2010–2019
Ngài Sẽ Vác Ta lên Vai Ngài và Mang Ta Về Nhà
Tháng tư 2016


19:1

Ngài Sẽ Vác Ta lên Vai Ngài và Mang Ta Về Nhà

Cũng giống như Đấng Chăn Hiền Lành tìm thấy chiên đi lạc của Ngài, nếu các anh chị em chịu hướng lòng mình tới Đấng Cứu Rỗi của thế gian thì Ngài sẽ tìm thấy các anh chị em.

Một trong những ký ức thời thơ ấu đầy ám ảnh của tôi bắt đầu với tiếng hú của còi báo động máy bay ném bom từ xa làm tôi thức giấc. Chẳng bao lâu, một âm thanh khác, tiếng rầm rầm và tiếng kêu rền của cánh quạt, tăng dần cho đến khi nó làm náo động bầu không khí. Vì được mẹ chúng tôi huấn luyện kỹ nên mỗi đứa chúng tôi chộp lấy túi đồ của mình và chạy lên đồi đến hầm trú bom. Trong khi chúng tôi vội vàng đi xuyên qua bóng đêm, thì những trái pháo sáng màu xanh lá cây và trắng được thả xuống từ trên trời để đánh dấu các mục tiêu cho máy bay ném bom. Thật kỳ lạ, mọi người đều gọi những trái pháo sáng này là cây Giáng Sinh.

Lúc đó tôi bốn tuổi, và tôi là nhân chứng cho một thế giới đang có chiến tranh.

Dresden

Không xa nơi gia đình tôi sống là thành phố Dresden. Những người sống ở đó đã chứng kiến có lẽ hơn một ngàn lần những gì tôi đã nhìn thấy. Những đám cháy lớn, do hàng ngàn tấn thuốc nổ gây ra, nhanh chóng lan khắp Dresden, tàn phá hơn 90 phần trăm thành phố chỉ bỏ lại đống gạch vụn và tro tàn.

Dresden trong cảnh đổ nát

Trong một thời gian rất ngắn, thành phố từng được mệnh danh là “Chiếc Hộp Đá Quý” không còn nữa. Erich Kästner, một tác giả người Đức, đã viết về sự tàn phá này, “Vẻ đẹp của thành phố được xây dựng trong một ngàn năm, thành phố bị phá hủy hoàn toàn chỉ trong một đêm.”1 Suốt thời thơ ấu, tôi không thể tưởng tượng được làm thế nào sự tàn phá do cuộc chiến mà dân của chúng tôi đã bắt đầu có thể được khắc phục. Thế giới xung quanh chúng tôi dường như hoàn toàn vô vọng và không có tương lai.

Năm ngoái, tôi đã có cơ hội để trở lại Dresden. Bảy mươi năm sau chiến tranh, một lần nữa, đó là “Chiếc Hộp Đá Quý” của một thành phố. Các tàn tích đã được dọn sạch, và thành phố đã được phục hồi và thậm chí còn được nâng cấp nữa.

Frauenkirche bị tàn phá

Trong chuyến tham quan, tôi đã thấy nhà thờ Lutheran nguy nga, là Nhà Thờ Đức Bà Frauenkirche. Được xây cất vào thập niên 1700, nhà thờ này đã từng là một trong những vật báu rực rỡ của Dresden, nhưng chiến tranh đã biến nó thành một đống gạch vụn. Trong nhiều năm nó vẫn như vậy, cho đến khi cuối cùng người ta quyết định xây cất lại Frauenkirche.

Frauenkirche được xây dựng lại

Các tảng đá từ nhà thờ bị phá hủy đã được giữ lại và sắp xếp gọn gàng, và vào lúc có thể được, đã được sử dụng trong việc xây dựng lại. Ngày nay các anh chị em có thể thấy những tảng đá bị cháy đen này giống như các vết sẹo rỗ của những bức tường bên ngoài. Những “vết sẹo” này không chỉ là một điều nhắc nhở về lịch sử chiến tranh của tòa nhà này mà còn là một tượng đài hy vọng---một biểu tượng tuyệt vời về khả năng của con người để tạo ra cuộc sống mới từ đống tro tàn.

Frauenkirche là một tượng đài để hy vọng.

Khi tôi suy ngẫm về lịch sử của Dresden và ngạc nhiên trước tài xoay xở khéo léo và quyết tâm của những người đã phục hồi lại những gì đã bị tàn phá hoàn toàn như vậy, tôi cảm thấy ảnh hưởng tuyệt vời của Đức Thánh Linh. Tôi nghĩ rằng chắc chắn nếu con người có thể xây dựng lại từ những đống vụn đổ nát và những gì còn lại của một thành phố thành một kiến trúc hùng vĩ vươn lên đến các tầng trời thì Đức Chúa Cha Toàn Năng của chúng ta còn có nhiều khả năng hơn biết bao để phục hồi con cái của Ngài đã ngã xuống, gặp khó khăn, hoặc trở nên thất lạc?

Cho dù cuộc sống của chúng ta có thể dường như đã hoàn toàn hư hỏng như thế nào đi nữa thì cũng không quan trọng. Cho dù tội lỗi của chúng ta có nặng đến đâu, cảm nghĩ của chúng ta có cay đắng đến đâu, tâm hồn của chúng ta có cảm thấy cô đơn, bị bỏ rơi, hoặc đau khổ đến đâu đi nữa thì cũng không quan trọng. Thậm chí những người không có hy vọng, sống trong cảnh tuyệt vọng, niềm tin bị phản bội, từ bỏ tính liêm chính, hoặc xa lánh Thượng Đế thì cũng có thể được phục hồi. Ngoại trừ những đứa con diệt vong ra, không có cuộc đời nào đã bị bầm giập mà lại không thể được phục hồi.

Tin vui của phúc âm là như sau: nhờ kế hoạch hạnh phúc vĩnh cửu được Cha Thiên Thượng nhân từ ban cho và qua sự hy sinh vô hạn của Chúa Giê Su Ky Tô, nên chúng ta không những có thể được cứu chuộc khỏi tình trạng sa ngã của mình mà còn được phục hồi lại sự thanh khiết nữa, nhưng chúng ta cũng có thể tiến triển vượt quá trí tưởng tượng của người trần thế và trở thành người thừa kế cuộc sống vĩnh cửu và những người dự phần vinh quang không tả xiết của Thượng Đế.

Truyện Ngụ Ngôn về Con Chiên Bị Thất Lạc

Trong giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi, những người lãnh đạo tôn giáo của thời Ngài đã không chấp thuận việc Chúa Giê Su giao tiếp với những người mà họ cho là “những người tội lỗi.”

Có lẽ đối với họ điều này trông giống như Ngài đã dung túng hoặc thậm chí còn bỏ qua hành vi tội lỗi. Có lẽ họ tin rằng cách tốt nhất để giúp những người tội lỗi phải hối cải là bằng cách lên án, chế giễu, và làm cho họ hổ thẹn.

Khi Đấng Cứu Rỗi nhận biết ý nghĩ của những người Pha Ri Si và các thầy thông giáo thì Ngài kể một câu chuyện:

“Trong các ngươi ai là người có một trăm con chiên, nếu mất một con, mà không để chín mươi chín con nơi đồng vắng, đặng đi tìm con đã mất cho kỳ được sao?

“Khi đã kiếm được, thì vui mừng vác nó lên vai.”2

Qua nhiều thế kỷ, truyện ngụ ngôn này đã được hiểu theo truyền thống là một lệnh truyền cho chúng ta phải hành động để mang về những con chiên bị thất lạc và tìm đến những người đang bị thất lạc. Mặc dù điều này chắc chắn là thích hợp và tốt, nhưng tôi tự hỏi là còn có nhiều điều hơn nữa về việc này không.

Có thể đó là mục đích của Chúa Giê Su, đầu tiên và trước hết, là để giảng dạy về công việc của Đấng Chăn Hiền Lành chăng?

Có thể nào Ngài đang làm chứng về tình yêu thương của Thượng Đế cho con cái ương ngạnh của Ngài không?

Có thể đó là sứ điệp của Đấng Cứu Rỗi rằng Thượng Đế hoàn toàn nhận biết những người bị thất lạc ---và rằng Ngài sẽ tìm kiếm họ, và rằng Ngài sẽ tìm đến giải cứu họ không?

Nếu là như vậy thì con chiên phải làm gì nhằm hội đủ điều kiện để có được sự giúp đỡ thiêng liêng này?

Con chiên có cần biết cách sử dụng một cái kính lục phân nhằm tính toán các tọa độ của nó không? Nó có thể sử dụng một GPS (Hệ thống định vị toàn cầu) để xác định vị trí của nó không? Nó có kiến thức chuyên môn để tạo ra một ứng dụng mà sẽ kêu gọi giúp đỡ không? Con chiên có cần sự ủng hộ của một nhà tài trợ trước khi Đấng Chăn Hiền Lành sẽ đến giải cứu không?

Không. Chắc chắn là không! Con chiên xứng đáng với sự giải cứu thiên liêng chỉ vì nó được Đấng Chăn Hiền Lành yêu thương.

Đối với tôi, truyện ngụ ngôn về con chiên bị thất lạc là một trong những đoạn mang đến nhiều hy vọng nhất trong khắp thánh thư.

Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Đấng Chăn Hiền Lành, biết và yêu thương chúng ta. Ngài biết và yêu thương các anh chị em.

Ngài biết khi nào các anh chị em bị thất lạc, và Ngài biết các anh chị em đang ở đâu. Ngài biết nỗi buồn của các anh chị em. Những lời khẩn cầu âm thầm của các anh chị em. Nỗi sợ hãi của các anh chị em. Những lời than khóc của các anh chị em.

Làm thế nào các anh chị em trở nên bị thất lạc--cho dù có vì những lựa chọn sai hoặc vì những hoàn cảnh ngoài tầm kiểm soát của các anh chị em, thì cũng không quan trọng.

Việc các anh chị em là con của Ngài mới là quan trọng. Và Ngài yêu thương các anh chị em. Ngài yêu thương con cái của Ngài.

Cuộc giải cứu con chiên thất lạc

Vì Ngài yêu thương các anh chị em, nên Ngài sẽ tìm ra các anh chị em. Ngài sẽ hân hoan vác các anh chị em lên vai. Và khi mang các anh chị em về nhà, thì Ngài sẽ nói cùng mọi người: “Hãy chung vui với ta, vì ta đã tìm được con chiên bị mất.”3

Chúng Ta Phải Làm Gì?

Nhưng, các anh chị em có thể nghĩ, trách nhiệm của tôi là gì? Chắc chắn là tôi phải làm nhiều hơn là chỉ chờ đợi để được giải cứu.

Mặc dù Đức Chúa Cha mong muốn rằng tất cả con cái của Ngài trở lại với Ngài, nhưng Ngài sẽ không bắt buộc một ai phải lên thiên thượng cả.4 Thượng Đế sẽ không giải cứu chúng ta nếu chúng ta không muốn.

Vậy chúng ta phải làm gì?

Lời mời của Ngài rất đơn giản:

“Hãy … trở về cùng ta.”5

“Hãy đến cùng ta.”6

“Hãy lại gần ta, rồi ta sẽ đến gần các ngươi.”7

Đây là cách chúng ta cho Ngài thấy là chúng ta muốn được giải cứu.

Việc này đòi hỏi một chút đức tin. Nhưng xin đừng tuyệt vọng. Nếu các anh chị em không có đức tin ngay bây giờ, thì hãy bắt đầu với hy vọng.

Nếu không thể nói rằng mình biết được Thượng Đế hiện hữu ở đó thì các anh chị em có thể hy vọng rằng Ngài hiện hữu ở đó. Các anh chị em có thể muốn tin.8 Vậy là đủ để bắt đầu rồi.

Sau đó, hành động theo niềm hy vọng đó, hãy tìm đến Cha Thiên Thượng. Thượng Đế sẽ mở rộng tình yêu thương của Ngài cho các anh chị em, và công việc giải cứu và biến đổi của Ngài sẽ bắt đầu.

Cuối cùng, các anh chị em sẽ nhận ra bàn tay của Ngài trong cuộc sống của mình. Các anh chị em sẽ cảm nhận được tình yêu thương của Ngài. Và ước muốn để được bước đi trong ánh sáng lẽ thật của Ngài và đi theo con đường của Ngài sẽ phát triển theo mỗi bước đi với đức tin của các anh chị em.

Chúng ta gọi các bước này của đức tin là “sự vâng lời.”

Đó không phải là một từ phổ biến ngày nay. Nhưng sự vâng lời là một khái niệm quý báu trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, vì chúng ta biết rằng “nhờ Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô, tất cả nhân loại có thể được cứu rỗi, bằng cách tuân theo các luật pháp và các giáo lễ của Phúc Âm.”9

Khi gia tăng đức tin, chúng ta cũng phải gia tăng lòng trung tín. Trước đây, tôi đã trích dẫn lời một tác giả người Đức than thở về cảnh tàn phá của Dresden. Ông cũng đã viết câu: “Es gibt nichts Gutes, ausser: Tut Man es.” Đối với những ai không nói ngôn ngữ kỳ diệu này thì câu này được dịch ra là “Không có điều gì tốt cả trừ khi ta làm điều đó.”10

Các anh chị em và tôi có thể nói một cách hùng hồn nhất về những sự việc thuộc linh. Chúng ta có thể gây ấn tượng cho người khác với lời giải thích thông minh khéo léo về các đề tài tôn giáo. Chúng ta có thể ca ngợi tôn giáo và “mơ ước phần thưởng của [chúng ta] ở trên thiên thượng.”11 Nhưng nếu đức tin của chúng ta không thay đổi được cách sống của chúng ta---nếu niềm tin của chúng ta không ảnh hưởng đến các quyết định hàng ngày của chúng ta---thì tôn giáo của chúng ta là vô ích, và đức tin của chúng ta, nếu không chết, thì chắc chắn là không tốt và cuối cùng có nguy cơ sẽ chết.12

Sự vâng lời hỗ trợ cho đức tin. Chính là qua sự vâng lời mà chúng ta đạt được lẽ thật và vinh quang.

Nhưng đôi khi tôi nghĩ rằng chúng ta hiểu lầm sự vâng lời. Chúng ta có thể xem sự vâng lời như là một mục tiêu thay vì là một phương tiện để đạt được mục tiêu. Hoặc chúng ta có thể liên tục ép buộc, thúc đẩy một người nào đó mà mình yêu thương phải tuân theo những lệnh truyền để làm cho người đó trở nên thánh thiện.

Chắc chắn là có những lúc mà chúng ta cần có một lời kêu gọi nghiêm túc để hối cải. Chắc chắn là có một số người có thể đạt được điều này chỉ bằng cách này.

Nhưng có lẽ đó là một phép ẩn dụ khác mà có thể giải thích lý do tại sao chúng ta vâng theo các giáo lệnh của Thượng Đế. Có lẽ sự vâng lời không phải là tiến trình ép buộc, thúc đẩy chúng ta để trở thành con người mà mình chưa trở thành được. Thay vì thế, đó là tiến trình mà qua đó chúng ta khám phá ra con người thực sự của mình.

Chúng ta được Thượng Đế Toàn Năng sáng tạo ra. Ngài là Cha Thiên Thượng của chúng ta. Chúng ta thực sự là con cái linh hồn của Ngài. Chúng ta được sáng tạo bằng nguyên liệu thiêng liêng quý báu nhất và vô cùng tinh tế, và do đó chúng ta mang trong mình tính chất thiêng liêng.

Tuy nhiên, ở trên thế gian này đây, những suy nghĩ và hành động của chúng ta trở nên bị ảnh hưởng bởi những điều đồi bại, xấu xa, và ô uế. Những điều ô uế và bẩn thỉu của cõi trần tục làm cho linh hồn chúng ta bị ô nhiễm, làm cho chúng ta khó nhận ra và ghi nhớ di sản cũng như mục đích của mình.

Nhưng tất cả điều này không thể thay đổi con người thực sự của chúng ta. Thiên tính cơ bản trong bản tính của chúng ta vẫn còn. Và giây phút mà chúng ta chọn để hướng lòng mình đến Đấng Cứu Rỗi yêu dấu và đặt chân vào con đường làm môn đồ của mình, thì một điều gì đó kỳ diệu sẽ xảy ra. Tình yêu thương của Thượng Đế tràn ngập tâm hồn chúng ta; ánh sáng của lẽ thật tràn đầy tâm trí chúng ta; chúng ta bắt đầu không muốn phạm tội nữa; và chúng ta không còn muốn bước đi trong bóng tối nữa.13

Chúng ta tiến đến việc coi sự vâng lời không phải là một sự trừng phạt mà là một tiến trình cho phép chúng ta làm tròn số mệnh thiêng liêng của mình. Và dần dần, sự đồi bại, ô uế và những giới hạn của thế gian này bắt đầu giảm bớt. Cuối cùng, tinh thần vô giá, vĩnh cửu của nhân vật thiên thượng ở bên trong chúng ta được biểu hiện, và chúng ta trở thành nguồn gốc của sự tốt lành.

Các Anh Chị Em Xứng Đáng để Được Giải Cứu

Thưa các anh chị em, các bạn thân mến, tôi làm chứng rằng Thượng Đế biết rõ chúng ta là ai---và Ngài thấy chúng ta xứng đáng được giải cứu.

Các anh chị em có thể cảm thấy rằng cuộc sống của mình đang đổ nát. Các anh chị em có thể đã phạm tội. Các anh chị em có thể sợ hãi, giận dữ, đau buồn, hoặc bị khổ sở vì nỗi ngờ vực. Nhưng cũng giống như Đấng Chăn Hiền Lành tìm thấy chiên đi lạc của Ngài, nếu các anh chị em chịu hướng lòng mình tới Đấng Cứu Rỗi của thế gian thì Ngài sẽ tìm thấy các anh chị em.

Ngài sẽ giải cứu các anh chị em.

Ngài sẽ nâng các anh chị em lên và vác các anh chị em lên vai Ngài.

Ngài sẽ mang các anh chị em về nhà.

Nếu bàn tay con người có thể biến đổi đống vụn đổ nát và hoang tàn thành một ngôi nhà tuyệt đẹp để thờ phượng thì chúng ta cũng có thể tin tưởng và tin cậy rằng Cha Thiên Thượng nhân từ của chúng ta cũng có thể và sẽ hồi phục lại chúng ta. Kế hoạch của Ngài là xây đắp chúng ta thành một con người vĩ đại hơn nhiều so với con người hiện tại ---vĩ đại hơn nhiều so với điều chúng ta có thể tưởng tượng được. Trong mỗi bước đi với đức tin trên con đường làm môn đồ, chúng ta phát triển thành những nhân vật với vinh quang vĩnh cửu và niềm vui vô hạn mà chúng ta được dự định để trở thành.

Đây là chứng ngôn của tôi, phước lành của tôi, và lời cầu nguyện khiêm nhường của tôi trong thánh danh của Đức Thầy của chúng ta, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.