Bữa Tiệc Lễ Phục Sinh Bất Ngờ của Tôi
Khi tôi lớn lên thì lễ Phục Sinh luôn luôn là một ngày lễ đặc biệt. Sau nhà thờ, cha mẹ tôi thường giảng dạy cho gia đình một bài học về Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh; buổi chiều, chúng tôi thường có một bữa tiệc ê hề. Bạn bè thường cùng đến dự bữa ăn tối với chúng tôi, đó là bữa ăn vui vẻ và ngon tuyệt. Vì các truyền thống này nên lễ Phục Sinh trở thành một ngày lễ ưa thích của tôiọmột thời gian thiêng liêng của gia đình để kỷ niệm Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi.
Một năm nọ trong khi đang học ở Luân Đôn, tôi thấy mình cô đơn trong ngày lễ Phục Sinh. Tiểu giáo khu của tôi không họp cho đến xế chiều, vậy nên thời gian vào buổi sáng dường như kéo dài vô tận. Tôi nghĩ về gia đình mình, cách xa hằng bao cây số, đang kỷ niệm ngày này mà không có tôi, và lòng tôi cảm thấy trống trải và buồn bã.
Thoạt tiên, tôi muốn thả trôi mình với sự tự thán, nhưng rồi tôi bắt đầu tự hỏi tôi có thể làm điều gì để cho ngày ấy có ý nghĩa. Tâm trí tôi hướng đến những người mà tôi đi ngang qua hằng ngày trong trạm xe điện ngầm đông đúc. Giống như trong nhiều thành phố lớn, trạm điện ngầm thường là nơi trú ngụ của những người vô gia cư hành khất. Tôi đã thường cảm thấy động lòng trắc ẩn trước nhu cầu của họ, và tôi nhận biết rằng tôi không phải là người độc nhất ở Luân Đôn trải qua ngày lễ Phục Sinh một mình. Đột nhiên, việc giúp đỡ những người xa lạ dường như là một cách tốt để cho thấy lòng biết ơn của tôi đối với những ngày lễ Phục Sinh mà tôi đã nhận hưởng khi còn nhỏ.
Tôi làm vài bao thức ăn trưa gồm có bánh xăng uý ch, trái cây, bánh quy giòn, và nước uống. Rồi tôi hướng về trạm xe điện ngầm, tìm kiếm những người mà đôi khi tôi đã tránh. Đa số những người này đã thật sự biết ơn về thức ăn. Tôi nói với mỗi người trong số họ: “Xin chúc ngày lễ Phục Sinh vui vẻ!”
Khi chỉ còn lại một bao thức ăn trưa, tôi gặp một người đàn ông trông rất rách rưới. Quần áo của người ấy dơ dáy, mặt của người ấy hằn lên nét đau khổ, và đôi mắt của người ấy chứa đựng nhiều nỗi buồn phiền. Khi tôi đưa cho người ấy bao thức ăn trưa, người ấy ngạc nhiên nhìn lên tôi.
Người ấy hỏi: “Cái gì đây?”
Tôi đáp: “Thưa ông, thức ăn trưa.”
Người ấy nói: “Cám ơn, cám ơn rất nhiều.” Nét mặt của người ấy đột nhiên thay đổi thành vui mừng và biết ơn. Người ấy chộp nhanh bao thức ăn, nắm chặt lấy nó thể như đó là một báu vật.
Cảm động trước vẻ mặt của người ấy, tôi đáp: “Không dám ạ. Chúc ông ngày lễ Phục Sinh vui vẻ.”
Người ấy đáp: “Chúc ngày lễ Phục Sinh vui vẻ!”
Khi tôi đi về nhà, thì những lời của Vua Bên Gia Min đến với tâm trí của tôi: “Vì này, chẳng phải chúng ta toàn là những kẻ hành khất cả hay sao?” (Mô Si A 4:19). Tôi nhận biết rằng nếu không có Đấng Cứu Rỗi thì tất cả chúng ta sẽ bị đuổi ra, rách rưới, và bị bỏ mặc một mình. Nhưng Đấng Cứu Rỗi đã tìm đến chúng ta và ban cho chúng ta một điều mà chúng ta hết sức mong muốn: niềm hy vọng để chúng ta có thể được thanh sạch, để chúng ta sẽ sống lại, và để chúng ta sẽ trở lại với Ngài một ngày nào đó.
Khi đương đầu với tội lỗi và cái chết, tôi cũng đứng trước Đấng Cứu Rỗi như một kẻ hành khất. Ngài tìm đến tôi, ban cho tôi lòng thương xót. Một ngày nào đó, khi tôi đứng trước mặt Ngài, mặt tôi sẽ hằn lên sự biết ơn sâu xa, mà tôi thoáng thấy, một phần nhỏ, trên gương mặt của người đàn ông khiêm nhường này.
Trên đường về nhà, tôi bắt đầu khóc. Nỗi cô đơn của tôi biến mất, thay vào đó là niềm vui và một sự hiểu biết sâu xa hơn về những lời của Vua Bên Gia Min và lòng thương xót của Đấng Cứu Rỗi. Tôi thầm cám ơn Chúa về món quà bất ngờ này của người đàn ông dành cho tôi. Tôi đã tặng cho người ấy một bao thức ăn trưa giản dị; người ấy đã trả lại cho tôi một bữa tiệc lễ Phục Sinh đích thực.