Chức Tư Tế—một Ân Tứ Thiêng Liêng
Mỗi người trong chúng ta đã được giao phó với một trong các ân tứ quý giá nhất từng được ban cho nhân loại.
Một trong những kỷ niệm khó quên nhất của tôi là tham dự buổi họp chức tư tế với tư cách là một thầy trợ tế mới được sắc phong và hát bài thánh ca mở đầu, ”Come, all ye sons of God who have received the priesthood.”1 Buổi tối hôm nay, tôi xin lặp lại tinh thần của bài thánh ca đặc biệt đó cùng tất cả những người quy tụ ở đây trong Trung Tâm Đại Hội và quả thật, trên khắp thế giới, và nói với các anh em: “Tất cả hãy đến, các con trai của Thượng Đế đã nhận chức tư tế,” chúng ta hãy xem xét những chức vụ kêu gọi của mình; chúng ta hãy suy ngẫm về trách nhiệm của mình; chúng ta hãy xác định bổn phận của mình; và chúng ta hãy noi theo Chúa Giê Su Ky Tô, Chúa của chúng ta. Mặc dù chúng ta có thể khác biệt về tuổi tác, phong tục, hoặc quốc tịch, nhưng chúng ta đều đoàn kết một lòng trong chức vụ kêu gọi chức tư tế của mình.
Đối với mỗi người chúng ta, việc Giăng Báp Tít phục hồi Chức Tư Tế A Rôn cho Oliver Cowdery và Joseph Smith là quan trọng nhất. Tương tự như vậy, việc Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng phục hồi Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc cho Joseph là một sự kiện đáng trân quý.
Chúng ta hãy nghiêm túc nhận lấy những chức vụ kêu gọi, trách nhiệm và bổn phận đi kèm với chức tư tế mình nắm giữ.
Tôi cảm thấy một trách nhiệm rất lớn lao khi được kêu gọi làm thư ký của nhóm túc số thầy trợ tế. Tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhất các hồ sơ tôi lưu giữ, vì tôi muốn làm những điều tôi biết trong chức vụ kêu gọi đó một cách tốt nhất. Tôi vô cùng hãnh diện về công việc của mình. Việc làm tất cả những gì tôi có thể làm với hết khả năng của mình là mục tiêu của tôi trong bất cứ chỉ định nào mà tôi đã từng nắm giữ.
Tôi hy vọng mỗi thiếu niên đã được sắc phong cho Chức Tư Tế A Rôn đều được ban cho khả năng nhận thức thuộc linh về sự thiêng liêng của chức vụ kêu gọi mình được sắc phong, cũng như cơ hội để làm vinh hiển chức vụ kêu gọi đó. Tôi nhận được một cơ hội như vậy trong lúc là một thầy trợ tế khi vị cố vấn trong giám trợ đoàn yêu cầu tôi mang Tiệc Thánh đến cho một người không ra khỏi nhà được vì bệnh tật và sống cách giáo đường chúng tôi khoảng một dặm. Vào buổi sáng Chủ Nhật đặc biệt đó, khi tôi gõ cửa nhà của Anh Wright và nghe được giọng nói yếu ớt của anh ấy: “Vào đi,” tôi bước vào ngôi nhà không những khiêm tốn của anh ấy mà còn vào một căn phòng tràn đầy Thánh Linh của Chúa. Tôi đến gần bên giường của Anh Wright và cẩn thận đặt một miếng bánh lên môi anh. Sau đó tôi cầm cái chén nước tiệc thánh lên để anh có thể uống. Khi ra về, tôi thấy mắt anh nhòa lệ khi anh nói: “Xin Thượng Đế ban phước cho em.” Và Thượng Đế quả thật đã ban phước cho tôi—với một sự biết ơn về các biểu tượng thiêng liêng của Tiệc Thánh và về chức tư tế mà tôi nắm giữ.
Không có thầy trợ tế, thầy giảng, hay thầy tư tế nào từ tiểu giáo khu của chúng tôi sẽ quên được những lần đi tham quan đáng nhớ ở Clarkston, Utah, đến mộ phần của Martin Harris, một trong Ba Nhân Chứng của Sách Mặc Môn. Khi chúng tôi đứng vây quanh cái bia mộ cao bằng đá hoa cương đánh dấu ngôi mộ của ông, và trong khi một trong những người lãnh đạo nhóm túc số đọc cho chúng tôi nghe những lời hùng hồn từ “Chứng Ngôn của Ba Nhân Chứng,” được tìm thấy ở phần đầu của Sách Mặc Môn, chúng tôi phát triển một lòng yêu mến biên sử thiêng liêng và các lẽ thật được tìm thấy trong đó.
Trong những năm đó, mục tiêu của chúng tôi là trở thành những người con trai của Mô Si A. Điều sau đây nói về họ:
“Họ đã trở nên mạnh mẽ trong sự hiểu biết lẽ thật, vì họ là những người có một sự hiểu biết vững chắc và rất chuyên tâm tìm tòi thánh thư để có thể hiểu thấu được lời của Thượng Đế.
“Nhưng như vậy chưa phải là hết; họ đã hết lòng cầu nguyện và nhịn ăn; vậy nên họ có được tinh thần tiên tri và tinh thần mặc khải, và khi giảng dạy, họ đã giảng dạy với quyền năng và thẩm quyền của Thượng Đế.”2
Tôi không thể nghĩ ra một mục tiêu nào xứng đáng cho một thiếu niên hơn điều đã được mô tả là những người con trai dũng cảm và ngay chính của Mô Si A.
Khi tôi gần 18 tuổi và chuẩn bị nhập ngũ vì bắt buộc đối với các thanh niên trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, tôi đã được giới thiệu để tiếp nhận Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Nhưng trước hết tôi cần gọi điện thoại cho chủ tịch giáo khu của tôi là Paul C. Child để có một cuộc phỏng vấn. Ông là người yêu thích và am hiểu thánh thư, và ý định của ông là tất cả những người khác cũng phải yêu thích và am hiểu thánh thư. Vì đã nghe từ một số bạn bè nói về các cuộc phỏng vấn khá chi tiết và tỉ mỉ của ông nên tôi mong muốn cho thấy càng ít mức độ hiểu biết về thánh thư của mình càng tốt; do đó, khi tôi gọi điện thoại cho ông, thì tôi đã đề nghị chúng tôi sẽ họp vào ngày Chủ Nhật tiếp theo vào thời điểm mà tôi biết là chỉ một tiếng đồng hồ trước giờ lễ Tiệc Thánh của ông.
Ông đáp: “Ồ, em Monson à, như thế sẽ không cho chúng ta đủ thời giờ để nghiên cứu thánh thư.” Rồi ông đề nghị giờ hẹn là ba tiếng trước khi lễ Tiệc Thánh của ông, và ông chỉ thị cho tôi phải mang theo bộ thánh thư riêng của mình đã được tôi đích thân đánh dấu và tham khảo.
Khi tôi đến nhà ông vào ngày Chủ Nhật, tôi đã được chào đón nồng nhiệt, và sau đó cuộc phỏng vấn bắt đầu. Chủ Tịch Child nói: “Em Monson à, em nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn. Em có bao giờ thấy một thiên sứ phù trợ cho em không?” Tôi trả lời rằng tôi không có. Khi ông hỏi tôi có biết là tôi được quyền như vậy không, thì một lần nữa tôi trả lời rằng tôi không biết.
Ông bảo: “Em Monson à, hãy đọc thuộc lòng tiết 13 sách Giáo Lý và Giao Ước.”
Tôi bắt đầu: “Hỡi các ngươi cũng là tôi tớ như ta, trong danh Đấng Mê Si, ta truyền giao cho các ngươi Chức Tư Tế A Rôn, là chức tư tế nắm giữ các chìa khóa phù trợ của các thiên sứ”
Chủ Tịch Child bảo: “Hãy ngừng lại.” Rồi với một giọng nói điềm tĩnh, thân mật, ông khuyên: “Em Monson, đừng bao giờ quên rằng với tư cách là người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn, em có quyền có được sự phù trợ của các thiên sứ.”
Dường như một thiên sứ đang hiện diện trong căn phòng vào ngày đó. Tôi chưa bao giờ quên được cuộc phỏng vấn đó. Tôi vẫn còn cảm nhận được tinh thần của cơ hội trọng thể đó khi chúng tôi cùng đọc về các trách nhiệm, bổn phận, và các phước lành của Chức Tư Tế A Rôn và Mên Chi Xê Đéc—các phước lành không những đến với chúng ta mà còn với gia đình chúng ta và những người khác mà chúng ta sẽ có đặc ân để phục vụ.
Tôi được sắc phong anh cả, và vào ngày tôi ra đi nhập ngũ Hải Quân, một thành viên của giám trợ đoàn trong tiểu giáo khu của tôi đi cùng với gia đình và bạn bè của tôi đến nhà ga xe lửa để chia tay với tôi. Ngay trước khi đến giờ lên xe lửa, ông ấy đặt vào tay tôi một cuốn sách nhỏ mang tên Sách Hướng Dẫn Truyền Giáo. Tôi cười và nói rằng tôi có sắp đi truyền giáo đâu.
Ông đáp: “Cứ mang sách này theo đi. Sách có thể trở nên hữu dụng đấy.”
Quả thật sách ấy đã trở nên hữu dụng. Tôi cần một vật cứng, hình chữ nhật để đặt ở dưới đáy của túi đựng quân trang của mình để quần áo của tôi sẽ luôn luôn được phẳng phiu và như vậy ít bị nhăn. Cuốn Sách Hướng Dẫn Truyền Giáo đúng là vật tôi cần, và sách rất hữu dụng trong túi đựng quân trang của tôi trong 12 tuần lễ.
Cái đêm trước khi nghỉ phép lễ Giáng Sinh, chúng tôi nghĩ tới gia đình mình. Các trại lính trở nên yên tĩnh, nhưng sau đó sự im lặng bị phá vỡ bởi người bạn nằm ở giường bên cạnh tôi—một thanh niên Mặc Môn tên là Leland Merrill—là người bắt đầu rên rỉ vì đau đớn. Tôi hỏi lý do, thì anh ta nói rằng anh cảm thấy bệnh. Anh ta không muốn đi đến bệnh xá trong trại lính vì biết rằng nếu làm như vậy anh sẽ không được trở về nhà vào ngày hôm sau.
Dường như anh ta càng lúc càng đau đớn hơn. Cuối cùng, khi biết rằng tôi là một anh cả, anh ta yêu cầu tôi ban cho anh ta một phước lành chức tư tế.
Tôi chưa từng bao giờ ban một phước lành chức tư tế. Tôi chưa bao giờ nhận được một phước lành, và tôi chưa bao giờ chứng kiến một lễ ban phước lành. Trong khi cầu nguyện thầm để được giúp đỡ, tôi nhớ đến cuốn Sách Hướng Dẫn Truyền Giáo nằm ở dưới đáy của túi đựng quân trang của mình. Tôi nhanh chóng dốc hết đồ trong cái túi ấy ra và mang cuốn sách đó đến bên ngọn đèn soi ban đêm. Ở đó, tôi đọc về cách ban phước cho người bệnh. Trước nhiều người thủy thủ tò mò đang nhìn, tôi tiến hành việc ban phước lành. Trước khi tôi có thể cho mọi thứ lại vào túi thì Leland Merrill đã ngủ say. Anh ta thức dậy vào sáng hôm sau cảm thấy khỏe mạnh lại. Mỗi người chúng tôi đều cảm thấy vô cùng biết ơn quyền năng của chức tư tế.
Những năm tháng trôi qua đã mang lại cho tôi nhiều cơ hội hơn để ban phước lành cho nhiều người đang hoạn nạn hơn con số tôi có thể đếm được. Trong mỗi cơ hội đó, tôi vô cùng biết ơn rằng Thượng Đế đã giao phó cho tôi ân tứ thiêng liêng này. Tôi kính trọng chức tư tế. Tôi đã nhiều lần chứng kiến quyền năng của chức tư tế. Tôi đã thấy được quyền năng của chức tư tế. Tôi đã ngạc nhiên trước những phép lạ do quyền năng này mang đến.
Thưa các anh em, mỗi người trong chúng ta đã được giao phó với một trong các ân tứ quý giá nhất từng được ban cho nhân loại. Khi kính trọng chức chức tư tế của mình và sống cuộc sống của mình sao cho chúng ta luôn luôn được xứng đáng, thì các phước lành của chức tư tế sẽ tuôn chảy qua chúng ta. Tôi thích những lời trong Giáo Lý và Giao Ước tiết 121, câu 45, mà cho chúng ta biết điều chúng ta phải làm để được xứng đáng: “Hãy có đầy lòng bác ái đối với mọi người và đối với toàn thể các tín đồ, và hãy để cho đức hạnh của ngươi làm đẹp tư tưởng của ngươi luôn luôn; rồi thì niềm tin của ngươi sẽ vững mạnh trong sự hiện diện của Thượng Đế; và giáo lý của chức tư tế sẽ nhỏ giọt xuống tâm hồn ngươi như những hạt sương từ thiên thượng.”
Là những người mang chức tư tế của Thượng Đế, chúng ta đang tham gia vào công việc của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta đã đáp ứng lời kêu gọi của Ngài; chúng ta đang làm công việc của Ngài. Chúng ta hãy học hỏi nơi Ngài. Chúng ta hãy noi theo bước chân của Ngài. Chúng ta hãy sống theo lời giáo huấn của Ngài. Bằng cách làm như vậy, chúng ta sẽ được chuẩn bị cho bất cứ sự phục vụ nào Ngài kêu gọi chúng ta phải thi hành. Đây là công việc của Ngài. Đây là Giáo Hội của Ngài. Quả thật, Ngài là Đấng chỉ huy của chúng ta, Vua Vinh Hiển, chính là Vị Nam Tử của Thượng Đế. Tôi làm chứng rằng Ngài hằng sống và làm chứng điều này trong thánh danh của Ngài, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.