Dâng Sự Thánh Thiện cho Chúa trong Cuộc Sống Hằng Ngày
Việc dâng sự thánh thiện cho Chúa giúp cho cuộc sống hằng ngày trở nên thiêng liêng. Việc đó giúp chúng ta hạnh phúc hơn và đến gần với Chúa và với nhau hơn.
Trong buổi đoàn tụ gần đây của gia đình Gong, chúng tôi đã tổ chức một chương trình thi thố tài năng vui nhộn, mà không thể thiếu cuộc thi chơi chữ.
Nhưng cuộc thi này hơi bất thường. Đội một bao gồm Ông Nội (là tôi) và hai đứa cháu, 11 và 12 tuổi. Đội còn lại là chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) được một người cháu yêu cầu kể những câu chơi chữ theo phong cách Gerrit W. Gong. Ông Nội Gerrit Gong đấu với AI Gerrit Gong.
Các cháu và tôi bắt đầu trước.
Nước nào không có ngựa thuần chủng? Mã Lai.
AI Gerrit Gong đã được chỉ dẫn—để suy nghĩ giống như Gerrit W. Gong. Để nói năng giống như ông ấy.
AI Gerrit Gong nói: “Đây là một câu chơi chữ như thể được kể bởi Gerrit W. Gong, theo phong cách nồng hậu, chu đáo và gây dựng của ông ấy: Tại sao cây khiêm tốn lại khiến mọi người mỉm cười? Bởi vì nó bắt nguồn từ tình yêu thương và vươn ra những nhánh tử tế. Giống như cây đó, chúng ta cũng có thể tìm thấy sức mạnh trong cội nguồn và niềm vui trong việc mang lòng tốt đến với người khác.”
Anh chị em nghĩ sao về câu đùa này? Đó là lý do tại sao chúng còn được gọi là những câu đùa nhạt mà bố hay nói.
Xung quanh chúng ta có nhiều cơ hội để cười đùa, để thích thú, để ngắm nhìn với ánh mắt biết ơn. Phúc âm của chúng ta là phúc âm của niềm vui và sự thánh thiện trong cuộc sống hằng ngày. Sự thánh thiện biệt riêng mọi điều cho mục đích thiêng liêng. Nhưng sự thánh thiện cũng mời gọi chúng ta mang vào cuộc sống hằng ngày những điều thiêng liêng—vui mừng khi nhận được phước lành mỗi ngày giữa những gai góc và thử thách của thế gian này. Để bước đi cùng Chúa, chúng ta phải trở nên thánh thiện, vì Ngài là thánh thiện, và, để giúp chúng ta trở nên thánh thiện, Chúa mời gọi chúng ta bước đi cùng Ngài.
Mỗi chúng ta đều có một câu chuyện. Khi Chị Gong và tôi gặp gỡ anh chị em—các tín hữu Giáo Hội và bạn bè ở nhiều nơi với nhiều hoàn cảnh khác nhau—những câu chuyện về việc anh chị em dâng sự thánh thiện lên Chúa trong cuộc sống hằng ngày đã truyền cảm hứng cho chúng tôi. Anh chị em sống theo sáu chữ Có: có giao tiếp với Thượng Đế, có sống vì cộng đồng và có lòng trắc ẩn với nhau, có lập các giao ước và có cam kết với Thượng Đế, gia đình và bạn bè—có đặt trọng tâm cuộc sống ở nơi Chúa Giê Su Ky Tô.
Ngày càng có nhiều bằng chứng nêu bật thực tế ấn tượng này: những người có tôn giáo nhìn chung hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn và mãn nguyện hơn những người không có cam kết hoặc kết nối về tâm linh. Hạnh phúc và sự hài lòng trong cuộc sống, sức khỏe tinh thần và thể chất, ý nghĩa và mục đích, tính cách và đức hạnh, các mối quan hệ xã hội gần gũi, ngay cả sự ổn định tài chính và vật chất—trong mỗi khía cạnh này, những người có tín ngưỡng đều phát đạt.
Họ tận hưởng sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần tốt hơn và hài lòng hơn trong cuộc sống ở mọi lứa tuổi và nhóm nhân khẩu học.
Điều mà các nhà nghiên cứu gọi là “tôn giáo giúp ổn định trật tự xã hội” mang lại sự rõ ràng, mục đích và sự soi dẫn giữa những khúc quanh của cuộc đời. Gia đình có chung đức tin và cộng đồng Các Thánh Hữu giúp chống lại tình trạng bị cô lập và cảm giác cô đơn giữa đám đông. Việc dâng sự thánh thiện cho Chúa giúp nói không với những lời tục tĩu, nói không với tính thông minh xảo quyệt nhằm gây hại cho người khác, nói không với các thuật toán giúp kiếm tiền từ sự tức giận và gây chia rẽ. Việc dâng sự thánh thiện cho Chúa giúp nói có với những điều thiêng liêng và tôn kính, nói có với việc chúng ta trở thành con người tự do nhất, hạnh phúc nhất, chân thực nhất, tốt nhất khi chúng ta noi theo Ngài trong đức tin.
Việc dâng sự thánh thiện cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày là như thế nào?
Việc dâng sự thánh thiện cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày giống như việc hai người thành niên trẻ tuổi trung tín, vừa kết hôn được một năm, mở lòng và chân thành khi cùng nhau chia sẻ về các giao ước phúc âm, sự hy sinh, và sự phục vụ trong cuộc sống mới của họ.
Người vợ nói trước, “Ở trường trung học, tôi đã ở trong một tình trạng tối tăm. Tôi cảm thấy như Thượng Đế đã không ở cùng với mình. Một đêm nọ, một người bạn nhắn tin với tôi rằng: ‘Này, bạn đã bao giờ đọc An Ma 36 chưa?’
Chị ấy nói: “Khi bắt đầu đọc, lòng tôi tràn ngập bình an và yêu thương. Tôi cảm thấy như thể mình đang được ôm thật chặt. Khi đọc An Ma 36:12, tôi biết Cha Thiên Thượng đã nhìn thấy tôi và biết chính xác cảm giác của tôi.”
Chị ấy nói tiếp: “Trước khi chúng tôi kết hôn, tôi đã thành thật với vị hôn phu của mình rằng tôi không có nhiều chứng ngôn về việc đóng tiền thập phân. Tại sao Thượng Đế cần chúng tôi dâng lên tiền bạc trong khi chúng tôi không thể đóng góp nhiều như những người khác? Hôn phu của tôi đã giải thích rằng vấn đề không phải là về tiền bạc mà là việc tuân theo một lệnh truyền được yêu cầu ở chúng tôi. Anh ấy thử thách tôi hãy bắt đầu đóng tiền thập phân.
Chị ấy nói: “Tôi thực sự thấy chứng ngôn của mình tăng trưởng. Đôi lúc tiền bạc trở nên eo hẹp, nhưng chúng tôi đã thấy rất nhiều phước lành và bằng cách nào đó tiền lương vẫn đủ cho chúng tôi.”
Ngoài ra, chị ấy cũng nói: “trong lớp y tá của tôi, tôi là tín hữu duy nhất của Giáo Hội và là người duy nhất đã kết hôn. Nhiều lần tôi rời khỏi lớp với cảm giác thất vọng hoặc khóc lóc vì cảm thấy các bạn cùng lớp đã phân biệt đối xử với tôi và đưa ra những lời nhận xét tiêu cực về tín ngưỡng của tôi, việc tôi mặc y phục đền thờ, hoặc việc tôi kết hôn khi còn quá trẻ.”
Nhưng chị ấy nói tiếp: “Trong học kỳ vừa qua, tôi đã tìm được cách bày tỏ niềm tin của mình hiệu quả hơn và trở thành một tấm gương tốt về phúc âm. Sự hiểu biết và chứng ngôn của tôi gia tăng vì tôi đã được thử thách về khả năng để đứng một mình và vững mạnh trong điều tôi tin.”
Người chồng trẻ nói thêm: “Trước khi đi truyền giáo, tôi đã nhận được vài lời mời gia nhập đội bóng chày của trường đại học. Dù là quyết định khó khăn, nhưng tôi đã gạt những lời đề nghị đó qua một bên và đi phục vụ Chúa. Tôi sẽ không đánh đổi hai năm đó với bất cứ điều gì.
Anh ấy nói: “Khi trở về nhà, tôi nghĩ mình sẽ có một quá trình chuyển đổi khó khăn nhưng lại thấy bản thân mạnh mẽ hơn, nhanh hơn và khỏe mạnh hơn. Tôi đã ném bóng mạnh hơn so với khi tôi nghỉ để đi truyền giáo. Tôi đã nhận được nhiều lời mời chơi bóng hơn so với trước đây, thậm chí từ ngôi trường mơ ước của tôi. Anh ấy nói: “Và, quan trọng hơn hết, tôi trông cậy vào Chúa hơn bao giờ hết.”
Anh ấy kết luận: “Khi còn là người truyền giáo, tôi đã dạy rằng Cha Thiên Thượng hứa ban cho chúng ta quyền năng khi chúng ta cầu nguyện, nhưng đôi khi bản thân tôi quên điều đó.”
Kho tàng các phước lành đến từ việc dâng sự thánh thiện lên Chúa qua công việc truyền giáo rất phong phú và đầy đủ. Tài chính, thời điểm và các hoàn cảnh khác thường không dễ dàng. Nhưng khi những người truyền giáo thuộc mọi lứa tuổi và hoàn cảnh dâng hiến sự thánh thiện lên Chúa, thì mọi việc đều sẽ ổn thỏa theo kỳ định và cách thức của Ngài.
Giờ đây khi nhìn lại 48 năm trước, một người truyền giáo cao niên chia sẻ: “Cha tôi muốn tôi đi học đại học, chứ không phải đi truyền giáo. Không lâu sau đó, ông bị đau tim và qua đời ở tuổi 47. Tôi cảm thấy có lỗi. Làm thế nào tôi có thể hòa giải với cha mình?
Anh ấy nói tiếp: “Về sau, sau khi đã quyết định đi phục vụ truyền giáo, tôi nằm mơ thấy cha mình. Một cách bình an và mãn nguyện, ông ấy rất vui vì tôi sẽ phục vụ truyền giáo.”
Người truyền giáo cao niên này nói tiếp: “Như Giáo Lý và Giao Ước tiết 138 đã dạy, tôi tin rằng cha tôi có thể phục vụ truyền giáo trong thế giới linh hồn. Tôi hình dung cha tôi đang giúp ông cố của chúng tôi, người đã rời Đức năm 17 tuổi và bị mất tích trong gia đình, được tìm thấy một lần nữa.”
Vợ ông nói thêm: “Trong số năm anh em trai trong gia đình chồng tôi, bốn người đã đi phục vụ truyền giáo đều là những người có bằng cấp đại học.”
Việc dâng sự thánh thiện cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày giống như việc một người truyền giáo trẻ tuổi khi trở về nhà đã học cách để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của mình. Trước đó, khi được yêu cầu ban phước cho một người bị bệnh nặng, người truyền giáo này nói: “Tôi có đức tin; tôi sẽ ban phước cho anh ấy được hồi phục. “Tuy nhiên,” người truyền giáo đó nói rằng, “tôi đã học được trong giây phút đó để cầu xin không phải những điều tôi muốn, mà những điều Chúa biết người đó cần. Tôi đã ban phước cho anh ấy với sự bình an và an ủi. Sau đó, anh ấy qua đời trong thanh thản.”
Việc dâng sự thánh thiện cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày giống như một tia lửa xuyên qua bức màn che để kết nối, an ủi và củng cố. Một nhà quản lý tại một trường đại học lớn nói rằng, ông cảm thấy những người mà ông chỉ biết qua danh tiếng đang cầu nguyện cho ông. Những cá nhân đó đã cống hiến cuộc đời của họ cho trường đại học và tiếp tục quan tâm đến sứ mệnh và sinh viên của trường.
Một chị phụ nữ cố gắng hết sức mỗi ngày, sau khi người chồng đã không chung thủy với chị và con cái. Tôi vô cùng ngưỡng mộ chị ấy và những người giống như chị ấy. Một ngày nọ, trong lúc đang xếp quần áo, tay chị ấy đặt lên một xấp trang phục đền thờ, chị thở dài tự hỏi: “Những thứ này có ích gì?” Chị cảm thấy một tiếng nói dịu dàng trấn an chị: “Các giao ước của con là được lập với ta.”
Trong 50 năm, một chị phụ nữ khác đã khao khát có được mối quan hệ tốt với cha mình. Chị ấy nói: “Khi lớn lên, các anh trai và cha là một phe, và tôi—cô con gái duy nhất—lẻ loi một mình. Tất cả những gì tôi từng muốn là trở thành đứa con ‘đủ tốt‘ cho cha tôi.
“Sau đó, mẹ tôi qua đời! Bà là cầu nối duy nhất giữa cha tôi và tôi.
Chị ấy nói: “Một ngày nọ, tôi nghe thấy một giọng nói: ‘Hãy mời cha con đi đền thờ với con.’ Đó là sự khởi đầu của việc tôi đi cùng cha mình đến ngôi nhà của Chúa hai lần một tháng. Tôi nói với cha tôi là tôi yêu thương ông ấy. Ông ấy nói rằng ông cũng yêu thương tôi.
“Việc dành thời gian trong ngôi nhà của Chúa đã chữa lành chúng tôi. Mẹ tôi không thể giúp chúng tôi khi còn trên thế gian. Cho đến khi bà ở phía bên kia bức màn che thì mới có thể giúp sửa chữa những gì đã hư hỏng. Đền thờ đã hoàn tất cuộc hành trình của chúng tôi để được trọn vẹn là một gia đình vĩnh cửu.”
Người cha nói: “Lễ cung hiến đền thờ là một kinh nghiệm thuộc linh lớn lao đối với tôi và đứa con gái độc nhất. Bây giờ chúng tôi tham dự đền thờ cùng nhau và cảm thấy tình cha con của chúng tôi được củng cố.”
Việc dâng sự thánh thiện cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày gồm có những khoảnh khắc dịu dàng khi người thân qua đời. Đầu năm nay, người mẹ yêu dấu của tôi, Jean Gong, qua đời vài ngày trước sinh nhật lần thứ 98 của bà.
Nếu hỏi mẹ tôi, “Mẹ muốn kem sô cô la cùng kẹo dẻo xốp và hạt, kem gừng sô cô la trắng, hay kem dâu tây?” Mẹ tôi sẽ nói: “Cho mẹ nếm thử hết các loại được không?” Ai có thể nói không với mẹ của mình, đặc biệt là khi bà yêu thích tất cả các hương vị của cuộc sống?
Có lần tôi hỏi mẹ rằng quyết định nào đã ảnh hưởng đến cuộc sống của bà nhiều nhất.
Bà nói: “Sau khi chịu phép báp têm để trở thành tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô và từ Hawaii chuyển đến sống tại lục địa Hoa Kỳ, nơi mà mẹ đã gặp cha con.”
Chịu phép báp têm khi mới 15 tuổi, là người duy nhất trong một gia đình đông con gia nhập Giáo Hội chúng ta, mẹ tôi đã có đức tin trong giao ước và sự tin cậy nơi Chúa mà đã ban phước cho cuộc sống của bà và tất cả các thế hệ trong gia đình chúng tôi. Tôi nhớ mẹ tôi, cũng như các anh chị em nhớ những người thân trong gia đình mình. Nhưng tôi biết mẹ tôi không mất đi. Bà ấy chỉ không có ở đây lúc này. Tôi kính trọng bà và tất cả những ai đã qua đời sau khi đã sống như những tấm gương dũng cảm khi dâng sự thánh thiện hằng ngày cho Chúa.
Dĩ nhiên, việc dâng sự thánh thiện cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày gồm có việc đến với Chúa thường xuyên hơn trong ngôi nhà thánh của Ngài. Điều này là đúng, cho dù chúng ta là tín hữu Giáo Hội hay người ngoại đạo.
Ba người bạn đã đến dự buổi lễ mở cửa cho công chúng tham quan Đền Thờ Bangkok Thái Lan.
Một người nói: “Đây là một nơi siêu chữa lành”.
Trong phòng báp têm, một người khác nói: “Khi tôi ở đây, tôi muốn được thanh tẩy và không bao giờ phạm tội nữa.”
Người thứ ba nói: “Anh có thể cảm nhận được quyền năng thuộc linh không?”
Với sáu chữ thiêng liêng, đền thờ của chúng ta mời gọi và tuyên bố rằng:
“Thánh cho Chúa.
Việc dâng sự thánh thiện cho Chúa giúp cho cuộc sống hằng ngày trở nên thiêng liêng. Việc đó mang chúng ta đến gần hơn và hạnh phúc hơn với Chúa và với nhau, đồng thời chuẩn bị cho chúng ta sống với Thượng Đế Đức Chúa Cha, Chúa Giê Su Ky Tô, và những người thân yêu của mình.
Cũng như người bạn của tôi, anh chị em có thể tự hỏi là Cha Thiên Thượng có thương yêu anh chị em không. Câu trả lời dứt khoát, là hoàn toàn có! Chúng ta có thể cảm nhận được tình yêu thương của Ngài khi chúng ta dâng sự thánh thiện cho Chúa của mình mỗi ngày, hạnh phúc và vĩnh viễn. Tôi cầu xin rằng chúng ta có thể làm được điều đó, trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.