Ngày Mai Đức Giê Hô Va Sẽ Làm Những Việc Lạ Lùng Giữa Các Ngươi
Hãy tiếp tục yêu thương. Hãy tiếp tục cố gắng. Hãy tiếp tục tin cậy. Hãy tiếp tục tin tưởng. Hãy tiếp tục tiến triển. Thiên thượng đang khích lệ các anh chị em hôm nay, ngày mai, và mãi mãi.
Thưa các anh chị em, các anh chị em có biết—hay có bất cứ khái niệm hay ý tưởng mơ hồ nào—là chúng tôi yêu thương các anh chị em biết bao không? Trong 10 giờ đồng hồ, các anh chị em theo dõi, liên tiếp dán chặt vào một gương mặt tại bục giảng này, nhưng cũng đối với 10 giờ đồng hồ đó, chúng tôi ngồi ở phía sau bục giảng này, theo dõi, dán chặt vào các anh chị em. Các anh chị em làm chúng tôi vô cùng cảm động, cho dù là 21.000 người ở đây tại Trung Tâm Đại Hội này, hoặc số đông những người trong các nhà hội và giáo đường, hoặc cuối cùng là hàng triệu người trên khắp thế giới theo dõi ở nhà, có lẽ đang quy tụ lại xung quanh một màn hình máy vi tính của gia đình. Các anh chị em có mặt ở đây, các anh chị em có mặt ở đó, giờ này qua giờ khác, ăn mặc trang trọng, với nỗ lực tốt nhất. Các anh chị em hát và cầu nguyện. Các anh chị em lắng nghe và tin tưởng. Các anh chị em là phép lạ của Giáo Hội này. Và chúng tôi yêu thương các anh chị em.
Chúng ta đã có thêm một đại hội trung ương thật tuyệt vời nữa. Chúng ta đã được ban phước đặc biệt bởi sự hiện diện của Chủ Tịch Thomas S. Monson và các sứ điệp của các vị tiên tri. Thưa chủ tịch, chúng tôi yêu mến chủ tịch, chúng tôi cầu nguyện cho chủ tịch, chúng tôi cám ơn chủ tịch, và trên hết chúng tôi tán trợ chủ tịch. Chúng tôi biết ơn đã được chủ tịch và hai vị cố vấn tuyệt vời của chủ tịch cùng rất nhiều người nam và người nữ lãnh đạo tuyệt vời khác giảng dạy. Chúng ta đã nghe phần âm nhạc xuất sắc. Chúng ta đã được cầu nguyện và được khẩn nài thay cho. Quả thật Thánh Linh của Chúa đã hiện diện ở đây một cách dồi dào phong phú. Thật là một cuối tuần đầy soi dẫn trong mọi phương diện.
Giờ đây, tôi thực sự thấy có hai vấn đề. Một là các anh chị em chờ nghe tôi là người cuối cùng nói chuyện xong rồi các anh chị em mới có thể kem, là điều mà các anh chị em luôn làm vào lúc kết thúc đại hội trung ương. Vấn đề tiềm tàng kia được thể hiện trong bức ảnh này tôi đã thấy gần đây trên Internet.
Tôi có lời xin lỗi tất cả các trẻ em hiện đang núp dưới cái ghế dài, nhưng sự thực là không một ai trong chúng ta muốn ngày mai, hoặc một ngày sau đó, sẽ hủy diệt những cảm nghĩ tuyệt vời mà chúng ta đã có vào cuối tuần này. Chúng ta muốn bám vào những ấn tượng thuộc linh mà chúng ta đã có và những lời dạy đầy soi dẫn mà chúng ta đã nghe. Nhưng chắc chắn là sau những giây phút thiêng liêng trong cuộc sống của mình, chúng ta cần phải trở về với những sự việc thế gian nơi mà đôi khi chúng ta sẽ lại đối phó với những tình huống không được lý tưởng lắm.
Tác giả sách Hê Bơ Rơ đã cảnh báo chúng ta về điều này khi ông viết: “Hãy nhớ lại những lúc ban đầu đó, anh em đã được soi sáng rồi, bèn chịu cơn chiến trận lớn về những sự đau đớn.”1 Nỗi đau khổ sau khi đã được soi sáng có thể đến bằng nhiều cách, và có thể đến với tất cả chúng ta. Chắc chắn là mỗi người truyền giáo đã từng phục vụ sẽ nhanh chóng nhận ra rằng cuộc sống trong lúc đi truyền giáo đã không giống như bầu không khí cao quý của trung tâm huấn luyện truyền giáo. Điều này xảy ra cho tất cả chúng ta sau khi rời khỏi một phiên lễ thú vị trong đền thờ hoặc sau một buổi lễ Tiệc Thánh đặc biệt.
Hãy nhớ rằng khi Môi Sê đi xuống từ kinh nghiệm đặc biệt của ông trên Núi Si Nai, thì ông thấy rằng dân của ông đã “bại hoại” và đã “vội bỏ đạo.”2 Dân của ông ở dưới chân núi, bận rộn làm một con bê bằng vàng để thờ phượng, ngay trong giờ phút mà Đức Giê Hô Va đã phán bảo Môi Se trên đỉnh núi: “Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác,” và “Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình.”3 Môi Se không vui khi đàn chiên Y Sơ Ra Ên của mình đi lang thang vào thời đó!
Trong giáo vụ trần thế của Ngài, Chúa Giê Su đã đem Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng lên núi Biến Hình, ở đây, thánh thư ghi lại là: “Mặt Ngài sáng lòa như mặt trời, áo Ngài trắng như ánh sáng.”4 Các tầng trời mở ra, các tiên tri thời xưa hiện đến, và Thượng Đế Đức Chúa Cha phán bảo.
Sau khi trải qua một kinh nghiệm thượng thiên như vậy, Chúa Giê Su đi xuống núi và thấy điều gì? Vâng, đầu tiên Ngài thấy một cuộc tranh luận giữa các môn đồ của Ngài và những người chống đối họ về một phước lành được ban cho một đứa bé nhưng không mang đến kết quả mong muốn. Sau đó, Ngài cố gắng thuyết phục---rốt cuộc không thành công--- Mười Hai Vị Sứ Đồ rằng chẳng bao lâu nữa Ngài sẽ bị giải đến nhà cầm quyền địa phương mà sẽ giết Ngài. Sau đó, một người nào đó đề cập đến số thuế Ngài đã đến hạn; mà đã được trả thẳng rồi. Sau đó, Ngài đã phải quở trách một số anh em môn đồ vì họ đã tranh cãi xem ai sẽ là người lớn nhất trong vương quốc của Ngài. Tất cả những điều này đã làm cho Ngài đến mức phải nói: “Hỡi dòng dõi chẳng tin kia,… Ta sẽ chịu các ngươi cho đến khi nào?”5 Ngài đã có dịp để hỏi câu hỏi đó hơn một lần trong giáo vụ của Ngài. Thảo nào Ngài đã mong mỏi được ở trên núi để được yên tĩnh cầu nguyện!
Vì nhận thấy rằng chúng ta đều phải trở lại với cuộc sống bình thường sau những kinh nghiệm cao quý để đối phó với những thăng trầm của cuộc đời, tôi xin đưa ra lời khích lệ này vào lúc kết thúc đại hội trung ương.
Trước hết, nếu trong những ngày tới, các anh chị em không những nhìn thấy những hạn chế ở những người xung quanh mình mà còn thấy các yếu tố trong cuộc sống của mình chưa phù hợp với các sứ điệp mình đã nghe vào cuối tuần này, thì xin đừng nản lòng và bỏ cuộc. Phúc âm, Giáo Hội, và các đại hội trung ương tuyệt vời diễn ra vào mỗi sáu tháng này là nhằm mang đến hy vọng và sự soi dẫn chứ không phải nhằm làm cho các anh chị em nản lòng. Chỉ có kẻ nghịch thù, kẻ thù của tất cả chúng ta, mới cố gắng thuyết phục chúng ta rằng các tiêu chuẩn được nêu ra trong đại hội trung ương là làm nản lòng và không thực tế, rằng con người thực ra không cải thiện được, không có ai thực sự tiến triển cả. Và tại sao Lu Xi Phe cố gắng thuyết phục chúng ta điều đó? Vì nó biết rằng nó không thể cải thiện được, nó không thể tiến triển, thế giới là vô tận nó sẽ không bao giờ có một tương lai sáng lạn. Nó là một kẻ khổ sở với những hạn chế vĩnh cửu, và nó muốn các anh chị em cũng phải khổ sở. Đừng tin lời nó. Với sự giúp đỡ của ân tứ của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô và sức mạnh của thiên thượng, chúng ta có thể cải thiện, và phúc âm này thật tuyệt vời vì chúng ta được phước để cố gắng, mặc dù không luôn luôn thành công.
Khi có một cuộc tranh cãi trong Giáo Hội ban đầu về người nào được quyền nhận hưởng các phước lành từ thiên thượng và người nào không được thì Chúa phán cùng Tiên Tri Joseph Smith rằng: “Vì thật vậy, ta nói cho các ngươi hay, [các ân tứ của Thượng Đế] được ban cho vì lợi ích của những người yêu mến ta và tuân giữ … các giáo lệnh của ta, và [cho kẻ nào] tìm cách làm như vậy.”6 Ôi, không phải là chúng ta đều biết ơn về câu mà Ngài đã thêm vào “và tìm cách làm như vậy” sao! Điều đó là một sự kiện đầy an ủi vì đôi khi đó là điều mà chúng ta chỉ có thể làm! Chúng ta cảm thấy được an ủi trong sự kiện rằng nếu Thượng Đế chỉ tưởng thưởng cho người hoàn toàn trung tín mà thôi thì Ngài sẽ không có nhiều người trong danh sách tưởng thưởng của Ngài.
Vậy nên, xin hãy nhớ đến tương lai, và tất cả những ngày sau đó, rằng Chúa ban phước cho những người muốn cải thiện, là những người chấp nhận sự cần thiết phải có các giáo lệnh và cố gắng tuân giữ các giáo lệnh, là những người quý trọng các đức hạnh giống như Đấng Ky Tô và cố gắng hết sức để đạt được các đức hạnh này. Nếu các anh chị em thất bại trong nỗ lực đó, ai cũng vậy; thì Đấng Cứu Rỗi sẽ ở cạnh bên để giúp các anh chị em tiếp tục cố gắng. Nếu các anh chị em thất bại hãy cầu xin Ngài thêm sức. Hãy kêu lên như An Ma: “Hỡi Chúa Giê Su… xin Ngài hãy thương xót con.”7 Ngài sẽ giúp các anh chị em cố gắng một lần nữa. Ngài sẽ giúp các anh chị em hối cải, sửa đổi, sửa chữa lại bất cứ điều gì mình cần phải sửa chữa, và tiếp tục cố gắng. Cuối cùng các anh chị em sẽ được thành công với những điều mình tìm kiếm.
Chúa đã phán: “Nếu ngươi mong muốn điều đó ở nơi ta thì ngươi sẽ được như ý.”
“… Hãy đặt sự tin cậy vào Thánh Linh là Đấng dẫn dắt làm điều tốt lành—phải, làm điều công bình, bước đi khiêm nhường, xét đoán ngay chính. …
“… [Rồi] tất cả những gì ngươi mong ước nơi ta, là những điều thuộc sự ngay chính, … ngươi sẽ nhận được.”8
Tôi yêu thích giáo lý đó! Một lần nữa giáo lý đó nói rằng chúng ta sẽ được phước vìước muốn của chúng ta để làm điều tốt lành, ngay cả trong khi chúng ta thực sự đang cố gắng làm điều tốt lành. Và giáo lý đó nhắc nhở chúng ta rằng để hội đủ điều kiện nhận được các phước lành đó, chúng ta phải chắc chắn sẽ không khước từ các phước lành đó đối với người khác: chúng ta phải đối xử công bằng, đừng bao giờ bất công; chúng ta phải có lòng khiêm nhường, đừng bao giờ kiêu ngạo; chúng ta phải xét đoán công bình, đừng bao giờ tự cho mình là ngay chính.
Thưa các anh chị em, giáo lệnh lớn đầu tiên và liên quan đến vĩnh cửu là phải yêu mến Thượng Đế với tất cả tấm lòng, năng lực, tâm trí, và sức mạnh của chúng ta, ---đó là giáo lệnh lớn đầu tiên. Nhưng lẽ thật lớn đầu tiên liên quan đến vĩnh cửu là Thượng Đế yêu thương chúng ta với tất cả tấm lòng, năng lực, tâm trí, và sức mạnh của Ngài. Tình yêu thương đó là nguyên tắc cơ bản liên quan đến vĩnh cửu, và phải là nền tảng của cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Quả thật, chỉ với sự bảo đảm vững chắc đó được in sâu vào tâm hồn mình thì chúng ta mới có thể tự tin để tiếp tục cố gắng cải thiện, tiếp tục tìm kiếm sự tha thứ cho tội lỗi của mình, và tiếp tục mở rộng lòng tử tế đó với những người lân cận.
Chủ Tịch George Q. Cannon có lần đã dạy: “Cho dù thử thách có nghiêm trọng như thế nào đi nữa, cho dù nỗi đau khổ có cùng cực đến đâu đi nữa, nỗi hoạn nạn có to lớn đến đâu đi nữa, thì [Thượng Đế] cũng sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngài đã không bao giờ và Ngài sẽ không bao giờ làm điều đó. Ngài không thể làm điều đó. Đó không phải là đặc tính của Ngài [để làm như vậy]. … Ngài sẽ [luôn luôn] đứng bên cạnh chúng ta. Chúng ta có thể vượt qua lò lửa hực; chúng ta có thể vượt qua các vùng biển sâu; nhưng chúng ta sẽ không bị hủy diệt hoặc bị choáng ngợp. Chúng ta sẽ vượt lên khỏi tất cả những thử thách và khó khăn này và trở nên tốt lành và thanh sạch hơn.”9
Giờ đây, với lòng tận tâm sâu đậm đó của Thượng Đế luôn luôn ở trong cuộc sống của chúng ta, được biểu hiện gần như hoàn toàn và hoàn hảo trong cuộc sống, cái chết, và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, thì chúng ta có thể thoát khỏi những hậu quả của tội lỗi lẫn sự rồ dại---của riêng mình hoặc của người khác---trong bất cứ hình thức nào do hậu quả này mang đến trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nếu chúng ta tận tụy với Thượng Đế, nếu chúng ta yêu mến Chúa Giê Su Ky Tô, nếu chúng ta cố gắng hết sức để sống theo phúc âm, thì ngày mai và mỗi một ngày khác cuối cùng sẽ là kỳ diệu, cho dù chúng ta không luôn luôn nhận ra điều kỳ diệu đó. Tại sao? Vì Cha Thiên Thượng của chúng ta muốn như thế! Ngài muốn ban phước cho chúng ta. Mục đích cụ thể của kế hoạch thương xót của Ngài dành cho con cái của Ngài là để có một cuộc sống bổ ích, phong phú, và vĩnh cửu! Đó là một kế hoạch dựa vào lẽ thật là “mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời.”10 Vì vậy, hãy tiếp tục yêu thương. Hãy tiếp tục cố gắng. Hãy tiếp tục tin cậy. Hãy tiếp tục tin tưởng. Hãy tiếp tục tiến triển. Thiên thượng đang khuyến khích các anh chị em hôm nay, ngày mai, và mãi mãi.
Ê Sai đã kêu lên: “Ngươi không biết sao, không nghe sao?”
“[Thượng Đế] ban sức mạnh cho kẻ nhọc nhằn, thêm lực lượng cho kẻ chẳng có sức. …
“… Nhưng ai trông đợi [Ngài] thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng. …
“Vì …Giê Hô Va Đức Chúa Trời… sẽ nắm tay hữu [họ], và phán cùng [họ] rằng: Đừng sợ, ta sẽ giúp đỡ ngươi.”11
Thưa các anh chị em, cầu xin Cha Thiên Thượng nhân từ ban phước cho chúng ta ngày mai để ghi nhớ những cảm nghĩ của chúng ta ngày hôm nay. Cầu xin Ngài ban phước cho chúng ta để kiên nhẫn cố gắng và kiên trì hướng tới những tiêu chuẩn mà chúng ta đã nghe nói trong cuối tuần đại hội này, vì biết rằng tình yêu thương thiêng liêng và sự giúp đỡ bền bỉ của Ngài sẽ ở với chúng ta cho dù chúng ta gặp khó khăn vất vả---đúng hơn là sẽ ở với chúng ta nhất là khi chúng ta gặp khó khăn vất vả.
Nếu các tiêu chuẩn phúc âm này dường như quá cao và sự cải thiện cá nhân cần thiết trong những ngày sắp tới dường như khó có thể đạt được, thì hãy nhớ tới lời khuyến khích của Giô Suê cho dân của ông khi họ phải đối mặt với một tương lai khó khăn. Ông nói: “Hãy làm cho mình ra thánh, vì ngày mai Đức Giê Hô Va sẽ làm những việc lạ lùng giữa các ngươi.”12 Tôi tuyên bố cùng lời hứa ấy. Đó là lời hứa của đại hội này. Đó là lời hứa của Giáo Hội này. Đó là lời hứa của Ngài là Đấng thực hiện những điều kỳ diêu đó, chính là “Đấng Lạ lùng, là Đấng Mưu luận, là Đức Chúa Trời Quyền năng,… là Chúa Bình An.” 13 Tôi làm chứng về Ngài. Tôi là nhân chứng của Ngài. Và đại hội này là một bằng chứng về công việc đang tiếp diễn của Ngài trong ngày sau vĩ đại này. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Tô, A Men.