Đại Hội Trung Ương
Tìm Thấy Niềm Vui nơi Đấng Ky Tô
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2020


9:56

Tìm Thấy Niềm Vui nơi Đấng Ky Tô

Cách chắc chắn nhất để tìm thấy niềm vui trong cuộc sống này là cùng với Đấng Ky Tô giúp đỡ những người khác.

Chúa không đòi hỏi các em thiếu niên nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn của chúng ta phải làm mọi điều, nhưng điều Ngài yêu cầu thật vô cùng ấn tượng.

Nhiều năm về trước, gia đình nhỏ của chúng tôi trải qua điều mà nhiều gia đình phải đối mặt trong thế giới sa ngã này. Đứa con trai út của chúng tôi, Tanner Christian Lund, đã mắc bệnh ung thư. Cháu là một đứa trẻ đáng kinh ngạc, giống như những đứa trẻ 9 tuổi khác. Cháu vô cùng tinh nghịch, và đồng thời, có sự nhận thức thuộc linh đầy ấn tượng. Tinh quái mà cũng như thiên thần, nghịch ngợm mà cũng tử tế. Khi cháu còn nhỏ và ngày nào cũng làm chúng tôi bối rối với những trò tai quái của mình, chúng tôi thường tự hỏi khi lớn lên cháu sẽ trở thành vị tiên tri hay là một tên cướp ngân hàng. Dù thế nào đi nữa, dường như là cháu sẽ để lại một dấu ấn trên thế gian này.

Và rồi cháu đổ bệnh cực kỳ nặng. Trong vòng ba năm tiếp theo, nền y học hiện đại phải sử dụng những liệu pháp mạnh, bao gồm hai lần cấy ghép tủy xương, và trong thời gian đó cháu mắc bệnh viêm phổi, làm cho cháu bất tỉnh 10 tuần phải thở bằng máy. Kỳ diệu thay, cháu hồi phục trong một khoảng thời gian ngắn; nhưng rồi căn bệnh ung thư tái phát.

Không lâu trước khi qua đời, khối u xâm chiếm vào xương của Tanner, và ngay cả với thuốc giảm đau liều cao, cháu vẫn đau đớn. Cháu hầu như không thể ra khỏi giường. Vào một buổi sáng Chủ Nhật nọ, mẹ của cháu, Kalleen, đi vào phòng thăm nom cháu trước khi cả nhà đi nhà thờ. Cô ấy ngạc nhiên khi thấy bằng cách nào đó Tanner đã thay quần áo và đang ngồi ở mép giường, đau đớn khổ sở để cài nút áo sơ mi. Kalleen đến ngồi cạnh cháu. Cô ấy nói: “Tanner, con có chắc là con đủ khỏe để đi nhà thờ không? Có lẽ con nên ở nhà nghỉ ngơi hôm nay.”

Cháu nhìn chăm chăm xuống sàn. Cháu là một thầy trợ tế. Cháu có một nhóm túc số. Và cháu có một sự chỉ định.

“Dạ, con phải chuyền Tiệc Thánh hôm nay.”

“Chà, mẹ chắc là một người khác có thể làm việc đó giúp con mà.”

Tanner nói: “Đúng vậy ạ, nhưng … con thấy cách mọi người nhìn con khi con chuyền Tiệc Thánh. Con nghĩ việc ấy giúp ích cho họ.”

Thế là Kalleen đã giúp cháu cài nút áo và đeo cà vạt cho cháu, và hai mẹ con lái xe đến nhà thờ. Rõ ràng là một điều gì đó quan trọng sắp xảy ra.

Tôi đã đến nhà thờ trước vì có một buổi họp sớm, nên tôi rất ngạc nhiên khi bước vào giáo đường và thấy Tanner đang ngồi ở hàng ghế dành cho các thầy trợ tế. Kalleen thì thầm với tôi lý do mà cháu ở đó và điều cháu đã nói: “Việc ấy giúp ích cho họ.”

Và thế là tôi quan sát khi các thầy tư tế bước đến bàn Tiệc Thánh. Cháu phải đứng dựa người vào một thầy trợ tế khác trong lúc các thầy tư tế trao khay bánh cho chúng. Và rồi Tanner lê bước đến nơi mà cháu được chỉ định và vịn tay vào thành ghế cho vững khi mang Tiệc Thánh đến.

Dường như mọi con mắt trong giáo đường đều nhìn cháu, dõi theo từng nỗi vất vả của cháu khi cháu thực hiện phần vụ đơn giản của mình. Bằng cách nào đó, Tanner đang cho thấy một bài giảng thầm lặng khi cháu nghiêm trang đi khập khiễng từ hàng ghế này sang hàng ghế nọ—cái đầu trọc của cháu ướt đẫm mồ hôi—để đại diện cho Đấng Cứu Rỗi theo cách của các thầy trợ tế. Cơ thể trước đây từng không dễ bị khuất phục của người thầy trợ tế này, nay tự bản thân nó đã bị một chút thương tích, bầm dập, và đau đớn, sẵn lòng chịu đựng để phục vụ bằng cách mang những biểu tượng cho Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi vào cuộc sống của chúng tôi.

Việc nhìn thấy cách mà cháu đã nghĩ về ý nghĩa của việc là một thầy trợ tế đã khiến cho chúng tôi cũng suy nghĩ khác đi—về lễ Tiệc Thánh, về Đấng Cứu Rỗi, và về các thầy trợ tế, thầy giảng, và thầy tư tế.

Tôi tự hỏi phép lạ thầm lặng nào đã thôi thúc cháu đáp ứng quá đỗi dũng cảm với lời kêu gọi nhỏ nhẹ, dịu êm vào buổi sáng hôm đó để phục vụ, và về sức mạnh và khả năng của tất cả những người trẻ tuổi đang vươn lên của chúng ta khi các em thúc đẩy bản thân hưởng ứng lời kêu gọi của vị tiên tri để gia nhập vào đạo quân của Thượng Đế và tham gia vào công việc cứu rỗi và tôn cao.

Mỗi khi một thầy trợ tế cầm một cái khay Tiệc Thánh, chúng ta nhớ đến câu chuyện thiêng liêng về Bữa Tối Cuối Cùng, về Vườn Ghết Sê Ma Nê, Đồi Sọ, và ngôi mộ trong vườn. Khi Đấng Cứu Rỗi phán cùng Các Sứ Đồ của Ngài: “Hãy làm sự này để nhớ đến ta,”1 Ngài cũng phán bảo qua các thời đại cùng mỗi người chúng ta. Ngài đang nói về phép lạ vô tận mà Ngài sẽ cung ứng khi các thầy trợ tế, thầy giảng, và thầy tư tế mang đến những biểu tượng của Ngài và mời gọi các con cái Ngài chấp nhận ân tứ Chuộc Tội của Ngài.

Mọi biểu tượng trong lễ Tiệc Thánh đều hướng chúng ta đến ân tứ đó. Chúng ta ngẫm nghĩ về bánh mà Ngài đã từng bẻ ra—và bánh mà giờ đây đến lượt các thầy tư tế trước mặt chúng ta đang bẻ ra. Chúng ta nghĩ về ý nghĩa của nước mà đã được thánh hóa, khi xưa và bây giờ, trong lúc những lời ban phước Tiệc Thánh đó phát ra từ miệng của các thầy tư tế trẻ tuổi đi vào tấm lòng chúng ta và vang lên đến thiên thượng, tái lập các giao ước mà kết nối chúng ta với chính quyền năng cứu rỗi của Đấng Ky Tô. Chúng ta có thể nghĩ về ý nghĩa của việc một thầy trợ tế mang các biểu tượng thiêng liêng đến cho mình, đứng đợi giống như Chúa Giê Su sẽ làm nếu Ngài ở đó, để mời cất lấy những gánh nặng và nỗi đau của chúng ta.

May mắn thay, những em thiếu niên và thiếu nữ không phải bị đau ốm thì mới khám phá ra niềm vui và mục đích trong việc phục vụ Đấng Cứu Rỗi.

Anh Cả David A. Bednar đã dạy rằng để phát triển và trở nên giống như những người truyền giáo thì chúng ta cần làm điều mà những người truyền giáo làm, và rồi “từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một, … [chúng ta] có thể dần dần trở thành người truyền giáo … mà Đấng Cứu Rỗi kỳ vọng.”2

Tương tự, nếu chúng ta mong muốn được “trở nên giống như Chúa Giê Su”3 thì chúng ta nên làm điều mà Chúa Giê Su làm, và trong một câu thánh thư đầy ấn tượng, Chúa giải thích công việc mà Ngài làm: Ngài nói rằng “Vì này, đây là công việc của ta và sự vinh quang của ta—là để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người.”4

Sứ mệnh của Đấng Cứu Rỗi luôn luôn và mãi mãi là phục vụ Cha Ngài bằng cách phục vụ con cái của Thượng Đế.

Và cách chắc chắn nhất để tìm thấy niềm vui trong cuộc sống này là cùng với Đấng Ky Tô giúp đỡ những người khác.

Đây là lẽ thật giản dị đã soi dẫn cho chương trình Trẻ Em và Giới Trẻ.

Mọi sinh hoạt trong chương trình Trẻ Em và Giới Trẻ và những điều được giảng dạy trong đó đều là về việc giúp những người trẻ tuổi trở nên giống Chúa Giê Su bằng cách tham gia cùng Ngài trong công việc cứu rỗi và tôn cao của Ngài.

Chương trình Trẻ Em và Giới Trẻ là một công cụ để giúp mỗi em trong Hội Thiếu Nhi và giới trẻ có thể lớn lên trong vai trò môn đồ và có một sự hiểu biết đầy đức tin về con đường hạnh phúc là như thế nào. Các em có thể đến tham gia và khao khát đến được các trạm dừng chân và những biển chỉ dẫn trên con đường giao ước, là khi các em được báp têm và xác nhận với ân tứ Đức Thánh Linh và rồi mau chóng được thuộc vào các nhóm túc số và các lớp học Hội Thiếu Nữ, nơi các em sẽ cảm thấy niềm vui của việc giúp đỡ người khác qua một loạt các hành động phục vụ giống như Đấng Ky Tô. Các em sẽ lập các mục tiêu lớn và nhỏ mà sẽ mang lại sự cân bằng cho cuộc sống các em và giúp các em khi trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn. Các đại hội Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ cùng tạp chí cùng tên, tạp chí Bạn Hữu, và ứng dụng Gospel Living sẽ giúp các em tập trung đi tìm niềm vui nơi Đấng Ky Tô. Các em sẽ thấy trước các phước lành của việc có được giấy giới thiệu đi đền thờ sử dụng có giới hạn, và cảm nhận tinh thần Ê Li qua ảnh hưởng của Đức Thánh Linh khi làm công việc đền thờ và lịch sử gia đình. Các em sẽ được chỉ dẫn nhờ các phước lành tộc trưởng. Cuối cùng, các em sẽ thấy chính mình chuẩn bị đi đền thờ để được làm lễ thiên ân với quyền năng, và tìm thấy niềm vui ở đó khi các em được kết nối vĩnh viễn với gia đình mình cho dù có xảy ra chuyện gì đi nữa.

Trước sóng gió của cơn đại dịch và thiên tai, việc mang lại lời hứa trọn vẹn của chương trình mới Trẻ Em và Giới Trẻ vẫn còn dang dở—và cần gấp rút triển khai. Giới trẻ của chúng ta không thể đợi thế gian tự nó sửa đổi chính nó trước khi các em biết đến Đấng Cứu Rỗi. Một vài em đang chọn những gì mà các em sẽ không chọn nếu chúng hiểu được danh tính thật sự của chúng—và của Ngài.

Và vì vậy, lời giục giã từ các đạo quân của Chúa trong khóa huấn luyện định mệnh là “mỗi người một tay!”

Thưa các bậc cha mẹ, con trai của anh chị em cần anh chị em nhiệt tình ủng hộ chúng bây giờ giống như anh chị em đã luôn ủng hộ chúng trong quá khứ khi chúng có ít điều quan trọng phải bận tâm hơn như các huy hiệu cài áo. Thưa các bậc cha mẹ, các vị lãnh đạo chức tư tế và Hội Thiếu Nữ, nếu giới trẻ của anh chị em đang gặp khó khăn thì chương trình Trẻ Em và Giới Trẻ sẽ mang chúng đến với Đấng Cứu Rỗi, và Đấng Cứu Rỗi sẽ cho chúng sự bình an.

Hỡi các em trong các chủ tịch đoàn nhóm túc số và lớp học, hãy bước lên và đảm nhận vị trí xứng đáng của các em trong công việc của Chúa.

Thưa các vị giám trợ, hãy sử dụng các chìa khóa chức tư tế để làm việc sát sao với các em chủ tịch nhóm túc số, và các nhóm túc số của anh em—và tiểu giáo khu của anh em—sẽ thay đổi mãi mãi.

Và với các em thuộc thế hệ đang vươn lên, tôi làm chứng chắc chắn rằng các em các con trai và con gái yêu dấu của Thượng Đế và Ngài có một công việc cho các em làm.

Khi các em nỗ lực hết sức phục vụ trong những sự chỉ định của mình, với cả tấm lòng, năng lực, tâm trí, và sức mạnh, các em sẽ biết yêu thương Thượng Đế và tuân giữ các giao ước của mình, cùng tin cậy chức tư tế của Ngài trong khi lao nhọc để ban phước cho những người khác, bắt đầu từ trong chính nhà của mình.

Tôi cầu nguyện rằng các em sẽ phấn đấu, với nỗ lực để xứng đáng gấp đôi trong thời gian này, để phục vụ, thực hành đức tin, hối cải, và cải thiện mỗi ngày, để xứng đáng nhận các phước lành đền thờ và niềm vui lâu dài mà chỉ đến qua phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi cầu nguyện rằng các em sẽ chuẩn bị để cuối cùng trở thành những người truyền giáo chuyên tâm, người chồng hoặc người vợ chung thủy, người cha hoặc người mẹ nhân từ như đã được hứa bằng cách làm một môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô.

Cầu xin cho các em giúp chuẩn bị thế gian cho ngày tái lâm của Đấng Cứu Rỗi bằng cách mời tất cả mọi người đến cùng Đấng Ky Tô và tiếp nhận các phước lành của Sự Chuộc Tội của Ngài. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Lu Ca 22:19.

  2. David A. Bednar, “Trở Thành một Người Truyền Giáo,” Liahona, tháng Mười Một năm 2005, trang 46.

  3. “Vì tôi mong muốn giống Chúa Giê Su; tôi nguyện xin dấn bước theo Ngài. Và tôi luôn yêu thương nhiều như Ngài, khi làm cũng như khi tôi nói” (“I’m Trying to Be like Jesus,” Children’s Songbook, trang 78–79).

  4. Môi Se 1:39.