2019
Thuộc Về Giao Ước
Tháng Mười Một năm 2019


Thuộc Về Giao Ước

Thuộc về Thượng Đế và cùng nhau bước trên con đường giao ước của Ngài tức là được ban phước bằng cách thuộc về giao ước.

Anh chị em thân mến, có một câu chuyện kể về một em trong Hội Thiếu Nhi đang học cách cầu nguyện. “Cảm tạ Cha về chữ A, chữ B, … chữ G.” Đứa bé tiếp tục cầu nguyện: “Cảm tạ Cha về các chữ cái V, X, Y. Thưa Cha Thiên Thượng, cảm tạ Cha về số 1, số 2.” Giảng viên Hội Thiếu Nhi cảm thấy lo nhưng vẫn khôn ngoan chờ đợi. Đứa bé nói: “Cảm tạ Cha về số 5, số 6—và cảm tạ Cha về giảng viên Hội Thiếu Nhi của con. Cô ấy là người duy nhất từ trước đến nay cho phép con nói hết lời cầu nguyện của con.”

Cha Thiên Thượng nghe thấu lời cầu nguyện của mỗi đứa trẻ. Với tình yêu thương vô hạn, Ngài mời gọi chúng ta hãy đến, tin tưởng và thuộc vào Giáo Hội qua việc lập giao ước.

Thế gian này đầy dẫy những ảo tưởng, ảo ảnh, và trò ảo thuật. Quá nhiều điều dường như tạm thời và hời hợt. Khi chúng ta không để ý đến những bộ mặt giả mạo, trò giả vờ, những cái bấm thích và không thích của mọi người, thì chúng ta sẽ khao khát tìm kiếm điều gì đó hơn cả ngoại hình hấp dẫn nhất thời, mối quan hệ tạm thời, hoặc sự theo đuổi tư lợi của thế gian. May thay, có một cách để giải quyết vấn đề đó.

Khi chúng ta tìm đến các giáo lệnh lớn của Thượng Đế để yêu mến Ngài và người lân cận mình bằng giao ước, chúng ta làm như vậy không phải với tư cách là người lạ hay khách lạ, mà là con cái của Ngài ở nhà.1 Nghịch lý từ lâu đời thì vẫn còn đúng. Khi chúng ta không theo đuổi sở thích của mình theo thế gian bằng cách thuộc về giao ước, thì chúng ta tìm cách và trở thành con người vĩnh cửu tốt nhất của mình2—tự do, sống động, chân thực—và định rõ những mối quan hệ quan trọng nhất của mình. Thuộc về giao ước là lập và tuân giữ những lời hứa long trọng với Thượng Đế và với nhau, qua các giáo lễ thiêng liêng, mà mời gọi quyền năng tin kính để được bày tỏ trong cuộc sống chúng ta.3 Khi chúng ta giao ước hết lòng mình, thì chúng ta có thể trở thành con người tốt hơn con người hiện tại của mình. Thuộc về giao ước mang đến cho chúng ta địa vị, giá trị, khả năng để trở thành con người như thế. Nó tạo ra đức tin cần thiết cho cuộc sống và sự cứu rỗi.4

Các giao ước thiêng liêng trở thành một nguồn yêu thương dành cho Thượng Đế và từ Thượng Đế, và do đó là nguồn yêu thương ở giữa chúng ta. Thượng Đế, Cha Thiên Thượng của chúng ta, yêu thương chúng ta nhiều hơn và hiểu chúng ta rõ hơn là chúng ta yêu thương và hiểu bản thân mình. Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và sự thay đổi cá nhân (sự hối cải) mang đến lòng thương xót, ân điển, sự tha thứ. Những điều này an ủi nỗi đau đớn, cô đơn, bất công mà chúng ta kinh nghiệm trong cuộc sống trần thế. Vì Ngài là Thượng Đế, nên Cha Thiên Thượng của chúng ta muốn chúng ta nhận được ân tứ lớn lao nhất của Thượng Đế—niềm vui của Ngài, cuộc sống vĩnh cửu của Ngài.5

Thượng Đế của chúng ta là Thượng Đế của giao ước. Theo thiên tính của Ngài, Ngài “giữ giao ước và tỏ lòng thương xót.”6 Các giao ước của Ngài kéo dài đến “khi nào thời gian còn tồn tại, hay khi nào trái đất còn đứng vững, hay khi nào còn có một người trên mặt địa cầu này cần được cứu.”7 Mục đích của chúng ta không phải là lang thang trên trần thế một cách không chắc chắn và đầy nghi ngờ, nhưng để vui hưởng trong những mối quan hệ giao ước quý báu “còn mạnh hơn cả dây trói buộc của sự chết.”8

Các giáo lễ và giao ước của Thượng Đế có các điều kiện áp dụng chung cho tất cả mọi người và được làm tròn ở mức độ cá nhân. Trong sự công bằng của Thượng Đế, mỗi cá nhân ở mọi nơi và thuộc mọi lứa tuổi đều có thể nhận được các giáo lễ cứu rỗi. Quyền tự quyết luôn có hiệu lực—các cá nhân lựa chọn liệu có nên chấp nhận các giáo lễ được đưa ra không. Các giáo lễ của Thượng Đế là những tấm biển chỉ đường trên con đường giao ước của Ngài. Chúng ta gọi kế hoạch của Thượng Đế để mang con cái của Ngài trở về nhà là kế hoạch cứu chuộc, kế hoạch cứu rỗi, kế hoạch hạnh phúc. Chúng ta đều có thể có được sự cứu chuộc, sự cứu rỗi, hạnh phúc thượng thiên vì Chúa Giê Su Ky Tô “đã làm nên sự chuộc tội hoàn hảo này.”9

Thuộc về Thượng Đế và cùng nhau bước trên con đường giao ước của Ngài tức là được ban phước bằng cách thuộc về giao ước.

Thứ nhất, việc thuộc về giao ước đặt trọng tâm nơi Chúa Giê Su Ky Tô như là “đấng trung bảo của giao ước mới.”10 Tất cả mọi sự vật đều có thể cùng hợp tác vì lợi ích của chúng ta khi chúng ta “được thánh hóa trong Đấng Ky Tô … trong giao ước của Đức Chúa Cha.”11 Mỗi điều tốt lành và mọi phước lành đã được hứa đều đến với những người tiếp tục trung thành cho đến cùng. “Trạng thái … hạnh phúc của những người tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế” là để được “ban phước lành trong tất cả mọi điều, cả vật chất lẫn tinh thần,” và để “ở với Thượng Đế trong … trạng thái hạnh phúc bất tận.”12

Khi chúng ta tôn trọng các giao ước của mình, thì đôi khi chúng ta có thể cảm thấy như đang có được sự đồng hành của các thiên sứ. Và chúng ta sẽ được như thế—những người chúng ta yêu thương và ban phước cho chúng ta ở phía bên này của bức màn che, và những người yêu thương và ban phước cho chúng ta từ phía bên kia của bức màn che.

Mới đây Chị Gong và tôi đã thấy tấm gương xuất sắc và đầy yêu thương của việc thuộc về giao ước trong một căn phòng bệnh viện. Một người cha trẻ đang khẩn thiết cần được ghép thận. Gia đình anh ấy đã khóc, đã nhịn ăn và cầu nguyện để anh ấy nhận được một quả thận. Khi biết tin là đã có sẵn một quả thận cứu sống, vợ anh ấy thầm nói: “Hy vọng là gia đình kia sẽ không sao.” Để thuộc vào bởi giao ước, theo như lời của Sứ Đồ Phao Lô, là “tôi ở giữa anh em, để chúng ta cùng nhau giục lòng mạnh mẽ bởi đức tin chung của chúng ta, nghĩa là của anh em và của tôi.”13

Trên đường đời, chúng ta có thể đánh mất đức tin nơi Thượng Đế, nhưng Ngài không bao giờ mất đức tin nơi chúng ta. Nói theo nghĩa bóng, đèn trước hiên nhà Ngài luôn luôn bật sáng. Ngài mời gọi chúng ta hãy đến hoặc trở về với các giao ước mà đánh dấu con đường của Ngài. Ngài đứng chờ để sẵn sàng ôm chúng ta, thậm chí khi chúng ta “còn ở đàng xa.”14 Khi chúng ta tìm kiếm với con mắt đức tin những mẫu mực, những nét chính trong cuộc đời, hoặc những điểm mốc nối kết kinh nghiệm của mình, thì chúng ta có thể thấy được lòng thương xót dịu dàng và khích lệ của Ngài, đặc biệt là trong lúc khó khăn, buồn phiền, và thử thách, cũng như trong lúc mừng vui. Bất kể bao nhiêu lần chúng ta vấp ngã, nếu chúng ta tiếp tục đến với Ngài, Ngài sẽ giúp đỡ chúng ta, từng bước một.

Thứ hai, Sách Mặc Môn là bằng chứng mà chúng ta có thể cầm trong tay về việc thuộc về giao ước. Sách Mặc Môn là phương tiện đã được hứa cho sự quy tụ con cái của Thượng Đế, mà đã được tiên tri là một giao ước mới.15 Khi chúng ta đọc Sách Mặc Môn, tự mình đọc và với người khác, dù là đọc thầm hay đọc thành tiếng, chúng ta có thể cầu vấn Thượng Đế “với một tấm lòng chân thành, với chủ ý thật sự cùng có đức tin nơi Đấng Ky Tô,” và nhận được sự bảo đảm của Thượng Đế rằng Sách Mặc Môn là chân chính nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh.16 Điều này gồm có sự bảo đảm rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Joseph Smith là Vị Tiên Tri của Sự Phục Hồi, và Giáo Hội của Chúa được gọi theo danh Ngài—Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.17

Sách Mặc Môn nói bằng giao ước thời xưa và thời hiện đại với anh chị em là các con cái của Lê Hi, “con cháu của các tiên tri”.18 Tổ tiên của anh chị em đã nhận được một giao ước hứa rằng anh chị em, con cháu của họ, sẽ nhận ra một tiếng nói như thể đó là từ bụi đất trong Sách Mặc Môn.19 Tiếng nói đó mà anh chị em cảm thấy trong khi đọc, làm chứng rằng anh chị em là “con cái của giao ước”20 và Chúa Giê Su là Đấng Chăn Hiền Lành của anh chị em.

Sách Mặc Môn mời gọi mỗi người chúng ta, theo như lời của An Ma, hãy lập “giao ước với [Chúa], rằng [chúng ta] sẽ phụng sự Ngài và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài, để Ngài có thể trút Thánh Linh của Ngài xuống [chúng ta] một cách dồi dào hơn.”21 Khi chúng ta muốn thay đổi để được tốt hơn—như một người đã nói “để khỏi bị khổ sở và được hạnh phúc vì cảm thấy hạnh phúc”—chúng ta trở nên dễ lĩnh hội đối với những sự hướng dẫn, giúp đỡ, và sức mạnh. Nhờ giao ước, chúng ta có thể thuộc vào với Thượng Đế và một cộng đồng những người tin trung tín và nhận được phước lành đã được hứa trong giáo lý của Đấng Ky Tô22—bây giờ.

Thẩm quyền của chức tư tế phục hồi và quyền năng để ban phước cho tất cả con cái Ngài là yếu tố thứ ba của việc thuộc về giao ước. Trong gian kỳ này, Giăng Báp Tít và Các Sứ Đồ Phi E Rơ, Gia Cơ, và Giăng đã đến với tư cách là các sứ giả vinh quang từ Thượng Đế để phục hồi thẩm quyền chức tư tế của Ngài.23 Chức tư tế của Thượng Đế và các giáo lễ của Ngài làm cho các mối quan hệ trên trần thế trở nên quý báu hơn và có thể gắn bó các mối quan hệ giao ước trên thiên thượng.24

Chức tư tế thật sự có thể ban phước cho mọi người từ lúc sinh ra cho đến khi qua đời—từ lễ đặt tên và phước lành của một đứa bé sơ sinh cho đến lễ cung hiến mộ phần. Các phước lành chức tư tế chữa lành, an ủi, và khuyên bảo. Một người cha tức giận với con trai mình cho đến khi tình yêu thương độ lượng đến với ông trong khi ông ban cho con trai mình một phước lành chức tư tế. Là tín hữu duy nhất của Giáo Hội trong gia đình, một thiếu nữ dễ mến cảm thấy không chắc chắn về tình yêu thương của Thượng Đế dành cho em ấy cho đến khi em ấy nhận được một phước lành đầy soi dẫn của chức tư tế. Trên khắp thế giới, các vị tộc trưởng đáng kính chuẩn bị phần thuộc linh để ban các phước lành tộc trưởng. Khi vị tộc trưởng đặt tay của ông lên đầu anh chị em, ông cảm nhận được và bày tỏ tình yêu thương của Thượng Đế dành cho anh chị em. Ông tuyên bố dòng dõi của anh chị em trong gia tộc Y Sơ Ra Ên. Ông nói rõ các phước lành từ Chúa. Vẫn chu đáo như thường lệ, vợ của một vị tộc trưởng nói với tôi về cách bà và gia đình bà mời gọi Thánh Linh, đặc biệt vào những ngày mà chồng bà ban các phước lành tộc trưởng.

Cuối cùng, các phước lành của việc thuộc về giao ước đến khi chúng ta noi theo vị tiên tri của Chúa và hân hoan sống theo giao ước đền thờ, kể cả trong hôn nhân. Giao ước hôn nhân trở nên cao thượng và vĩnh cửu khi mỗi ngày chúng ta chọn hạnh phúc của người phối ngẫu và của gia đình mình trước khi chọn cho bản thân mình. Khi từ “tôi” trở thành từ “chúng ta,” thì chúng ta tiến triển cùng với nhau. Chúng ta cùng nhau già đi; chúng ta cùng nhau trẻ ra. Khi chúng ta ban phước cho nhau trong suốt một cuộc đời quên mình vì người khác, chúng ta tìm thấy niềm hy vọng và niềm vui được thánh hóa trong thời tại thế lẫn thời vĩnh cửu.

Mặc dù có các tình huống khác nhau, nhưng khi chúng ta làm với hết sức mình, cố gắng với khả năng tốt nhất của mình, và chân thành cầu xin và tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa trong suốt cuộc sống, thì Chúa sẽ hướng dẫn chúng ta, theo kỳ định và cách thức của Ngài, qua Đức Thánh Linh.25 Các giao ước hôn nhân ràng buộc những người lập giao ước bằng lựa chọn chung của họ—một sự nhắc nhở về việc Thượng Đế và chúng ta luôn tôn trọng quyền tự quyết và nhớ đến phước lành về sự giúp đỡ của Ngài khi chúng ta đồng tâm tìm kiếm nó.

Chúng ta có thể cảm nhận được ở trong nhà và trong lòng chúng ta các phước lành của việc thuộc về giao ước trong khắp các thế hệ của gia đình. Cho phép tôi minh họa bằng một vài ví dụ cá nhân.

Khi Chị Gong và tôi mới yêu nhau và đang tính đến hôn nhân, tôi đã học được về quyền tự quyết và quyết định. Trong một thời gian, chúng tôi đi học ở hai quốc gia khác nhau trên hai lục địa khác nhau. Đó là lý do mà tôi có thể thành thật nói rằng tôi đã có được bằng tiến sĩ về ngành quan hệ quốc tế.

Khi tôi hỏi: “Thưa Cha Thiên Thượng, con có nên kết hôn với Susan không?” Tôi cảm thấy an tâm. Nhưng khi tôi biết cầu nguyện với chủ ý thật sự: “Thưa Cha Thiên Thượng, con yêu Susan và muốn kết hôn với nàng. Con hứa rằng con sẽ cố gắng hết sức là người chồng và người cha tốt nhất” —khi tôi đã hành động và đưa ra những quyết định tốt nhất của mình, thì lúc đó những xác nhận thuộc linh mạnh mẽ nhất của tôi đã đến.

Giờ đây các cây gia phả FamilySearch, các câu chuyện và hình ảnh của gia đình Gong và gia đình Lindsay của chúng tôi giúp chúng tôi khám phá và kết nối qua kinh nghiệm sống của các thế hệ thuộc về giao ước.26 Đối với chúng tôi, các tổ tiên đáng kính gồm có:

Alice Blauer Bangerter

Bà Cố Alice Blauer Bangerter, đã được ba lần hỏi cưới trong một ngày, về sau đã yêu cầu chồng bà lắp một cái bàn đạp lên máy đánh bơ để bà có thể đánh bơ và đan đồ, và đọc sách cùng một lúc.

Loy Kuei Char

Ông Cố Loy Kuei Char cõng các con của ông và chất đồ đạc của gia đình trên lưng lừa trong khi họ hành trình vượt qua cánh đồng đá dung nham trên Đảo Lớn ở Hawaii. Sự cam kết và hy sinh của nhiều thế hệ gia đình Char ban phước cho gia đình chúng tôi ngày nay.

Mary Alice Powell Lindsay

Bà Cố Nội Mary Alice Powell Lindsay bị bỏ lại một mình với năm đứa con thơ khi chồng và con trai cả của bà qua đời đột ngột chỉ cách nhau có vài ngày. Là một góa phụ trong 47 năm, bà đã nuôi nấng gia đình mình với tình yêu thương nâng đỡ của các vị lãnh đạo và các tín hữu ở địa phương. Trong nhiều năm đó, bà đã hứa với Chúa rằng nếu Ngài giúp đỡ bà, bà sẽ không bao giờ than vãn. Chúa đã giúp đỡ bà. Bà đã không bao giờ than vãn.

Thưa anh chị em, như đã được Đức Thánh Linh làm chứng, mọi điều tốt lành và vĩnh cửu đều tập trung vào thực tế sinh động về Thượng Đế Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu và Con Trai của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, và Sự Chuộc Tội của Ngài. Chúa Giê Su Ky Tô của chúng ta là Đấng Trung Gian của giao ước mới. Làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô là mục đích giao ước của Sách Mặc Môn.27 Bằng lời tuyên thệ và giao ước, thẩm quyền của chức tư tế phục hồi của Thượng Đế là để nhằm ban phước cho tất cả con cái của Thượng Đế, kể cả qua giao ước hôn nhân, các thế hệ gia đình, và các phước lành cá nhân.

Đấng Cứu Rỗi của chúng ta tuyên phán: “Ta là An Pha và Ô Mê Ga, là Đấng Ky Tô, là Chúa; phải, chính ta là ban đầu và cuối cùng, là Đấng Cứu Chuộc thế gian.”28

Vì Ngài đã ở cùng chúng ta từ lúc ban đầu, Ngài đang ở cùng chúng ta, trong tất cả những sự việc thuộc về giao ước của chúng ta, cho đến cùng. Tôi làm chứng như vậy trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.