Tôi Đã Được Cứu Rỗi Chưa?
Bạn tôi, Rachel, hỏi tôi có muốn đi nhà thờ với chị ấy không. Chị rất tích cực với tôn giáo của chị, và tôi tò mò muốn xem giáo hội của chị khác biệt với giáo hội của tôi như thế nào. Tôi xin phép cha mẹ tôi được đi với chị. Cha mẹ tôi nói rằng vì giờ thờ phượng của chị không trùng với giờ làm lễ của chúng tôi nên tôi có thể đi dự với chị.
Nhiều điều về buổi lễ của chị rất xa lạ đối với tôi: các bài ca và những lời cầu nguyện đều khác; cách mà người thuyết giảng nói chuyện cũng xa lạ. Khi cái dĩa quyên tiền được chuyền đi thì tôi không biết chắc phải làm gì.
Cuối cùng, người thuyết giảng yêu cầu bất cứ ai trong nhóm mà chưa công khai chấp nhận Chúa Giê Su Ky Tô làm Đấng Cứu Rỗi của mình thì hãy bước ra. Rachel thì thầm khuyến khích tôi đi ra. Tôi ngần ngại. Trong tiểu giáo khu của chúng tôi, vị giám trợ không bao giờ yêu cầu bất cứ ai đứng ra và công khai chấp nhận Đấng Ky Tô. Tôi không biết phải làm gì. Có lẽ tôi đã không làm một điều nào đó quan trọng cho sự cứu rỗi của mình. Tôi rời buổi lễ, lòng đầy hoang mang.
Về sau, khi nghĩ về kinh nghiệm này, tôi tiến đến việc nhận biết rằng tôi quả thật có công khai chấp nhận Chúa Giê Su Ky Tô làm Đấng Cứu Rỗi của mình. Tôi đã chịu phép báp têm bởi một người có thẩm quyền chức tư tế từ Chúa Giê Su Ky Tô. Phép báp têm của tôi là một giao ước với Cha Thiên Thượng rằng tôi sẽ mang danh của Chúa Giê Su Ky Tô và là môn đồ của Ngài. Tôi đã hứa là tôi sẽ tuân giữ các giáo lệnh của Ngài và cố gắng giống như Ngài. Hiện diện tại lễ báp têm của tôi là những người nắm giữ chức tư tế hành động với tư cách là các nhân chứng, cũng như gia đình và các tín hữu trong tiểu giáo khu.
Kể từ lễ báp têm và lễ xác nhận của mình, tôi đã có cơ hội vào mỗi Chúa Nhật dự phần vào Tiệc Thánh và làm chứng một lần nữa với Cha Thiên Thượng rằng tôi sẽ tiếp tục mang danh của Đấng Ky Tô.
Đôi khi những người Ky Tô hữu từ các giáo hội khác có thể cũng đặt một câu hỏi giống như câu hỏi của người thuyết giảng của bạn tôi, nhưng được nói cách khác. Họ có thể hỏi là họ đã được cứu chưa. Anh Cả Dallin H. Oaks, một thành viên thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, đã giúp chúng ta hiểu và trả lời cho câu hỏi này: “Đôi khi những người Ky Tô hữu gắn nhiều nghĩa khác nhau cho một số từ ngữ phúc âm chính yếu như được cứu rỗi hoặc sự cứu rỗi. Nếu chúng ta trả lời theo điều mà người hỏi có lẽ có ý hỏi rằng chúng ta đã ‘được cứu’ chưa, thì câu trả lời của chúng ta phải là ‘rồi.’”1
Tôi vẫn còn đang xây đắp chứng ngôn của mình về Chúa Giê Su Ky Tô khi tôi tham dự nhà thờ của bạn tôi. Kể từ lúc ấy, tôi đã thấy rằng nếu tôi càng học tập phúc âm qua thánh thư và những lời của các vị tiên tri tại thế, thì tôi càng sẵn sàng hơn và tin rằng tôi đứng làm nhân chứng về Thượng Đế bất cứ lúc nào (xin xem Mô Si A 18:9).