rất vụng về và không hoàn chỉnh—thậm chí còn ngượng ngịu nữa. Các anh chị em đã bao giờ thử làm như vậy chưa?

Trong tiết 8 sách Giáo Lý và Giao Ước, Chúa đã dạy Joseph Smith và Oliver Cowdery: “Phải, này, ta sẽ nói trong trí của ngươi và trong tâm của ngươi bởi Đức Thánh Linh, là Đấng sẽ đến với ngươi và sẽ ngự trong tâm ngươi” (câu 2). Chúng ta học các bước nhảy với tâm trí nhưng nghe nhạc bằng trái tim. Những bước nhảy của phúc âm là những điều chúng ta làm; âm nhạc của phúc âm là cảm nghĩ thuộc linh vui vẻ đến từ Đức Thánh Linh. Điều này mang đến một sự thay đổi trong lòng và là nguồn gốc của tất cả những ước muốn ngay chính. Các bước nhảy đòi hỏi phải có kỷ luật, nhưng niềm vui của điệu nhảy sẽ chỉ được cảm nhận khi chúng ta có thể nghe được điệu nhạc.

Có một số người nhạo báng các tín hữu của Giáo Hội về những việc chúng ta làm. Đó là điều dễ hiểu. Những người nhảy múa thường trông lạ lùng hoặc vụng về, hay nói theo một từ ngữ trong thánh thư, là “riêng biệt” (1 Phi E Rơ 2:9) đối với những người không thể nghe nhạc. Có bao giờ các anh chị em dừng xe tại một đèn đỏ bên cạnh một chiếc xe mà người lái xe đang nhảy nhót và ca hát om xòm không, nhưng các anh chị em không thể nghe âm thanh nào cả vì cửa sổ xe của các anh chị em đang đóng không? Người ấy có trông một chút kỳ lạ không? Nếu con cái chúng ta học các bước nhảy mà không học cách nghe và cảm nhận âm nhạc tuyệt vời của phúc âm, thì cuối cùng chúng sẽ trở nên khó chịu với điệu nhảy và hoặc là sẽ bỏ nhảy múa hoặc là, hầu như cũng không tốt, tiếp tục nhảy múa chỉ vì áp lực mà chúng cảm thấy từ những người khác đang nhảy múa xung quanh chúng.

Thử thách đối với tất cả chúng ta là những người tìm cách giảng dạy phúc âm là để mở rộng điều được giảng dạy hơn là chỉ những bước nhảy. Hạnh phúc của con cái chúng ta phụ thuộc vào khả năng của chúng để lắng nghe và yêu thích âm nhạc tuyệt vời của phúc âm. Chúng ta làm điều đó bằng cách nào?

Trước hết, chúng ta phải sống cuộc sống của mình phù hợp với phúc âm để có thể cảm nhận được những thúc giục của Thánh Linh. Ngày xưa, trước khi thời đại kỹ thuật số, chúng ta tìm ra kênh ưa thích của mình trên đài phát thanh bằng cách cẩn thận xoay nút rà số kênh cho đến khi vào đúng tần số của kênh mình muốn. Khi rà đến gần số kênh của mình, chúng ta có thể chỉ nghe thấy tĩnh điện. Nhưng cuối cùng khi rà đúng tần số của kênh đó thì chúng ta có thể nghe rõ tiếng nhạc ưa thích của mình. Trong cuộc sống, chúng ta phải tập trung vào đúng tần số để nghe âm nhạc của Thánh Linh.

Khi chúng ta nhận được ân tứ Đức Thánh Linh sau khi phép báp têm, thì chúng ta được tràn đầy âm nhạc thiêng liêng đi kèm với sự cải đạo. Tấm lòng chúng ta được thay đổi, và chúng ta “không còn ý muốn làm điều tà ác nữa, mà chỉ muốn luôn luôn làm điều thiện” (Mô Si A 5:2). Nhưng Thánh Linh sẽ không hiện diện trong sự tà ác, kiêu ngạo hay ganh tỵ. Nếu chúng ta đánh mất đi ảnh hưởng tinh tế đó trong cuộc sống của mình, thì những hòa hợp dồi dào của phúc âm có thể nhanh chóng trở thành mâu thuẫn và cuối cùng có thể bị dập tắt. An Ma đưa ra câu hỏi sâu sắc: “Nếu các người có cảm thấy muốn hát lên một bài ca về tình yêu cứu chuộc, tôi xin hỏi, các người có cảm thấy như vậy ngay giờ phút này không?” (An Ma 5:26).

Thưa các bậc cha mẹ, nếu cuộc sống của chúng ta không phù hợp với âm nhạc của phúc âm, thì chúng ta cần phải điều chỉnh lại cuộc sống của mình để cho phù hợp với phúc âm. Như Chủ Tịch Thomas S. Monson đã dạy chúng ta vào tháng Mười năm ngoái, chúng ta phải suy ngẫm về con đường chúng ta đang đi (xin xem “Hãy Ban Bằng Cái Nẻo của Chân Con Đi,” Liahona, tháng Mười Một năm 2014, 86–88). Chúng ta biết làm điều đó như thế nào. Chúng ta phải đi trên cùng một con đường mà mình đã đi khi lần đầu tiên nghe các điệu nhạc thiêng liêng của phúc âm. Chúng ta thực hành đức tin nơi Đấng Ky Tô, hối cải, và dự phần Tiệc Thánh; chúng ta cảm nhận ảnh hưởng của Đức Thánh Linh một cách mạnh mẽ hơn, và âm nhạc của phúc âm bắt đầu trỗi lên một lần nữa trong cuộc sống của chúng ta.

Thứ hai, khi có thể tự mình nghe được âm nhạc, chúng ta phải cố gắng hết sức để làm cho âm nhạc đó được thể hiện trong nhà của mình. Điều này không phải là một điều có thể bị bắt buộc hoặc cưỡng ép. “Không có uy quyền hay ảnh hưởng nào có thể hoặc nên được duy trì vì nhờ chức tư tế, mà chỉ có được nhờ sự thuyết phục, nhờ sự nhịn nhục, nhờ sự hiền dịu và nhu mì, và nhờ tình thương yêu chân thật [và] lòng nhân từ” (GLGƯ 121:41–42).

Tại sao những thuộc tính này sẽ dẫn đến việc gia tăng quyền năng và ảnh hưởng trong một mái gia đình? Vì chúng là những thuộc tính mời Đức Thánh Linh đến. Chúng là những thuộc tính làm hòa hợp tâm hồn chúng ta với âm nhạc của phúc âm. Khi có các thuộc tính này, các bước nhảy của tất cả những vũ công trong gia đình sẽ được thực hiện một cách tự nhiên hơn và vui vẻ hơn, mà không cần phải có lời đe dọa, dọa dẫm hoặc ép buộc.

Khi con cái chúng ta còn nhỏ, chúng ta có thể hát cho chúng nghe những bài hát ru về tình yêu thương chân thật, và khi chúng khăng khăng không chịu đi ngủ vào ban đêm, thì chúng ta có thể cần phải hát bài hát ru về sự nhịn nhục lâu dài. Khi chúng là thanh thiếu niên, thì chúng ta có thể điều chỉnh điệu nhạc chói tai về những lời tranh luận và đe dọa, mà thay vì thế hát ca khúc tuyệt vời về sự thuyết phục—và có lẽ hát câu thứ hai của bài hát ru về sự nhịn nhục lâu dài. Các bậc cha mẹ có thể hát trong sự hòa hợp trọn vẹn các thuộc tính bổ sung về sự dịu dàng và nhu mì. Chúng ta có thể mời con cái chúng ta cùng hát khi chúng ta tử tế với một người hàng xóm đang gặp hoạn nạn.

Điều đó sẽ không đến ngay lập tức. Như mọi nhạc sĩ tài năng hoàn hảo đều biết, cần phải chuyên cần tập luyện để trình diễn âm nhạc một cách tuyệt vời. Nếu những nỗ lực đầu tiên để làm cho âm nhạc dường như nghe có vẻ mâu thuẫn và chói tai, thì hãy nhớ rằng âm thanh chói tai đó không thể sửa chữa bằng những lời chỉ trích được. Sự bất hòa trong gia đình cũng giống như bóng tối trong một căn phòng. Không có ích gì khi trách mắng bóng tối. Chúng ta phải thay thế bóng tối bằng ánh sáng mà thôi.

Vậy nếu cha mẹ trong gia đình quá lớn tiếng và độc đoán, hoặc nếu con cái tuổi niên thiếu có hơi ồn ào hoặc chói tai một chút, hoặc nếu con cái nhỏ hơn hiếu động một cách không thích hợp và không nghiêm trang, thì hãy kiên nhẫn. Nếu các anh chị em không nghe được tiếng nhạc của phúc âm trong nhà mình thì xin hãy nhớ đến bốn từ này: tiếp tục thực tập. Với sự giúp đỡ của Thượng Đế, sẽ đến ngày mà âm nhạc của phúc âm làm tràn ngập mái gia đình của các anh chị em với niềm vui không kể xiết.

Ngay cả khi hát hay, âm nhạc cũng sẽ không giải quyết tất cả các vấn đề của các anh chị em. Cuộc sống của chúng ta sẽ vẫn còn có những lúc hòa hợp và những lúc xung đột. Đó là tính chất của cuộc sống trần thế của chúng ta.

Nhưng khi chúng ta thêm nhạc vào các bước nhảy, thì nhịp điệu đôi khi phức tạp của hôn nhân và cuộc sống gia đình thường hướng tới một sự cân bằng hài hòa. Ngay cả những thử thách gay go nhất của chúng ta sẽ thêm vào âm thanh ai oán và giai điệu có tính cách xây dựng. Các giáo lý của chức tư tế sẽ bắt đầu nhỏ giọt lên tâm hồn của các anh chị em như là những giọt sương từ thiên thượng. Đức Thánh Linh sẽ là người bạn đồng hành luôn luôn ở bên chúng ta, và vương trượng của chúng ta—một sự ám chỉ rõ ràng về quyền năng và ảnh hưởng—sẽ là một vương trượng bất di bất dịch của sự ngay chính và lẽ thật. Và quyền thống trị của chúng ta sẽ là một quyền thống trị vĩnh viễn. Và không có cưỡng chế có nghĩa là điều đó sẽ chan hòa trong chúng ta mãi mãi và đời đời (xin xem GLGƯ 121:45–46).

Cầu xin cho điều đó có thể được như vậy trong cuộc sống của mỗi người chúng ta và trong mỗi mái gia đình của chúng ta là lời cầu nguyện của tôi trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.