“Đây Là Phúc Âm của Ta”—“Đây Là Giáo Hội của Ta”
Đây là phúc âm của Đấng Cứu Rỗi và đây là Giáo Hội của Ngài (xin xem 3 Nê Phi 27:21; Mô Si A 26:22; 27:13). Nhưng sự kết hợp của hai điều này trở thành rất mạnh mẽ và có tác dụng biến đổi.
Trong nhiều thế kỷ, thuốc súng là loại chất nổ mạnh nhất được sử dụng. Nó có thể bắn đạn đại bác, nhưng lại không hiệu quả đối với hầu hết các dự án khai thác mỏ và xây dựng đường sá. Nó hoàn toàn quá yếu để phá vỡ đá.
Vào năm 1846, một nhà hóa học người Ý tên là Ascanio Sobrero đã tạo ra một loại chất nổ mới là nitroglycerin. Chất lỏng nhờn như dầu này mạnh hơn thuốc súng ít nhất một ngàn lần. Nó có thể phá vỡ đá một cách dễ dàng. Rủi thay, nitroglycerin lại dễ phát nổ. Nó sẽ phát nổ nếu ta thả nó rơi từ một độ cao rất nhỏ. Nó sẽ phát nổ nếu quá nóng. Nó sẽ phát nổ nếu quá lạnh. Thậm chí khi được đặt trong một căn phòng mát, tối và không bị đụng đến thì nó cũng sẽ phát nổ. Hầu hết các quốc gia đều cấm vận chuyển nó và nhiều quốc gia cấm sản xuất nó.
Vào năm 1860, một nhà khoa học người Thụy Điển tên là Alfred Nobel đã bắt đầu cố gắng làm giảm thiểu khả năng dễ phát nổ của nitroglycerin. Sau bảy năm thử nghiệm, ông đã đạt được mục tiêu của mình bằng cách trộn nitroglycerin với một chất gần như vô giá trị được gọi là đất tảo cát hay là kieselguhr. Kieselguhr là một loại đá xốp có thể nghiền thành bột mịn. Khi trộn với nitroglycerin, kieselguhr thấm nitroglycerin và hỗn hợp đó có thể được tạo thành hình “thỏi.” Ở hình thể này, nitroglycerin an toàn hơn nhiều. Nó có thể được lưu trữ, vận chuyển và sử dụng một cách an toàn với sức công phá của chất nổ không hề suy giảm. Nobel đặt tên cho sự kết hợp của nitroglycerin và kieselguhr là “thuốc nổ.”
Thuốc nổ đã thay đổi thế giới. Nó cũng làm Nobel trở nên giàu có. Như Ascanio Sobrero đã khám phá ra, nếu không có một chất ổn định, thì nitroglycerin trở nên quá nguy hiểm để có giá trị thương mại. Như tôi đã nói, kieselguhr, tự nó, có rất ít giá trị. Nhưng sự kết hợp của hai thành phần này đã biến thuốc nổ thành chất có tác dụng biến đổi và trở nên quý giá.
Tương tự như vậy, sự kết hợp giữa phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô mang lại những lợi ích mạnh mẽ và có tác dụng biến đổi cho chúng ta. Phúc âm là hoàn hảo, nhưng một giáo hội được Chúa truyền lệnh là phải thuyết giảng phúc âm, duy trì sự thuần khiết của phúc âm và thực hiện các giáo lễ thiêng liêng của phúc âm với quyền năng và thẩm quyền của Đấng Cứu Rỗi.
Hãy xem xét sự kết hợp giữa phúc âm của Đấng Cứu Rỗi và Giáo Hội của Ngài như đã được thiết lập bởi tiên tri An Ma trong Sách Mặc Môn. Giáo Hội có trách nhiệm thuyết giảng “không có gì ngoài sự hối cải và đức tin nơi Chúa, là Đấng [sẽ cứu chuộc] dân Ngài.” Khi sử dụng thẩm quyền của Thượng Đế, Giáo Hội có trách nhiệm thực hiện giáo lễ báp têm “trong danh Chúa, để chứng tỏ [đã lập] giao ước với Ngài [hầu] phụng sự Ngài và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài.” Những người chịu phép báp têm đã tự mang danh của Chúa Giê Su Ky Tô, gia nhập Giáo Hội của Ngài, và được hứa ban cho quyền năng lớn lao qua sự trút xuống Thánh Linh.
Dân chúng lũ lượt kéo đến Dòng Suối Mặc Môn để nghe An Ma thuyết giảng phúc âm. Mặc dù họ tôn kính dòng suối đó và những khu rừng xung quanh, nhưng Giáo Hội của Chúa không phải là một địa điểm hay một tòa nhà, và ngày nay cũng vậy. Giáo Hội chỉ là những người bình thường, các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, được quy tụ và tổ chức thành một cơ cấu do Thượng Đế quy định để giúp Chúa hoàn thành các mục đích của Ngài. Giáo Hội là công cụ mà qua đó chúng ta biết được vai trò chính yếu của Chúa Giê Su Ky Tô trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Giáo Hội mang đến cách thức có thẩm quyền cho các cá nhân tham gia vào các giáo lễ và lập các giao ước trường cửu với Thượng Đế. Việc tuân giữ các giao ước đó mang chúng ta đến gần Thượng Đế hơn, cho chúng ta tiếp cận quyền năng của Ngài, và biến đổi chúng ta thành người mà Ngài muốn chúng ta trở thành.
Cũng giống như thuốc nổ mà không có nitroglycerin thì sẽ không có gì đặc biệt, Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi chỉ trở nên đặc biệt nếu được xây dựng trên phúc âm của Ngài. Nếu không có phúc âm của Đấng Cứu Rỗi và thẩm quyền để thực hiện các giáo lễ của phúc âm, thì Giáo Hội cũng không có gì đặc biệt.
Nếu không có tác dụng ổn định của kieselguhr, thì nitroglycerin chỉ có giá trị hạn chế là một chất nổ. Như lịch sử đã cho thấy, nếu không có Giáo Hội của Chúa, thì sự hiểu biết của nhân loại về phúc âm của Ngài cũng không ổn định—dễ bị lệch lạc về giáo lý và chịu ảnh hưởng của các tôn giáo, nền văn hóa và triết lý khác nhau. Sự kết hợp của các ảnh hưởng đó đã được thể hiện trong mọi gian kỳ cho đến gian kỳ cuối cùng này. Mặc dù ban đầu phúc âm đã được mặc khải một cách thuần khiết, nhưng việc giải thích và áp dụng phúc âm đó dần dần mang hình thức của sự tin kính mà thiếu quyền năng vì không có cơ cấu tổ chức được Chúa ban cho thẩm quyền.
Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô cho phép tiếp cận quyền năng của Thượng Đế vì được Ngài cho phép giảng dạy giáo lý của Đấng Ky Tô lẫn ban cho các giáo lễ cứu rỗi và tôn cao của phúc âm. Đấng Cứu Rỗi mong muốn tha thứ tội lỗi của chúng ta, giúp chúng ta tiếp cận quyền năng của Ngài và biến đổi chúng ta. Ngài đã chịu đau khổ vì tội lỗi của chúng ta và mong mỏi tha thứ cho chúng ta khỏi hình phạt mà nếu không có Ngài chúng ta đáng phải nhận lãnh. Ngài muốn chúng ta trở nên thánh thiện và được toàn thiện trong Ngài.
Chúa Giê Su Ky Tô có quyền năng để làm điều này. Ngài không chỉ thông cảm với những sự không hoàn hảo của chúng ta và than khóc về sự kết tội vĩnh viễn của chúng ta do hậu quả của tội lỗi. Không, Ngài đã vượt xa điều đó, rất xa và phục hồi Giáo Hội của Ngài để cho phép tiếp cận quyền năng của Ngài.
Cốt lõi của phúc âm mà Giáo Hội dạy là Chúa Giê Su Ky Tô đã “gánh sự buồn bực của chúng ta.” Ngài đã “làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người.” Ngài đã “chịu lấy thập tự giá,” cắt đứt “những dây trói buộc của sự chết,” “thăng lên trời và … ngồi bên tay phải của Thượng Đế, để đòi Đức Chúa Cha quyền thương xót của Ngài.” Chúa Giê Su Ky Tô đã làm tất cả những điều này vì Ngài yêu mến Cha Ngài và Ngài yêu thương chúng ta. Ngài đã trả cái giá vô hạn rồi nên Ngài có thể “[tuyên nhận] tất cả những ai có đức tin nơi Ngài [và biện hộ]” cho họ—cho chúng ta. Chúa Giê Su Ky Tô không muốn gì hơn là chúng ta phải hối cải và đến cùng Ngài để Ngài có thể biện minh và thánh hóa chúng ta. Trong ước muốn này, Ngài không nao núng và không lay chuyển.
Sự tiếp cận quyền năng và tình yêu thương của Thượng Đế nhờ vào giao ước lập với Ngài là qua Giáo Hội của Ngài. Sự kết hợp giữa phúc âm của Đấng Cứu Rỗi và Giáo Hội của Ngài biến đổi cuộc sống của chúng ta. Điều này đã biến đổi ông bà ngoại tôi. Ông ngoại tôi, Oskar Andersson, làm việc tại một xưởng đóng tàu ở Högmarsö, một hòn đảo thuộc quần đảo Stockholm. Vợ ông, Albertina, và con cái của họ sống trong đất liền Thụy Điển. Cứ hai tuần một lần, vào ngày thứ Bảy, Oskar chèo thuyền về nhà vào cuối tuần trước khi trở lại Högmarsö vào tối Chủ Nhật. Một ngày nọ, trong khi ở Högmarsö, ông đã nghe hai người truyền giáo Mỹ thuyết giảng phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Oskar cảm thấy rằng những gì ông nghe được là lẽ thật thuần khiết và lòng ông tràn ngập niềm vui không thể diễn tả thành lời.
Lần sau, khi trở về nhà, Oskar đã hào hứng kể cho Albertina nghe mọi chuyện về những người truyền giáo. Ông giải thích rằng ông tin vào điều họ đã giảng dạy. Ông yêu cầu bà đọc các quyển sách nhỏ mà họ đã cho ông, và ông nói với bà rằng ông không nghĩ rằng bất cứ đứa con nào trong tương lai của họ cần phải được báp têm khi còn là trẻ sơ sinh. Albertina đã rất tức giận và ném các quyển sách nhỏ vào đống rác. Họ không nói chuyện với nhau nhiều nữa trước khi Oskar quay lại chỗ làm vào tối Chủ Nhật.
Ngay sau khi ông rời đi, Albertina đã nhặt lại các quyển sách nhỏ đó. Bà so sánh kỹ càng giáo lý trong các quyển sách đó với những lời dạy trong cuốn Kinh Thánh sờn cũ của mình. Bà ngạc nhiên khi cảm thấy những gì bà đọc là đúng. Lần sau, khi Oskar trở về nhà, ông cũng như quyển Sách Mặc Môn mà ông mang theo đều nhận được sự chào đón nồng nhiệt. Albertina đã háo hức đọc, so sánh một lần nữa giáo lý trong Sách Mặc Môn với giáo lý trong quyển Kinh Thánh của mình. Giống như Oskar, bà đã nhận ra lẽ thật thuần khiết và lòng bà tràn ngập niềm vui không thể diễn tả được.
Oskar, Albertina và con cái của họ đã dọn đến Högmarsö để được gần gũi với một số ít tín hữu của Giáo Hội ở đó. Một tuần sau khi Oskar và Albertina chịu phép báp têm vào năm 1916, Oskar được kêu gọi làm người lãnh đạo nhóm ở Högmarsö. Giống như nhiều người cải đạo, Oskar và Albertina phải đương đầu với sự chỉ trích vì tín ngưỡng mới của họ. Những người nông dân địa phương từ chối bán sữa cho họ, nên mỗi ngày Oskar phải chèo thuyền qua vịnh hẹp để mua sữa từ một người nông dân có sự thông cảm hơn.
Tuy nhiên, trong những năm kế tiếp, số lượng tín hữu của Giáo Hội ở Högmarsö đã gia tăng, một phần là nhờ vào chứng ngôn mạnh mẽ và nhiệt huyết như người truyền giáo của Albertina. Khi nhóm ấy trở thành một chi nhánh, Oskar đã được kêu gọi làm chủ tịch chi nhánh.
Các tín hữu của chi nhánh Högmarsö đó rất tôn kính hòn đảo đó. Đây là Dòng Suối Mặc Môn của họ. Đây là nơi mà họ biết đến Đấng Cứu Chuộc của họ.
Theo năm tháng, khi tuân giữ giao ước báp têm của họ, Oskar và Albertina đã được biến đổi bởi quyền năng của Chúa Giê Su Ky Tô. Họ mong muốn lập thêm các giao ước và nhận được các phước lành đền thờ của họ. Để có được những phước lành đó, họ đã di cư vĩnh viễn từ quê nhà của họ ở Thụy Điển đến Salt Lake City vào năm 1949. Oskar đã phục vụ với tư cách là người lãnh đạo các tín hữu ở Högmarsö trong 33 năm.
Sự kết hợp của nitroglycerin và kieselguhr làm cho thuốc nổ trở nên có giá trị; sự kết hợp giữa phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và Giáo Hội của Ngài là vô giá. Oskar và Albertina đã nghe về phúc âm phục hồi vì một vị tiên tri của Thượng Đế đã kêu gọi, chỉ định và gửi những người truyền giáo đến Thụy Điển. Bởi lệnh truyền của Chúa, những người truyền giáo đã giảng dạy giáo lý của Đấng Ky Tô và bởi thẩm quyền của chức tư tế đã làm phép báp têm cho Oskar và Albertina. Là tín hữu, Oskar và Albertina tiếp tục học hỏi, phát triển và phục vụ người khác. Họ trở thành Các Thánh Hữu Ngày Sau vì họ tuân giữ các giao ước mà họ đã lập.
Đấng Cứu Rỗi gọi Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là “giáo hội của ta” vì Ngài đã truyền lệnh cho Giáo Hội phải hoàn thành các mục đích của Ngài—tức là thuyết giảng phúc âm của Ngài, thực hiện các giáo lễ và các giao ước của Ngài, và làm cho quyền năng của Ngài có thể biện minh và thánh hóa chúng ta. Nếu không có Giáo Hội của Ngài, thì sẽ không có thẩm quyền, không có sự thuyết giảng về các lẽ thật được mặc khải trong danh Ngài, không có các giáo lễ hay các giao ước, không có sự biểu hiện quyền năng của sự tin kính, không có sự biến đổi thành người mà Thượng Đế muốn chúng ta trở thành, và kế hoạch của Thượng Đế dành cho con cái Ngài sẽ bị coi thường. Giáo Hội trong thời kỳ này là một phần không thể thiếu trong kế hoạch của Ngài.
Tôi mời anh chị em hãy tự mình cam kết trọn vẹn hơn với Đấng Cứu Rỗi, phúc âm của Ngài và Giáo Hội của Ngài. Khi làm như vậy, anh chị em sẽ thấy rằng sự kết hợp giữa phúc âm của Đấng Cứu Rỗi và Giáo Hội của Ngài mang đến quyền năng cho cuộc sống của anh chị em. Quyền năng này còn mãnh liệt hơn nhiều so với thuốc nổ. Nó sẽ phá vỡ những tảng đá trên con đường của anh chị em, biến đổi anh chị em thành người thừa kế trong vương quốc của Thượng Đế. Và anh chị em sẽ “tràn đầy niềm vui sướng, một niềm vui sướng khó tả và tràn đầy vinh quang.” Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.