Đại Hội Trung Ương
Chúng Ta Sẽ Thử Thách Họ Bằng Phương Tiện Này
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2020


15:19

Chúng Ta Sẽ Thử Thách Họ Bằng Phương Tiện Này

(Áp Ra Ham 3:25)

Bây giờ là lúc để chuẩn bị và tự chứng tỏ là mình sẵn sàng và có khả năng để làm tất cả những gì Chúa Thượng Đế của chúng ta sẽ truyền lệnh cho chúng ta.

Tôi cầu xin sự hỗ trợ của Đức Thánh Linh cho tất cả chúng ta khi tôi chia sẻ những suy nghĩ và cảm nghĩ mà đã đến với tâm trí và tấm lòng tôi trong khi chuẩn bị cho đại hội trung ương kỳ này.

Tầm Quan Trọng của Những Bài Thi

Trong hơn hai thập kỷ trước khi tôi được kêu gọi phục vụ toàn thời gian trong Giáo Hội, công việc của tôi là giảng viên và quản trị viên ở trường đại học. Là giảng viên, trách nhiệm chủ yếu của tôi là giúp các sinh viên học cách để tự học. Và một phần thiết yếu trong công việc của tôi là soạn bài, chấm bài, và góp ý về kết quả thi của sinh viên. Như anh chị em có thể biết từ kinh nghiệm bản thân, thi cử thường không phải là phần mà sinh viên ưa thích nhất trong quá trình học tập!

Nhưng những bài thi định kỳ là hoàn toàn thiết yếu đối với việc học tập. Một bài thi hữu hiệu giúp chúng ta so sánh những gì chúng ta cần biết với những gì chúng ta thực sự biết về một đề tài cụ thể; nó cũng cung cấp một tiêu chuẩn mà chúng ta có thể dựa vào đó để đánh giá việc học hỏi và phát triển của mình.

Cũng như thế, các bài thi trong trường đời là một phần thiết yếu của sự tiến triển vĩnh cửu của chúng ta. Tuy nhiên, thật thú vị là từ thi không thể tìm thấy dù chỉ một lần trong các câu thánh thư trong số Các Tác Phẩm Thánh Thư Tiêu Chuẩn bằng tiếng Anh. Đúng hơn, những từ như thử thách, dò xét,rèn luyện được sử dụng để miêu tả nhiều khuôn thức biểu lộ thích hợp sự hiểu biết thuộc linh, sự thấu hiểu, và sự tận tụy của chúng ta đối với kế hoạch hạnh phúc vĩnh cửu của Cha Thiên Thượng và khả năng của chúng ta để tìm kiếm các phước lành của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi.

Đấng sáng tạo ra kế hoạch cứu rỗi đã mô tả mục đích chính yếu của thử thách trên trần thế của chúng ta bằng những từ thử thách, dò xét,rèn luyện trong thánh thư cổ xưa lẫn hiện đại. “Và chúng ta sẽ thử thách họ bằng phương tiện này, để xem họ sẽ làm theo tất cả những gì Chúa, Thượng Đế của họ, sẽ truyền lệnh cho họ chăng.”1

Hãy xem lời khẩn nài của Tác Giả Thi Thiên là Đa Vít:

“Đức Giê Hô Va ôi! xin hãy dò xétthử thách tôi, rèn luyện lòng dạ tôi.

“Vì sự nhơn từ Chúa ở trước mặt tôi. Tôi đã đi theo lẽ thật của Chúa.”2

Và Chúa đã tuyên phán vào năm 1833: “Vậy nên, chớ sợ kẻ thù của mình, vì ta đã quyết định trong lòng, Chúa phán vậy, là phải thử thách các ngươi về mọi điều để xem các ngươi có tiếp tục trung thành với giao ước của ta không, ngay cả phải chết, để các ngươi có thể được xem là xứng đáng.”3

Thử Thách và Rèn Luyện Trong Thời Nay

Năm 2020 đã được đánh dấu, phần nào, bởi đại dịch toàn cầu, mà đã thử thách, dò xét, và rèn luyện chúng ta trong nhiều phương diện. Tôi cầu nguyện rằng chúng ta, với tư cách là cá nhân và gia đình đang học được những bài học quý giá mà chỉ có những kinh nghiệm khó khăn mới có thể dạy chúng ta. Tôi cũng hy vọng rằng tất cả chúng ta đều nhận biết một cách trọn vẹn hơn về “sự vĩ đại của Thượng Đế” và sự thật là “Ngài sẽ biệt riêng sự đau khổ của [chúng ta] thành lợi ích cho [chúng ta].”4

Hai nguyên tắc cơ bản có thể dẫn dắt và củng cố chúng ta khi chúng ta đối phó với những hoàn cảnh đầy khó khăn thử thách trong cuộc sống, dù hoàn cảnh đó là gì đi nữa: (1) nguyên tắc chuẩn bị, và (2) nguyên tắc tiến bước với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô.

Thử Thách và Chuẩn Bị

Là các môn đồ của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta đã được truyền lệnh hãy “chuẩn bị mọi điều cần thiết; và hãy thiết lập một ngôi nhà, đó là ngôi nhà cầu nguyện, ngôi nhà nhịn ăn, ngôi nhà của đức tin, ngôi nhà của sự học hỏi, ngôi nhà của sự vinh quang, ngôi nhà của sự trật tự, ngôi nhà của Thượng Đế.”5

Chúng ta cũng được hứa rằng “nếu các ngươi đã chuẩn bị rồi thì các ngươi sẽ không sợ hãi.

“Và để cho các ngươi thoát khỏi quyền năng của kẻ thù và được quy tụ về với ta thành một dân tộc ngay chính, không tì vết và không chê trách được.”6

Các đoạn thánh thư này cung cấp một nền tảng hoàn hảo cho việc tổ chức và chuẩn bị cuộc sống và gia đình của chúng ta cả về vật chất lẫn thuộc linh. Chúng ta nên noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi trong nỗ lực của mình để chuẩn bị cho những kinh nghiệm đầy thử thách trên trần thế, Ngài là Đấng ngày càng “khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta”7—một sự kết hợp cân bằng để được sẵn sàng về mặt trí tuệ, thể chất, thuộc linh, và xã hội.

Vào một buổi chiều cách đây vài tháng, Susan và tôi kiểm kê lại thức ăn dự trữ và đồ tiếp liệu khẩn cấp của chúng tôi. Lúc đó, COVID-19 đang lây lan nhanh chóng, và một loạt các trận động đất làm rung chuyển căn nhà của chúng tôi ở Utah. Từ khi mới kết hôn, chúng tôi đã cố gắng hết sức để tuân theo lời khuyên bảo của vị tiên tri để chuẩn bị cho những khó khăn không lường trước, do đó việc chúng tôi “dò xét” mức độ sẵn sàng của mình giữa lúc vi rút đang lây lan và động đất dường như là đúng lúc để làm và rất đáng làm. Chúng tôi đã muốn biết điểm số của những bài thi bất ngờ này.

Chúng tôi đã học được nhiều điều. Trong nhiều mặt, công việc chuẩn bị của chúng tôi là rất vừa phải. Tuy nhiên, chúng tôi cần phải cải thiện thêm về một số mặt khác vì chúng tôi chưa nhận ra và giải quyết kịp thời những nhu cầu cụ thể.

Chúng tôi cũng đã cười rất nhiều. Ví dụ, chúng tôi phát hiện ra rằng có nhiều thứ để ở sâu trong tủ của chúng tôi đã dự trữ được mấy chục năm rồi. Thành thật mà nói, chúng tôi không dám mở ra và kiểm tra mấy cái hộp này vì sợ lại phát động một đại dịch toàn cầu nữa! Nhưng anh chị em sẽ rất vui khi biết rằng chúng tôi đã xử lý đúng cách những thực phẩm độc hại, và rủi ro về sức khỏe cho toàn cầu đã được loại trừ.

Một số tín hữu Giáo Hội cho rằng những kế hoạch khẩn cấp và đồ tiếp liệu, kho dự trữ thực phẩm, và bộ dụng cụ 72 giờ chắc hẳn không còn quan trọng nữa vì trong các đại hội trung ương gần đây không thấy Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương nói tới và nói nhiều về đề tài này và các đề tài liên quan. Nhưng những lời khuyên bảo cần phải chuẩn bị đã được các vị lãnh đạo Giáo Hội nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong nhiều thập kỷ. Việc các vị tiên tri liên tục đưa ra lời khuyên bảo theo thời gian cho thấy rằng những sứ điệp của họ còn quan trọng và mạnh mẽ hơn là chỉ một lời cảnh báo.

Cũng giống như thời gian đầy khó khăn thử thách cho thấy những khuyết điểm trong sự chuẩn bị về mặt vật chất, thì chứng bệnh hờ hững và tự mãn về phần thuộc linh gây ra ảnh hưởng tai hại nhất giữa những thử thách khó khăn. Ví dụ, chúng ta học được trong truyện ngụ ngôn về mười nữ đồng trinh rằng việc trì hoãn sự chuẩn bị dẫn đến những thất bại trong lúc khó khăn thử thách. Hãy nhớ lại năm nữ đồng trinh dại đã không chuẩn bị kỹ lưỡng cho bài thi đưa ra cho họ vào ngày mà chàng rể đến.

“Người dại khi cầm đèn đi thì không đem dầu theo cùng mình:

“Song người khôn khi cầm đèn đi thì đem dầu theo trong bình mình. …

“Đến khuya, có tiếng kêu rằng: Kìa, chàng rể đến, hãy đi ra rước người!

“Các nữ đồng trinh bèn thức dậy cả, sửa soạn đèn mình.

“Các người dại nói với các người khôn rằng: Xin bớt dầu của các chị cho chúng tôi, vì đèn chúng tôi gần tắt.

“Nhưng các người khôn trả lời rằng: Không, e chẳng đủ cho chúng tôi và các chị; thà các chị hãy đi đến người bán dầu mà mua.

“Song trong khi họ đang đi mua, thì chàng rể đến; kẻ nào chực sẵn, thì đi với người cùng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại.

“Chặp lâu, những người nữ đồng trinh khác cũng đến và xin rằng: Hỡi Chúa, hỡi Chúa, xin mở cho chúng tôi.”8

“Nhưng người đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, ta không biết các ngươi đâu.”9

Ít ra trong bài thi này, năm nữ đồng trinh dại đã tự chứng tỏ rằng họ là người chỉ lấy nghe làm đủ, chứ không làm theo lời.10

Tôi có một người bạn là một sinh viên luật rất tận tâm. Trong một học kỳ, Sam dành ra thời gian mỗi ngày để ôn lại, tóm tắt, và học những điều anh ghi xuống cho mỗi khóa học mà anh đã đăng ký theo học. Anh tuân theo cùng mẫu mực đó cho tất cả các lớp học của anh vào cuối mỗi tuần và mỗi tháng. Phương pháp học tập của anh cho phép anh học hỏi về luật chứ không chỉ ghi nhớ các chi tiết. Và khi đến bài thi cuối học kỳ, Sam đã sẵn sàng. Thực ra, anh nhận thấy rằng thời gian thi học kỳ là một trong những lúc ít căng thẳng nhất đối với anh trong khi theo học trường luật. Việc chuẩn bị trước một cách hữu hiệu và đúng lúc sẽ mang đến kết quả tốt đẹp.

Phương pháp học tập của Sam khi học trường luật đã nêu bật một trong các mẫu mực chính yếu của Chúa đối với sự tăng trưởng và phát triển. “Vì này, Đức Chúa Trời có phán rằng: Ta sẽ ban cho con cái loài người từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một, nơi này một ít, nơi kia một ít; và phước thay cho những ai biết nghe những lời giáo huấn của ta, và để tai nghe lời khuyên răn của ta, vì những kẻ đó sẽ học được sự khôn ngoan; vì kẻ nào tiếp nhận, ta sẽ ban thêm cho.”11

Tôi mời gọi mỗi người chúng ta hãy “xem xét đường lối mình”12 và “tự xét [bản thân mình], để xem [chúng ta] có đức tin chăng; [và] hãy tự thử mình.”13 Chúng ta học được điều gì trong những tháng vừa qua với những điều chỉnh và hạn chế trong lối sống? Chúng ta cần phải cải thiện điều gì trong cuộc sống của mình về mặt thuộc linh, thể chất, xã hội, cảm xúc, và trí tuệ? Bây giờ là lúc để chuẩn bị và tự chứng tỏ là mình sẵn sàng và có khả năng để làm tất cả những gì Chúa Thượng Đế của chúng ta sẽ truyền lệnh cho chúng ta.

Thử Thách và Tiến Bước

Có lần tôi đã tham dự tang lễ của một người truyền giáo trẻ tuổi qua đời trong một tai nạn. Cha của người truyền giáo này nói chuyện tại tang lễ và mô tả nỗi đau buồn khi phải đột ngột chia ly với một đứa con yêu quí. Ông thật lòng bày tỏ rằng bản thân ông cũng không hiểu hết lý do hoặc thời điểm của một sự kiện như vậy. Nhưng tôi sẽ nhớ mãi người đàn ông tốt bụng này cũng bày tỏ rằng ông biết Thượng Đế biết rõ lý do và thời điểm của sự ra đi của con ông—và ông thấy như vậy là đủ. Ông nói với cử tọa rằng ông và gia đình, tuy rất buồn rầu, nhưng rồi sẽ ổn thỏa; chứng ngôn của họ vẫn vững chắc và bền bỉ. Ông kết thúc bài nói chuyện của mình với lời tuyên bố như sau: “Tôi muốn anh chị em biết rằng khi nói về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, gia đình chúng tôi hoàn toàn cam kết tham gia. Chúng tôi hoàn toàn cam kết tham gia.”

Mặc dầu sự ra đi của một người thân yêu thật là đau lòng và khó khăn, nhưng các thành viên trong gia đình can đảm này đã được chuẩn bị sẵn sàng về phần thuộc linh để chứng tỏ rằng họ có thể học được những bài học về tầm quan trọng vĩnh cửu qua những gì họ phải chịu đựng.14

Trở nên trung tín không có nghĩa là hành động dại dột hay cuồng tín. Đúng ra, đó là tin cậy và tin tưởng nơi Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, nơi danh Ngài, và nơi những lời Ngài hứa. Khi chúng ta “tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô, với một niềm hy vọng hết sức xán lạn, và với tình yêu thương Thượng Đế và mọi người,”15 chúng ta sẽ được phước với một quan điểm vĩnh cửu và tầm nhìn rộng lớn vượt quá khả năng giới hạn trên trần thế của mình. Chúng ta sẽ có khả năng để “quy tụ lại với nhau và đứng vững tại những nơi thánh thiện”16 và “chớ để bị lay chuyển, cho đến ngày Chúa đến.”17

Khi tôi là chủ tịch của trường Brigham Young University–Idaho, Anh Cả Jeffrey R. Holland đã đến thăm trường vào tháng Mười Hai năm 1998 để nói chuyện tại một trong các buổi họp đặc biệt hằng tuần của chúng tôi. Susan và tôi mời một nhóm nhỏ các sinh viên đến gặp mặt và trò chuyện với Anh Cả Holland trước khi ông nói chuyện. Lúc gần hết giờ, tôi đã hỏi Anh Cả Holland: “Nếu anh có thể dạy cho các sinh viên này chỉ một điều, thì đó là điều gì?”

Ông đáp:

“Chúng ta đang chứng kiến một phong trào phân cực ngày càng mạnh mẽ hơn. Quan điểm trung lập không còn là lựa chọn đối với Các Thánh Hữu Ngày Sau nữa. Chúng ta không thể đứng ở giữa được nữa.

“Nếu các em bơi tại chỗ trong luồng chảy của dòng sông, thì các em sẽ trôi dạt đến một nơi nào đó. Đơn giản là các em sẽ đi đến bất cứ nơi nào dòng chảy đưa đẩy các em đến. Trôi theo dòng nước, cuốn theo chiều gió, tuân theo niềm tin phổ biến và dễ dàng đều không phải là điều nên làm nữa.

“Chúng ta cần phải lựa chọn. Không đưa ra lựa chọn cũng là một sự lựa chọn. Hãy học cách lựa chọn bây giờ.”

Lời phát biểu của Anh Cả Holland về tình trạng phân cực ngày càng gia tăng đã được chứng minh theo ý nghĩa tiên tri bằng các xu hướng xã hội và các sự kiện trong suốt 22 năm kể từ khi ông trả lời câu hỏi đó của tôi. Tiên đoán trước về sự phân kỳ rộng rãi giữa đường lối của Chúa và đường lối của thế gian, Anh Cả Holland cảnh báo rằng chúng ta không còn có thể vừa theo quan điểm của thế gian mà lại vừa theo quan điểm của Giáo Hội phục hồi. Người tôi tớ này của Chúa đang khuyên bảo những người trẻ tuổi hãy lựa chọn, chuẩn bị, và trở thành các môn đồ tận tụy của Đấng Cứu Rỗi. Ông đang giúp đỡ họ chuẩn bị, tiến bước tới và qua những kinh nghiệm thử thách, dò xét, và rèn luyện trong cuộc sống của họ.

Lời Hứa và Chứng Ngôn

Tiến trình tự chứng tỏ bản thân là một phần cơ bản của kế hoạch hạnh phúc vĩ đại của Cha Thiên Thượng. Tôi hứa rằng khi chúng ta vừa chuẩn bị vừa tiến bước với đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi, chúng ta đều có thể nhận được cùng một điểm số trong bài thi cuối cùng của cuộc sống trần thế: “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi.”18

Tôi làm chứng rằng Thượng Đế Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu là Đức Chúa Cha của chúng ta. Chúa Giê Su Ky Tô là Con Độc Sinh và Vị Nam Tử hằng sống của Ngài, Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Tôi hân hoan làm chứng về các lẽ thật này trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.