2019
Đối Phó với Thảm Kịch
Tháng Tư năm 2019


Dạy Dỗ Các Em Tuổi Niên Thiếu và Các Em Nhỏ Hơn

Đối Phó với Thảm Kịch

Hình Ảnh
icons

Sớm muộn gì, trẻ em cũng sẽ gặp thảm kịch cho dù là ở gần nhà hay ở xa nhà. Nhưng “cho dù thế giới đang ở trong tình trạng hỗn loạn xung quanh mình nhưng chúng ta cũng có thể nhận được phước lành về sự bình an nội tâm.”1 Dưới đây là một số điều anh chị em có thể làm để giúp trẻ em cảm thấy sự bình an đó.

Sự ổn định

Khi một điều bi thảm xảy ra, trẻ em có thể cảm thấy như thế giới của chúng bị chao đảo. Hãy nêu gương về sự ổn định cho chúng. Nói về vấn đề này một cách bình tĩnh và đầy tin tưởng. Duy trì thói quen càng nhiều càng tốt. Làm hết sức mình để giữ thói quen tổ chức buổi họp tối gia đình, học thánh thư, cầu nguyện và những thói quen khác của gia đình. Theo thời gian, trẻ em có thể biết rằng cho dù cuộc sống của chúng có dao động thì phúc âm vẫn cho phép chúng nghĩ tới những điều vĩnh cửu và cuộc sống của chúng vẫn tiếp tục.

Sự tôn trọng

Cho thấy sự tôn trọng những cảm xúc của trẻ em. Lắng nghe trẻ em nói và thừa nhận cảm nghĩ của chúng. Cho chúng thấy rằng anh chị em đang quan tâm một cách nghiêm túc. Đừng buộc chúng phải nói nhưng hãy để cho chúng biết rằng anh chị em sẽ có mặt khi chúng sẵn sàng để nói. Chân thành trả lời các câu hỏi nếu có theo cách mà chúng có thể hiểu được. Giúp cho con cái của anh chị em biết rằng chúng có thể luôn luôn nói chuyện với anh chị em về nỗi sợ hãi và lo lắng của chúng.

Sự hướng dẫn

Con cái của anh chị em có thể hỏi: “Tại sao Thượng Để lại để cho những điều xấu xảy ra?” Giải thích rằng những lúc may lẫn những lúc rủi đều là một phần của cuộc sống và là một phần kế hoạch vĩnh cửu của Thượng Đế. Ngài cho phép mỗi người tự mình lựa chọn, và đôi khi người ta có những lựa chọn xấu mà gây ra đau khổ. Những lần khác, thảm kịch không phải là lỗi của ai cả mà chỉ là một phần của thiên nhiên. Cho dù thế nào đi nữa, Cha Thiên Thượng cũng sẽ hỗ trợ chúng ta. Với sự giúp đỡ của Ngài, chúng ta có thể học hỏi và tăng trưởng, thậm chí từ những kinh nghiệm đau đớn. Chúng ta có thể tìm tới Ngài để tìm sự bình an.

Cho quyền

Cho con cái thấy rằng chúng có khả năng để tạo ra một sự khác biệt bằng cách cho chúng một cách để giúp đỡ. Ví dụ, chúng có thể giúp thu góp các khoản quyên góp cho các nạn nhân thiên tai, đi thăm một người bạn bị bệnh hoặc bị thương trong bệnh viện, an ủi một người đang đối phó với việc mất một người thân trong gia đình hoặc cầu nguyện cho những người đang gặp khó khăn. Chúng ta không thể sửa đổi tất cả mọi điều nhưng chúng ta có khả năng làm nhiều điều tốt và “chúng ta cố gắng có được sự bình an bất cứ khi nào chúng ta giúp làm vơi nỗi đau khổ của người khác.”2

An ủi

Nhắc nhở con cái mình rằng Thượng Đế yêu thương chúng và anh chị em cũng yêu thương chúng. Đừng đưa ra những lời hứa giả tạo rằng sẽ không có điều gì xấu xảy ra cho chúng nhưng hãy bảo đảm với chúng rằng chúng được an toàn ngay bây giờ và anh chị em sẽ làm hết sức mình để bảo vệ chúng. Hãy trấn an chúng rằng Cha Thiên Thượng sẽ giúp chúng vượt qua bất cứ thử thách nào xảy ra cho chúng.

Khi nào anh chị em cảm thấy chán nản bởi nghịch cảnh, thì hãy nhớ rằng cuối cùng rồi điều thiện sẽ thắng điều ác. Chủ Tịch Thomas S. Monson (1927–2018) đã dạy: “Chúng ta đang chiến đấu chống lại tội lỗi, … nhưng chúng ta không cần phải thất vọng.” “Đó là một cuộc chiến mà chúng ta có thể và sẽ thắng. Cha Thiên Thượng đã ban cho chúng ta các công cụ cần thiết để làm được điều đó. Ngài đứng đầu công việc này. Chúng ta không có gì phải sợ.”3

Ghi Chú

  1. “Peace,” Gospel Topics, topics.lds.org.

  2. “Peace,” Gospel Topics.

  3. Thomas S. Monson, “Nhìn Lại và Tiến Bước,” Liahona, tháng Năm năm 2008, trang 90.

In