Đại Hội Trung Ương
Chôn Vùi Các Khí Giới Phản Nghịch Của Chúng Ta
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2024


13:12

Chôn Vùi Các Khí Giới Phản Nghịch Của Chúng Ta

Xin cho chúng ta chôn vùi—thật, thật sâu—mọi yếu tố phản nghịch chống lại Thượng Đế trong cuộc sống của chúng ta, và thay thế chúng bằng một tấm lòng thành và tâm hồn đầy thiện chí.

Sách Mặc Môn ghi lại rằng, khoảng 90 năm trước khi Đấng Ky Tô giáng sinh, các con trai của Vua Mô Si A đã bắt đầu công việc truyền giáo kéo dài 14 năm cho dân La Man. Những nỗ lực bất thành đã được thực hiện trước đó trong nhiều thế hệ để mang người dân La Man đến với niềm tin vào giáo lý của Đấng Ky Tô. Tuy nhiên, lần này, thông qua sự can thiệp kỳ diệu của Đức Thánh Linh, hàng ngàn người dân La Man đã được cải đạo và trở thành môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.

Chúng ta đọc rằng, “Và chắc chắn như Chúa là Đấng hằng sống, quả thật có nhiều người đã tin, hay nói cách khác, nhiều người đã được dẫn dắt tới sự hiểu biết lẽ thật, nhờ sự thuyết giảng của Am Môn và các anh em ông, thể theo tinh thần mặc khải và tiên tri, và quyền năng của Thượng Đế làm nhiều phép lạ trong họ—phải, tôi nói cho các người hay, như Chúa là Đấng hằng sống, quả thật nhiều người dân La Man sau khi tin theo lời thuyết giáo của các vị này, và đã cải đạo theo Chúa, họ không hề bỏ đạo.”

Chìa khóa cho sự cải đạo lâu dài của dân tộc này được nêu lên trong câu tiếp theo: “Vì họ đã trở thành một dân tộc ngay chính; họ đã dẹp bỏ các khí giới phản nghịch của mình để không còn chống lại Thượng Đế nữa, cũng như không còn chống lại bất cứ một người đồng bào nào của họ nữa.”

Cụm từ “khí giới phản nghịch” này vừa có nghĩa đen vừa mang tính ẩn dụ. Khí giới phản nghịch có nghĩa là gươm đao và các vũ khí chiến tranh khác của họ, nhưng cũng có nghĩa là sự bất tuân của họ đối với Thượng Đế và các giáo lệnh của Ngài.

Vua của những người La Man cải đạo này đã bày tỏ như sau: “Và giờ đây này, hỡi đồng bào, … đây là tất cả những gì chúng ta có thể làm được … để hối cải tất cả những tội lỗi cùng nhiều vụ sát nhân mà chúng ta đã phạm, và để được Thượng Đế cất bỏ những tội lỗi ấy khỏi trái tim chúng ta, vì đó là tất cả những gì chúng ta có thể làm được để hối cải một cách đầy đủ trước mặt Thượng Đế, ngõ hầu Ngài sẽ cất bỏ vết dơ cho chúng ta.”

Hãy chú ý lời của vị vua ấy—sự hối cải chân thành của họ không chỉ dẫn đến sự tha thứ tội lỗi của họ, mà Thượng Đế còn xóa bỏ vết dơ của những tội lỗi đó, và thậm chí cả mong muốn phạm tội ra khỏi lòng họ. Như anh chị em biết đấy, thay vì mạo hiểm quay lại trạng thái phản nghịch chống lại Thượng Đế như trước đây, họ đã chôn vùi gươm đao của mình. Và khi chôn vùi những khí giới vật lý của họ, với tấm lòng đã thay đổi, họ cũng chôn vùi khuynh hướng phạm tội của mình.

Chúng ta có thể tự hỏi mình có thể làm gì để noi theo khuôn mẫu này, để “dẹp bỏ các khí giới phản nghịch [của chúng ta]” bất kể chúng là gì và trở nên “cải đạo theo Chúa” đến mức vết dơ của tội lỗi và ham muốn phạm tội được xóa khỏi lòng chúng ta và chúng ta sẽ không bao giờ bỏ đạo.

Sự phản nghịch có thể ở dạng chủ động hoặc thụ động. Ví dụ kinh điển về sự phản nghịch cố ý là Lu Xi Phe, kẻ đã chống lại kế hoạch cứu chuộc của Đức Chúa Cha ở tiền dương thế và tập hợp những người khác để chống lại kế hoạch đó, “và, vào ngày đó, có nhiều kẻ đã đi theo [hắn].” Thật không khó để nhận ra tác động của sự phản nghịch liên tục của hắn trong thời đại của chúng ta.

Bộ ba kẻ bất chính chống báng Đấng Ky Tô trong Sách Mặc Môn—Sê Rem, Nê Hô và Cô Ri Ho—mang lại một bài học kinh điển về sự phản nghịch chủ động chống lại Thượng Đế. Luận điểm bao quát của Nê Hô và Cô Ri Ho là tội lỗi không tồn tại; do đó, không cần phải hối cải, và không có Đấng Cứu Rỗi. “Mọi người thịnh vượng tùy theo thiên tài của mình, và mọi người chinh phục tùy theo sức lực của mình; và bất cứ điều gì loài người làm đều không phải là tội ác.” Kẻ chống báng Đấng Ky Tô bác bỏ thẩm quyền tôn giáo, mô tả các giáo lễ và giao ước là những hành động “do các thầy tư tế ngày xưa bày ra, để tiếm đoạt uy quyền và quyền hành cai trị họ.”

William W. Phelps

Một ví dụ về sự phản nghịch chủ động trong thời nay với một kết thúc có hậu hơn chính là câu chuyện về William W. Phelps. Phelps gia nhập Giáo Hội vào năm 1831 và được bổ nhiệm làm thợ in ấn của Giáo Hội. Ông đã biên tập một số ấn phẩm đầu tiên của Giáo Hội, viết nhiều bài thánh ca và làm người ghi chép cho Joseph Smith. Nhưng đáng tiếc, ông đã quay lưng lại với Giáo Hội và Vị Tiên Tri, thậm chí đến mức đưa ra lời khai gian dối chống lại Joseph Smith tại một tòa án ở Missouri, điều này đã góp phần khiến Vị Tiên Tri bị giam cầm tại đó.

Về sau, Phelps đã viết thư cho Joseph để xin tha thứ. “Tôi biết tình trạng của tôi, anh cũng biết, và Thượng Đế cũng biết và tôi muốn được cứu nếu bạn bè của tôi chịu giúp đỡ tôi.”

Trong thư hồi âm của mình, Vị Tiên Tri đã nói: “Đúng vậy, chúng tôi đã khổ sở rất nhiều do hành vi của anh gây ra.… Tuy nhiên, chén đắng đã uống rồi, ý muốn của Đức Chúa Cha đã nên, và chúng tôi vẫn còn sống. … Hãy tiến lên, người anh em thân mến, vì chiến tranh đã qua đi, lúc đầu là bạn, thì cuối cùng cũng là bạn.”

Với sự hối cải chân thành, William Phelps đã chôn vùi “khí giới phản nghịch” của mình, và một lần nữa được tiếp nhận toàn quyền làm tín hữu, không bao giờ bỏ đạo nữa.

Tuy nhiên, có lẽ hình thức phản nghịch chống lại Thượng Đế một cách quỷ quyệt hơn, chính là hình thức phản nghịch thụ động—phớt lờ ý muốn của Ngài trong cuộc sống của chúng ta. Nhiều người tuy không bao giờ nghĩ đến việc chủ động phản nghịch nhưng vẫn có thể làm trái ý muốn và lời của Thượng Đế bằng cách theo đuổi con đường riêng của họ mà không quan tâm đến sự chỉ dẫn của Ngài. Tôi nhớ đến bài hát nổi tiếng của ca sĩ Frank Sinatra cách đây nhiều năm với câu hát cao trào, “I did it my way [tôi đã làm theo cách của tôi].” Chắc chắn, trong cuộc sống có rất nhiều điều dành cho sở thích cá nhân và sự lựa chọn riêng, nhưng khi nói đến vấn đề cứu rỗi và cuộc sống vĩnh cửu, bài hát chủ đề của chúng ta phải là “I did it God’s way [Tôi đã làm theo cách của Thượng Đế]”, bởi vì thực sự không có cách nào khác.

Hãy lấy ví dụ tấm gương của Đấng Cứu Rỗi về phép báp têm. Ngài đã chịu phép báp têm như một sự thể hiện lòng trung tín với Đức Chúa Cha và như một tấm gương cho chúng ta:

“Ngài vẫn chứng tỏ cho con cái loài người biết rằng, theo thể cách xác thịt Ngài cũng phải hạ mình trước mặt Đức Chúa Cha, và chứng tỏ cho Đức Chúa Cha thấy rằng, Ngài vâng lời và tuân giữ những lệnh truyền của Đức Chúa Cha. …

“Và Ngài đã phán với con cái loài người rằng: Các ngươi hãy theo ta. Vậy nên, hỡi đồng bào yêu dấu của tôi, chúng ta có thể đi theo Chúa Giê Su được chăng, trừ phi chúng ta sẵn lòng tuân giữ các lệnh truyền của Đức Chúa Cha?”

Không có “cách của tôi” nếu chúng ta muốn noi theo gương của Đấng Ky Tô. Việc cố gắng tìm cách thức khác để đến thiên thượng cũng giống như sự vô ích của việc xây Tháp Ba Bên thay vì tìm kiếm Đấng Ky Tô và sự cứu rỗi của Ngài.

Những gươm đao và các vũ khí khác mà những người La Man cải đạo chôn vùi đều là khí giới phản nghịch vì cách mà họ đã sử dụng chúng. Tuy nhiên, những loại khí giới tương tự trong tay các con trai của họ được sử dụng để bảo vệ gia đình và sự tự do, hoàn toàn không phải là khí giới phản nghịch chống lại Thượng Đế. Điều tương tự cũng đúng với những khí giới như vậy trong tay người dân Nê Phi: “Họ không chiến đấu cho một chính thể quân chủ hay cho một quyền thống trị nào, mà họ chiến đấu cho gia đình, cho tự do, cho vợ con của họ, và cho tất cả những gì họ có, phải, cho những nghi lễ thờ phượng cùng giáo hội của họ.”

Tương tự như vậy, có những thứ trong cuộc sống của chúng ta có thể là trung lập hoặc thậm chí vốn dĩ là điều tốt nhưng nếu sử dụng sai cách sẽ trở thành “khí giới phản nghịch.” Ví dụ, lời nói của chúng ta có thể đề cao hoặc hạ thấp người khác. Như Gia Cơ từng nói:

“Nhưng cái lưỡi, [có vẻ như] không ai trị phục được nó; ấy là một vật dữ người ta không thể hãm dẹp được: đầy dẫy những chất độc giết chết.

“Bởi cái lưỡi chúng ta khen ngợi Chúa, Cha chúng ta, và cũng bởi nó chúng ta rủa sả loài người, là loài tạo theo hình ảnh Thượng Đế.

“Đồng một lỗ miệng mà ra cả sự khen ngợi và rủa sả. Hỡi anh em, không nên như vậy.”

Ngày nay, trong những cuộc trò chuyện nơi công cộng lẫn riêng tư luôn có nhiều lời lẽ mang tính độc hại và đầy ác ý. Có nhiều cuộc trò chuyện thô tục và xúc phạm, ngay cả trong giới trẻ. Kiểu nói năng này chính là “khí giới phản nghịch” chống lại Thượng Đế, “đầy dẫy những chất độc giết chết”.

Hãy xem xét một ví dụ khác về một điều mà về bản chất là tốt nhưng có thể trở nên nghịch lại các chỉ dẫn thiêng liêng—đó là sự nghiệp của một người. Người ta có thể tìm thấy sự thỏa mãn thực sự trong một chuyên môn, nghề nghiệp hoặc dịch vụ, và tất cả chúng ta đều được hưởng lợi từ những gì mà những người tận tụy và tài năng trong nhiều lĩnh vực nỗ lực đã đạt được và tạo ra.

Tuy nhiên, sự tận tụy với sự nghiệp có thể trở thành trọng tâm tối cao của cuộc đời một người. Khi đó, mọi điều khác trở thành thứ yếu, kể cả bất kỳ yêu cầu nào mà Đấng Cứu Rỗi có thể ban ra về thời gian và tài năng của một người. Đối với người nam cũng như người nữ, việc từ bỏ các cơ hội hợp pháp để kết hôn, không gắn bó và nâng đỡ người phối ngẫu của mình, không nuôi dưỡng con cái của mình hoặc thậm chí cố tình tránh né phước lành và trách nhiệm nuôi dạy con cái chỉ vì mục đích thăng tiến trong sự nghiệp có thể biến thành tựu đáng khen ngợi thành một hình thức phản nghịch.

Một ví dụ khác liên quan đến thể chất của chúng ta. Phao Lô nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta phải tôn vinh Thượng Đế trong cả thể xác và tinh thần, và rằng thể xác này chính là đền thờ của Đức Thánh Linh, “là Đấng mà anh em đã nhận bởi Đức Chúa Trời, và anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao.” Vì vậy, chúng ta có quyền lợi chính đáng trong việc dành thời gian chăm sóc cơ thể của mình tốt nhất có thể. Ít ai trong chúng ta có thể đạt đến đỉnh cao thành tích mà chúng ta đã thấy gần đây trong các thành tích của các vận động viên Olympic và Paralympic, và một số người trong chúng ta đang trải qua những tác động của tuổi tác, hay những gì Chủ Tịch M. Russell Ballard gọi là “đinh vít bị lỏng rồi.”

Tuy nhiên, tôi tin rằng Đấng Sáng Tạo của chúng ta sẽ hài lòng khi chúng ta cố gắng hết sức chăm sóc món quà tuyệt vời của Ngài, chính là thân thể của chúng ta. Đó sẽ là dấu hiệu của sự phản nghịch nếu chúng ta hủy hoại hay làm ô uế thân thể của mình, hoặc lạm dụng nó, hoặc không làm những gì có thể để theo đuổi một lối sống lành mạnh. Đồng thời, sự phù phiếm và bị ám ảnh bởi vóc dáng, ngoại hình hoặc trang phục của một người có thể là một hình thức phản nghịch ở một thái cực khác, khiến người ta tôn thờ ân tứ của Thượng Đế thay vì Thượng Đế.

Cuối cùng, việc chôn vùi khí giới phản nghịch của chúng ta chống lại Thượng Đế chỉ đơn giản có nghĩa là nghe theo sự khuyên dỗ của Đức Thánh Linh, từ bỏ con người thiên nhiên và trở nên “một thánh hữu nhờ sự chuộc tội của Đấng Ky Tô, là Chúa.” Điều đó có nghĩa là đặt điều răn thứ nhất lên hàng đầu trong cuộc sống của chúng ta. Điều đó có nghĩa là để cho Thượng Đế ngự trị. Nếu tình yêu kính của chúng ta dành cho Thượng Đế và quyết tâm phục vụ Ngài bằng tất cả tấm lòng, năng lực, tâm trí, và sức mạnh của mình trở thành tiêu chuẩn để chúng ta phán đoán mọi việc và đưa ra mọi quyết định, thì chúng ta đã chôn vùi khí giới phản nghịch của mình rồi. Nhờ ân điển của Đấng Ky Tô, Thượng Đế sẽ tha thứ tội lỗi và sự phản nghịch của chúng ta trong quá khứ và sẽ xóa bỏ vết dơ của những tội lỗi và sự phản nghịch đó ra khỏi tấm lòng của chúng ta. Theo thời gian, Ngài thậm chí sẽ xóa bỏ mọi ham muốn làm điều ác, như Ngài đã làm với những người La Man cải đạo trong quá khứ. Rồi chúng ta cũng “[sẽ] không hề bỏ đạo”.

Việc chôn vùi khí giới phản nghịch của chúng ta dẫn đến một niềm vui đặc biệt. Cùng với tất cả những ai đã từng cải đạo theo Chúa, chúng ta “hát lên một bài ca về tình yêu cứu chuộc.” Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, đã khẳng định sự cam kết bất tận của hai Ngài đối với hạnh phúc tột bậc của chúng ta thông qua tình yêu thương và sự hy sinh sâu sắc nhất. Chúng ta cảm nhận được tình yêu thương của hai Ngài mỗi ngày. Chắc chắn chúng ta có thể đáp lại bằng tình yêu thương và lòng trung tín của chính mình. Cầu xin cho chúng ta chôn vùi—sâu, thật sâu—mọi yếu tố phản nghịch chống lại Thượng Đế trong cuộc sống của chúng ta, và thay thế chúng bằng một tấm lòng thành và tâm hồn đầy thiện chí. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.