2019
Hãy Trung Tín, Chứ Đừng Bất Trung
Tháng Mười Một năm 2019


Hãy Trung Tín, Chứ Đừng Bất Trung

Chúng ta cần phải chú tâm bỏ ra thời gian mỗi ngày để ngắt kết nối với thế gian và để kết nối với thiên thượng.

Cách đây không lâu, khi tôi thức dậy và chuẩn bị để học thánh thư. Tôi cầm điện thoại lên và ngồi xuống trên chiếc ghế bên cạnh giường, với ý định là mở ra ứng dụng Thư Viện Phúc Âm. Tôi mở khóa điện thoại và khi vừa định bắt đầu học thánh thư thì tôi thấy khoảng sáu thông báo về những tin nhắn văn bản và email đã được gửi đến qua đêm. Tôi nghĩ: “Mình sẽ kiểm tra nhanh mấy cái tin nhắn này, rồi sẽ trở lại đọc thánh thư ngay.” Vậy đó, hai tiếng sau tôi vẫn còn đọc mấy cái tin nhắn văn bản, email, bản tin, và bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội. Khi tôi nhận ra đã mấy giờ rồi, thì tôi cuống lên vội vã chuẩn bị cho ngày mới. Sáng hôm đó, tôi đã không học thánh thư, và hậu quả là tôi đã không nhận được sự nuôi dưỡng thuộc linh mà mình hy vọng.

Sự Nuôi Dưỡng Thuộc Linh

Tôi chắc rằng nhiều anh chị em có thể cảm thông với tôi. Công nghệ hiện đại ban phước cho chúng ta trong nhiều phương diện. Chúng có thể kết nối chúng ta với bạn bè và gia đình, với thông tin, và với tin tức về thời sự trên khắp thế giới. Tuy nhiên, chúng cũng có thể làm chúng ta sao lãng khỏi sự kết nối quan trọng nhất: sự kết nối của chúng ta với thiên thượng.

Tôi lặp lại điều vị tiên tri của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson, đã nói: “Chúng ta sống trong một thế giới phức tạp và ngày càng nhiều sự tranh chấp. Mạng xã hội luôn luôn có sẵn và các bản tin xuyên suốt 24 giờ đang tấn công chúng ta với những thông điệp không dứt. Nếu chúng ta muốn có hy vọng để sàng lọc được vô số tiếng nói và triết lý loài người mà đả kích lẽ thật, thì chúng ta phải học cách nhận được sự mặc khải.”

Chủ Tịch Russell M. Nelson tiếp tục cảnh báo rằng “trong những ngày tới, chúng ta sẽ không thể nào tồn tại được về mặt thuộc linh nếu không có ảnh hưởng dìu dắt, hướng dẫn, và an ủi liên tục của Đức Thánh Linh.”1

Cách đây nhiều năm, Chủ Tịch Boyd K. Packer kể về chuyện một bầy hươu, mà vì tuyết rơi nhiều quá, đã bị kẹt ở bên ngoài môi trường sống tự nhiên của chúng và có thể phải chết đói. Một vài người có thiện ý, vì muốn cố gắng cứu bầy hươu, nên đã đổ cả xe tải đầy cỏ khô xung quanh khu vực đó—mà hươu thì thường không ăn cỏ khô, nhưng họ hy vọng là ít nhất nó cũng giúp cho bầy hươu sống sót qua mùa đông. Buồn thay, về sau người ta thấy đa số những con hươu này đều chết. Chúng đã ăn cỏ khô, nhưng cỏ khô không nuôi dưỡng chúng, và chúng đã chết vì đói với cái bụng căng phồng.2

Nhiều thông điệp mà chúng ta liên tục nhận được trong thời đại thông tin thì về mặt thuộc linh, cũng tương tự như việc cho hươu ăn cỏ khô—chúng ta có thể ăn suốt ngày, nhưng nó sẽ không nuôi dưỡng chúng ta.

Chúng ta tìm thấy thức ăn thuộc linh thực sự ở đâu? Thường thì nó không phổ biến trên phương tiện truyền thông xã hội. Chúng ta tìm thấy nó khi chúng ta “cố sức [mình] tiến tới trước” trên con đường giao ước, “tay luôn luôn giữ chặt thanh sắt,” và ăn trái cây sự sống.3 Điều này có nghĩa là chúng ta cần phải chú tâm bỏ ra thời gian mỗi ngày để ngắt kết nối với thế gian và để kết nối với thiên thượng.

Trong giấc mơ của Lê Hi, ông đã thấy những người ăn trái cây nhưng rồi lại từ bỏ trái ấy bởi vì ảnh hưởng của tòa nhà rộng lớn vĩ đại, tính kiêu căng của thế gian.4 Điều đó có thể xảy ra với những người trẻ tuổi được lớn lên trong một gia đình Thánh Hữu Ngày Sau, tham dự tất cả các buổi họp và lớp học thích hợp trong Giáo Hội, thậm chí tham gia vào các giáo lễ trong đền thờ, và rồi đi lạc “vào những lối cấm rồi [trở nên] lạc mất luôn.”5 Tại sao điều này xảy ra? Trong nhiều trường hợp, đó là vì mặc dù họ có thể làm những việc mà nhìn vào có vẻ như mang tính thuộc linh, nhưng họ không thực sự được cải đạo. Họ được cho ăn nhưng không được nuôi dưỡng.

Sinh hoạt giới trẻ

Ngược lại, tôi đã gặp nhiều người trong số các em là Các Thánh Hữu Ngày Sau thông minh, vững mạnh, và trung tín. Các em biết mình là con trai và con gái của Thượng Đế và rằng Ngài có một công việc cho các em để làm. Các em yêu mến Thượng Đế với tất cả “tấm lòng, năng lực, tâm trí, và sức mạnh.”6 Các em tuân giữ các giao ước của mình và phục vụ người khác, bắt đầu từ ở nhà. Các em thực hành đức tin, hối cải, và tiến bộ mỗi ngày, và điều này mang đến cho các em niềm vui lâu dài. Các em đang chuẩn bị cho các phước lành đền thờ và các cơ hội khác mà các em sẽ có với tư cách là các tín đồ trung tín của Đấng Cứu Rỗi. Và các em đang giúp chuẩn bị thế gian cho Ngày Tái Lâm, mời gọi tất cả mọi người đến cùng Đấng Ky Tô và tiếp nhận các phước lành của Sự Chuộc Tội của Ngài. Các em được kết nối với thiên thượng.

Chuyến đi đền thờ của giới trẻ

Vâng, các em đối mặt với những thử thách. Nhưng mỗi thế hệ thì cũng làm như vậy. Đây là thời kỳ của chúng ta, và chúng ta cần phải trở nên trung tín, chứ đừng bất trung. Tôi làm chứng rằng Chúa biết rõ những thử thách của chúng ta, và qua sự lãnh đạo của Chủ Tịch Nelson, Ngài đang chuẩn bị chúng ta để đối phó với chúng. Tôi tin rằng lời kêu gọi mới đây của vị tiên tri về việc để cho Giáo Hội đặt mái gia đình làm trọng tâm và được hỗ trợ bởi những gì diễn ra bên trong các nhà hội của chúng ta,7 được thiết kế nhằm giúp chúng ta sống sót—thậm chí tăng trưởng—trong thời kỳ này của tình trạng suy dinh dưỡng về mặt thuộc linh.

Đặt Mái Gia Đình Làm Trọng Tâm

Trở thành một Giáo Hội đặt mái gia đình làm trọng tâm có nghĩa là gì? Các mái gia đình có thể rất khác biệt trên khắp thế giới. Anh chị em có thể thuộc vào một gia đình là tín hữu của Giáo Hội trong nhiều thế hệ. Hoặc anh chị em có thể là tín hữu duy nhất của Giáo Hội trong gia đình mình. Anh chị em có thể đã kết hôn hay độc thân, có con cái hoặc không có con cái ở nhà.

Bất kể hoàn cảnh của anh chị em ra sao, anh chị em có thể làm cho mái gia đình của mình là trọng tâm của việc học hỏi và sống theo phúc âm. Nói một cách đơn giản nó có nghĩa là chịu trách nhiệm cá nhân cho sự cải đạo và sự phát triển thuộc linh của anh chị em. Nó có nghĩa là tuân theo lời khuyên bảo của Chủ Tịch Nelson “để [sắp xếp lại] nhà cửa của mình thành nơi trú ẩn của đức tin.”8

Kẻ nghịch thù sẽ cố gắng thuyết phục anh chị em rằng sự nuôi dưỡng thuộc linh là không cần thiết, hoặc một cách xảo quyệt hơn, rằng việc đó có thể chờ. Nó là cha đẻ của sự sao lãng và bậc thầy của sự trì hoãn. Nó sẽ làm cho anh chị em tập trung vào sự việc dường như cấp bách, nhưng thực sự lại không mấy quan trọng. Nó sẽ làm cho anh chị em phải trở nên vô cùng “bối rối về nhiều việc” đến nỗi anh chị em sao lãng “một việc cần mà thôi.”9

Tôi biết ơn biết bao về “gia đình nề nếp” của tôi,10 mà cha mẹ tôi đã nuôi nấng con cái họ trong một mái gia đình luôn luôn có sự nuôi dưỡng thuộc linh, những mối quan hệ đầy yêu thương, và các sinh hoạt giải trí lành mạnh. Những điều họ giảng dạy trong thời thơ ấu của tôi đã mang lại nhiều lợi ích cho tôi. Thưa các bậc cha mẹ, xin hãy xây đắp những mối quan hệ chặt chẽ với con cái mình. Chúng cần nhiều hơn thời gian của anh chị em, chứ không phải ít hơn.

Giáo Hội Hỗ Trợ

Khi anh chị em làm như vậy, Giáo Hội sẽ hỗ trợ anh chị em. Những kinh nghiệm của chúng ta ở nhà thờ có thể củng cố cho sự nuôi dưỡng thuộc linh diễn ra ở nhà. Cho đến bây giờ, trong năm nay, chúng ta đã thấy cách thức hỗ trợ này của Giáo Hội trong Trường Chủ Nhật và Hội Thiếu Nhi. Chúng ta cũng sẽ thấy điều này nhiều hơn trong các buổi họp Chức Tư Tế A Rôn và Hội Thiếu Nữ. Bắt đầu từ tháng Một, chương trình giảng dạy cho các buổi họp này sẽ được điều chỉnh một chút. Nó sẽ vẫn tập trung vào các đề tài phúc âm, nhưng các đề tài này sẽ phù hợp với tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình. Đây là một sự thay đổi nhỏ, nhưng nó có thể tạo ra ảnh hưởng lớn lao đến sự nuôi dưỡng thuộc linh của giới trẻ.

Giáo Hội còn cung ứng các cách thức hỗ trợ nào khác nữa? Ở nhà thờ, chúng ta dự phần Tiệc Thánh, mà giúp chúng ta tái lập cam kết của mình với Đấng Cứu Rỗi mỗi tuần. Và ở nhà thờ, chúng ta cùng quy tụ với những người tin khác mà cũng cùng lập các giao ước tương tự. Các mối quan hệ đầy yêu thương chúng ta tạo ra với những người cùng là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô có thể là một sự hỗ trợ mạnh mẽ cho vai trò môn đồ của chúng ta được đặt trọng tâm ở nhà.

Năm tôi 14 tuổi, gia đình tôi dọn đến một khu xóm mới. Giờ đây, việc này có vẻ như không phải là một thảm kịch đối với anh chị em, nhưng trong tâm trí tôi, vào lúc đó, thì thật là khủng khiếp. Nó có nghĩa là phải ở xung quanh những người mà tôi không quen biết. Nó có nghĩa là tất cả các thiếu niên khác trong tiểu giáo khu của tôi sẽ không học cùng trường trung học với tôi. Và trong tâm trí của một thiếu niên 14 tuổi, tôi nghĩ: “Làm sao cha mẹ mình có thể làm như thế với mình chứ?” Tôi cảm thấy như thể cuộc đời của tôi đã bị hủy hoại.

Tuy nhiên, qua những buổi sinh hoạt Hội Thiếu Niên, tôi đã có thể xây đắp những mối quan hệ với các thành viên khác trong nhóm túc số của tôi, và họ trở thành những người bạn của tôi. Ngoài ra, các thành viên trong giám trợ đoàn và các cố vấn trong Chức Tư Tế A Rôn bắt đầu đặc biệt quan tâm đến cuộc sống của tôi. Họ tham dự các buổi thi đấu thể thao của tôi. Họ viết cho tôi những lá thư ngắn đầy khích lệ mà tôi còn giữ cho đến nay. Họ vẫn giữ liên lạc với tôi sau khi tôi đi học đại học và đi phục vụ truyền giáo. Một người trong số đó thậm chí còn ra sân bay đón tôi khi tôi đi truyền giáo về. Tôi sẽ mãi mãi biết ơn những người anh em tốt bụng này cùng tình yêu thương và những sự kỳ vọng cao mà họ dành cho tôi. Họ đã chỉ hướng cho tôi đến với Cha Thiên Thượng, và cuộc sống trở nên rực rỡ, hạnh phúc, và vui vẻ.

Làm thế nào chúng ta, với tư cách là cha mẹ và các vị lãnh đạo, giúp giới trẻ biết rằng họ không cô đơn khi bước đi trên con đường giao ước? Ngoài việc xây đắp những mối quan hệ cá nhân ra, chúng ta mời họ quy tụ theo những nhóm lớn và nhỏ—từ các buổi đại hội Cho Sức Mạnh của Giới Trẻ và buổi cắm trại của giới trẻ đến các buổi sinh hoạt hằng tuần của nhóm túc số hay lớp học. Đừng bao giờ xem thường sức mạnh đến từ việc cùng quy tụ với những người khác mà cũng đang cố gắng để được vững mạnh. Thưa các vị giám trợ và các vị lãnh đạo khác, xin hãy tập trung vào việc nuôi dưỡng các trẻ em và giới trẻ trong tiểu giáo khu của anh chị em. Chúng cần nhiều hơn thời gian của anh chị em, chứ không phải ít hơn.

Dù anh chị em là một người lãnh đạo, một người lân cận, một thành viên trong nhóm túc số, hoặc đơn giản chỉ là một người cùng là Thánh Hữu, nếu anh chị em có cơ hội để ảnh hưởng đến cuộc sống của một người trẻ tuổi, thì hãy giúp em ấy kết nối với thiên thượng. Ảnh hưởng của anh chị em có thể chính là “sự hỗ trợ của Giáo Hội” mà người trẻ tuổi đó cần.

Thưa các anh chị em, tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng đứng đầu Giáo Hội này. Ngài đang soi dẫn các vị lãnh đạo của chúng ta và hướng dẫn chúng ta đến sự nuôi dưỡng thuộc linh mà chúng ta cần để sống sót và tăng trưởng trong những ngày sau. Sự nuôi dưỡng thuộc linh đó sẽ giúp chúng ta trở nên trung tín và không bất trung. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Tô, A Men.