Đại Hội Trung Ương
Bàn Tay Ngài Sẵn Sàng Giúp Đỡ Chúng Ta
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2024


10:13

Bàn Tay Ngài Sẵn Sàng Giúp Đỡ Chúng Ta

Khi chúng ta tìm đến Chúa Giê Su Ky Tô trong đức tin, thì Ngài sẽ luôn sẵn sàng giúp đỡ.

Khi tôi còn nhỏ, gia đình tôi đã có một kỳ nghỉ bên nhau trên bãi biển nơi quê hương tôi ở Chile. Tôi rất háo hức khi được dành vài ngày tận hưởng mùa hè cùng gia đình mình. Tôi cũng rất vui vì tôi nghĩ rằng cuối cùng tôi cũng có thể tham gia và làm những gì mà hai anh trai tôi thường làm để giải trí trên mặt nước.

Một ngày nọ, các anh của tôi chơi ở nơi có các con sóng bạc đầu, và tôi cảm thấy mình đã đủ lớn và trưởng thành để đi theo họ. Khi tiến về phía khu vực đó, tôi nhận ra những con sóng đó lớn hơn so với khi nhìn từ bờ. Đột nhiên, một con sóng nhanh chóng đến gần tôi khiến tôi bất ngờ. Tôi cảm thấy như sức mạnh của thiên nhiên đã chế ngự mình và tôi bị kéo xuống biển sâu. Tôi không thể nhìn hoặc cảm thấy có bất kỳ điểm bám vào nào khi tôi bị cuốn trong làn nước. Ngay khi tôi nghĩ cuộc phiêu lưu của mình trên trần thế sắp kết thúc, tôi cảm thấy có một bàn tay kéo tôi lên khỏi mặt nước. Cuối cùng, tôi cũng có thể nhìn thấy ánh mặt trời và hít thở.

Anh trai tôi, Claudio đã chứng kiến cảnh tôi cố tỏ ra mình là người lớn và đã đến cứu tôi. Tôi đã ở cách bờ không xa. Mặc dù nước nông, nhưng tôi đã bị mất phương hướng và không nhận ra rằng tôi đã có thể tự cứu mình. Claudio nói với tôi rằng tôi cần phải cẩn thận và nếu tôi muốn, anh ấy có thể dạy tôi. Mặc dù đã bị uống vài lít nước, nhưng lòng quyết tâm và ước muốn trở thành người lớn trong tôi vẫn mạnh mẽ hơn, và tôi đã nói, “Tất nhiên rồi ạ.”

Claudio bảo tôi rằng tôi cần phải chiến đấu với những con sóng. Còn tôi tự nhủ chắc chắn mình sẽ thua trong trận chiến với thứ trông giống như một bức tường nước khổng lồ.

Khi một con sóng lớn khác tiến đến, Claudio nhanh chóng nói, “Nhìn anh này; đây là cách mà anh làm.” Claudio chạy về phía con sóng đang tiến tới và lặn vào nó trước khi nó cuộn lại. Tôi đã rất ấn tượng với cú lặn của anh ấy đến nỗi không để ý thấy con sóng tiếp theo đang tiến tới. Vậy nên một lần nữa, tôi lại bị kéo xuống biển sâu và bị cuốn trong làn nước bởi sức mạnh của thiên nhiên. Vài giây sau, một bàn tay nắm lấy tôi và tôi lại được kéo lên khỏi mặt nước. Ngọn lửa quyết tâm của tôi tắt dần.

Lần này anh trai tôi đã rủ tôi lặn cùng anh ấy. Theo lời mời của anh ấy, tôi đã đi theo và chúng tôi cùng lặn xuống nước. Tôi cảm thấy như thể mình đang chinh phục thử thách phức tạp nhất. Chắc chắn là điều đó không dễ dàng gì, nhưng tôi đã làm được, nhờ sự giúp đỡ và hướng dẫn của anh trai tôi. Bàn tay của anh ấy đã cứu tôi hai lần; sự hướng dẫn của anh ấy đã chỉ cho tôi cách đối mặt với thử thách và giành chiến thắng ngày hôm đó.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã mời gọi chúng ta hãy nghĩ tới những điều vĩnh cửu của thượng thiên, và tôi muốn làm theo lời khuyên của ông cùng áp dụng nó vào câu chuyện mùa hè của tôi.

Quyền Năng của Đấng Cứu Rỗi đối với Kẻ Nghịch Thù

Nếu nghĩ tới những điều vĩnh cửu của thượng thiên, chúng ta sẽ hiểu rằng trong cuộc sống, chúng ta sẽ đối mặt với những thử thách dường như lớn lao hơn khả năng của bản thân để vượt qua chúng. Trong cuộc sống trần thế của mình, chúng ta phải chịu sự tấn công của kẻ nghịch thù. Giống như những con sóng đã áp đảo tôi vào ngày hè đó, chúng ta có thể cảm thấy bất lực và muốn đầu hàng số phận. Những “làn sóng độc hại” đó có thể xô đẩy chúng ta từ bên này sang bên kia. Nhưng đừng quên rằng ai là người có quyền năng đối với những ngọn sóng đó và, trên thực tế, là với tất cả mọi vật. Đó là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài có quyền năng để giúp chúng ta ra khỏi mọi tình trạng khốn khổ hoặc hoàn cảnh bất lợi. Bất kể chúng ta có cảm thấy gần gũi với Ngài hay không, thì Ngài vẫn có thể tìm đến chúng ta trong hiện trạng của chúng ta.

Khi chúng ta tìm đến Ngài trong đức tin, thì Ngài sẽ luôn hiện diện, và theo kỳ định của Ngài, Ngài sẽ sẵn sàng và sẵn lòng nắm lấy tay chúng ta và kéo chúng ta đến một nơi an toàn.

Đấng Cứu Rỗi và Tấm Gương Phục Sự của Ngài

Nếu nghĩ tới những điều vĩnh cửu của thượng thiên, chúng ta sẽ nhận ra Chúa Giê Su Ky Tô là một tấm gương hoàn hảo về việc phục sự. Có một khuôn mẫu cho chúng ta trong thánh thư là khi Ngài hoặc các môn đồ của Ngài tìm đến một ai đó đang cần giúp đỡ, giải cứu, hay một phước lành thì các môn đồ đưa tay ra. Như trong câu chuyện của tôi, tôi biết anh tôi có mặt ở đó, nhưng việc ở đó với tôi thôi thì chưa đủ. Claudio biết tôi đang gặp rắc rối, và anh ấy đã đến giúp kéo tôi lên khỏi mặt nước.

Đôi khi, chúng ta nghĩ rằng mình chỉ cần ở gần bên một người nào đó đang cần giúp đỡ, nhưng nhiều lúc chúng ta có thể làm được nhiều hơn vậy. Việc có một quan điểm vĩnh cửu có thể giúp chúng ta nhận được sự mặc khải để hỗ trợ kịp thời cho những người đang hoạn nạn. Chúng ta có thể tin cậy vào sự hướng dẫn và soi dẫn của Đức Thánh Linh để biết được sự giúp đỡ nào là cần thiết, cho dù đó là sự giúp đỡ tạm thời như sự an ủi về mặt cảm xúc, thực phẩm, hay sự giúp đỡ trong các công việc thường ngày, hoặc sự hướng dẫn thuộc linh để giúp người khác trong cuộc hành trình của họ để chuẩn bị, lập và tôn trọng các giao ước thiêng liêng.

Đấng Cứu Rỗi Sẵn Sàng Giải Cứu Chúng Ta

Khi Phi E Rơ, Vị Sứ Đồ trưởng, “đi bộ trên mặt nước, mà đến cùng Chúa Giê Su … Phi E Rơ sợ hãi, hòng sụp xuống nước”; rồi “bèn la lên rằng: Chúa ơi, xin cứu lấy tôi.” Chúa Giê Su biết đức tin mà Phi E Rơ đã thực hành để đến cùng Ngài trên mặt nước. Ngài cũng biết được nỗi sợ hãi của Phi E Rơ. Theo như trong thánh thư, Chúa Giê Su “tức thì … giơ tay ra nắm lấy người,” và nói những lời như sau: “Hỡi người ít đức tin, sao ngươi hồ nghi làm vậy?” Những lời của Ngài không phải để trách Phi E Rơ nhưng để nhắc nhở ông rằng Ngài, Đấng Mê Si, đang ở với ông và các môn đồ.

Nếu nghĩ tới những điều vĩnh cửu của thượng thiên, thì chúng ta sẽ nhận được sự xác nhận trong lòng mình rằng Chúa Giê Su Ky Tô quả thật là Đấng Giải Cứu, Đấng Biện Hộ với Đức Chúa Cha và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Khi chúng ta thực hành đức tin nơi Ngài, Ngài sẽ cứu chúng ta khỏi trạng thái sa ngã, vượt lên trên những thử thách, yếu đuối và nhu cầu của chúng ta trong cuộc sống trần thế này, và ban cho chúng ta ân tứ lớn lao nhất trong tất cả mọi ân tứ, đó là cuộc sống vĩnh cửu.

Đấng Cứu Rỗi Không Từ Bỏ Chúng Ta

Anh trai tôi đã không bỏ cuộc với tôi vào ngày hôm đó mà vẫn kiên trì để tôi có thể tự học cách làm điều đó. Anh ấy vẫn kiên trì, ngay cả khi điều đó đòi hỏi phải giải cứu tôi hai lần. Anh ấy đã kiên trì, cho dù lúc đầu tôi không thể làm được. Anh ấy đã kiên trì để tôi có thể vượt qua thử thách đó và thành công. Nếu nghĩ tới những điều vĩnh cửu của thượng thiên, chúng ta sẽ nhận ra rằng Đấng Cứu Rỗi sẽ ở đó nhiều lần nếu cần thiết để giúp đỡ nếu chúng ta muốn học hỏi, thay đổi, vượt qua, đối phó, hoặc thành công trong bất cứ điều gì sẽ mang lại hạnh phúc đích thực và trường cửu cho cuộc sống của chúng ta.

Đôi Bàn Tay Của Đấng Cứu Rỗi

Thánh thư ghi lại biểu tượng và ý nghĩa của đôi bàn tay của Đấng Cứu Rỗi. Trong sự hy sinh chuộc tội của Ngài, hai bàn tay Ngài đã bị đinh đâm xuyên để cố định Ngài trên thập tự giá. Sau khi Phục Sinh, Ngài đã hiện đến cùng các môn đồ của Ngài trong một thể xác hoàn hảo, nhưng những dấu đinh trên tay Ngài vẫn còn như một lời nhắc nhở về sự hy sinh vô hạn của Ngài. Bàn tay của Ngài sẽ luôn ở đó cho chúng ta, ngay cả khi lúc đầu chúng ta không thể nhìn hay cảm nhận được bàn tay đó, bởi vì Ngài đã được Cha Thiên Thượng chọn làm Đấng Cứu Rỗi, Đấng Cứu Chuộc của tất cả nhân loại.

bàn tay dang rộng của Đấng Cứu Rỗi

Within Our Grasp (Trong Tầm Tay Chúng Ta), tranh do Jay Bryant Ward họa

bàn tay giải cứu của Đấng Cứu Rỗi

The Hand of God (Bàn Tay của Thượng Đế), tranh do Yongsung Kim họa

Nếu nghĩ tới những điều vĩnh cửu của thượng thiên, thì tôi biết rằng chúng ta không bị bỏ mặc một mình trong cuộc sống này. Mặc dù chúng ta phải đối phó với những thử thách và khó khăn, nhưng Cha Thiên Thượng biết khả năng của chúng ta và biết chúng ta có thể chịu đựng hoặc vượt qua những khó khăn của mình. Chúng ta phải làm phần vụ của mình và hướng về Ngài trong đức tin. Con Trai Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng giải cứu chúng ta và sẽ luôn ở đó. Trong tôn danh của Ngài, thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Russell M. Nelson, “Hãy Nghĩ Tới Những Điều Vĩnh Cửu của Thượng Thiên!,” Liahona, tháng Mười Một năm 2023, trang 118:

    “Khi anh chị em lựa chọn, tôi mời anh chị em hãy nhìn xa—một tầm nhìn vĩnh cửu. Hãy đặt Chúa Giê Su Ky Tô lên trên hết vì cuộc sống vĩnh cửu của anh chị em tùy thuộc vào đức tin của anh chị em nơi Ngài và nơi Sự Chuộc Tội của Ngài. …

    “Khi anh chị em gặp phải một vấn đề nan giải, thì hãy nghĩ tới những điều vĩnh cửu của thượng thiên! Khi bị sự cám dỗ thử thách, thì hãy nghĩ tới những điều vĩnh cửu của thượng thiên! Khi cuộc sống hoặc những người thân yêu làm anh chị em thất vọng, thì hãy nghĩ tới những điều vĩnh cửu của thượng thiên! Khi ai đó chết “sớm”, thì hãy nghĩ tới những điều vĩnh cửu của thượng thiên. Khi ai đó phải lây lất chịu đựng căn bệnh hiểm nghèo, thì hãy nghĩ tới những điều vĩnh cửu của thượng thiên. Khi những áp lực của cuộc sống đè nặng lên anh chị em, thì hãy nghĩ tới những điều vĩnh cửu của thượng thiên! Khi anh chị em hồi phục sau một tai nạn hoặc chấn thương, như tôi bây giờ, thì hãy nghĩ tới những điều vĩnh cửu của thượng thiên!”

  2. Xin xem Mác 4:35–41.

  3. Mặc dù chúng ta tin rằng Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô có khả năng giúp đỡ chúng ta bất cứ khi nào chúng ta cần, nhưng sự giúp đỡ của hai Ngài không phải lúc nào cũng đến theo cách chúng ta mong đợi. Điều quan trọng là tin tưởng rằng hai Ngài biết chúng ta rõ hơn chúng ta biết chính mình và sẽ cung cấp sự hỗ trợ và trợ giúp tốt nhất cho chúng ta vào đúng thời điểm: “Thì hỡi con của ta ơi, ngươi hãy biết rằng, tất cả những điều này sẽ đem lại cho ngươi một kinh nghiệm, và sẽ lợi ích cho ngươi” (Giáo Lý và Giao Ước 122:7).

    Những thử thách và khó khăn chúng ta gặp phải giúp chúng ta phát triển sức mạnh và cá tính để chống lại cám dỗ và vượt qua con người thiên nhiên.

  4. Xin xem Ma Thi Ơ 14:31; Mác 1:31; 5:41; 9:27; Công Vụ Các Sứ Đồ 3:7; 3 Nê Phi 18:36.

  5. Khi Chủ Tịch Russell M. Nelson mời chúng ta phục sự theo một cách mới hơn và thánh thiện hơn (xin xem “Phục Sự,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 100), ông cũng yêu cầu chúng ta hiểu rằng cách phục sự mới này không phải là về chúng ta và điều chúng ta muốn mang đến mà là về điều người khác cần. Chúa Giê Su Ky Tô đang ban cho chúng ta cơ hội để yêu thương người lân cận của mình (xin xem Lu Ca 10:27) theo một cách thức cao quý và thánh thiện hơn.

  6. Ma Thi Ơ 14:29–30.

  7. Ma Thi Ơ 14:31.

  8. Để thực sự hiểu được hạnh phúc, chúng ta cần phải hiểu vai trò của các phước lành trong cuộc sống của chúng ta. Định nghĩa về phước lành giúp làm sáng tỏ khái niệm này: một phước lành là “ban truyền ân huệ thiêng liêng cho một người nào đó. Bất cứ điều gì góp phần vào hạnh phúc chân thật, sự an lạc hay thịnh vượng là một phước lành” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Phước Lành, Ban Phước, Được Phước,” Thư Viện Phúc Âm). Thế gian thường nhầm lẫn hạnh phúc đích thực với niềm vui tạm thời, giống như một “hạnh phúc” ngắn ngủi.

  9. Xin xem Ê Sai 49:16.