Tập Trung vào Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm của Ngài
Khi gạt bỏ những điều sao lãng của thế gian và tập trung vào Đấng Ky Tô và phúc âm của Ngài, thì chúng ta được bảo đảm sẽ thành công.
Vào năm 1996, đội tuyển bóng đá nam Nigeria đã giành huy chương vàng tại Thế Vận Hội Olympic được tổ chức tại Atlanta, Hoa Kỳ. Khi trận chung kết kết thúc, đám đông vui mừng đổ ra tất cả các con đường ở mọi thành phố và thị trấn ở Nigeria; quốc gia có hơn 200 triệu dân này ngay lập tức biến thành một lễ hội ăn mừng hoành tráng vào lúc hai giờ sáng! Niềm vui, hạnh phúc và cả sự phấn khích lan tỏa khi mọi người ăn uống, ca hát và nhảy múa. Trong khoảnh khắc đó, cả nước Nigeria đã đoàn kết và mọi người dân Nigeria đều mãn nguyện khi được là người Nigeria.
Trước khi Thế Vận Hội diễn ra, đội bóng này đã phải đối mặt với vô vàn thử thách. Khi giải đấu bắt đầu, nguồn hỗ trợ tài chính của họ đã hết. Toàn đội đã thi đấu mà không có bộ dụng cụ bảo hộ, trang phục thi đấu, địa điểm tập luyện, thực phẩm đầy đủ hay dịch vụ giặt ủi.
Có thời điểm, họ chỉ còn vài phút nữa là bị loại khỏi giải đấu, nhưng đội bóng Nigeria đã chiến thắng trước mọi khó khăn. Khoảnh khắc quan trọng này đã thay đổi cách họ nhìn nhận bản thân. Với sự tự tin mới tìm được, cùng việc luyện tập chăm chỉ và quyết tâm bền bỉ của cá nhân và cả tập thể, họ đã đoàn kết gạt bỏ những sự phiền nhiễu và tập trung để giành chiến thắng. Sự tập trung này đã giúp họ giành được huy chương vàng và người Nigeria đã đặt cho họ cái tên đặc biệt là “Dream Team (Đội Bóng Trong Mơ).” Đội Dream Team tại Thế Vận Hội năm 1996 vẫn tiếp tục được nhắc đến trong làng thể thao Nigeria.
Một khi học được cách gạt bỏ nhiều sự phiền nhiễu mà họ đang phải đối mặt và tập trung vào mục tiêu của mình, đội bóng đã thành công vượt xa những gì họ nghĩ là có thể và cảm nhận được niềm vui lớn lao. (Cũng như tất cả người dân chúng tôi ở Nigeria đã cảm nhận được!)
Tương tự như vậy, khi gạt bỏ những điều gây sao lãng của thế gian và tập trung vào Đấng Ky Tô và phúc âm của Ngài, chúng ta chắc chắn sẽ thành công vượt xa những gì chúng ta hoàn toàn có thể tưởng tượng và có thể cảm nhận được niềm vui lớn lao. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy: “Khi điểm tập trung của cuộc sống chúng ta là vào Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài, thì chúng ta có thể cảm thấy niềm vui bất kể điều gì đang xảy ra—hoặc không xảy ra—trong cuộc sống của mình.”
Tôi cầu nguyện rằng Đức Thánh Linh sẽ giúp mỗi người chúng ta chú tâm đến lời mời của Chủ Tịch Nelson để tập trung cuộc sống của chúng ta vào “Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài” để chúng ta có thể cảm nhận được niềm vui nơi Đấng Ky Tô “bất kể điều gì đang xảy ra—hoặc không xảy ra—trong cuộc sống của chúng ta.”
Một số câu chuyện trong Sách Mặc Môn miêu tả những cá nhân đã thay đổi cuộc sống của họ bằng cách tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài.
Hãy suy ngẫm về An Ma Con. Ông đã tìm cách phản nghịch và chống lại Giáo Hội. Cha của ông, An Ma, đã cầu nguyện và nhịn ăn. Một thiên sứ đã hiện đến và phán bảo An Ma Con phải hối cải. Trong khoảnh khắc đó, An Ma bắt đầu hứng chịu “những nỗi đau đớn của một linh hồn bị kết tội.” Trong những giờ phút tối tăm nhất của mình, ông nhớ đến lời dạy của cha mình rằng Đấng Ky Tô sẽ đến để chuộc tội lỗi của thế gian. Khi tâm trí của ông vừa nghĩ đến ý nghĩ này, thì ông cầu xin Thượng Đế thương xót. Kết quả là niềm vui, một niềm vui mà ông mô tả là ngọt ngào! Lòng thương xót và niềm vui đã đến với An Ma vì ông và cha ông tập trung vào Đấng Cứu Rỗi.
Đối với các bậc cha mẹ có con cái đi lạc lối, hãy vững lòng! Thay vì thắc mắc tại sao một thiên sứ không đến để giúp con cái của anh chị em hối cải, thì hãy biết rằng Chúa đã đặt một thiên sứ trần thế trên con đường của chúng: vị giám trợ, một người lãnh đạo khác trong Giáo Hội, hoặc một người anh em hay chị em phục sự. Nếu anh chị em tiếp tục nhịn ăn và cầu nguyện, và nếu anh chị em không đặt ra thời gian hoặc thời hạn cho Thượng Đế, và nếu anh chị em tin cậy rằng Ngài đang dang tay ra để giúp đỡ, thì—sớm hay muộn—anh chị em sẽ thấy Thượng Đế lay động tấm lòng của con cái mình khi chúng chọn lắng nghe. Sở dĩ như vậy bởi vì Đấng Ky Tô là niềm vui—Đấng Ky Tô là niềm hy vọng; Ngài là lời hứa “về những sự tốt lành sau này.” Vì vậy, hãy tin cậy Chúa Giê Su Ky Tô sẽ chăm sóc con cái của anh chị em, vì Ngài là sức mạnh của tất cả các bậc cha mẹ, và tất cả con cái.
Một khi đã cảm nhận được niềm vui nơi Đấng Ky Tô, An Ma Con đã sống với niềm vui đó. Nhưng làm thế nào ông giữ được niềm vui như vậy ngay cả trong những lúc khó khăn và thử thách? Ông nói:
“Và từ đó đến giờ, cha đã lao lực không ngừng, [để] mang nhiều linh hồn đến sự hối cải; để cha có thể mang họ đến để nếm được nỗi vui mừng khôn tả như cha đã được nếm qua. …
“… Và … Chúa đã ban cho cha một niềm vui quá lớn nhờ thành quả của bao công lao của cha. …
“Và cha đã được nâng đỡ trong những thử thách và khó khăn đủ loại.”
Niềm vui nơi Đấng Ky Tô bắt đầu đến với An Ma khi ông thực hành đức tin nơi Ngài và kêu cầu lòng thương xót. Sau đó, An Ma thực hành đức tin của mình nơi Đấng Ky Tô bằng cách lao nhọc để giúp cho những người khác nếm được niềm vui tương tự. Những công việc không ngừng nghỉ này đã mang lại niềm vui lớn lao trong An Ma, ngay cả trong mọi khó khăn và thử thách. Các anh chị em có thể thấy,“Chúa yêu thích các nỗ lực,” và nỗ lực tập trung vào Ngài sẽ mang lại các phước lành. Ngay cả những thử thách cam go cũng có thể “bị nuốt trọn trong niềm vui về Đấng Ky Tô.”
Một nhóm dân khác trong Sách Mặc Môn đã đặt Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài làm trọng tâm trong cuộc sống của họ và tìm thấy niềm vui là những người đã thành lập nên thành phố Hê Lam—một nơi mà họ có thể nuôi dạy con cái và vui hưởng sự tự do thực hành tôn giáo của họ. Dân tộc ngay chính sống cuộc sống tốt lành này đã bị một nhóm cướp bắt làm nô lệ và bị tước bỏ quyền cơ bản của con người để thực hành tôn giáo. Đôi khi những điều xấu xảy ra cho những người tốt:
“Chúa thấy cần phải sửa phạt dân Ngài; phải, Ngài thử lòng kiên nhẫn và đức tin của họ.
“Tuy nhiên—bất cứ kẻ nào đặt lòng tin cậy của mình nơi Ngài thì sẽ được nâng cao vào ngày sau cùng. Phải, và đối với dân này là như vậy.”
Làm thế nào mà dân này đã kiên trì qua thử thách và đau khổ của họ? Bằng cách tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài. Những rắc rối của họ không định hình danh tính của họ; thay vào đó, mỗi người trong số họ đều trông cậy nơi Thượng Đế, dường như đã xác định mình là con cái của Thượng Đế, con cái của giao ước và là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô. Khi họ nhớ lại mình là ai và kêu cầu Thượng Đế, họ nhận được sự bình an, sức mạnh, và niềm vui tột bậc nơi Đấng Ky Tô:
“An Ma cùng dân của ông … dâng hết lòng mình lên [Thượng Đế]; và Ngài đã hiểu thấu những ý nghĩ trong lòng họ.
“Và chuyện rằng, tiếng nói của Chúa đến trong nỗi thống khổ của họ mà rằng: Các ngươi hãy ngẩng đầu lên và vui vẻ, vì ta biết giao ước mà các ngươi đã lập với ta; và ta sẽ giao ước với dân ta và giải thoát cho họ khỏi vòng nô lệ.”
Để đáp lại, Chúa đã làm “nhẹ gánh nặng trên vai [họ]. … Phải, Chúa đã ban thêm sức mạnh cho họ để họ có thể mang những gánh nặng ấy một cách dễ dàng, và họ đã tuân phục tất cả ý muốn của Chúa một cách vui vẻ và đầy kiên nhẫn.” Hãy lưu ý rằng Các Thánh Hữu này đã để cho những rắc rối, đau khổ, và khó khăn của họ bị nuốt trọn trong niềm vui về Đấng Ky Tô! Rồi vào thời điểm thích hợp, Ngài đã chỉ cho An Ma con đường để trốn thoát, và An Ma—một vị tiên tri của Thượng Đế—đã dẫn dắt họ đến nơi an toàn.
Khi tập trung vào Đấng Ky Tô và tuân theo vị tiên tri của Ngài, thì chúng ta cũng sẽ được dẫn đến cùng Đấng Ky Tô và niềm vui của phúc âm Ngài. Chủ Tịch Nelson đã dạy: “Niềm vui thật là mạnh mẽ, và việc tập trung vào niềm vui mang quyền năng của Thượng Đế vào cuộc sống của chúng ta. Cũng giống như trong tất cả mọi điều, Chúa Giê Su Ky Tô là tấm gương tột bậc của chúng ta, ‘là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá’ [Hê Bơ Rơ 12:2].”
Mẹ tôi vừa qua đời; đó thật sự là một cú sốc. Tôi rất yêu mẹ tôi và không ngờ bà lại qua đời khi còn quá trẻ. Nhưng qua sự ra đi của bà, tôi và gia đình đã cảm nhận được cả nỗi buồn lẫn niềm vui. Tôi biết, nhờ có Ngài, bà ấy không chết—bà vẫn hiện hữu! Và tôi biết nhờ Đấng Ky Tô và các chìa khóa của chức tư tế đã được phục hồi qua Tiên Tri Joseph Smith, tôi sẽ lại được ở bên bà. Nỗi đau mất mẹ của tôi đã bị nuốt trọn trong niềm vui về Đấng Ky Tô! Tôi học được rằng việc “nghĩ tới những điều vĩnh cửu của thượng thiên” và “để cho Thượng Đế ngự trị” bao gồm việc tập trung vào niềm vui được tìm thấy nơi Đấng Ky Tô.
Ngài trìu mến mời gọi: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.” Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.