2008
Sự Chuộc Tội Chúa Giê Su Ky Tô
Tháng Ba năm 2008


Sự Chuộc Tội Chúa Giê Su Ky Tô

Elder Jeffrey R. Holland

Trong Vườn Ghết Sê Ma Nê

Khi còn là một người truyền giáo trẻ tuổi, Anh Cả Orson F. Whitney (1855–1931), là người về sau phục vụ trong Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã có một giấc mơ mãnh liệt đến nỗi nó đã thay đổi cuộc sống của ông vĩnh viễn. Về sau ông đã viết:

“Một đêm nọ, tôi nằm mơ … thấy mình đang ở trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, đang chứng kiến nỗi thống khổ của Đấng Cứu Rỗi… . Tôi đứng sau một cái cây… . Chúa Giê Su, với Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng, đi ngang qua một cái cửa nhỏ bằng gỗ ở bên phía tay phải của tôi. Để ba Sứ Đồ ở đó, sau khi đã bảo họ phải quỳ xuống và cầu nguyện, Ngài đi qua phía bên kia, nơi mà Ngài cũng quỳ xuống và cầu nguyện … : ‘Cha ơi, nếu có thể được, xin cho chén này lìa khỏi Con! Song không theo ý muốn Con, mà theo ý muốn Cha.’

“Trong khi Ngài cầu nguyện, lệ chan hòa trên mặt Ngài, hướng về phía tôi. Tôi mủi lòng trước cảnh đó nên tôi cũng khóc, từ sự cảm thông hoàn toàn với nỗi đau buồn lớn của Ngài. Lòng tôi xót xa cho Ngài; tôi hết lòng yêu mến Ngài và ước muốn được ở với Ngài chứ không ước muốn một điều gì khác.

“Chẳng mấy chốc, Ngài đứng dậy và đi đến nơi mà các Sứ Đồ đang quỳ—ngủ say sưa! Ngài nhẹ nhàng lay, đánh thức họ dậy và trong một giọng nói quở trách dịu dàng, không hề đượm một chút giận dữ hoặc nóng nảy, Ngài hỏi họ là họ không thể thức canh với Ngài trong một giờ đồng hồ được sao… .

“Trở lại chỗ Ngài, Ngài cầu nguyện lần nữa và rồi đi trở lại và thấy họ lại ngủ nữa. Một lần nữa, Ngài đánh thức họ dậy, khiển trách họ và trở lại cầu nguyện như trước. Điều này đã xảy ra ba lần cho đến khi tôi cảm thấy hoàn toàn quen thuộc với diện mạo của Ngài—khuôn mặt, hình dáng và các động tác. Vóc người của Ngài cao quý và uy nghi… . Ngài thật sự là một Thượng Đế, tuy thế Ngài cũng nhu mì và khiêm tốn như một trẻ nhỏ.

“Đột nhiên bối cảnh ấy dường như thay đổi… . Thay vì trước khi Ngài bị đóng đinh thì lại là bối cảnh sau khi Ngài bị đóng đinh, và Đấng Cứu Rỗi, cùng với ba Vị Sứ Đồ đó, giờ đây đứng chung thành một nhóm ở bên phía tay trái của tôi. Ngài và họ sắp sửa rời đi và thăng lên trời. Tôi không thể chịu đựng được nổi nữa. Tôi chạy ra từ phía sau cái cây, ngã xuống dưới chân Ngài, choàng tay ôm lấy đầu gối Ngài, và van nài Ngài mang tôi theo với Ngài.

“Tôi sẽ không bao giờ quên được cách đối xử tử tế và dịu dàng của Ngài khi Ngài khom xuống và nâng tôi dậy và ôm lấy tôi. Điều đó thật là sống động, như có thật đến nỗi tôi cảm thấy rất ấm áp trong lòng. Rồi Ngài phán: ‘Không, con ơi; những người này đã xong công việc của họ và họ có thể đi cùng ta; nhưng con phải ở lại và hoàn tất công việc của con.’ Tuy nhiên tôi vẫn níu lấy Ngài. Khi nhìn vào mặt Ngài—vì Ngài cao hơn tôi—tôi khẩn nài một cách đầy thiết tha: ‘Vậy thì, xin Ngài hứa với con rằng con sẽ đến với Ngài vào lúc cuối đời con.’ Ngài mỉm cười âu yếm, dịu dàng và đáp: ‘Điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào con thôi.’ Tôi thức dậy thấy mình đang khóc, và trời đã sáng rồi.”1

Tại Sao Cần Đến một Sự Chuộc Tội?

Một thoáng nhìn dịu dàng của riêng chúng ta về sự hy sinh nhân từ của Đấng Cứu Rỗi là một phần giới thiệu thích đáng về ý nghĩa của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Quả thật, Sự Chuộc Tội của Con Độc Sinh của Thượng Đế là nền tảng chủ yếu mà trên đó tất cả giáo lý Ky Tô giáo dựa vào và là sự biểu lộ kỳ diệu nhất về tình yêu thương thiêng liêng mà thế gian này đã được ban cho. Tầm quan trọng của Sự Chuộc Tội trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô không thể nào phóng đại được. Mỗi giáo lý , lệnh truyền và ưu điểm khác đều đạt được ý nghĩa của nó từ sự kiện then chốt này.2

Sự Chuộc Tội là hành động đã định trước nhưng đầy sự tự nguyện của Con Độc Sinh của Thượng Đế mà trong đó Ngài đã phó mạng sống của Ngài và linh hồn của Ngài chịu nỗi thống khổ để làm cái giá cứu chuộc hậu quả của Sự Sa Ngã của A Đam trên tất cả nhân loại và các tội lỗi cá nhân của tất cả những người chịu hối cải.

Ý nghĩa thật sự của chữ Sự Chuộc Tội tiếng Anh thì rất rõ ràng: at-one-ment, việc mang trở lại với nhau những điều đã bị tách rời hay chia cách. Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô thì rất cần thiết vì sự phạm giới mà tách rời A Đam khỏi nơi hiện diện của Thượng Đế, tức là Sự Sa Ngã, đã mang hai cái chết đến thế gian khi mà A Đam và Ê Va ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác.3 Cái chết thể xác mang đến sự tách rời linh hồn khỏi thể xác, và cái chết thuộc linh mang đến sự tách rời linh hồn và thể xác khỏi Thượng Đế. Vì Sự Sa Ngã mà tất cả những người sinh ra trên trần thế sẽ chịu đựng hai lần chết. Nhưng chúng ta cần phải nhớ rằng Sự Sa Ngã là phần thiết yếu trong kế hoạch thiêng liêng của Đức Chúa Cha. Nếu không có nó, thì A Đam và Ê Va sẽ không sinh con cái trên thế gian, và sẽ không có gia đình nhân loại để có được sự tương phản và sự tăng trưởng, quyền tự quyết về đạo đức, và niềm vui phục sinh, sự cứu chuộc và cuộc sống vĩnh cửu.4

Sự cần thiết về Sự Sa Ngã này và một sự chuộc tội để đền bù cho Sự Sa Ngã đã được giải thích trong một Đại Hội tiền dương thế trên Thiên Thượng mà các linh hồn của toàn thể gia đình nhân loại đã tham dự và Thượng Đế Đức Chúa Cha đã chủ tọa. Chính trong bối cảnh tiền dương thế này mà Đấng Ky Tô đã tình nguyện tôn trọng quyền tự quyết về đạo đức của tất cả nhân loại cho dù Ngài đã cứu chuộc tội lỗi của họ. Trong tiến trình này, Ngài sẽ mang lại tất cả vinh quang về tình yêu thương cứu chuộc như vậy cho Đức Chúa Cha.5

Sự Chuộc Tội vô hạn của Đấng Ky Tô đã có thể thực hiện được vì (1) Ngài là Đấng vô tội duy nhất sống trên thế gian này và do đó Ngài không phải chịu cái chết thuộc linh do tội lỗi mà ra, (2) Ngài là Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha và do đó có được những thuộc tính thiêng liêng mà ban cho Ngài quyền năng khắc phục được cái chết thể xác,6 và (3) Hiển nhiên Ngài là Đấng duy nhất có đủ sự khiêm nhường và sẵn lòng trong đại hội tiền dương thế để được tiền sắc phong cho sự phục vụ đó.7

Các Ân Tứ Chuộc Tội của Đấng Ky Tô

Một số ân tứ từ Sự Chuộc Tội mà ra thì thật phổ quát, vô hạn và vô điều kiện. Các ân tứ này gồm có cái giá Ngài đền trả cho sự phạm giới nguyên thủy của A Đam để cho không một người nào trong gia đình nhân loại chịu trách nhiệm về tội lỗi đó.8 Một ân tứ phổ quát khác là Sự Phục Sinh khỏi cái chết của mỗi người nam, người nữ và trẻ em đang sống, đã sống hoặc sẽ sống trên thế gian.

Những khía cạnh khác của ân tứ chuộc tội của Đấng Ky Tô thì có điều kiện. Chúng tùy thuộc vào sự siêng năng của một người trong việc tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế. Ví dụ, mặc dù tất cả những người trong gia đình nhân loại đều được ban cho rộng rãi sự xá miễn tội lỗi của A Đam tuy không có nỗ lực nào từ phía họ, nhưng họ không được ban cho sự xá miễn các tội lỗi của họ trừ phi họ cam kết có đức tin nơi Đấng Ky Tô, hối cải các tội lỗi đó, chịu phép báp têm trong danh Ngài, tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh và lễ xác nhận vào Giáo Hội của Đấng Ky Tô, và tiến bước trong sự kiên trì trung tín trong cuộc sống còn lại. Đấng Ky Tô đã phán về thử thánh cá nhân này:

“Vì này, ta, Thượng Đế, đã chịu những nỗi đau khổ ấy cho mọi người, để họ khỏi đau khổ nếu họ chịu hối cải;

“Nhưng nếu họ không chịu hối cải thì họ sẽ phải đau khổ như ta đã chịu vậy.”9

Vả lại, mặc dù Sự Phục Sinh thể xác là ân tứ do Đấng Ky Tô ban không cho mọi người, kết quả của sự chiến thắng của Ngài với cái chết, nhưng tình trạng của một thể xác được phục sinh (hoặc được ban cho “đẳng cấp vinh quang”), cũng như thời gian của một người được phục sinh, thì bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự trung tín của người ấy trong cuộc sống này. Ví dụ, Sứ Đồ Phao Lô đã nói rõ rằng những người cam kết trọn vẹn với Đấng Ky Tô thì sẽ “sống lại trước hết”10 trong Thời Kỳ Phục Sinh. Điều mặc khải hiện đại làm sáng tỏ những thứ tự khác nhau của các thể xác phục sinh,11 và hứa chỉ ban đẳng cấp vinh quang cao nhất cho những người tuân giữ các nguyên tắc và các giáo lễ phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.12

Dĩ nhiên không có sẵn các phước lành vô điều kiện lẫn có điều kiện của Sự Chuộc Tội trừ phi qua ân điển của Đấng Ky Tô. Hiển nhiên, các phước lành vô điều kiện của Sự Chuộc Tội đều tự động nhận được nhưng các phước lành có điều kiện thì phải có công lao xứng đáng mới nhận được trọn vẹn. Bằng cách sống trung tín và tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế, một người có thể nhận được thêm các đặc ân, nhưng chúng vẫn được ban cho một cách rộng rãi chứ không phải chính thức có công lao xứng đáng mà nhận được. Sách Mặc Môn nói rõ rằng “không có một xác thịt nào có thể sống được trong sự hiện diện của Thượng Đế, trừ phi phải qua sự trung gian của công lao, lòng thương xót, và ân điển của Đấng Mê Si Thánh.”13

Cũng cùng một ân điển này, Thượng Đế ban cho sự cứu rỗi các trẻ nhỏ, những người bị khuyết tật về tâm thần, những người sống mà không nghe đến phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, và vân vân: những người này được cứu chuộc qua quyền năng phổ biến của Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô và sẽ có được cơ hội nhận được phúc âm trọn vẹn sau khi chết, trong thế giới linh hồn, nơi mà các linh hồn đang ở trong đó khi chờ đợi Sự Phục Sinh.14

Đau Khổ và Chiến Thắng

Để bắt đầu đáp ứng những sự đòi hỏi của Sự Chuộc Tội, Đấng Ky Tô vô tội đã đi vào Vườn Ghết Sê Ma Nê, như Anh Cả Whitney đã nhìn thấy trong giấc mơ của ông, nơi đó để gánh chịu nỗi thống khổ của linh hồn mà chỉ có Ngài mới có thể gánh chịu nổi. Ngài “khởi sự kinh hãi và sầu não,” và phán cùng Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng: “Linh hồn ta buồn rầu lắm cho đến chết.”15 Tại sao? Vì Ngài hứng lấy “những sự đau đớn của mọi người, phải, những sự đau đớn của từng sinh linh một, cả đàn ông lẫn đàn bà, và trẻ con, là những người thuộc gia đình A Đam.”16 Ngài đã trải qua “những cám dỗ, nỗi đau đớn của thể xác, sự đói khát, sự mệt nhọc, ngay cả hơn những gì loài người có thể chịu đựng được, trừ cái chết; vì này, máu sẽ chảy ra từ mọi lỗ chân lông, nỗi lo âu của Ngài … thật lớn lao thay.”17

Qua nỗi đau khổ này, Chúa Giê Su đã cứu chuộc các linh hồn của tất cả những người nam, những người nữ và trẻ em “để cho lòng Ngài tràn đầy sự thương xót, theo thể cách xác thịt, để Ngài có thể theo thể cách xác thịt mà biết được cách giúp đỡ dân Ngài.”18 Khi làm như vậy, Đấng Ky Tô “đã hạ mình xuống thấp hơn tất cả mọi vật”—kể cả mỗi bệnh tật, yếu đuối và sự thất vọng đen tối mà mọi người trần thế đều trải qua—để Ngài có thể “hiểu thấu tất cả mọi vật, ngõ hầu Ngài có thể xuyên thấu được tất cả mọi vật, và ánh sáng của lẽ thật.”19

Nỗi cô đơn tột độ và nỗi đau cùng cực của Sự Chuộc Tội mà bắt đầu trong Vườn Ghết Sê Ma Nê thì đã đạt đến cực điểm khi, sau sự ngược đãi tồi tệ của lính La Mã và những người khác, Đấng Ky Tô đã kêu lên từ cây thập tự: “Ê Li, Ê Li, lam ma sa bách ta ni? nghĩa là: Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?”20 Trong đáy sâu đau thương đó, ngay cả thiên nhiên cũng rung động. “Khắp xứ đều tối tăm… . Mặt trời trở nên tối.”21 “Và này, cái màn trong đền thờ bị xé ra làm hai từ trên chí dưới, đất thì rung động, đá lớn bể ra,”22 khiến cho nhiều người phải kêu lên: “Thượng Đế của vạn vật đang thống khổ.”23 Cuối cùng, ngay cả điều dường như không thể chịu thấu nổi cũng đã được gánh chịu, và Chúa Giê Su đã nói: “Mọi việc đã được trọn.”24 “Hỡi Cha, tôi giao linh hồn lại trong tay Cha!”25 Một ngày nào đó, một nơi nào đó, lưỡi của mọi người sẽ phải thú nhận như một thầy đội người La Mã đã chứng kiến tất cả những điều này: “Thật người này là con Đức Chúa Trời.”26

Đối với người nam và người nữ có suy nghĩ, thì đó là “một vấn đề của sự kỳ diệu phi thường”27 mà sự hy sinh tự nguyện và đầy thương xót của chỉ một Đấng đã có thể thỏa mãn những đòi hỏi vô hạn và vĩnh cửu của công lý , chuộc tội cho sự phạm giới và hành động sai trái của mỗi người, và do đó thúc đẩy tất cả nhân loại vào vòng tay rộng mở đầy thương xót của Ngài. Sự việc là phải như vậy.

Trích dẫn từ Chủ Tịch John Taylor (1808–87): “Trong một cách thức mà chúng ta không thể hiểu và giải thích nổi, Ngài đã mang lấy sức nặng tội lỗi của toàn thể thế gian; không chỉ tội lỗi của A Đam không thôi mà còn tội lỗi của con cháu ông nữa; và khi làm như thế, Ngài đã mở rộng vương quốc thiên thượng, không những cho tất cả những người tin và tất cả những người tuân theo luật pháp của Thượng Đế, mà còn cho hơn một nửa gia đình nhân loại đã chết trước khi họ đến tuổi trưởng thành, cũng như cho [những] người mà [chết] không biết về luật pháp.”28

Như cảm nghĩ của Anh Cả Whitney về ân tứ vĩ đại này và về Đấng đã ban cho ân tứ này, cầu xin cho chúng ta cũng có cảm nghĩ như vậy: “Tôi mủi lòng trước [ân tứ đó] nên tôi khóc … từ sự cảm thông hoàn toàn. Lòng tôi xót xa cho Ngài. Tôi hết lòng yêu mến Ngài và ước muốn được ở với Ngài chứ không ước muốn một điều gì khác.” Khi đã thực hiện Sự Chuộc Tội thay cho chúng ta, Đấng Ky Tô đã chu toàn phần vụ của Ngài để làm cho ước muốn đó trở thành sự thật. Những việc còn lại hoàn toàn tùy thuộc vào chúng ta.

Ghi chú

  1. “The Divinity of Jesus Christ,” Improvement Era, tháng Giêng năm 1926, 224–25; xin xem thêm Liahona, tháng Mười Hai năm 2003, 16; phép chấm câu, cách viết hoa, và chính tả đều được tiêu chuẩn hóa.

  2. Xin xem Teachings of Presidents of the Church: Joseph Smith (2007), 49.

  3. Xin xem Sáng Thế Ký 2:9; 3.

  4. Xin xem 2 Nê Phi 2:22–27; Môi Se 5:11.

  5. Xin xem Khải Huyền 13:8; Môi Se 4:1–2; Áp Ra Ham 3:22–27.

  6. Xin xem Giăng 5:26–29; 2 Nê Phi 9:5–12; An Ma 34:9–14.

  7. Xin xem James E. Talmage, Jesus the Christ, xuất bản lần thứ 3 (1916), 21–22.

  8. Xin xem Những Tín Điều 1:2.

  9. GLGƯ 19:16–17.

  10. 1 Tê Sa Lô Ni Ca 4:16.

  11. Xin xem GLGƯ 76:50–113; so sánh với 1 Cô Rinh Tô 15:40–42.

  12. Xin xem GLGƯ 76:50–70; 88:4, 27–29; 132:21õ24.

  13. 2 Nê Phi 2:8.

  14. Xin xem An Ma 40:11; GLGƯ 138; so sánh với Lu Ca 23:43; Giăng 5:25.

  15. Mác 14:33–34.

  16. 2 Nê Phi 9:21.

  17. Mô Si A 3:7.

  18. An Ma 7:12.

  19. GLGƯ 88:6.

  20. Ma Thi Ơ 27:46.

  21. Lu Ca 23:44–45.

  22. Ma Thi Ơ 27:51.

  23. 1 Nê Phi 19:12.

  24. Giăng 19:30.

  25. Lu Ca 23:46.

  26. Ma Thi Ơ 27:54.

  27. James E. Talmage, The Articles of Faith, xuất bản lần thứ 12 (1924), 77.

  28. The Mediation and Atonement (1882), 148–49; cách viết hoa đã được tiêu chuẩn hóa.