ĐỨC TIN CỦA MỘT ĐỨA CON
Tôi quyết định đi bộ đến đại hội giáo khu, khoảng 30 hay 40 phút với đứa con trai của tôi, lúc ấy được tám tuổi. Hai mươi phút trôi qua khi tôi nhận biết rằng tôi không còn biết hướng nào chúng tôi phải đi nữa. Con trai của tôi, Elson, luôn luôn là một đứa nói nhiều, đã kể cho tôi nghe hết câu chuyện này đến một câu chuyện khác về những điều đã xảy ra ở trường hoặc ở nhà. Tôi bảo nó im lặng trong một chốc lát và giải thích rằng tôi cần suy nghĩ vì tôi sợ rằng chúng tôi đang bị lạc đường.
Chính lúc đó đứa con trai của tôi đã cho tôi thấy đức tin của nó. Nó đề nghị chúng tôi nên dâng lên lời cầu nguyện. Tôi, với tất cả trí thông minh và sự hiểu biết của một người lớn (và trở nên hơi nóng nảy vì kim đồng hồ đã chỉ giờ của buổi họp sắp bắt đầu), đã trả lời rằng nếu nó muốn dâng lên lời cầu nguyện thì cứ việc làm—tuy nhiên, tôi thích suy nghĩ hơn. Tôi tự bảo: “Có những điều mà chúng ta không cần phải tùy thuộc vào Chúa; việc tìm đường đến giáo đường là một trong những điều đó.”
Thể như nó đọc được ý nghĩ của tôi, Elson cho tôi một bài học về sự khiêm nhường khi nói rằng: “Tại sao mẹ cứ khăng khăng làm việc theo một cách khó khăn vậy?” Sau đó, nó trở nên im lặng, và tôi biết rằng trong tâm trí nó, nó đang cầu nguyện. Vài phút sau, chúng tôi đến giáo đường và tôi biết nó đã nhận được sự đáp ứng cho lời cầu nguyện của nó.
Là Các Thánh Hữu Ngày Sau, chúng ta được ban phước để làm các tín hữu của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Chứng ngôn của tôi về lẽ trung thật của phúc âm phục hồi đã gia tăng khi tôi nhận thấy rằng đứa con trai của mình, tuy vẫn còn nhỏ, nhưng đã biết cách thực hành các nguyên tắc đức tin và cầu nguyện, trở thành một tấm gương cho tôi về cách sống theo những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô.